Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bỏ qua bước này trước khi mang thai, mẹ hối hận vì con bị dị tật bẩm sinh, thậm chí nguy hiểm tính mạng


 

Nhiều mẹ bầu chủ quan, tự tin nghĩ rằng cơ thể mình khỏe mạnh cho đến khi không may mắc phải những bệnh dễ biến chứng, gây nguy hiểm tới thai nhi.


Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của cơ thể người mẹ sẽ hoạt động kém hơn bình thường. Nguy cơ nhiễm bệnh cũng vì vậy mà tăng lên. Mẹ hoàn toàn có thể mắc cúm, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, viêm gan A, B, uốn ván, viêm phổi do phế cầu, viêm màng não... đều là những căn bệnh rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến em bé.

 

Hậu quả của việc mẹ bầu bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm


Mẹ bầu mắc Rubella

 

90% trường hợp người mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây dị tật thai nhi hoặc sảy thai. Virus này ảnh hưởng đến não, tim, tai và mắt của em bé trong bụng, thậm chí có thể để lại di chứng khi trẻ chào đời.

 

Mẹ bầu bị sởi

 

Nếu bà mẹ mắc bệnh sởi khi mang thai, nguy cơ dị dạng thai nhi rất cao. Ngoài ra, phụ nữ bị sởi khi mang thai có thể gây sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.

Bỏ qua bước này trước khi mang thai, mẹ hối hận vì con bị dị tật bẩm sinh, thậm chí nguy hiểm tính mạng - Ảnh 1.
Mẹ bầu mắc quai bị

Virus quai bị có thể làm viêm nhiễm buồng trứng, đồng thời phá hủy tế bào trứng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Ngoài ra, quai bị có thể gây dị tật bẩm sinh, sinh non và thai chết lưu. Đặc biệt, nguy cơ càng cao hơn nếu mẹ bầu bị nhiễm quai bị trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba của thai kỳ.

 

Mẹ bầu bị bạch hầu - ho gà - uốn ván

 

Phụ nữ mang thai mắc bệnh bạch hầu, ho gà sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho thai nhi. Trong khi đó, bệnh uốn ván có thể xâm nhập trong lúc mẹ bầu sinh nở theo đường âm đạo và gây uốn ván tử cung.

 

Mẹ bầu bị viêm gan siêu vi B

 

Virus này có thể lây truyền thông qua máu và dịch cơ thể. Vì vậy, chị em có thể dễ dàng mắc bệnh này mà không hề hay biết. Không chỉ họ mà người chồng cũng nên tiêm phòng viêm gan siêu vi B. Văcxin này gồm 3 mũi, tiêm trong vòng 4 tháng. Nếu không hoàn thành 3 mũi viêm gan siêu vi B trước khi mang thai, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục tiêm phòng khi mang thai.

 

 

 

Không nên bỏ qua bước tiêm chủng trước khi mang thai


Tốt nhất chị em phụ nữ nên có sự chuẩn bị ít nhất ba tháng trước khi mang thai, gồm cả kiến thức - tâm lý, dinh dưỡng, đi khám sức khỏe để được bác sĩ tư vấn chích ngừa và uống axit folic để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho thai nhi. Việc bảo vệ sức khỏe mẹ bầu trong giai đoạn này cực kỳ quan trọng.

Những loại vắc-xin tiêm trước khi mang thai là các loại vắc-xin được bào chế từ vi-rút hoặc vi khuẩn sống, vì vậy không được tiêm trong thai kỳ. Nếu mẹ bầu muốn tiêm chủng các loại vắc xin này thì cần phải ngừa thai ít nhất là 3 tháng.

Bỏ qua bước này trước khi mang thai, mẹ hối hận vì con bị dị tật bẩm sinh, thậm chí nguy hiểm tính mạng - Ảnh 1.
Các mũi vắc xin cần tiêm trước khi mang thai và lưu ý

 

Quên tiêm chủng trước khi mang thai, phải làm sao?


Tiêm phòng trước khi mang thai là cách phòng bệnh hiệu quả, bảo vệ mẹ và bé trước những nguy hiểm bệnh tật rình rập.

Tuy nhiên, nếu lỡ quên thì mẹ bầu không nên quá lo lắng, tập trung chăm sóc sức khỏe thật tốt. Trên thực tế, có rất nhiều chị em không tiêm phòng trước khi mang thai vẫn sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi đã có kế hoạch sinh nở, chị em nên chủ động đi tiêm phòng đầy đủ để đảm bảo điều kiện tốt nhất khi mang thai.

Bên cạnh đó, nên đi kiểm tra thai kỳ thường xuyên, nhận lời tư vấn của bác sĩ khi có vấn đề bất thường nào xảy ra. Ngoài ra, hãy áp dụng một số cách sau:

- Bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lành mạnh và chăm sóc bản thân thật tốt.

- Nghỉ ngơi, hoạt động thể thao hợp lý.

- Hạn chế tiếp xúc với đám đông, nhất là khi đang có dịch và mang khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài.

- Vệ sinh cơ thể, răng miệng, đường hô hấp thường xuyên hàng ngày để tăng sức đề kháng của cơ thể, hạn chế nhiễm bệnh.

 

Theo Afamily.vn

Theo Phụ nữ số