Giáo dục mầm non
   Hệ thống giáo dục mầm non tư thục: Thực trạng và nỗi lo chất lượng
 
Chưa bao giờ hệ thống các trường tư thục, dân lập, nhất là trong khối mầm non, mẫu giáo lại phát triển nhanh như hiện nay. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển rầm rộ đó là những vấn đề cần phải bàn như chất lượng, học phí, cơ sở vật chất...

Ghi nhận của Lao Động tại hai TP lớn: Hà Nội và TPHCM cho thấy toàn cảnh bức tranh về hệ thống mầm non tư thục.

Trăm hoa đua nở

Nếu như ở các trường mầm non công lập, trung bình sĩ số mỗi lớp thường khoảng 40 - 45 cháu với 2 cô phụ trách (khối mẫu giáo) hoặc 35 - 40 cháu/lớp và 3 cô phụ trách (khối nhà trẻ) thì ở các trường tư thục, dân lập, đặc biệt là những trường mầm non tư thục chất lượng cao, sĩ số này chỉ ở trong khoảng 10 - 25 cháu/lớp. Điều đó khiến phụ huynh yên tâm hơn hẳn khi gửi con tại đây.

Trong khi các trường công lập chỉ bắt đầu nhận trẻ từ 24 tháng, cá biệt một số trường nhận trẻ từ 18 tháng trở lên, thì các trường tư thục sẵn sàng nhận trẻ từ 8 tháng, thậm chí 5 tháng tuổi. Đây là những lý do chủ yếu khiến rất nhiều phụ huynh tìm đến các trường mầm non tư thục chất lượng cao.

Hầu hết các trường tư thục đã nhanh chóng nắm bắt tâm lý của các gia đình có thu nhập cao nên ngoài chương trình học theo quy định, trẻ còn có điều kiện tham gia các hoạt động ngoại khoá khá phong phú. Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu của đối tượng lao động có thu nhập thấp, các nhóm trẻ gia đình cũng "trăm hoa đua nở", chủ yếu trông các cháu nhiều hơn là dạy.

Tuy nhiên, ở các trường mầm non ngoài công lập, phụ huynh phải chấp nhận mức tiền đóng hàng tháng cao gấp nhiều lần so với các trường công lập. Nếu như ở các trường công lập, tiền học phí, tiền ăn, bán trú... của trẻ trung bình 200.000đ - 300.000đ/tháng thì ở các trường tư thục chất lượng cao, mức thu này thường ở khoảng 1 triệu - 1,2 triệu đồng trở lên.

Cá biệt, có những trường thu học phí rất cao như O'Hana: 160USD + 60USD xe đưa đón, Smart Kids: 140USD/tháng; Wonderland: 120USD/tháng (lớp trẻ 9 - 18 tháng)... hay những trường quốc tế như Morning Star, mức học phí là hơn 400USD/tháng (chưa kể tiền ăn và xe đưa đón). Tại các trường hoặc nhóm lớp mầm non tư thục bình dân, mức đóng này cũng phải từ 600.000đ trở lên.

"Nạn nhân" của sự quá tải, bất hợp lý của ngành giáo dục?

Sau vụ việc bé Bảo Trân bị bảo mẫu Lê Vy dán băng keo vào miệng cho bé nín khóc, khiến bé Trân rơi vào tình trạng hôn mê sâu, cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ từ đó có hướng xử lý thích đáng. Tuy nhiên, qua vụ việc này một lần nữa cảnh báo về chất lượng hoạt động trong bối cảnh "quá tải" của ngành giáo dục đào tạo TPHCM hiện nay...

Thực tế cho thấy, hướng giải quyết của ngành giáo dục một lần nữa lại rơi vào tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng"!

Cụ thể, khi xảy ra vụ việc tại Trường Mầm non Thiên Thơ thì ngành đã "nhận" trách nhiệm là của Phòng Giáo dục quận đã không làm tròn, đã không kiểm tra sát sao, vẫn để cho trường Thiên Thơ hoạt động dù giáo viên không đủ điều kiện, chưa qua các lớp đào tạo về giáo dục mầm non nhưng vẫn được đứng lớp...

Tất cả những lời nhận lỗi chỉ để nhận lỗi chứ đã có ai đứng ra chịu trách nhiệm và gánh lấy hình thức kỷ luật nào.

Giải thích với báo giới, một phó giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho rằng: Hành động của bảo mẫu Lê Vy là cá biệt. Và trường Thiên Thơ thuộc nhóm trẻ gia đình. Việc ra đời các nhóm trẻ gia đình xuất phát từ nhu cầu của người lao động.

Vị lãnh đạo này cũng đưa thêm nhận định: Xã hội hoá giáo dục là đúng, là tốt nhưng một số trường tư thục đã chú trọng đến lợi nhuận mà thuê lao động rẻ tiền, tuyển người không có chuyên môn...

Hiện TPHCM có 246 trường mầm non, mẫu giáo tư thục và 735 nhóm trẻ gia đình. Về số lượng, hiện giáo viên mầm non hầu như không thiếu như các năm trước do mới được bổ sung từ nguồn mới hơn 900 người.

Tuy nhiên, chất lượng chuyên môn của những giáo viên này đang là mối lo ngại, bởi cũng theo thông tin từ Sở GDĐT thì có khá nhiều trường tư thục (dạng trường như trường mẫu giáo Thiên Thơ) đã chấp nhận tuyển giáo viên các tỉnh, chưa có hộ khẩu TP và một số giáo viên các trường công lập đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu, một số cô ở nhóm trẻ gia đình chỉ đào tạo cấp tốc 3 - 6 tháng (!).

( Theo Báo Lao Động )

 Hệ thống giáo dục mầm non tư thục: Quản lý bị buông lỏng!

Bức tranh toàn cảnh về thực trạng và nỗi lo chất lượng của hệ thống giáo dục mầm non đã cho thấy trách nhiệm quản lý của ngành giáo dục và chính quyền địa phương. Rất nhiều trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình tự phát đã "nằm" ngoài tầm quản lý của các cơ quan chức năng.

Nhóm trẻ tư thục - khó quản lý

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 67 trường mầm non tư thục và 5 trường mầm non dân lập được cấp phép. Đây là những trường đã được phòng GDĐT thẩm định về đội ngũ giáo viên (đạt chuẩn từ trung cấp trở lên), cơ sở vật chất đảm bảo an toàn, đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy dỗ trẻ; hiệu trưởng là người có chuyên môn và được UBND quận, huyện cấp phép thành lập trường.

Bà Nguyễn Lan Hương - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GDĐT Hà Nội) - cho biết, những trường đã được cấp phép đều hoạt động rất tốt, được tạo điều kiện về chuyên môn như các trường công lập khác.

Khi được hỏi về điều kiện phòng học, diện tích lớp... của các trường tư thục, bà Hương cho biết: "Không phải trường tư thục nào cũng có điều kiện thuê được mặt bằng đủ tiêu chuẩn, họ chỉ có thể thuê lại nhà của người dân, chắc chắn diện tích phòng học sẽ không đảm bảo. Nhưng đó là điều bất khả kháng, chúng tôi vẫn phải chấp nhận, với điều kiện các phòng học đó đủ an toàn cho trẻ, diện tích nhỏ thì số trẻ/lớp phải ít đi". Tuy nhiên, bà Hương cũng phải thừa nhận rằng, việc quản lý số trẻ/lớp là rất khó.

Đối với các trường ngoài công lập, mức thu hàng tháng được thực hiện trên cơ sở thoả thuận giữa nhà trường và PHHS, Sở GDĐT không quản lý mức thu này. Vài năm trở lại đây, để việc kiểm tra này được minh bạch và rõ ràng, Sở GDĐT HN đã quy định các trường tư thục, dân lập phải tách riêng các khoản thu: Học phí, tiền ăn hàng ngày, tiền học phẩm... chứ không được thu gộp.

Khó quản lý nhất là các nhóm trẻ tư thục (chưa đủ điều kiện thành lập trường). Hiện nay mới chỉ có khoảng hơn 50% nhóm trẻ tư thục được cấp phép, còn lại là hoạt động không phép, trong số đó có đến 1/3 là nhóm trẻ tự phát kiểu như "chợ cóc, chợ tạm", thường xuất hiện ở các khu lao động nghèo. Mặc dù các nhóm trẻ tư thục do UBND phường, xã cấp phép và quản lý, nhưng thực tế cho thấy, việc quản lý này là rất khó. Người lao động chỉ muốn gửi con vào những nơi ít tiền, thời gian trông dài mà ít quan tâm đến việc điểm giữ trẻ đó có được phép hay không, có đảm bảo an toàn cho trẻ hay không.

Bà Hương khẳng định: "Việc phát triển các trường mầm non tư thục, dân lập là hoàn toàn cần thiết, tạo điều kiện cho trẻ được ra lớp, giảm tải cho các trường công lập, tuy nhiên, chỉ nên phát triển các trường mà không nên phát triển nhóm lớp".

Mới quản lý được số lượng, chất lượng vẫn... bỏ ngỏ!

Từ vụ việc bé Bảo Trân (18 tháng tuổi) bị cô bảo mẫu của Trường Mầm non tư thục Thiên Thơ dán băng keo vào miệng dẫn đến hôn mê, một lần nữa báo động cho chất lượng của những cơ sở giữ trẻ. Thực tế cũng ghi nhận, do nhu cầu của người dân, hệ thống các nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ gia đình tại TPHCM đang phát triển rất nhanh về số lượng. Song cùng với sự phát triển đó lại là sự buông lỏng quản lý về mặt chất lượng...

Thống kê của ngành giáo dục TPHCM cho biết, hai năm trước (năm 2005), số lượng nhóm trẻ gia đình mới dừng ở con số trên - dưới 200 cơ sở. Còn thực tế hiện nay, con số chính thức công bố của Phòng Giáo dục mầm non - Sở GDĐT TPHCM cho biết, toàn TP hiện đã có 246 trường mầm non, mẫu giáo tư thục và 735 nhóm trẻ gia đình đang nuôi dạy khoảng 200.000 trẻ. Khi nói về thực trạng nhân lực chuyên môn phục vụ trong lĩnh vực này, lãnh đạo Sở GDĐT cho rằng, đến niên học 2007-2008 thì tại các trường mầm non công lập không hề thiếu giáo viên, bảo mẫu...

Tuy nhiên, đại diện ngành lại nhìn nhận một thực trạng, đó là lực lượng giáo viên cho khối trường tư thục vẫn còn là một vấn đề, bởi hầu hết giáo viên tại các trường tư thục được tuyển từ các tỉnh và trong số đó, nhiều cô ở nhóm trẻ gia đình chỉ được đào tạo chuyên môn theo hình thức, bởi khoá đào tạo chỉ kéo dài từ 3-6 tháng. Có thể nói, những nhìn nhận này của phía cơ quan chức năng, cụ thể là ngành giáo dục TPHCM chưa thật chính xác, bởi trong vụ việc vừa xảy ra tại nhóm trẻ gia đình Thiên Thơ thì cô bảo mẫu hoàn toàn chưa qua khoá huấn luyện, đào tạo chuyên môn nào cả, mà trình độ phổ thông cũng chỉ mới dừng ở mức tốt nghiệp tiểu học(!). Trong khi đó, theo quy định của ngành, để được cấp phép hoạt động, các cơ sở, nhóm trẻ gia đình phải có đầy đủ giáo viên đạt trình độ tối thiểu ở mức trung cấp sư phạm mầm non.

Khi lý giải cho sự cố mới đây, lãnh đạo Phòng Giáo dục mầm non - Sở GDĐT TPHCM đã cho rằng: Một số trường hợp giáo viên bỏ việc và chủ trường đã phải tuyển bổ sung "cô giáo" khác không có chuyên môn sư phạm. Các trường hợp này lại được tiếp tục cho đi học các lớp cấp tốc do các phòng giáo dục quận, huyện chịu trách nhiệm tổ chức để những "cô giáo" này sẽ "vừa làm, vừa học vào buổi tối", bởi nếu không có lực lượng này, các nhóm trẻ gia đình và trường tư thục sẽ gặp nhiều khó khăn vì đã nhận đủ số trẻ vào trường (?). Với những lời giải thích này, cho thấy cơ quan chức năng cũng chỉ mới quản lý được số lượng, còn chất lượng của "giáo viên" đang rơi vào tình trạng "chạy theo nhu cầu thực tế", nếu không muốn nói vẫn bị buông lỏng!

Thực tế hiện nay, chất lượng dịch vụ của những nhóm trẻ gia đình vẫn đang là mối lo của các gia đình có con trẻ trong độ tuổi mầm non.

 ( Theo Lao Động )


 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Qui định mới về tuyển dụng giáo viên (5/12)
 Hiệu trưởng trường mầm non công lập phải lên lớp 2 giờ/1 tuần (4/12)
 Bé Ngôi Sao_Ngôi trường mầm non cho những ngôi sao của ngày mai. (30/11)
 Thực chất chuyện "một học sinh mẫu giáo ở Hà Nội bị cho vào máy giặt" (30/11)
 Tiền ăn của trẻ cũng bị đánh thuế ! (27/11)
 Thầy giáo mầm non (26/11)
 Phòng Giáo dục Mầm non - Sở GD&ĐT đã vinh dự đón nhận Huân chương lao động Hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng. (23/11)
 MNBC Nam Sài Gòn Q7: Lễ kỉ niệm 25 năm ngày Nhà Giáo Việt Nam và 10 năm thành lập trường 1997-2007 (22/11)
 MNBC Quận 11: Lễ dón nhận Huân Chương Lao Động Hạng III (21/11)
 Cô giáo trẻ và hành trình thực hiện ước mơ“ (21/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i