Sức khỏe và Phát triển
Tài liệu > Góc mẹ > Sức khỏe và Phát triển
   Các bệnh truyền nhiễm mùa thu đông


Thu đông là thời điểm người có hệ miễn dịch yếu dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như viêm đường hô hấp, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết...

Các dịch bệnh mùa thu đông

Nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên và dưới

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân đã nâng cao ý thức, chủ động phòng bệnh bằng việc đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người, tăng cường vệ sinh cá nhân và nơi sinh sống, làm việc... Tuy nhiên, các bệnh viêm đường hô hấp vẫn tăng cao do thời tiết giao mùa thất thường.

Viêm đường hô hấp là căn bệnh nhiễm trùng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hô hấp của người bệnh. Bệnh thường ảnh hưởng đến đường hô hấp trên (mũi, xoang, hầu - họng, thanh quản) và đường hô hấp dưới (khí quản, phế quản, tiểu phế quản, các phế nang).

Viêm đường hô hấp trên thể cấp tính sẽ khiến người bệnh sốt cao, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, niêm mạc họng đỏ. Nếu không được điều trị dứt điểm, viêm đường hô hấp trên thể cấp tính có thể tiến triển thành mạn tính. Viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản là căn bệnh rất dễ mắc phải khi thời tiết thay đổi thất thường. Bệnh khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở, khò khè, ho nhiều và ho có đờm... Viêm phế quản rất khó khỏi hẳn và dễ bị tái phát. Ngoài ra, các bệnh viêm khí quản, tiểu phế quản, viêm phổi thường ít gặp hơn nhưng khi mắc bệnh thường diễn tiến nặng.


Nhiều bệnh nhi nhập viện vì bệnh viêm đường hô hấp trong mùa thu đông. Ảnh: VNVC

Bệnh tay chân miệng

Hiện nay bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và là một trong những bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất Việt Nam. Bệnh thường gia tăng vào mùa tựu trường và thời điểm giao mùa hàng năm.

Bệnh khởi phát với triệu chứng ban đầu là sốt nhẹ đến cao, đau họng, chảy nước bọt, có thể kèm nôn và tiêu chảy ở một số trường hợp. Triệu chứng đặc trưng của bệnh tay chân miệng là những bọng nước ở niêm mạc má, lợi, lưỡi tiến triển nhanh thành các vết loét khiến người bệnh cảm thấy đau rát. Ngoài những vết loét ở miệng, người bệnh còn có thể phát ban bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối và mông. Bệnh tay chân miệng có thể dẫn đến các biến chứng thần kinh và hô hấp, tuần hoàn.

Sốt xuất huyết

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, thời tiết giao mùa, mưa nắng thất thường tạo điều kiện lý tưởng để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Theo diễn biến chu kỳ dịch hàng năm, sốt xuất huyết thường gia tăng vào tháng 9 và có thể đạt đỉnh điểm vào khoảng tháng 10, 11.

Bác sĩ Bạch Thị Chính lưu ý, vào thời điểm này, những người có bệnh nền cần lưu ý đề phòng nguy cơ bệnh chồng thêm bệnh. Ví dụ, có một số trường hợp người cao tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khi có dấu hiệu sốt xuất huyết như sốt cao, mệt mỏi, đau người, buồn nôn... thường lầm tưởng do bệnh cũ tái phát mà chủ quan không đi khám và điều trị. Đến khi bệnh trở nặng, công tác điều trị sẽ trở nên vô cùng khó khăn, nguy cơ xuất hiện biến chứng và tử vong là rất cao. Do đó, chủ động phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, thăm khám kịp thời khi xuất hiện triệu chứng là việc mà mỗi người dân cần nghiêm túc thực hiện.

Viêm não Nhật Bản

Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có tỷ lệ mắc mới mỗi năm trên thế giới là khoảng 60.000 trường hợp. Tỷ lệ tử vong do bệnh là 25%-30% và 50% có di chứng nặng sau điều trị.

Trẻ bị viêm não Nhật Bản có khả năng hồi phục thấp, nếu được cứu sống có thể để lại di chứng do bệnh như: tăng trương lực co cứng cơ, phải nằm một chỗ; liệt vận động không đi lại được. Di chứng về lâu về dài của bệnh viêm não Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến tương lai của trẻ như động kinh, kém phát triển trí tuệ, bại não, trong một số trường hợp bệnh còn có thể ảnh hưởng đến thính lực.

Viêm não Nhật Bản có thời gian ủ bệnh 5-14 ngày và khởi phát với triệu chứng sốt cao 39-40 độ C, đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngoài ra, người bệnh viêm não Nhật Bản còn có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như: cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, mất ý thức hay phản xạ gân xương tăng...

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm não Nhật Bản trong thời điểm giao mùa, do có hệ miễn dịch non nớt và chưa được tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ. Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, các trường hợp bệnh viêm não Nhật Bản đa phần là do chưa được tiêm phòng đầy đủ, không tiêm nhắc lại hoặc do người thân nhầm lẫn triệu chứng bệnh với những căn bệnh cảm sốt thông thường, dẫn đến chậm trễ trong việc điều trị.

Ngoài các dịch bệnh mùa thu đông kể trên, nhiều căn bệnh giao mùa khác đang đe dọa sức khỏe và sự an toàn của người dân như cúm, sởi, thủy đậu...


Trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm mùa thu đông. Ảnh: Shutterstock.

Những đối tượng dễ mắc bệnh giao mùa

- Trẻ em: Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ vẫn còn chưa hoàn thiện nên rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh đến từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa. Khi mắc bệnh, trẻ dễ có diễn tiến nặng hơn người lớn.

- Người cao tuổi: Tuổi càng cao, khả năng thích ứng của cơ thể với sự thay đổi của thời tiết, môi trường ngày càng suy giảm, hệ miễn dịch không còn đủ sức chiến đấu với các tác nhân gây bệnh. Thêm vào đó, những căn bệnh mãn tính khiến cơ thể người cao tuổi suy yếu, nguy cơ "bệnh chồng bệnh" và diễn tiến nặng tăng cao.

- Người có hệ miễn dịch yếu: hệ miễn dịch là "pháo đài phòng ngự" giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh đến từ môi trường bên ngoài. Người có hệ miễn dịch suy yếu do bẩm sinh hoặc do bệnh sẽ nhạy cảm hơn với các tác nhân gây bệnh, nguy cơ mắc các bệnh giao mùa cao hơn và khi mắc bệnh, các biến chứng của bệnh sẽ nghiêm trọng hơn, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn.

Cách phòng bệnh khi giao mùa

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, người dân không nên chủ quan với bất kỳ căn bệnh nào. Chủ động giữ gìn sức khỏe, tiêm vaccine và dinh dưỡng, vận động hợp lý nâng khả năng đề kháng là cách phòng tránh hiệu quả nhất các bệnh truyền nhiễm mùa thu đông.

Cân bằng dinh dưỡng chính là "chìa khóa" giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ cơ thể chống lại những các dịch bệnh mùa thu đông. Chế độ ăn được xem là cân bằng dinh dưỡng khi cân đối được 4 yếu tố:

- Cân đối về lipid (giữa lipid động vật và lipid thực vật)

- Cân đối về vitamin và chất khoáng

- Cân đối 3 chất sinh năng lượng trong chế độ ăn (protein, lipid, carbohydrate)

- Cân đối về protein (giữa đạm động vật và đạm thực vật).

Ngoài ra, một bữa ăn hay dinh dưỡng cần sự hài hòa giữa các nhóm chất và thực phẩm. Bổ sung những loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C như ổi, cam, quýt... giúp tăng sức đề kháng, phục hồi khả năng các tế bào bị tổn thương, ngăn ngừa cảm cúm. Bên cạnh đó, chất kẽm còn là khắc tinh của virus, ăn các loại cá, thịt nạc, lòng đỏ trứng... sẽ hỗ trợ tăng sức đề kháng.

Nếu duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối mỗi ngày giúp tăng cường sức đề kháng thì vận động thường xuyên giúp giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, tấn công nhanh hơn các loại virus xâm nhập. Để vận động phát huy hiệu quả, bạn cần dành ra khoảng 30 phút đến một tiếng mỗi ngày.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không cần phải luyện tập những bài tập vận động quá cầu kỳ, phức tạp để rèn luyện sức khỏe. Một số bài tập vận động người dân có thể thực hiện ngay tại nhà như: tập hít thở, leo cầu thang, tập các bài co duỗi chân tay, nhảy dây, tập các bài luyện cơ bắp và thăng bằng. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các bài thể dục trực tuyến, nhún nhảy theo nhạc hoặc thực hành các trò chơi vận động qua video. Nếu chưa nắm rõ phương pháp vận động thích hợp cho bản thân, bạn có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia y học vận động tại các trung tâm dinh dưỡng - y học vận động.


Vận động thường xuyên giúp giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, tấn công nhanh hơn các loại virus xâm nhập. Ảnh: Shutterstock.

Tiêm phòng vaccine đầy đủ và đúng lịch là biện pháp giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm. Tiêm vaccine nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại bệnh truyền nhiễm. Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, đến nay, đã có gần 30 căn bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh, 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vaccine vào sử dụng phổ cập cho người dân. Nhờ có vaccine, 2,5 triệu trẻ không bị chết do bệnh truyền nhiễm hàng năm. Không ốm đau, bệnh tật cũng đồng nghĩa với việc giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức của gia đình.

Hiện nay, các loại vaccine phòng các dịch bệnh mùa thu đông có thể kể đến như:

- Vaccine Jevax Việt Nam phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và vaccine Imojev (Sanofi Pasteur - Pháp, sản xuất tại Thái Lan) phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên và người lớn.

- Vaccine phế cầu Synflorix (Bỉ): phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa cấp tính, nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu)... do phế cầu khuẩn Streptococcus Pneumoniae, dành cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi.

- Vaccine phế cầu Prevenar 13 (Anh): phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa cấp tính, nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu)... do phế cầu khuẩn Streptococcus Pneumoniae, dành cho trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên, người trưởng thành và người cao tuổi và người mắc các bệnh mãn tính như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); lao phổi, tim mạch, tiểu đường...

- Vaccin cúm: phòng bệnh cúm mùa, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn.

- Vaccine MMR II: phòng ba bệnh sởi - quai bị - rubealla cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.

- Vaccine Varivax (Mỹ): phòng bệnh thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn chưa có miễn dịch.

Nguồn VNE

 
 In Trang này    Chia sẻ lên Facebook  Email Trang này

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Cách chăm trẻ hồi phục nhanh sau Covid-19 (17/10)
 Nhiều trẻ sốt xuất huyết nguy kịch (17/10)
 Trẻ thừa cân, béo phì nên tập luyện buổi nào tốt nhất? (17/10)
 Sốt xuất huyết có thể mắc bốn lần trong đời (17/10)
 Cách tăng cường sức đề kháng cho trẻ trong dịch (29/9)
 Bé trai 8 tuổi đi khám bệnh, mẹ kinh hoàng nghe bác sĩ chẩn đoán con bị nhiễm trùng nội sọ, nguyên nhân chỉ từ một thói quen đơn giản (29/9)
 Mẹ hoảng loạn khi biết tin con mắc Covid-19, chuyên gia trấn an: "Không cần quá lo lắng vì trẻ có biểu hiện nhẹ và rất nhanh khỏi" (29/9)
 Thấy con ngày càng bị các bạn cao vượt, mẹ đưa con đi khám rồi hối hận tột cùng khi nghe kết luận của bác sĩ (17/9)
 Chuyên gia Nhi khoa mách các mẹ 5 nhóm thuốc cần chuẩn bị cho bé trong mùa dịch Covid-19 (17/9)
 Covid-19 bủa vây trẻ nhỏ (5/9)
 Cứu trẻ sinh cực non não úng thủy, đa biến chứng (5/9)
 Trẻ nhỏ dễ suy hô hấp khi giao mùa (5/9)
 Trẻ nghiện điện thoại: Cha mẹ coi chừng cả loạt bệnh tật sẽ ập đến (5/9)
 Trẻ nghiện điện thoại: Cha mẹ coi chừng cả loạt bệnh tật sẽ ập đến (28/8)
 Cháu gái 3 tuổi bị hoại tử phải cắt ngón tay vì hành động sai lầm của bà, hình ảnh được chia sẻ khiến phụ huynh đau xót (28/8)
 Béo phì ở trẻ nhỏ có hại như thế nào? (15/8)
 Chăm sóc trẻ em mắc COVID-19 (15/8)
 Cách để giữ an toàn khi khám bệnh tại bệnh viện trong đại dịch COVID-19 (15/8)
 Mẹ đừng vội phàn nàn việc trẻ hay chảy nước dãi, bởi điều đó mang đến 4 lợi ích này (15/8)
 Bác sĩ nhi khuyến cáo 3 loại thức ăn dễ cản trở xương phát triển, bố mẹ cần chú ý (15/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i