Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé xem truyền hình quá sớm có nguy cơ chậm nói không?


40% trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến khám tại Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 vì lý do chậm nói. Hầu hết các trẻ được tiếp xúc với truyền hình rất sớm và thời gian xem truyền hình không được giới hạn. Đặc biệt, truyền hình là một phương tiện giúp trẻ ăn đối với những trẻ có khó khăn ăn uống (50% các trẻ đến khám). Ngoài ra, vì cha mẹ và cô giáo bận làm việc khác, nên truyền hình có thể được sử dụng như một người vú nuôi.

Nguyên nhân gì dẫn đến chậm nói?
Chậm nói có thể là một triệu chứng của các bệnh lý sau đây:
- Rối loạn tự kỷ
- Bệnh lý di truyền
- Vấn đề thính lực
- Bại não
- Rối loạn thần kinh
- Chậm phát triển tâm thần toàn diện.

Sau khi đã loại ra những nguyên nhân trên, chậm nói có thể do thiếu kích thích khi trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường thiếu giao tiếp bằng lời nói.

Xem truyền hình quá sớm có ảnh hưởng gì trên chứng chậm nói ở trẻ nhỏ?
Tại Thái Lan, từ tháng 9 năm 2005 đến tháng 8 năm 2006, có một nghiên cứu bao gồm 110 trẻ chậm nói và 110 trẻ phát triển ngôn ngữ bình thường trong lứa tuổi từ 15 đến 48 tháng . Sau khi đã loại bỏ những trẻ chậm nói do các bệnh lý được nêu trên(trong đó có 54/110 trẻ chậm nói có rối loạn tự kỷ), còn lại 56 trẻ chậm nói được khảo sát và được so sánh với 110 trẻ nói bình thường.

Nghiên cứunày đã tìm ra yếu tố nguy cơ quan trọng nhất có thể dự báo chứng chậm nóinhư sau:
- Cha mẹ thiếu quan tâm đến trẻ
- Trẻ được sinh mổ
- Tiền căn gia đình có người bị chậm nói
- Thiếu sự tương tác với người nuôi trong lúc trẻ xem truyền hình
- Trình độ văn hóa của người cha dưới cấp tiểu học
- Trẻ xem truyền hình trước 12 tháng tuổi
- Thời gian xem truyền hìnhhơn 2 giờ mỗi ngày
- Trẻ xem chương trình truyền hình của người lớn

Riêng các trẻ bắt đầu xem truyền hình trước 12 tháng tuổi và thời gian xem hơn 2 giờ mỗi ngày có nguy cơ chậm nói gấp 6 lần. Trong nghiên cứu trên, gần 60% trẻ chậm nói được xem truyền hình một mình . Các trẻ này có nguy cơ chậm nói gấp hơn 8 lần so với các trẻ được giao tiếp với người chăm sóc trong lúc xem truyền hình.

Phụ huynh nên làm gì để tránh chứng chậm nói ở trẻ em?
Viện Hàn Lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến cáo là trẻ trên 2 tuổi chỉ xem truyền hình không quá 2 giờ mỗi ngày và trẻ dưới 2 tuổi không được khuyến khích xem truyền hình. Trong thời đại , phụ huynh bận công tác ngoài xã hội và trẻ được người giúp việc hoặc người giữ trẻ chăm sóc suốt ngày, điều quan trọng là sự tương tác giữa người chăm sóc và trẻ. Hình ảnh trẻ được “tắm trong ngôn ngữ” có ý nhấn mạnh đến việc người chăm sóc nên nói về tất cả những gì được thực hiện với trẻ trong những sinh hoạt thường ngày tại nhà như: tắm rửa, thay quần áo, đi vệ sinh, ăn uống, nghe nhạc, đọc sách. Phụ huynh đừng vội cho trẻ học ngoại ngữ quá sớm trước khi trẻ nói rành tiếng mẹ đẻ. Đối với trẻ trên 2 tuổi , video có thể là một công cụ giúp trẻ phát triển với điều kiện phụ huynh hiện diện bên cạnh trẻ và đối thoại với trẻ.

Theo VnMedia