Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ béo phì mắc bệnh hô hấp dễ trở nặng


 

Chất béo thừa gây rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng đến đường hô hấp của trẻ, tăng nguy cơ biến chứng nặng khi bị cảm, ho.


Ngày 20/12, ThS.BS CKI Lê Thị Ngọc, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết như trên, thêm rằng trẻ béo phì thường khó thở hơn trẻ bình thường, dễ mắc bệnh hô hấp, nguy hiểm là ngưng thở khi ngủ, rối loạn nhịp thở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

 

Tại khoa Nhi của bệnh viện, hiện bệnh nhi nhập viện vì nhiễm trùng đường hô hấp chiếm 90% số ca điều trị nội trú. Các bệnh thường gặp như cúm, viêm xoang, thanh quản, mũi họng, viêm phổi, tiểu phế quản, phế quản.

 

Trong tháng 11, bệnh viện tiếp nhận 5 trẻ thừa cân, béo phì cần hỗ trợ oxy. Tùy mức độ suy hô hấp, các bệnh nhi được hỗ trợ oxy qua mũi, nặng hơn có thể bằng thiết bị thở áp lực dương (Continuous Positive Airway Pressure - CPAP), chưa ghi nhận trường hợp cần thở máy.

 

Như bé Nguyên 11 tuổi, béo phì độ 2, viêm phổi phải thở oxy hỗ trợ ba ngày do suy hô hấp. Lúc mới sinh bé nặng 3,3 kg, thừa cân khi 2 tuổi, nặng 25 kg. Tròn 11 tuổi, Nguyên nặng 65 kg, cao 145 cm, chỉ số khối cơ thể (BMI) 31. Mẹ bé cho biết Nguyên ăn 7 bữa mỗi ngày, uống nước ngọt, nằm xem tivi nhiều giờ.

 

Đầu tháng 12, Nguyên ho, thở rít, khó thở, khám tại bệnh viện Tâm Anh TP HCM. Kết quả kiểm tra cho thấy bé viêm phổi, cần nhập viện. Bác sĩ truyền kháng sinh điều trị viêm phổi cho bệnh nhi. Song chỉ số SPO2 tụt còn 93%, khó thở, phải thở CPAP.

 

Theo bác sĩ Ngọc, suy hô hấp là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh viêm phổi. Nếu không điều trị kịp thời dẫn tới thiếu oxy, tử vong nhanh chóng. Do béo phì, mỡ ngăn cản lồng ngực mở rộng, Nguyên khó hít thở hơn. Chất béo tích tụ ở phổi cũng làm giảm quá trình trao đổi oxy trong cơ thể.

 

Trường hợp khác, Nhật, 3 tuổi, nặng 26 kg, cao 99 cm, chỉ số BMI 26,5 (thừa cân) vừa nhập viện giữa tháng 12 vì nhiễm trùng đường hô hấp trên. Mẹ bé cho biết con thường ngủ ngáy, khò khè, khó thở. Trong năm nay, bé nhập viện 4 lần để điều trị bệnh viêm họng, phổi.

 

Bác sĩ Ngọc đánh giá điều trị cho Nguyên khó khăn vì tùy loại thuốc kháng sinh mà bác sĩ phải chỉnh liều thuốc vì khi dùng cân nặng thực tế sẽ gây quá liều. Bệnh nhi thừa cân từ nhỏ, nhiều lần nhập viện vì viêm phổi, viêm mũi họng, dễ kháng thuốc... nên phải dùng ba loại kháng sinh kết hợp.

 

Nguy cơ khiến bệnh nhi béo phì dễ trở nặng do nhiễm trùng đường hô hấp so với trẻ khỏe mạnh bình thường vẫn chưa rõ, theo bác sĩ Ngọc. Tuy nhiên, có một số nghiên cứu cho rằng chất béo thừa, nhất là mỡ nội tạng, góp phần vào sự phát triển của nhiều loại rối loạn chuyển hóa. Hệ miễn dịch cơ thể béo phì đối với mầm bệnh truyền nhiễm dễ suy yếu, gây ra biến chứng, tỷ lệ tái phát cao.

 

Bác sĩ Ngọc dẫn nghiên cứu Bệnh viện Nhi khoa và Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ năm 2021 cho thấy trong số 716 trẻ nhập viện vì cơn hen cấp và viêm phổi cấp, có 82 trẻ (11,4%) thừa cân và 138 trẻ (19,3%) béo phì. Tỷ lệ trẻ tái nhập viện sau 30 ngày chiếm khoảng 3%.

 

 

Trẻ béo phì mắc bệnh hô hấp nguy cơ trở nặng. Ảnh: Freepik


Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19% năm 2020.

 

Hiện, miền Bắc giao mùa, tối và sáng sớm trời trở lạnh. Nhiệt độ giảm sâu thuận lợi cho nhiều bệnh truyền nhiễm bùng phát. Hệ miễn dịch của trẻ không kịp thích nghi, dễ mắc bệnh và biến chứng nặng. Trong đó có nhóm trẻ thừa cân, béo phì, nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời dẫn đến nhiễm trùng huyết, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, tử vong.

 

Bác sĩ Ngọc khuyến cáo trẻ hoạt động thể chất, ăn uống lành mạnh và kiểm soát cân nặng để chống lại tác nhân gây nhiễm trùng hô hấp.

 

Tuệ Diễm ( Vnexpress.net)