Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bất thường tinh hoàn ở trẻ


 

Bé đau tinh hoàn, bìu sưng do bệnh lý cần được điều trị đúng cách tránh biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng sinh sản sau này.

 

Tinh hoàn ẩn

 

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tân, khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết tinh hoàn ẩn phổ biến ở trẻ mới chào đời. Bệnh nhi không cần điều trị nếu tinh hoàn di chuyển xuống bìu trong 3-6 tháng. Tuy nhiên, một số trường hợp tinh hoàn không tự di chuyển đúng vị trí, bắt buộc phải can thiệp.

 

Thời điểm phẫu thuật thường trước 12 tháng tuổi. Điều trị bệnh sớm giảm nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe sinh sản và ung thư tinh hoàn.

 

Đau tinh hoàn

 

Đau tinh hoàn thường do xoắn hoặc viêm mào tinh hoàn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thường gặp ở bé trai trước tuổi dậy thì. Nếu bìu bé trai sưng tấy và đau nhói, kèm theo buồn nôn và nôn, phụ huynh nên đưa bé đến bệnh viện khám ngay. Trong số ít trường hợp, bệnh không phát hiện và xử trí kịp thời có thể hoại tử tinh hoàn, buộc cắt bỏ.

 

Với trường hợp viêm mào tinh hoàn, bác sĩ kê thuốc giảm đau, hướng dẫn phụ huynh chườm đá và cho bé nghỉ ngơi để giảm các triệu chứng khó chịu.

 

Các bất thường tinh hoàn ở trẻ cần khám sớm để tránh nguy cơ biến chứng. Ảnh: Freepik

 

Bìu sưng

 

Bìu sưng có thể là dấu hiệu của tràn dịch tinh mạc (tinh dịch tập trung thành một túi nằm bên cạnh tinh hoàn bên trong bìu) hoặc thoát vị bẹn. Nếu bé có khối u ở một bên bẹn và cảm thấy khó chịu thì phụ huynh nên đưa bé đến bệnh viện khám, giảm nguy cơ tái phát thoát vị.

 

Theo bác sĩ Tân, có nhiều yếu tố ảnh hưởng hệ thống sinh sản của nam giới như:

 

Bệnh lý của thai kỳ: Sinh non là yếu tố chính của bệnh tinh hoàn ẩn. Ngoài ra, sự phát triển của dị tật ảnh hưởng bởi tình trạng nhiễm độc ở người mẹ, tình trạng thiếu oxy của thai nhi trong tử cung và bế trẻ sai tư thế.

 

Rối loạn di truyền và nhiễm sắc thể: Khiếm khuyết liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của cơ quan sinh sản thường do biến đổi di truyền gây ra. Thông thường đây là những đột biến tự phát dẫn đến rối loạn phát triển của thai nhi trong tử cung.

 

Nhiễm độc thai kỳ: Một số chất độc thực vật và động vật, dược chất, rượu... xâm nhập vào cơ thể người mẹ khi mang thai gây hại cho thai nhi, dẫn đến rối loạn hình thành tinh hoàn.

 

Nhiễm trùng ở người mẹ: Một số bệnh truyền nhiễm (sởi, rubella, cúm, nhiễm herpesvirus) mà người mẹ mắc phải trong quá trình mang thai góp phần phát triển các dị tật ở tinh hoàn. Điều này là do tác động trực tiếp của mầm bệnh lên thai nhi hoặc do ảnh hưởng của hoạt động miễn dịch thay đổi của cơ thể người mẹ.

 

Lục Bảo (vnexpress.net)