Thơ - Truyện - Đồng dao tự sáng tác
Câu đố theo chủ đề
Tiết dạy tham khảo
Hoạt động của bé
Đồ dùng đồ chơi
Hình cho in - download
Trò chơi phát triển
Thơ - truyện mới
Thơ truyện mầm non
  Nhà trẻ  
  Mầm  
  Chồi  
    
Môi trường mầm non

Cây bánh tét của người cô
Tết năm ấy, tôi được theo hai chị tôi xuống thăm cô Bốn. Tôi thích lắm. Thứ nhất là được mặc áo mới đi chơi xa. Thứ nhì là xuống cô Bốn thế nào cũng được ăn nhiều bánh. Cô Bốn đã chẳng hẹn với tôi như thế là gì. Nhất là Tết năm ấy, cha mẹ tôi giận hờn nhau, mẹ tôi chẳng sắm sửa gì nhiều để ăn Tết cả. Đầu đuôi do cha tôi đánh bạc thua to. Thua to ngay từ hai tám Tết. May mà có ít bánh in, bánh đậu mẹ tôi đã đóng xong từ mấy ngày trước đó, không thì cái Tết ấy chúng tôi chẳng có gì mà ăn. Nhưng bánh in bánh đậu thì đối với tôi không thích bằng bánh tét. Nhất là bánh tét của mẹ tôi gói thì ngon tuyệt. Cây bánh bóc ra, nếp cứ xanh óng ả như mạ non. Rồi khi tét ra từng lát thì nếp ở trong ruột cứ trắng và trong nuôn nuốt. Giữa mỗi lát, nhân đậu xanh vàng mơ lấm tấm mỡ giống như một cái nhuỵ vàng. Thành thử mỗi lát bánh nhìn như một bông hoa.
Cô Bốn tôi là con cùng cha khác mẹ với cha tôi. Lúc còn bé tôi chưa hiểu vì sao cha tôi lại ghét cô Bốn đến thế. Mãi khi lớn lên, tôi mới rõ, ông nội tôi trước vốn giàu, sau chỉ vì lấy mẹ cô Bốn về làm lẽ nên tiêu pha tung tán, sạt cả gia tài. Ông nội tôi chết chẳng để lại được gì đáng kể. Cha tôi đổ tội cho mẹ cô Bốn và ghét lây sang cô. Nhất là từ ngày mẹ cô Bốn chết đi thì cha tôi lại trút tất cả cái giận ghét lên đầu cô.
Tôi nhớ là cô Bốn tôi rất nghèo. Cái hình ảnh còn lại trong tôi về cô, đến bây giờ vẫn còn rõ nét. Cô tôi người dong dỏng cao, luôn luôn mặc áo quần đen rách vá. Gặp cô lúc nào cũng thấy cô đội cái rổ lớn trên đầu. Trên chiếc rổ đó, cô thường úp những cái nón mới cô vừa làm xong để mang lên chợ bán. Vì cái rổ có nón úp đó nhìn cô càng thấy cao và gầy thêm. Mỗi lần đi vào cửa nhà tôi, cô lại hạ cái rổ xuống, bưng ở trước ngực để cho khỏi vướng.
Cô Bốn biết cha tôi không thích cho cô vào nhà. Thấy cô vào, nếu không có chuyện gì thì thôi, nhưng nếu gặp phải bữa cha tôi thua bạc hay có chuyện không vui cha tôi lại lườm lườm cô và quát:
- Mày vào đây làm gì hả con điếc kia?
Cô tôi thường không trả lời. Không phải vì điếc không nghe. Cô tôi chỉ bị nặng tai thôi, chứ không phải điếc. Cô chỉ cười trừ. Đôi môi cô héo tím. Vì còn bé, những lúc ấy, tôi chỉ lo cha tôi lại quát mắng cô thêm. Tôi chưa thấy thấm thía cái khổ của cô tôi lúc bấy giờ. Cô tôi bị người đời, ngay cả những người thân thích, khinh ghét nhiều quá nên cô quen đi, lờn đi, không còn biết nhục nhã là gì nữa. Cô tôi goá chồng từ năm hăm chín tuổi, bây giờ thì sống với hai đứa con gái, đứa lên năm, đứa lên ba. Nghe cô tôi than thở với mẹ tôi, tôi mới biết thêm là hai đứa ấy rất ốm yếu, năm ngày ba tật. Cô tôi thiếu thốn quanh năm. Mẹ tôi thường vẫn giấu cha tôi, khi thì vài chén gạo trắng, khi thì chùm bắp chục khoai, bà bỏ vào rổ cho cô tôi mang về. Cô tôi, những lúc ấy lại ghé sát miệng vào tai mẹ tôi mà nói:
- Thôi chị Hai! Chị cho, anh Hai thấy lại la chị đó.
Mẹ tôi cười một tiếng rồi cứ trút gạo, nhét bắp vào rổ. Cô tôi lại nhìn dớn dác, cửa trước, cửa sau sợ cha tôi vào bắt gặp, rồi cô lấy lá chuối xanh tủ kín tất cả bưng đi.
- Thôi tui về nghe chị Hai. Cô về nghe mấy cháu. Về không hai đứa nó trông!
Lại cũng lớn lên, tôi mới rõ là cô tôi vì không có con trai nên rất thương tôi, mặc cho cha tôi lườm mắng, cô tôi lên chợ, về chợ vẫn thường ghé vào nhà tôi. Trừ những lúc quá gay gắt, cô tôi mới vòng ngả khác để đi. Thường đấy là những ngày cha mẹ tôi cãi cọ với nhau, ném vỡ cả những bát đĩa mà thường ngày cha tôi vẫn thường trầm trồ khen là quý, là đẹp. Cô tôi tuy nặng tai và tuy ở xa nhưng chuyện gì không vui xảy ra trong gia đình tôi, cô đều nghe biết rất sớm. Những lần ấy cô chỉ đứng thập thò ngoài bờ rào, cạnh bụi duối để chờ tôi ló ra là gọi:
- Mười ơi! Cô đây nè! Ra đây!
Nghe tiếng cô, tôi chạy ra ngay. Khi nào ở chợ về, ghé vào nhà, cô tôi cũng nhét vào tay tôi vài viên kẹo cau hay một cái bánh tráng nhỏ.
Cô tôi chờ tôi đến thật gần rồi mới hỏi:
- Cha mẹ hết cãi cọ với nhau rồi chớ con!
Tôi trả lời, có khi tới hai ba lần cô tôi mới nghe được. Mặc dù tôi đã cố nhón gót và nói thật to. Và mặc dù cô tôi đã áp tai vào bờ rào tóc vương cả vào những cành duối. Cô tôi, hoặc chau mày lại khi nghe tôi bảo cha mẹ tôi vẫn còn đang giận nhau, hoặc gật gật đầu một cách mừng rỡ khi nghe cha mẹ tôi đã làm lành với nhau. Cô lại truyền qua bờ rào mấy viên kẹo cau. Tôi lại đón lấy, bỏ vào mồm nhai công cốc.
Cô tôi lại đội rổ lên đầu, lại men theo luỹ tre sau nhà tôi, đi ra con đường ruộng chạy ở giữa những đám bắp đang trổ cờ hay giữa những đám đậu phụng hoa vàng lấm tấm...

*
* *
Năm ấy vào sáng mồng một Tết, tôi được theo hai chị tôi xuống thăm nhà người cô nghèo. Đây là lần đầu tiên tôi xuống nhà cô. Cũng cần nói là năm ấy tôi lên bảy và nổi tiếng là tham ăn nhất nhà. Bánh kẹo gì tôi cũng được ăn nhiều nhất.
Dọc đường hai chị tôi cứ mải bàn những chuyện đâu đâu. Hết tóc dài, tóc ngắn, lại đến gương, đến lược. Tôi chẳng thèm nghe cứ nhìn vào nhà này, nhà kia xem bọn trẻ con cùng tuổi với tôi, chúng đang chơi gì. Và cứ mong chóng đến ngay nhà cô.
Ra đến con đường ruộng chạy giữa đồng, hai chị tôi hình như cũng hết chuyện nên quay lại hỏi tôi:
- Sao, bây giờ xuống cô Bốn mày muốn ăn bánh gì nào? Nói trước nghe thử.
- Bánh tét.
- Ăn nhiều hay ít?
- Nhiều!
- Cô Bốn làm gì có bánh nhiều mà đòi ăn nhiều!
Tôi cãi ngay:
- Cô Bốn không có nhiều mà bữa trước lại hẹn để phần nhiều cho em à?
- Nhiều của cô Bốn thì không nhiều đâu.
Tôi định hỏi tại sao thì chị Tám tôi đã nói:
- Bữa nay, chị em mình xuống, mặc sức cô Bốn mừng chị Năm hử.
- Ừ! Nhà cô Bốn lâu nay trên mình có ai xuống đâu mà không mừng.
Tôi hỏi chen vào.
- Sao lại không xuống hở chị Năm?
- Tại nhà cô nghèo, xuống làm gì!
Rồi chị Năm tôi dặn:
- Này, xuống dưới đó cô Bốn cho ăn gì thì ăn nấy, mày đừng có đòi như ở nhà nghe chưa. Sau tao ghét, tao không dám dẫn đi nữa đâu.
Tôi không trả lời.
Nhà cô Bốn ở bên kia một con sông nhỏ phải qua đò. Đò ngày Tết vui thật. Trong khoang, quần áo người nào đường chỉ may cũng mới tinh. Ai cũng vui vẻ tươi cười. Nước sông trong leo lẻo.
Qua một con đường ngoặt, chị Năm tôi chỉ vào một ngôi nhà thấp nhỏ, tranh đã cũ nát rồi bảo:
- Nhà cô Bốn đây!
Tôi cắm đầu chạy trước hai chị tôi. Vừa thoáng thấy tôi, cô tôi đã reo lên mừng, quýnh cả lưỡi:
- Trời ơi thằng Mười! Lại có con Năm, con Tám nữa!
Cô tôi bồng đứa con gái nhỏ chạy ra. Cái cười của cô tôi lúc ấy, bây giờ nhớ lại, tôi mới thấy thật là một cái cười vui sướng đến tột độ. Chưa bao giờ tôi lại tưởng tượng cô tôi có một cái cười như thế. Có ba chị em tôi, gian nhà đang lặng lẽ bỗng vui hẳn lên. Tôi thấy cô tôi đưa mắt nhìn sang các nhà hàng xóm như tìm ai. Mãi sau này, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của cái nhìn ấy. Cô tôi như muốn nói với những người hàng xóm vốn khinh cô:
- Đấy, lũ cháu tôi nó xuống thăm tôi đấy.
Cô tôi miệng thì bảo chúng tôi ngồi lên giường, tay thì lấy nón mũ của chúng tôi xếp lại thành đống cho gọn, cô tôi bảo:
- Ngồi chơi các con, cô đi lấy bánh ăn hử? Chui cha, mấy cái Tết rồi, Tết này lũ bay mới xuống thăm cô.
Bỗng cô mếu máo:
- Tao biết lũ bay thương tao lắm chớ! Tại cha lũ bay ghét tao, không muốn cho lũ bay xuống, lũ bay mới không xuống chớ!
Rồi cô đổi giọng hỏi tiếp:
- Cha mẹ hết cãi nhau chưa!
- Chưa.
Trong lúc ấy đứa con gái bé của cô tôi vẫn hau háu mắt nhìn tôi. Đến bây giờ tôi mới kịp nhận thấy là nó không có áo mới. Cả chị nó cũng thế. Hai đứa đều xanh xao và đều có vẻ e sợ. Con lớn cứ nấp sau cánh cửa. Chị Năm tôi đưa tay kéo ra, nó cứ bíu lấy cánh cửa trì lại. Cô tôi thấy, liền bảo:
- Thôi, kệ nó con.
Tôi nhìn lên bàn thờ để ở giữa nhà. Tôi lạ quá. Ồ! Thế này thì ai bảo là cô mình nghèo. Sau cái bát hương và hai cái chân đèn bằng gỗ sơn đỏ đã cũ, tôi thấy rõ ràng hai hàng bánh tét xếp chồng lên nhau, ngay ngắn, ngon lành.
Thấy tôi nhìn chăm chăm vào những cây bánh tét, cô tôi rút ra một cây rồi hỏi:
- Mẹ năm nay không nấu bánh tét phải không?
Tôi gật đầu ngay. Cô tôi không nói không rằng, chạy tìm ngay sợi chỉ để tét bánh. Cô tôi tét cả cây bánh, sắp lên chiếc đĩa bị vỡ đã được gắn lại, rồi để lên giường.
- Ăn đi mấy con. Bánh cô gói chắc không ngon bằng bánh mẹ gói đâu!
Cô nói thế nhưng tôi ăn vẫn thấy ngon vô cùng. Hai chị tôi làm khách lắm, ăn như người lớn cả rồi ấy. Như thế càng tốt chứ sao. Tôi thì tôi cứ ăn phăng phăng. Chị Năm tôi đã mấy lần bảo tôi ăn chầm chậm tôi vẫn mặc.
Chẳng mấy chốc đĩa bánh đã sạch ráo. Đứa con gái lớn của cô tôi cầm lát bánh từ lúc chị Năm tôi đưa đến giờ, vẫn chưa ăn hết. Nó cứ nhấm nhấm như dán. Thế mà lại hơn. Vì bây giờ nó vẫn còn bánh, còn tôi thì đã hết sạch rồi. Tôi nhìn miếng bánh của nó mà thòm thèm. Phần tôi chỉ mới được hai lát chứ mấy. Mà sức tôi thì có thể chở thêm được vài lát nữa. Tôi lại nhìn lên hai hàng bánh tét xếp ở trên bàn thờ rồi nói với cô tôi:
- Lát nữa cô cho một mình cháu một cây nghe cô Bốn.
Cô tôi gật đầu ngay:
- Ừ! Để rồi cô chọn cho một mình con một cây thiệt ngon đem về ăn.
Lúc đó tôi mới yên tâm. Tôi chờ. Tôi chắc cô tôi sẽ chọn ngay cho mình. Tôi lại đưa mắt nhìn lên hai hàng bánh tét chồng ngay ngắn lên bàn thờ. Tôi định chọn trước một cây để khi cô lấy thì chỉ cho cô. Vì có ý chọn trước như thế, tôi mới nhận xét được rằng: năm cây bánh nằm hàng dưới to hơn ba cây bánh nằm hàng trên. Ồ, thế thì chốc nữa mình phải chọn một cây ở hàng dưới mới được.
Tôi chờ. Tôi lại đoán chắc khi dọn xong đũa, đĩa, thế nào cô tôi cũng chọn bánh cho tôi. Nhưng không, cô tôi chỉ đem đĩa đặt ở bàn thờ rồi đi xuống bếp xách ấm nước lên. Tôi hơi sốt ruột lại đoán: thế nào xách nước lên xong, cô cũng chọn bánh cho mình. Nhưng không, xách nước lên cô lại lo đi lấy hai cái bát nhỏ đặt lên giường và rót nước ra. Cô ngồi ở giường hỏi chuyện hai chị tôi.
Tôi không chờ được nữa. Tôi nhắc:
- Cô!
- Cái gì con? Uống nước hử?
Tôi lắc đầu rồi chỉ lên bàn thờ. Cô tôi bỗng sực nhớ ra:
- Mẹ cha ơi! Quên mất! Đây, để cô lấy cho một mình con một cây hử.
Cô lấy một cây ở hàng trên. Tôi chỉ ngay một cây ở hàng dưới. Cô bảo:
- Í, cây này ngon hơn! Cô gói cô biết mà! Cây này ngon lắm, cho con đây.
Tôi không chịu cứ đòi cây kia. Chị Năm cau mặt gắt với tôi:
- Cô cho thì cầm lấy chớ! Đòi, đòi cái gì?
Không có mẹ tôi ở đây nên tôi sợ chị tôi. Tôi đành phải nhận cây bánh nhỏ cô tôi đưa cho tôi, nhưng trong lòng ức lắm.
Cô tôi lại hỏi chuyện về cha mẹ tôi mấy hôm nay. Cô tôi lại kể chuyện dượng tôi hồi còn sống:
- Hồi dượng mày còn sống, tao không đến nỗi khổ như bây giờ. Mỗi năm tết đến, hai đứa nhỏ, đứa nào cũng có quần áo mới, cũng đủ thứ bánh trái trong nhà. Khỏi phải bị thiên hạ họ khinh.
Tôi chẳng chú ý gì đến những điều đó.
Tôi chỉ mong sao nói được với cô đổi cho mình cây bánh lớn hơn nằm ở dưới kia. Nhưng nói thế nào bây giờ? Chị Năm tôi sao lúc đó lại làm cho tôi sợ đến thế.
Bỗng tôi thấy cô tôi kéo hai chị tôi ra nhà sau. Cô muốn khoe với hai chị tôi con heo con cô vừa mới nhận đem về nuôi rẽ. Tôi lợi dụng ngay lúc ấy để đánh đổi cây bánh tét mà tôi đã ngắm chọn trước. Cây bánh lớn hơn thật. Có thế chứ. Tôi sợ chị tôi biết nên chẳng ra sân. Nhưng liền đó, tôi đã nghe tiếng cô tôi gọi:
- Mười ơi? Ra coi con heo của cô đây này!
Tôi đành cắp cái bánh vào nách rồi đi ra sau. Cái bánh to quá tôi cặp cứ muốn rớt ra. Mà cầm lộ ra thì sợ chị tôi biết là tôi đã đổi trộm mất.
Xem xong heo, tôi giục hai chị tôi về. Cô tôi không cho:
- Mấy năm nay, Tết này lũ bay mới xuống đây. Ở lại ăn cơm đã rồi về.
Tôi không chịu. Có cái bánh tét rồi, tôi chỉ muốn về ngay. Tôi xịu mặt:
- Không, đi về đi chị Năm.
Không giữ lại được, cô tôi đành để cho ba chị em tôi về. Nhưng cô bảo:
- Có về thì ăn bánh tét nữa đã rồi hãy về.
Chị tôi nhất định không ăn:
- Thôi cô Bốn. Ăn nhiều quá rồi!
Cô tôi định gửi bánh về cho cha mẹ tôi, chị Năm tôi cũng nhất định không lấy. Tôi cứ cho chị ấy là dại. Cô Bốn nhìn chúng tôi lấy nón, lấy mũ đội lên đầu ra về, vẻ mặt hơi buồn. Cô đưa chúng tôi ra đến tận đường rồi dặn chị Năm tôi:
- Đừng đi luôn một mạch về nhà nghe! Chỗ nào có bóng mát cho thằng Mười nó nghỉ một chút rồi hãy đi. Không nó cảm cha mày lại bảo tại xuống thăm tao đấy!
Cô cứ đứng ở ngõ nhìn theo. Ba chị em tôi nhìn ra sông xem đò ở bên này hay bên kia. Bỗng có tiếng chân chạy thình thịch phía sau rồi có tiếng cô Bốn tôi gọi:
- Này Mười! Mười! Đưa cô coi lại cây bánh thử!
Tôi lo quá. Càng cặp chặt cây bánh trong nách. Cô đến gần, cúi xuống nhìn kỹ đầu cây bánh rồi nói:
- Con đổi cây bánh phải không? Không được! Đưa lại cô! Cô cho cây bánh khác. Cây này không ngon đâu!
Tôi cong người lại giữ rịt lấy cây bánh. Mặt tôi nhăn nhó muốn khóc. Tôi hét lên:
- Không, không! Con chỉ lấy cây bánh này. Cây kia con không thèm.
Chị Năm tôi mắng tôi ngay:
- Mười! Đưa lại cho cô, cô cho cây nào lấy cây đó chớ! Đồ tham ăn, xấu!
Cô Bốn tôi lúng ta lúng túng như muốn nói gì mà không nói được. Trong lúc đó thì quyết liệt hơn, tôi đã ngồi bệt xuống cỏ ôm khư khư lấy cây bánh, nhất định không trả lại. Ra ngoài đường rồi, tôi không sợ chị Năm tôi nữa. Cô tôi không nói không rằng, lại chạy trở về nhà. Tôi tưởng cô tôi chịu thua rồi. Tôi đứng dậy để đi. Chị Năm tôi giận tôi, kéo chị Tám tôi đi trước. Tôi không lo. Chị Năm tôi không bao giờ dám để tôi đi lạc dọc đường. Tôi lợi dụng ngay lúc ấy bóc cây bánh ăn luôn. Cây bánh không có một dây lạt nào. Cô tôi đã mở cả rồi. Chỉ việc bóc lá ra là ăn được. Tôi bóc lớp lá ngoài, lớp lá thứ hai. Quái! Sao nhiều lá thế này! Tôi bóc lớp thứ ba, chờ đợi sẽ thấy lớp nếp cây bánh hiện ra...
Bỗng tôi sửng sốt. Lớp lá thứ ba vừa bóc ra thì một cái ống tre xanh bị luộc chín hoá màu vàng vàng hiện ra. Tôi không hiểu thế nào cả. Bánh tét gì lại kỳ quặc thế này. Toàn lá chuối nhét chật đầy cả ống tre. Tôi cáu quá ném cả cây bánh xuống đường. Cây bánh lăn lông lốc từ trên đường xuống bờ ruộng.
Tôi nhìn lại thì thấy cô tôi chỉ còn cách tôi hai bước. Cô cầm trong tay một cây bánh tét đưa cho tôi:
- Cô đã nói mà, cây bánh tét đó...
Các chị tôi cũng vừa quay lại. Cô tôi đang chạy xuống bờ ruộng, cúi nhặt cây bánh tét giả tôi vừa ném xong, lúc này đang nằm cạnh một hòn đất lớn. Cái ống tre vẫn lòi ra giữa những lớp lá đã bị bóc... Cô nhặt lên, nhìn quanh quất như một kẻ cắp sợ người ta bắt gặp. Cô tôi lật đật vuốt lại lá, tủ cho kín cái ống tre rồi cầm thật chặt trong tay. Cô đi lên ghé sát vào tai chị Năm tôi nói khẽ:
- Cô ít nếp quá, phải gói thêm mấy cây này để lên bàn thờ cho nó dễ ngó, thiên hạ có nhìn vô, họ khỏi cười, khỏi khinh. Cái thằng Mười, đã nói rồi mà không chịu nghe...

*

Tối hôm đó cha mẹ tôi làm lành với nhau. Ngày Tết cũng giúp cho mọi người dễ xoá bỏ hờn giận. Chị Năm tôi dỗ tôi bảo đem cây bánh tét ra tét mời cha mẹ cùng ăn. Tôi tuy xấu ăn nhưng chỉ xấu ăn với người khác. Đối với cha mẹ tôi rất thơm thảo. Bởi một lẽ dễ hiểu là mỗi lần tôi mời bánh cha mẹ tôi, thế nào sau đó, tôi cũng được đền bù gấp mấy lần. Hoặc bằng tiền hoặc bằng quà bánh khác.
Vừa tét bánh, chị Năm tôi vừa kể chuyện cây bánh tét giả của cô Bốn cho cha mẹ tôi nghe. Và lần ấy là lần đầu tôi được nghe cha tôi chép miệng hối hận:
- Lâu nay tao hay la chửi nó cũng tội nghiệp. Mai mốt mẹ mày nên đong gửi cho mẹ con nó một ít gạo.
Tôi nghe nói mừng lắm và cứ tin rằng từ đó cha tôi sẽ thôi không la mắng cô Bốn tôi nữa. Tôi đã thất vọng. Cách đó không lâu, một hôm thua bạc to, thấy cô Bốn tôi vào nhà, cha tôi lại lườm lườm cô và lại quát:
- Mày vào đây làm gì hả con điếc kia?
Cô Bốn tôi chết đã lâu lắm rồi. Nhưng tôi vẫn thường nhớ tới cô tôi. Và mỗi lần Tết đến, nhìn ai tét bánh tét, tôi như thấy lại cái quằn quại của cây bánh tét cô tôi khi bị tôi cáu quá ném đi: cây bánh tét lăn lông lốc từ trên đường cao xuống bờ ruộng và nằm chết giấc ở bên cạnh một hòn đất lớn.

Phạm Hổ
 In Trang này   



Các bài viết khác:
 Sự tích ông đầu rau (Ông Công Ông Táo) (10-03-2008)
 Sự tích hoa mai vàng (13-02-2008)
 Tết Trung thu - nguồn gốc và ý nghĩa (28-01-2008)
 Sự Tích Cây Nêu Ngày Tết (22-01-2008)
 Truyện:Truyền thuyết "Bách nghệ khôi hài" ( Chủ đề: Tết - Mùa xuân ) (03-12-2007)
 Thơ : Hoa mai ( Tết và mùa xuân) (10-08-2007)
 Thơ : Niềm vui của mèo con. (02-04-2007)
 Thơ: Bánh chưng (31-03-2007)
1