Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cô Trương Thị Việt Liên: Tâm đắc với sự sáng tạo


Tham gia giải thưởng “Ngọn nến sáng tạo” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức, cô Trương Thị Việt Liên đã gửi đến Ban tổ chức hai sản phẩm. Đây là những vấn đề cô Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Bán công quận 11 tâm đắc và trăn trở từ lâu.

Cô Việt Liên trao đổi: “Ý tưởng viết công trình này của tôi xuất phát từ chủ trương của ngành học mầm non từ khi bắt đầu thực hiện chương trình đổi mới. Đây là ngành học làm nền tảng cho trẻ em lên học tiếp ở những lớp trên nên rất quan trọng. Qua thử nghiệm tại trường, tôi thấy giáo viên áp dụng biện pháp này rất phù hợp và có hiệu quả, giúp cho trẻ tự tin, linh hoạt hơn. Chính vì thế nên tôi mạnh dạn gửi dự thi”. Thế nhưng theo cô Liên đây là vấn đề mới nên chưa thể áp dụng đại trà mà phải chọn một số lớp điểm cho cả ba khối mầm, chồi, lá. Giáo viên thì phải chọn những người có kinh nghiệm, linh hoạt, sáng tạo đặc biệt yêu nghề mến trẻ, nổi bật trong trường như cô Thùy Liên, Cô Quang Loan, cô Hoàng Viên.

Chọn đội ngũ này là có lý do của nó. Nhiều năm gắn với bục giảng, chương trình đã thấm sâu vào máu thịt của họ nên việc thay đổi cải cách đối với đội ngũ giáo viên cũ bao giờ cũng khó hơn nhiều. Động lực thứ hai giúp cô thực hiện công trình là từ việc truy cập mạng. Ở đó, cô tiếp xúc được nhiều phương pháp giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới mà điểm chung là cách dạy nhẹ nhàng, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi. Dù thời gian làm công tác quản lý rất bận nhưng những video clip trong màn hình máy vi tính luôn cuốn hút cô đến mức ghiền luôn, không xem là nhớ. “Tôi rất thích những chương trình mới vì có chuẩn cụ thể, không áp đặt mục tiêu, tùy theo từng lớp chứ không gò bó như trước đây” - cô
Trương Thị Việt Liên tâm sự.

Là trường điểm diện tích rộng đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia nên Ban giám hiệu Trường Mầm non quận 11 rất an tâm về mặt cơ sở vật chất khi thực hiện phương pháp dạy hiện đại.

Khó khăn hiện nay, theo cô là sĩ số lớp học các trường mầm non quá đông, ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình và phương pháp dạy theo hướng đổi mới. Trường của cô hiện nay có sĩ số trung bình hơn 40 cháu/ lớp, trong khi ở các nước chỉ dao động từ 10 đến 20 cháu. Ít cháu sẽ thuận lợi cho việc phân chia đối tượng, giáo viên gần gũi cháu hơn và nắm được nhu cầu cũng như khả năng của trẻ trong giờ học.

Ở sản phẩm giới thiệu các trò chơi như kiến trúc sư tí hon, bàn cờ dã ngoại, bàn cờ tìm đường, cô Việt Liên lại muốn giúp trẻ phát triển những kỹ năng khác nhau như ghi nhớ, so sánh, đối chiếu… Dụng cụ chỉ là những mảnh giấy vụn rẻ tiền nên rất dễ ứng dụng, ít tốn kém. Chỉ cần đưa mẫu là trẻ có thể tự cắt dán thiết kế và sau đó các cháu đưa ra nhận xét và đề xuất ý kiến.

Nói về giải thưởng “Ngọn nến sáng tạo” cô Trương Thị Việt Liên cho biết, nhờ đọc Báo Giáo Dục TP.HCM và thường xuyên theo dõi thông tin nên một vài giáo viên trong trường đã có bài tham gia kịp thời và cô cũng mong muốn năm sau giải thưởng được phổ biến rộng rãi hơn.

                                          ( Theo Báo Giáo Dục )