Giáo dục mầm non
   Trường mầm non công lập tự chủ tài chính: Bao giờ được tự chủ?
 
Từ năm học 2006-2007, 45 trường mầm non (MN) bán công trên địa bàn thành phố đã chuyển thành trường MN công lập tự chủ tài chính (CLTCTC). Song thực chất cũng chỉ là “bình mới, rượu cũ”, bởi dù chuẩn bị bước sang năm học thứ ba nhưng các trường MN CLTCTC vẫn chưa được tự chủ về thu chi. Hậu quả thì cả cô và cháu cùng lãnh…

Học phí thấp, các trường không dám nhận nhóm nhỏ

Không dám nhận nhóm nhỏ
Theo Luật giáo dục thì các trường MN phải nhận trẻ từ 4 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên trên thực tế, ở TP.HCM với 385 trường MN (cả công lập và CLTCTC), không có trường nào đủ “bản lĩnh” để nhận trẻ từ 4 đến dưới 12 tháng tuổi. Số trường mở lớp từ 12 đến 18 tháng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay và mỗi trường chỉ dám mở một lớp…

Năm học 2008-2009, Trường MN CLTCTC Bến Thành, Q.1 chỉ dám nhận 5 trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi. Trong đó phải dành 3 chỗ cho con giáo viên trong trường. Chỉ còn 2 chỗ nhưng có tới 40 hồ sơ đăng ký. Còn Trường MN CLTCTC 4, Q.3, năm ngoái nhận 20 trẻ/lớp/3 cô nhưng năm nay chỉ nhận 13 cháu và ghép chung với nhóm cơm nát (trên 18 - 24 tháng). Sở dĩ nhà trường phải làm như vậy là để giảm áp lực về phòng học, giảm áp lực về giáo viên…

Giải thích về việc các trường không mặn mà khi nhận nhóm nhỏ (12 đến 18 tháng), bà Tôn Nữ Thị Kim Anh Hiệu trưởng Trường MN CLTCTC Bến Thành, Q.1 cho rằng: “Luật giáo dục đã qui định, đối với nhóm 12 - 18 tháng tuổi, mỗi cô chỉ được chăm sóc 5 - 6 cháu. Trong khi đó ở mẫu giáo (3 đến dưới 6 tuổi) là 20 - 25 cháu/cô. Số cháu/cô ở mẫu giáo cao gấp 4 - 5 lần số cháu/cô ở nhóm nhà trẻ nhưng mức học phí thì gần như là ngang nhau. Từ năm học 1999-2000, mức học phí vẫn là 250.000đ/cháu/tháng (nhà trẻ) và 200.000đ/tháng/cháu (mẫu giáo). Chỉ cần làm một phép toán đơn giản cũng thấy rằng mở lớp nhỏ nhà trường lỗ nặng. Lớp nhỏ là 5-6 cháu x 250.000đ = 1,25 - 1,5 triệu/tháng, còn lớp lớn là 20-25 cháu x 200.000đ = 4 - 5 triệu/tháng…”.

Cách duy nhất khuyến khích các trường MN CLTCTC tự nguyện mở lớp nhóm nhỏ là “Tăng học phí gấp ba lần, 750.000đ/tháng/cháu”, bà Phùng Hoàng Oanh - Hiệu trưởng Trường MN CLTCTC 4, Q.3 khẳng định. Còn một số hiệu trưởng khác thì cho rằng nên có mức trần để các trường CLTCTC cân đối và thỏa thuận mức thu học phí với phụ huynh học sinh. Mức trần có thể là 1.000.000đ/tháng và mức sàn là 250.000đ/tháng.

Không chỉ tăng học phí đối với nhóm nhà trẻ mà các trường còn mong muốn được tăng mức thu ở nhóm mẫu giáo. Với mức học phí 200.000 - 250.000đ/tháng/cháu, các trường vừa phải trả lương cho cô vừa phải trả lương cho những người làm việc gián tiếp như cấp dưỡng, bảo vệ, lao công, cán bộ y tế… Ở một số trường, lương của những người làm việc gián tiếp chưa tới 1.000.000đ/tháng. Với mức lương “còm” như thế này, liệu các cấp dưỡng có thể nấu cho trẻ những bữa ăn ngon?

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM thì: “Cần dựa trên cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy của từng trường để định ra mức học phí linh hoạt. Trường có chất lượng tốt phải được thu học phí cao…”.

Vệ sinh phí thấp: dịch bệnh “tấn công” trường MN
Có thể nói thành phố có dịch bệnh gì thì trường MN có dịch bệnh đó. Nào sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, bệnh hô hấp, tiêu chảy… Vì đâu nên nỗi?

Với mức vệ sinh phí 5.000đ/tháng/cháu, thử hỏi làm sao các trường có thể làm tốt vấn đề vệ sinh. Bà Hoàng Oanh cho biết, 5.000đ này dùng để mua xà bông rửa tay, sữa tắm, long não để trong nhà vệ sinh, xà bông giặt khăn, khăn giấy lau miệng, giấy lau vệ sinh cho các cháu… Không chỉ có vậy, 5.000đ này còn dùng để mua nước lau nhà, rửa đồ chơi, tẩy rửa nhà vệ sinh. Đặc biệt, để phòng chống dịch bệnh, chủ yếu là bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, nhà trường cũng phải lấy 5.000đ này ra để mua thuốc xịt muỗi, Cloramin B làm vệ sinh từ trong lớp học ra tới sân trường.

“Năm học nào cũng thiếu kinh phí để hoạt động, thường thì nhà trường cứ phải lấy từ khoản nọ khoản kia để đắp vào. Riêng năm ngoái, thấy vật giá leo thang nên Ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất trích ra 5.000đ/tháng/cháu để nhà trường có thêm kinh phí cho quỹ vệ sinh. Cách đây không lâu, chị Kim Thanh - Phòng Giáo dục Mầm non của Sở trả lời báo chí rằng phải tăng mức thu vệ sinh phí lên 10.000đ/tháng nhưng tôi thấy tăng như vậy vẫn chưa đủ”, bà Hoàng Oanh tâm tư.

Bà Kim Anh bức xúc: “Với 5.000đ/tháng thì làm sao mà mua khăn ướt, giấy tốt để lau mũi, lau vệ sinh cho trẻ được. Da các cháu còn non, nếu dùng giấy xấu lau 2 -3 lần là bị trầy xước. Mức thu này đã đi cùng các trường gần 10 năm rồi, từ đó đến nay giá cả cũng tăng cỡ vài chục lần…”.

Mức thu cơ sở vật chất vẫn y nguyên từ năm 1999 đến nay càng khiến cho các trường nợ như “chúa chổm”. Đối với các trường phổ thông, vài năm sơn quét một lần cũng không sao, bàn ghế có cũ kỹ cũng vẫn dạy và học tốt. Nhưng ở trường MN thì khác, hầu như năm nào cũng phải “thay áo mới”. Cứ đến hè là các trường MN lại biến thành một công trường xây dựng. Trường thì sơn vẽ tường, trường thì sửa chữa nâng cấp phòng học, sân chơi, nhà vệ sinh…

“Sửa chữa lớn, quận còn cấp kinh phí chứ sửa chữa nhỏ trường phải lấy từ tiền đóng cơ sở vật chất của học sinh - 600.000đ/tháng/cháu nhà trẻ và 500.000đ/tháng/cháu mẫu giáo. Số tiền này dùng để mua đồ chơi, tủ kệ đựng đồ của cháu, bàn ghế, sửa chữa nhỏ, cây xanh và 1.001 thứ khác nữa…”, bà Trần Ngọc Lan - Hiệu trưởng Trường MN 20-10, Q.1 tâm tư.

Theo Báo Giáo Dục
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


bangtam

Không nên để trường công lập tự chủ tài chính
Ngày gửi: 8/5/2008 2:51:38 PM

Trường công lập là tài sản của quốc gia, tất cả người dân khi gửi con vào trường công đều được hưởng lợi là không phải trả tiền thuê nhà. Bộ giáo dục nên tính toán chi phí thế nào cho hợp lý ,cho thu nhập của giaó viên xứng đáng với công lao họ bỏ ra mà vẫn phải giữ nguyên trường công lập cho trẻ em nhất là trẻ em nghèo.Để tất cả trẻ em đều được đến trường! Còn những người có thu nhập cao thì hãy chia sẻ với gánh nặng của người nghèo bằng cách cho con học trường tư thục chất lượng cao.Đừng có tranh chỗ của người nghèo bằng cách xin xỏ, gửi gắm...


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Những tai nạn thường gặp trong nhà trẻ, mẫu giáo (14/7)
 Chuẩn bị cho năm học mới: Nỗi lo trường lớp xây chậm, giáo viên bỏ việc… (3/7)
 Trẻ con và đời sống (3/7)
 Lịch bồi dưỡng chuyên môn hè năm 2008. (7/7)
 Lịch bồi dưỡng CBQL - GV Nghành GDMN hè 2008 ( TP.HCM ) (20/6)
 TP.HCM: Trải “thảm đỏ” tuyển giáo viên (1/7)
 Các trường mầm non : Đầu hè đã lo năm học mới (30/6)
 Chế độ lương chưa thu hút được giáo viên (28/6)
 Hàng loạt giáo viên TP HCM xin ra khỏi ngành (27/6)
 Đề xuất tăng chế độ ưu đãi giáo viên mầm non (25/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i