Giáo dục mầm non
   Trường mầm non ngưng dùng sản phẩm chế biến từ sữa
 
Các trường mầm non tại TPHCM tạm thời không mua các sản phẩm sẵn như yaourt, bánh ngọt, flan... là quyết định của ngành giáo dục thành phố nhằm đối phó với tình hình bất ổn của sữa thời điểm này. Tuy nhiên, việc kiểm soát dùng sữa rẻ tiền không rõ nguồn gốc là khá khó khăn.

Quyết định trên được Sở GD&ĐT chính thức đưa ra trong thông báo gửi phòng giáo dục các quận, huyện, chiều 24/9. Theo đó, Phó giám đốc Sở Lê Thị Hồng Liên đề nghị các phòng giáo dục tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức ăn tại trường, tuân thủ triệt để các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm khi chọn mua thực phẩm chế biến thức ăn cho trẻ.

Trong trường hợp các cơ sở tiếp tục sử dụng sữa và các chế phẩm có liên quan như phô mai, bơ, yaourt, bánh mì ngọt, rau câu... phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà sản xuất, giấy chứng nhận chuẩn còn giá trị thời hạn, do cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Ngành giáo dục TP HCM đề nghị các mầm non tạm ngưng sản phẩm từ sữa,
nếu các trường không tự chế biến được. Ảnh: Lan Hương

Ngành giáo dục cũng khuyến cáo các cơ sở mầm non phải chọn các thương hiệu có uy tín, không được tiết kiệm mà mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không kiểm soát được quy trình sản xuất...

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng giáo dục mầm non TP HCM, Nguyễn Kim Thanh, rất khó kiểm soát được việc các mầm non tư thục sử dụng các loại sữa rẻ tiền không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trao đổi với VnExpress.net, bà Thanh cho biết đa số các mầm non tư thục không tự chế biến được các sản phẩm từ sữa như như yaourt, bánh flan, rau câu... mà phải mua từ các nhà phân phối khác.

Người đứng đầu ngành mầm non thành phố cũng bày tỏ e ngại, nhiều phụ huynh mang bánh kem vào lớp nhờ cô tổ chức sinh nhật cho con, rồi các chia cho các bé khác. Theo bà Thanh, các sản phẩm từ kem này cũng chưa kiểm tra được chất lượng, nguyên liệu, các trường nên hạn chế và phải quản lý nghiêm ngặt hơn.

"Việc ngưng sử dụng các loại sữa sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trí tuệ và chiều cao của các bé. Đối với các bé biếng ăn, sữa là một nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng. Do đó phụ huynh vẫn nên lựa chọn và cho con sử dụng các loại sữa an toàn", bà Thanh nêu ý kiến.

Riêng đối với khu vực mầm non công lập, ngành giáo dục thành phố khẳng định kiểm soát chặt chẽ được về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, theo bà Thanh. Trưởng phòng mầm non thành phố cho biết, việc sử dụng sữa, các sản phẩm từ sữa trong trường công lập đều được ký hợp đồng với những công ty có thương hiệu, và thực hiện kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra hàng tháng.

Ghi nhận của VnExpress.net, nhiều mầm non cả trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố vẫn duy trì lịch uống sữa của trẻ, đồng thời chưa có kế hoạch thay đổi nhãn hiệu các sản phẩm từ sữa hiện dùng.

Cụ thể, các cơ sở hiện sử dụng sữa bột của một số hãng Nutifood, Milmax, Vinamilk, Abott, Dumex, Dutch lady... Đối với các sản phẩm như sữa chua, bánh flan, bánh ngọt... các trường tự chế biến từ nguyên liệu sữa hoặc đặt mua của các công ty.

Đơn cử, Hiệu trưởng trường Mầm non tư thục BiBo (quận Tân Bình) Bùi Thị Thanh Trúc cho biết vẫn cho trẻ uống sữa vào mỗi sáng, trẻ biếng ăn sẽ được uống thêm một lần vào xế chiều để tăng cường dinh dưỡng. Trường này đang đã sử dụng sữa bột nguyên kem Nutifood do công ty Cổ phần dinh dưỡng Đồng Tâm cung cấp. "Trường tin dùng sản phẩm này từ nhiều năm nay, hiện chúng tôi chưa nhận được khuyến cáo nào", bà Trúc nói.

Đại diện Mầm non Kim Đồng, cùng quận Tân Bình, cũng cho biết ngoài dùng sữa bột Nutifood, trường cũng đặt mua sản phẩm từ sữa như yaourt cho các bé từ các công ty, có biên bản kiểm dịch.

Còn Hiệu trưởng Mầm non Sơn Ca 14, F14, Quận Phú Nhuận Vũ Thị Mai cho hay, trường cũng nhận được ý kiến của khá nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng sử dụng sữa trong nhà trường. Tuy nhiên, bà Mai cho biết những loại sữa trường sử dụng trong nhiều năm qua như Vinamilk, Nutifood, Grow sẽ vẫn được tiếp tục sử dụng. "Hiện tại nhà trường vẩn chưa có kế hoạch thay đổi các loại sữa khác", bà Mai cho biết.

Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo nhiều trường mầm non cũng cho biết chưa kịp biết văn bản từ Sở GD&ĐT. Tuy nhiên, đại diện các trường đều khẳng định sẽ cập nhật thường xuyên các thông tin về thị trường sữa, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm từ mặt hàng trong tình hình bất ổn hiện nay.

Theo VnExpress

Các trường mầm non Hà Nội nghe ngóng trước “cơn sốc” sữa

Trong khi một số nhà trẻ, trường mầm non tại TP.HCM đã tạm ngừng cho trẻ uống sữa hoặc chuyển sang các thực phẩm khác thì các trường ở Hà Nội cũng đã bắt đầu lo lắng trước thông tin về sữa Trung Quốc nhiễm Melamine đã có mặt ở nước ta. Một số các vị phụ huynh đã yêu cầu tạm dừng việc cho con em họ uống sữa ở trường

Phần lớn các phụ huynh vẫn yên tâm với những thực phẩm mà con mình được cho ăn, uống tại trường

Luôn cân nhắc cho trẻ uống sữa đảm bảo
Bà Lê Thanh Hà, Giám đốc Điều hành trường Mầm non Hoa Trà My (Trung Hòa, Nhân Chính, HN) cho biết sau khi báo chí đưa tin Cty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoi milk) đã nhập các sữa bột của Trung Quốc, nhiều vị phụ huynh đã gọi điện đến trường, bày tỏ lo lắng về các hãng sữa khác trong nước liệu cũng trong tình trạng tương tự. Trong khi chờ đợi mọi việc được làm sáng tỏ, họ đề nghị trường tạm dừng việc cho các cháu uống sữa.

Thể theo nguyện vọng đó và cũng để yên tâm hơn trong khi chờ kết luận của các cơ quan chức năng, hôm nay (25/9), trường đã có thông báo gửi toàn thể các vị phụ huynh, bắt đầu từ tuần sau sẽ tạm dừng việc cho các cháu uống sữa tươi Vinamilk vào buổi sáng mà thay bằng sữa đậu nành, nước hoa quả tươi. Các loại bánh có liên quan đến bột sữa có trong thực đơn của các cháu cũng bị tạm cắt, thay bằng cháo, súp…

“Bản thân tôi cũng rất lo lắng trước những tin tức dồn dập trong thời gian gần đây về sữa Trung Quốc có nhiễm chất Melamine. Trường hiện đang cho các cháu uống một số nhãn sữa của hãng Abbott, Hoa Kỳ chứ chưa bao giờ mua các loại sữa trôi nổi ngoài thị trường. Trong hoàn cảnh hiện tại, dù là sữa ngoại đi chăng nữa, tôi vẫn băn khoăn không hiểu các nhà cung cấp sữa có trộn các chất gây độc hại vào không. Người đưa ra câu trả lời là các cơ quan quản lý thực phẩm chứ không phải trách nhiệm nhà trường. Khi ký hợp đồng mua sữa thì các đơn vị cung cấp luôn đưa ra đầy đủ các giấy tờ, hồ sơ pháp lý về sản phẩm của mình cho nhà trường” - Bà Vũ Thanh Thanh, Hiệu trưởng trường mầm non Mai Dịch cho biết

Bà Hoàng Thúy Vân, quản lý trường Mầm non tư thục Hoa Hồng (Long Biên, Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm này khi cho biết khi ký hợp đồng với hãng sữa nào thì trường cũng phải chú ý đến giấy phép nhập khẩu cũng như giấy công bố tiêu chuẩn sản phẩm của loại sữa đó. Thông thường, hãng sữa nào cũng có đầy đủ các giấy tờ này , chỉ có điều các cơ quan kiểm soát trước đó có thực sự làm nghiêm hoặc có đủ khả năng thẩm định hay không. Về phía trường luôn phải đắn đo suy nghĩ chọn cho các cháu những thực phẩm hay loại sữa tốt và an toàn nhất.

Được biết, từ hơn 1 năm nay, trường kiên quyết không nhận sữa do các phụ huynh gửi đến trường cho các cháu uống vì trường sẽ không kiểm soát hết được chất lượng các loại sữa này, đề phòng trường hợp các cháu bị đau bụng hoặc ngộ độc thì không biết trách nhiệm thuộc về ai

Sữa vẫn là thức uống cần thiết nhất

Các cháu vẫn hồn nhiên uống sữa mà không biết những mối nguy hiểm có thể rình rập

Bà Vân cho biết, hiện trường chưa nhận được ý kiến nào từ phụ huynh cũng như thông qua các giáo viên về chuyện tạm dừng hay thay đổi loại sữa mà trẻ đang được uống . “Trẻ con phải được uống sữa thì mới được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, đảm bảo thể lực khỏe mạnh và trí tuệ phát triển. Do đó, trong mọi tình huống, trường vẫn muốn dành một bữa sữa trong một ngày, thay vì thay thế các thực phẩm khác”.

Chị Thanh cũng kể, các bé sau tiết học thứ nhất, vào lúc 9h sáng, thường được uống một cốc sữa và bé nào cũng đua nhau uống và rất thích uống. “Hàng ngày, thực đơn và tài chính của nhà trường đều công khai. Các cháu được ăn gì, uống sữa gì cha mẹ đều nắm rõ. Có lẽ do các phụ huynh đều đã yên tâm với loại sữa con mình được uống nên chưa có kiến nghị gì với nhà trường” - Bà Thanh nói thêm.

Bà Bạch Tuyết, người phụ trách trường mầm non AEC kid (273 Tôn Đức Thắng) cho biết, các vị phụ huynh có con gửi tại trường đều rất yên tâm với một sản phẩm sữa của Vinamilk mà các cháu đang được uống 180 ml vào bữa sáng. Đây tuy không phải là loại sữa đắt tiền nhưng chất lượng yên tâm và phù hợp với mức tiền 8000đ/bữa ăn sáng của các cháu.

Bà Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, các vị phụ huynh cũng như các nhà trẻ, trường mầm non… không nên quá hoang mang vào thời điểm này. Sữa vẫn cứ là đồ uống tốt nhất để cung cấp các chất dinh dưỡng cho trẻ trong độ tuổi mẫu giáo. Tuy nhiên, các nhà trẻ vẫn có thể thay thế cho trẻ bằng sữa đậu nành hay các món ăn khác như chè, đậu đỗ... Đây cũng là cách thay đổi thực đơn để giúp trẻ đỡ chán khi phải uống mãi một loại sữa.

Ngoài ra, các trường mẫu giáo nhà trẻ chỉ nên tránh sử dụng các sản phẩm sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc, còn các loại sữa khác thì tại thời điểm này vẫn có thể yên tâm sử dụng, nhất là trong khi chờ đợi các kết quả xét nghiệm” - Bà Lâm đưa ra lời khuyên

Ths. BS Lê Thị Hải, Trưởng Trung tâm Khám & Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia bày tỏ sự bất bình trước hành vi sản xuất kinh doanh sữa chứa chất độc Melamine của những công ty thiếu lương tâm. Bởi đối với trẻ em, sữa là loại thực phẩm tốt nhất với thành phần dinh dưỡng đầy đủ, dễ hấp thu, đặc biệt là với trẻ biếng ăn.

Theo Ths Hải, vào thời điểm này, trong khi đợi các cơ quan chức năng có những khuyến cáo cụ thể danh sách các loại sữa độc hại và không độc hại, các phụ huynh cũng như nhà trường không nên quá hoang mang. Ngoài các loại sữa xuất xứ từ Trung Quốc đang tạm ngừng lưu thông, các bà mẹ vẫn nên chọn các nhãn hàng sữa có uy tín, có xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận VSATTP, chú ý xem thành phần sữa, hạn sử dụng, chú ý không mua hộp sữa méo mó, sữa bị vón cục hay có màu bất thường.

Lưu ý, không phải sữa đắt tiền, sữa của hãng lớn mới là sữa tốt, vì thành phần cơ bản của các loại sữa đều là đạm - đường và chất béo. Do đó, chỉ cần chọn loại sữa có xuất xứ rõ ràng, có hương vị phù hợp với trẻ, trẻ uống ngon miệng, không bị nôn trớ, táo bón, lên cân đều.

Nếu không tin tưởng các sản phẩm sữa trên thị trường, có thể tạm cho trẻ uống nước đậu nành, có bổ sung dầu ăn và đường thì thành phần dinh dưỡng tương đương với sữa. Cho trẻ ăn thêm các loại thực phẩm giàu canxi như tôm, cua và các loại rau, củ, quả để bổ xung vitamin, khoáng chất.
 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Giáo dục mầm non tư thục khu vực ngoại thành: Mạnh ai nấy làm! (25/9)
 Thông báo : vệ sinh an toàn thực phẩm của mặt hàng sữa (25/9)
 24,2% giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn (24/9)
 Trường Mầm non Hướng Dương tỉnh An Giang. (24/9)
 Tại các trường mầm non công lập: Hai vấn đề giải quyết tình trạng quá tải (23/9)
 Giáo viên mầm non: Thêm một đồng cũng quý (22/9)
 Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (20/9)
 Bối rối với bữa ăn mầm non (17/9)
 Tiền lương dạy thêm 1 giờ bằng 150% tiền lương (17/9)
 Nhức nhối lương giáo viên (15/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i