Giáo dục mầm non
   Giáo viên mầm non dân nuôi : Cần được đãi ngộ thỏa đáng
 
Huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) là địa bàn có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Tày, Dao, Mông, Cao Lan... Để các em nhỏ bước đầu làm quen với tiếng Việt và nói được tiếng Việt trước khi vào học tiểu học thì vai trò của giáo dục mầm non là rất quan trọng. Thế nhưng, giáo dục mầm non hiện nay ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện này đang gặp rất nhiều khó khăn bởi tình trạng cô giáo mầm non dân nuôi bỏ dạy đến mức đáng báo động.

Chờ vào biên chế: Xa vời quá!
Xã Thượng Lâm nằm cách trung tâm thị trấn Na Hang khoảng 30km đường núi. Đây là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào dân tộc Tày, Dao. Gặp chúng tôi khi vừa mới đi vận động các cô giáo trở lại lớp, cô Chẩu Thị Ngay, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Thượng Lâm kể: “Chúng tôi thường xuyên phải tổ chức đi vận động như thế này. Trước đây mỗi lần vận động đều phải vin cớ là các cô giáo mầm non dân nuôi cũng sẽ được vào biên chế, hưởng lương như các cô giáo mầm non chính quy khác. Nhưng xem ra cơ hội vào biên chế xa vời lắm, các cô đều nản cả rồi. Có cô dạy trẻ 8 năm nay mà vẫn chưa được vào biên chế...”.

Một lớp học ở xã Thượng Lâm (Na Hang, Tuyên Quang). Ảnh internet

Những huyện vùng sâu, vùng xa như Na Hang thì các cô giáo mầm non dân nuôi chỉ được hưởng mức trợ cấp tăng theo số năm công tác từ 40.000 đến 50.000 đồng. Mỗi tháng thu nhập cao nhất cũng chỉ được 450.000 đồng (bao gồm cả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế). Trong đó có cả tiền phụ huynh đóng góp cho mỗi cháu là 10.000 đồng. Đối với thôn bản nghèo như Nà Ta, Đà Vị... mức đóng góp tự nguyện là 5000 đến 6000 đồng/cháu, thậm chí có nhà không muốn đóng góp và sẵn sàng cho các cháu bỏ học với lý do: không có tiền, nhà xa, đi lại khó khăn... Nhưng, các cô đều phải đảm nhiệm số giờ đứng lớp và số trẻ trong một lớp như các cô giáo trong biên chế (giáo viên mầm non trong biên chế được hưởng mức lương theo quy định cộng với 140% lương). Gọi là mầm non dân nuôi nhưng thực tế, thu nhập của các cô có được chủ yếu từ trợ cấp của Nhà nước và phải thường xuyên đến nhà vận động các phụ huynh cho các em đến trường.

Với tình hình giá cả đang leo thang chóng mặt như hiện nay, mức trợ cấp và đóng góp từ quỹ “dân nuôi” không đủ để các cô trang trải cho cuộc sống. Có lẽ vì thế mà khoảng 20 cô giáo mầm non dân nuôi ở xã Thượng Lâm đã nộp đơn kiến nghị lên phòng giáo dục huyện yêu cầu tăng lương hoặc đưa vào biên chế trước khi làm đơn nghỉ dạy. Trao đổi với chúng tôi, cô Chẩu Thị Dư - 8 năm dạy trẻ ở trường mầm non dân nuôi chia sẻ: “Với mức lương hiện tại thực sự không bảo đảm cho cuộc sống gia đình tôi. Tôi cùng các đồng nghiệp xin nghỉ tạm thời để lo cuộc sống gia đình”. Cũng như cô Dư, rất nhiều cô giáo mầm non khác cũng trông mong cấp trên có những kế hoạch cụ thể giúp các cô bảo đảm mức sống tối thiểu.

Hiện nay toàn xã Thượng Lâm có 198 trẻ dưới 5 tuổi với 23 cô giáo. Trong đó 7 cô giáo đã được vào biên chế kể cả cô hiệu trưởng và 2 cô hiệu phó không đứng lớp, 3 cô giáo đã chuyển về Hà Giang để được ký hợp đồng với mức lương là 2.600.000 đồng/tháng. Còn lại là các cô giáo chưa được vào biên chế. Nếu các cô giáo này đồng loạt bỏ dạy thì nguy cơ thiếu giáo viên trầm trọng sẽ xảy ra với xã Thượng Lâm. Sắp tới, 50 trẻ dưới 5 tuổi trong xã sẽ phải đưa vào một lớp do cô hiệu phó dạy để khắc phục tình trạng các cô đã bỏ dạy, còn lại hơn 100 trẻ có thể bị lâm vào cảnh không được học mầm non...

Cơ hội nào cho cô giáo mầm non dân nuôi?
Không chỉ các cô giáo ở xã Thượng Lâm muốn bỏ dạy mà nhiều cô giáo mầm non dân nuôi ở xã Khuôn Hà cũng đã chính thức nộp đơn ngừng dạy và nhiều xã khác thì đang “rục rịch” hành động. Theo bà Phạm Bích Luận-Trưởng phòng giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang) thì hiện nay toàn tỉnh có hơn 2000 cô giáo mầm non dân nuôi. Đây là lực lượng chính trong công tác giáo dục mầm non của tỉnh. Nhưng vừa qua đã có 50 cô giáo bỏ dạy. Với tình trạng này thì xem ra để đạt được chỉ tiêu 67% trẻ em từ 3 đến 5 tuổi đi học mẫu giáo, 95% trẻ 5 tuổi đến trường vào trước năm 2010 là quá xa đối với tỉnh Tuyên Quang.

Thực tế cho thấy, với mức trợ cấp eo hẹp và mức đóng góp từ “quỹ dân nuôi” như hiện nay thì dù có tâm huyết với nghề đến mấy thì các cô giáo dạy trẻ cũng sẽ bị quá sức. Dường như cánh cửa biên chế của các cô vẫn còn khép kín. Giáo dục vùng sâu vùng xa vốn đã rất vất vả với tình trạng học sinh ngồi “nhầm” lớp, do không theo kịp chương trình vì vốn tiếng Việt quá yếu, thiếu kiến thức cơ bản. Nếu không có các cô giáo mầm non dân nuôi đứng lớp thì nhất định gánh nặng giáo dục và những khó khăn tiếp theo sẽ đè lên bậc tiểu học. Khó khăn nối tiếp chồng chất như vậy liệu đến bao giờ huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang sẽ khắc phục được hiện tượng học sinh ngồi “nhầm” lớp đây? Từ thực trạng này, chúng tôi nghĩ rằng, tỉnh Tuyên Quang cần có những chính sách phù hợp để vận động thuyết phục các cô giáo dân nuôi trở lại lớp. Bởi tạo điều kiện cho giáo dục mầm non cũng chính là tạo điều kiện cho ngành giáo dục Tuyên Quang từng bước thoát khỏi khó khăn.

( Theo QĐND )
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Tiếng suối
Ngày gửi: 4/24/2008 7:46:31 PM

Không riêng gì tỉnh Tuyên Quang có giáo viên mầm non đang có nhu cầu vào biên chế mà tất cả các giáo viên vùng miền núi đều mong muốn được vào biên chế để ổn định thu nhập đảm bảo mức sống với xã hội hiện nay. Tôi cũng là giáo viên mầm non thuộc huyện miền núi. Tôi cũng đã công tác 7 năm và cũng chỉ được vào biên chế vào đầu năm 2008. Tôi thật sự muốn chia sẻ cùng các cô giáo mầm non ở Tuyên Quang những khó khăn trong thời cuộc hiện nay. Không chỉ lương thấp mà vất vả hơn là phải thường xuyên đi tìm cháu, vận động phụ huynh cho trẻ đến trường. Chính vì vậy mà tất cả các giáo viên miền xuôi khi được biên chế lên vùng miền núi thì họ đều bỏ nghề và ở lại miền xuôi. Cho nên, hiện tượng chảy máu chất xám như hiện nay theo tôi nghĩ là vấn đề mà tất cả những CBCNV trong biên chế đang quan tâm là tất yếu. Chỉ mong Chính Phủ có các chỉ thị, chính sách để khuyến khích những người làm giáo dục ở miền núi gắn bó với trường, với lớp, với dân để tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường và không "ngồi nhầm lớp như hiện nay".


guest
Vấn đề giải quyết việc làm và ưu đãi Giáo viên mầm non.
Ngày gửi: 4/28/2008 9:53:51 AM


Nghành Mầm non là nghành học đầu cấp với nhiều vất vả và khó khăn. Việc ưu đãi Giáo viên mầm non là việc mà các cấp - các nghành cần quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ sinh viên. Họ là những hạt giống mới và tiến bộ sẽ ươm mầm cho những chồi non kiến thức và chuyên môn đúng cách và khoa học. Với tư cách là một Sinh viên nghành mầm non sắp ra trường. Tôi hi vọng trong tương lai mình sẽ là một cô giáo không phải lo toan hay bận tâm đến vấn đề tiền bạc hay nỗi lo cơm áo để có thể dồn hết tâm huyết của mình cho công việc và cho những "đứa con" thân yêu của mình !



guest

Tiếng thở dài của giáo viên mầm non.
Ngày gửi: 4/30/2008 9:21:27 PM

Theo tôi nghĩ: mầm non là cấp học quan trọng nhất vì nó là nền móng cho các cấp học sau này. Thế mà chế độ cho giáo viên thì không. Với mức lương 540,000đ/1 tháng, giá cả tăng như hiện nay làm sao có thể thực hiên tốt công văn của chính phủ "có no gan ấm cật đâu" có phải không đồng nghiệp? Vì vậy tôi tha thiêt đề nghị Chính Phủ có công văn chỉ thị biên chế hoặc hợp đồng huyện cho tất cả các giáo viên ở mọi vùng miền. Chỉ có như vậy thì giáo dục mới có chất lượng và tránh được tiêu cực như hiện nay.


guest
Tăng giá, giáo viên MN phải làm sao?
Ngày gửi: 5/1/2008 9:24:41 PM


Hiện nay, ngành mầm non ít được phụ huynh quan tâm nhiều so với những cấp học khác. Đa số phụ huynh đều nghĩ rằng trẻ đến trường mầm non là để được chăm sóc tốt và họ có thời gian cho công việc của mình nhưng ít ai hiểu được rằng cấp học mầm non là tiền đề rất quan trọng cho trẻ chuẩn bị đầy đủ kiến thức và tâm thế bước vào lớp một. Chính vì thế, áp lực từ phía phụ huynh, công việc đối với giáo viêm mầm non là không nhỏ. Bên cạnh đó, những chính sách đãi ngộ của chính phủ dành cho giáo viên mầm non là chưa thỏa đáng so với tình hình giá cả tăng nhanh như hiện nay. Điều này dễ dẫn đến sự chán nản, muốn bỏ nghề của giáo viên. Hàng năm, tỉ lệ học sinh đăng kí tuyển sinh vào trường cao đẳng, đại học sư phạm ngành mầm non đang giảm dần một phần cũng chính vì áp lực của công việc của người giáo viên thì nhiều mà chính sách không thỏa đáng. Liệu chính phủ, vụ mầm non có những chính sách giải quyết như thế nào đó giúp cho giáo viên có cuộc sống thoải mái hơn để có thể chuyên tâm vào cái nghề cao quí mà mình đã chọn, không còn cảnh giáo viên mầm non phải kiếm việc làm thêm vào buổi tối, ảnh hưởng đến sức khỏe của mình mà cũng giảm chất lượng trong công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ?



guest

Giáo viên mầm non bao giờ mới được quan tâm.
Ngày gửi: 5/2/2008 11:46:57 AM

Tôi là giáo viên mầm non công tác đã được 3 năm. Vẫn biết nước ta còn nhiều khó khăn, còn nhiều vấn đề phải quan tâm. Nhưng sao mỗi lần nghĩ đến hoàn cảnh của những giáo viên mầm non tôi lại thấy chạnh lòng. Cũng là giáo viên, cũng được đào tạo, cũng bằng cấp như bao cấp học khác. Vậy mà họ lại quá thiệt thòi. Hy vọng sẽ có một ngày những giáo viên mầm non chúng tôi sẽ có thể yên tâm hơn trong công việc của mình mà không pahỉ lo lắng đến những nổi lo cơm áo hằng ngày.


guest
Khi nào đời sống giáo viên mầm non được cải thiện?
Ngày gửi: 5/4/2008 8:46:49 AM


Tôi đã đọc, đã nghe Nhà nước nói nhiều về việc đãi ngộ cho giáo viên Mầm non, nhưng thực tế thì giáo viên Mầm non còn vất vã quá. Mỗi ngày cũng đến trường đứng lớp hơn 8 tiếng đồng hồ, thời gian đứng lớp còn nhiều hơn giáo viên các cấp học khác, tối về nhà soạn bài, làm đồ dùng đồ chơi.... Vậy mà đồng phụ cấp họ được hưởng chỉ bằng 1/4 so với giáp viên các bậc học khác mà thôi. Họ là những người cũng được đào tạo qua các trường Sư phạm hẳn hoi, vì lẽ gì họ lại không được hưởng những chế độ chính sách mà đáng ra họ phải được hưởng, mà chế độ đầu tiên là họ phải được vào biên chế nhà nước, họ được thực sự hưởng những quyền lợi của những người thầy, người cô. Họ được mọi người gọi là cô, nhưng sau giờ lên lớp họ phải lăn lộn với ruộng vườn, chợ búa để kiếm tiền mưu sinh cuộc sống. Đảng, Nhà nước thường nói: Phải dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất... Vậy thì sao: Những người đang chăm sóc giáo dục những mầm non tương lai của đất nước lại không được hưởng những gì đáng ra họ được hưởng? Phải chăng Nhà nước thiếu ngân sách? Hay vì sự quan tâm chưa thấu đáo? Đã có những vị cán bộ chủ chốt ở một xã động viên các cô rằng: "Thôi lương các cô ngày hơn 10 ngàn đồng vậy là hơn nông dân làm ruộng rồi...". Tầm nhìn của người cán bộ chủ chốt ở địa phương chỉ có vậy thì biết khi nào đời sống các cô giáo mầm non được cải thiện?



guest

Hãy quan tâm hơn nữa đến đời sống giáo viên mầm non.
Ngày gửi: 5/9/2008 5:18:16 PM

Em là một sinh viên mầm non sắp ra trường. Sao em thấy tương lai mù mịt quá hà. Học 4 năm trời ở trừong Đại học, vậy mà đi đâu ai cũng bao "đã mất công học đại học sao không chọn ngành khác mà lại cứ là mầm non, việc thì nhiều mà lương chẳng đáng bao nhiêu", có người còn khuyên tốt nghiệp xong nên đi học một nghề khác rồi đi làm cho đỡ khổ, chứ làm việc quần quật suốt ngày mà chẳng được hưởng đãi ngộ gì cả (kể cả những người trong nghề cũng khuyên em như vậy). Không phải chỉ có em mới được nghe những câu nói đó mà bạn bè em ai cũng gặp phải cảnh tương tự cả. Bậc học mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, là bậc học rất quan trọng góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất nhân cách cho trẻ trong tương lai. Trong đó người giáo viên mầm non là người có tác động mạnh mẻ nhất, vậy mà chẳng có ai coi trọng công việc này cả. Liệu các giáo viên mầm non có yên tâm công tác và làm tốt công việc của mình khi mà họ còn phải lo miếng cơm mamh áo, còn phải chạy đua với giá cả đang leo thang như bây giờ? Kính mong các cấp, các ngành hãy quan tâm hơn nữa đến đời sống của giáo viên mầm non.


guest
Được đào tạo chuyên ngành Mầm Non để nuôi dạy trẻ hay làm lao công?
Ngày gửi: 5/18/2008 11:54:35 AM


Chúng tôi chấp nhận làm công việc của mình nhưng vào trường chúng tôi không chỉ nuôi dạy trẻ mà đến việc chà nhà vệ sinh, lau chùi hành lang ...chúng tôi cũng phải làm. Một ngày làm việc của chúng tôi rất mệt mỏi.



guest

Giáo viên mầm non đáng lẽ phải được ưu tiên nhất chứ.
Ngày gửi: 5/22/2008 1:05:25 PM

Tôi gắn bó với nghề từ năm 2003 đến bây giờ. Bao năm gắn bó với trẻ bởi lòng yêu trẻ, tâm huyết với nghề. Nhiều lúc tôi nghĩ đó là cái nghiệp mình đã theo. Tôi thấy những cô giáo mầm non chúng tôi vừa là bảo mẫu, vừa là người giúp việc, vừa là y tá, vừa là một kỹ sư tâm hồn. vậy mà trong nghành giáo dục thì mầm non lại ít được quan tâm nhất. Chúng ta vẫn nói rằng chúng là tiền đề quan trọng nhất, ảnh hưởng và quyết định về sau. Có hay không? vậy thử hỏi có nhiều người thực sự tâm huyết để theo mãi không nản với chế độ cho giáo viên mầm non như bây giờ hay không? Tôi yêu nghề, yêu trẻ thế và có thể tìm cho mình một công việc khác nhàn nhả và tốt hơn nhưng vì lòng yêu nghề, yêu trẻ. Vắng chúng là tôi nhớ nên tôi chọn gắn bó với nghề này. Nhưng thú thật là nhiều lúc tôi cũng rất mệt mỏi và nản với sự thiệt thòi của Giáo viên mầm non.


guest
Biên chế Giáo viên Mần Non.
Ngày gửi: 5/24/2008 9:33:25 AM


Chúng ta đều biết rằng công việc của giáo viên Mầm Non là vô cùng vất vả nhưng thu nhập lại rất thấp nếu như chưa được biên chế. Đời sống giáo viên vô cùng khó khăn. Tôi thiết nghĩ rằng Đảng và nhà nước cùng toàn dân nên quan tâm đến ngành học này.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 TP.HCM: 10 năm nữa cũng không đủ chỗ giữ trẻ (23/4)
 Trường mầm non nhận trẻ 3 tháng tuổi : Liệu có khả thi (23/4)
 Chuyển đổi loại hình trường mầm non: Thực tiễn chưa chấp nhận (22/4)
 Hà Nội thi tuyển giáo viên mầm non, tiểu học, THCS (22/4)
 Tuyển sinh đầu cấp: Chọn trường nào cho con? (21/4)
 Yêu nghề, thương trẻ (17/4)
 Mỗi lớp mẫu giáo được nhận tối đa 35 trẻ (14/4)
 Điều lệ Trường Mầm Non (16/4)
 Trường mầm non: Không phải ngoài công lập là xấu! (11/4)
 Giáo viên mầm non nông thôn: Đánh vật với nghề (8/4)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i