Sức khoẻ
   Cách phòng bệnh viêm mũi lúc giao mùa cho con
 

 

Viêm mũi tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra nhiều bất tiện cho người bệnh.

 


Cha mẹ nên đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường để phòng các bệnh về đường hô hấp. Ảnh minh họa: ITN.


Viêm mũi tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra nhiều bất tiện cho người bệnh. Đó là tình trạng viêm sưng lớp niêm mạc ở khoang mũi, dẫn đến các triệu chứng nghẹt, chảy nước mũi, ngứa và hắt hơi.

 

Các loại thường gặp

 

Thời điểm giao mùa, thời tiết nồm ẩm nhiều khiến bệnh liên quan đến hô hấp thường xuyên xảy ra, trong đó có viêm mũi. Đối với học sinh, cha mẹ cần lưu ý ngăn ngừa và phòng bệnh cho con.

 

Chị Nguyễn Phương Thanh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, thời điểm giao mùa khiến cả nhà đều bị các bệnh về tai - mũi - họng. Đặc biệt là trẻ thường bị viêm mũi gây khó chịu ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt.

 

"Con thường xuyên chảy nước mũi, có lúc kêu đau đầu, ăn uống kém và thường hắt xì trong lớp rất bất tiện. Theo quan sát thấy có rất nhiều trẻ có những triệu chứng tương tự trong thời gian gần đây", chị Thanh chia sẻ.

 

Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng - Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, giai đoạn này với nền nhiệt trong ngày thay đổi thất thường và độ ẩm cao sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh.

 

Thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc có thể sinh sôi, gây nên nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt với trẻ nhỏ, trong đó cũng cần lưu ý đến viêm mũi.

 

Các dấu hiệu của bệnh viêm mũi có thể diễn tiến từ nhẹ đến nghiêm trọng. Chúng thường ảnh hưởng đến khoang mũi, cổ họng và mắt của người bệnh, bao gồm nghẹt, sổ mũi, ngứa mũi, họng, mắt và tai, chảy dịch mũi sau, hắt xì, ho, viêm họng, chảy nước mắt, ngủ ngáy, đau đầu, đau mặt, giảm khứu giác, vị giác hoặc thính giác.

 

Viêm mũi được chia thành 2 dạng chính là viêm mũi dị ứng và viêm mũi không do dị ứng. Trong đó, viêm mũi dị ứng là dạng viêm mũi thường gặp nhất. Nó xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phát hiện và phản ứng lại với các tác nhân từ môi trường. Những tác nhân này vô hại với hầu hết mọi người như bụi, nấm mốc, phấn hoa, lông động vật, nước hoa..., nhưng nếu người bệnh bị dị ứng với chúng, cơ thể sẽ phản ứng lại.

 

Viêm mũi dị ứng được chia làm hai loại là có chu kỳ và loại không có chu kỳ. Đối với loại theo chu kỳ đa phần xảy ra vào đầu mùa lạnh hoặc đầu mùa nóng, nóng ẩm, tỷ lệ mắc bệnh tùy thuộc vào thời tiết. Ngoài ra, cách điều trị viêm mũi dị ứng còn tùy thuộc mức độ bệnh và tiến triển thành mãn tính hay chưa.

 

Người bệnh thường gặp các triệu chứng như thấy cay cay trong mũi, ngứa mũi, dẫn đến hắt hơi liên tục; cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt; chảy nhiều nước mũi trong suốt giống như nước lã; vùng vòm hầu họng có cảm giác ngứa; những cơn hắt hơi chảy nước mũi xuất hiện nhiều hơn vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy, đến tối lại dịu đi. Nếu không được chữa trị, triệu chứng viêm mũi dị ứng có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.

 

Đối với viêm mũi dị ứng không có chu kỳ, biểu hiện cũng giống như loại có chu kỳ, tuy nhiên, điểm khác biệt ở chỗ, bệnh xuất hiện không theo mùa, không phụ thuộc vào thời tiết. Cơn viêm mũi không xảy ra đột ngột, mà chỉ có dấu hiệu hắt hơi vài cái, nhưng tình trạng nghẹt mũi thường tăng dần và kéo dài hơn trong khoảng thời gian giữa hai cơn liên tiếp.

 

"Bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng trong thời gian dài sẽ trở thành bệnh mãn tính. Khi đó, tình trạng nghẹt mũi xảy ra gần như thường xuyên, có khả năng dẫn đến ù tai, kèm theo nhức đầu, đau nặng đầu. Một số trường hợp người bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính kéo dài có thể gây ra loạn khứu giác hoặc ngủ ngáy do bị nghẹt mũi và không loại trừ trẻ nhỏ, học sinh", bác sĩ Hằng khuyến cáo.

 

Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng thông tin thêm, nếu bị mãn tính thì cách chữa khó khăn hơn. Mặc dù bệnh viêm mũi dị ứng không gây nguy hiểm đến tính mạng, cũng không thuộc bệnh truyền nhiễm hoặc cần phải cấp cứu, nhưng nó gây ra nhiều phiền toái đến cuộc sống và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người bệnh, nhất là đối với học sinh phải đến chỗ đông người lại chưa biết cách tự chăm sóc mình.

 

Hơn nữa, do bị nghẹt mũi cho nên người bệnh đa phần phải thở bằng miệng, dẫn đến viêm họng, viêm phế quản, rất có thể sẽ dẫn tới bệnh hen suyễn. Người bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính cần được chữa trị, nếu không sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, khó chịu, lo lắng và đôi khi dẫn đến trầm cảm, ảnh hưởng lớn đến học tập và làm việc.

 

Còn đối với viêm mũi không do dị ứng, khác với viêm mũi dị ứng, chúng không bị kích hoạt bởi chất gây dị ứng và không liên quan đến phản ứng của hệ thống miễn dịch. Nó được chia thành nhiều loại nhỏ hơn tùy vào nguyên nhân gây bệnh, thường gặp nhất là do virus.

 

Loại viêm mũi này xảy ra do sự xâm nhập và tấn công từ các loại virus, như virus cảm lạnh hoặc virus cúm. Tình trạng viêm kích thích sản xuất chất nhầy, gây hắt hơi, sổ mũi và nhiều triệu chứng khác.

 

Bên cạnh đó còn có dạng viêm mũi do thuốc thường xảy ra khi có sự lạm dụng thuốc thông mũi không kê đơn như dạng xịt mũi hoặc nhỏ mũi. Lúc này, thay vì làm giảm các triệu chứng mũi - xoang, thuốc thông mũi sẽ quay sang kích thích niêm mạc mũi và dẫn đến viêm mũi.

 


Viêm mũi gây khó chịu cho người bệnh, làm giảm hiệu quả học tập và công việc. Ảnh minh họa: ITN

 


Phòng ngừa như thế nào?

 

Người tiền sử bị hen suyễn hoặc các loại dị ứng khác, có người thân cùng huyết thống bị dị ứng hoặc hen suyễn có nguy cơ cao mắc viêm mũi dị ứng. Bên cạnh đó, những người sống hoặc làm việc trong môi trường phải thường xuyên tiếp xúc với các chất gây dị ứng, như mạt bụi hoặc lông động vật, cũng dễ khởi phát bệnh.

 

Đối với viêm mũi không do dị ứng, các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thường xảy ra ở độ tuổi sau 20. Phụ nữ dễ bị viêm mũi và nghẹt mũi tồi tệ hơn trong kỳ kinh nguyệt và mang thai do sự thay đổi nội tiết tố. Thường xuyên tiếp xúc với các chất kích thích như khói bụi, khói thải hoặc khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

 

Trong một số trường hợp, viêm mũi không do dị ứng được kích hoạt khi người bệnh tiếp xúc với chất gây kích ứng trong không khí tại nơi làm việc; Một số tác nhân phổ biến bao gồm vật liệu xây dựng, dung môi, hóa chất, khói từ vật liệu hữu cơ... Ngoài ra, một số tình trạng sức khỏe mãn tính có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh viêm mũi không do dị ứng, như suy giáp, hội chứng mệt mỏi mãn tính và bệnh tiểu đường.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, cách chữa trị viêm mũi phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh hoặc chẩn đoán cụ thể.

 

Đối với viêm mũi dị ứng, cách tốt nhất để ngăn các triệu chứng là tránh tối đa việc tiếp xúc với các dị nguyên. Nếu người bệnh bị dị ứng với lông thú cưng, nấm mốc hoặc các chất gây dị ứng khác trong nhà, hãy tìm cách để loại bỏ những chất đó ra khỏi khu vực sinh sống.

 

Nếu người bệnh bị dị ứng với phấn hoa, hãy hạn chế thời gian ở ngoài trời trong mùa có lượng phấn hoa cao và những ngày lộng gió. Người bệnh cũng nên đóng cửa sổ, cửa ra vào và cửa xe để tránh phấn hoa bay vào nhà hoặc xe hơi.

 

Bên cạnh việc tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ, người bệnh cũng cần có chế độ ăn uống khoa học để triệu chứng sớm thuyên giảm.

 

Người bệnh dùng thuốc cần thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ. Ảnh minh họa: ITN


Người mắc viêm mũi, đặc biệt là viêm mũi dị ứng nên tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin C. Bởi Vitamin C có tác dụng tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch, rất tốt cho người bệnh viêm mũi dị ứng.

 

Bệnh nhân dễ dàng bổ sung vi chất này qua súp lơ, bông cải xanh, ớt chuông hoặc các loại trái cây có múi như cam, bưởi... Đồng thời, một số nghiên cứu cho thấy axit béo omega-3 có nhiều trong các loại cá như cá ngừ, cá hồi, cá thu... có thể làm giảm nguy cơ phát triển dị ứng. Chúng cũng giúp ngăn ngừa các phản ứng sưng tấy tại đường hô hấp.

 

Bên cạnh đó, nước ấm, canh, súp ấm giúp loại bỏ tắc nghẽn trong đường thở, làm loãng dịch nhầy và hỗ trợ quá trình lưu thông. Mật ong, hành, tỏi, gừng, bạc hà, rau mùi... đều là những thực phẩm có lợi cho người bị viêm mũi. Do đó, người bệnh có thể bổ sung chúng một cách hợp lý trong khẩu phần ăn hàng ngày.

 

Bác sĩ Hằng cũng lưu ý, người bệnh viêm mũi nên cẩn thận khi ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, mực, trứng, sữa, đậu phộng... hoặc các thức ăn lạ như nhộng tằm.

 

Các loại đồ ăn cay nóng như ớt, tiêu, mù tạt cũng có thể khiến bệnh nhân bị ho, sổ mũi, hắt xì... Sữa và các chế phẩm từ sữa có thể làm tăng tiết chất nhầy, gây tắc nghẽn đường thở. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên uống bia, rượu, cà phê... vì chúng có thể làm mất nước và khiến tình trạng viêm mũi trở nên nghiêm trọng hơn.

 

Không có cách cụ thể để phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng, vì nó là phản ứng của hệ thống miễn dịch. Dù vậy, để tránh các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống, người bệnh cần tìm cách hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các chất gây dị ứng và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu viêm mũi không liên quan đến dị ứng, người bệnh có thể giảm triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát bằng cách tránh các tác nhân gây bệnh hoặc khiến các triệu chứng bệnh thêm trầm trọng, không lạm dụng thuốc thông mũi... Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng

 

Theo Afamily.vn
Theo Giáo dục và thời đại

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Nhận diện các triệu chứng và biến chứng của bệnh ho gà ở trẻ nhỏ (28/3)
 Nguy cơ thoái hóa khớp ở trẻ nhỏ sử dụng điện thoại quá nhiều (19/3)
 Khi trẻ bị ho, cha mẹ nên ghi nhớ '5 điều cấm kỵ' này, nếu không trẻ dễ dính viêm phổi, viêm phế quản và còn lâu mới khỏi bệnh (11/3)
 Tại sao cần cho trẻ khám mắt trước khi đi học? (26/2)
 5 dấu hiệu trẻ bị tật khúc xạ (19/2)
 Phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ dịp Tết (29/1)
 Trẻ biếng ăn, thường xuyên mắc bệnh là do đâu? (26/1)
 Báo động: Trẻ thừa cân béo phì nhiều hơn trẻ suy dinh dưỡng (17/1)
 5 lưu ý giữ ấm cho trẻ đúng cách vào mùa đông (12/1)
 Rối loạn Tic ở trẻ (5/1)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i