Công văn - Chỉ thị
   Thông tư: Hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các đơn vị ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực GD-ĐT ( Số 44/2000/TTLT/BTC-
 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH BỘ TÀI CHÍNH,

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO,

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Số 44/2000/TTLT/BTC-BGD và ĐTT-BLĐTB và XH,ngày 23/5/2000

Hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các đơn vị ngoài

công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo

     

      Căn cứ Nghị quyết số 90/CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa;

      Căn cứ Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao;

      Để thống nhất công tác quản lý tài chính đối với các đơn vị giáo dục – đào tạo ngoài công lập; liên tịch của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn công tác quản lý tài chính như sau:

 

I.    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1.   Các cơ sở giáo dục – đào tạo ngoài công lập được thành lập và hoạt động nhằm thực hiện chủ trương xã hội hoá là các cơ sở bán công, dân lập và tư thục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

2.   Các cơ sở giáo dục – đào tạo ngoài công lập hoạt động không nhằm mục đích thương mại hoá, quản lý tài chính theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu, tự trang trải chi phí hoạt động. Trong quá trình hoạt động nếu có chênh lệch thu nhiều hơn chi,  cơ sở được chi tăng cường cơ sở vật chất, chi nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và trích các quỹ khen thưởng, phúc lợi nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động.

3.   Các cơ sở giáo dục – đào tạo ngoài công lập phải tổ chức quản lý tài chính, tài sản, hạch toán kế toán phù hợp với từng loại hình theo quy định của Nhà nước; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để giao dịch.

4.   Các cơ sở giáo dục – đào tạo ngoài công lập được áp dụng chính sách ưu đãi đối với các cơ sở thực hiện xã hội hoá theo Thông tư số 18/2000/TT-BTC ngày 1/3/2000 của Bộ tài chính “Hướng dẫn 1 số điều của Nghị định 73/1999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/8/1999 về chế độ tài chính khuyến khích đối với các cơ sở ngoài công lập trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao.”

 

II.  NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A.  ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1.   Đối tượng áp dụng Thông tư này là các cơ sở giáo dục – đào tạo ngoài lập công lập thuộc các cấp trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

-         Nhà trẻ, nhóm trẻ;

-         Trường, lớp mẫu giáo;

-         Trường mầm non (kết hợp giữa nhà trẻ và trường, lớp mẫu giáo);

-         Trường tiểu học;

-         Trường trung học cơ sở;

-         Trường trung học phổ thông;

-         Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, trung tâm bồi dưỡng văn hoá; trung tâm ngoại ngữ; trung tâm tin học; trung tâm giáo dục thường xuyên; trường bổ  túc văn hóa;

-         Cơ sở dạy nghề (trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề, lớp dạy nghề);

-         Trường trung học chuyên nghiệp;

-         Trường cao đẳng;

-         Trường đại học.

2.   Các cơ sở ngoài công lập hoạt động theo ba loại hình sau đây:

a)      Cơ sở giáo dục – đào tạo bán công

      Cơ sở giáo dục – đào tạo  bán công được thành lập trên cơ sở liên kết giữa các cơ sở giáo dục – đào tạo của Nhà nước với các tổ chức không phải là tổ chức Nhà nước, với doanh nghiệp, các cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước theo phương thức: Thành lập mới, chuyển toàn bộ hoặc một phần cơ sở vật chất từ đơn vị công lập để cùng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quản lý, điều hành mọi hoạt động của cơ sở theo quy định của pháp luật.

b)      Cơ sở giáo dục – đào tạo dân lập: Là cơ sở do các tổ chức, tập thể không thuộc Nhà nước đứng ra thành lập, cùng góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cùng tham gia quản lý điều hành mọi hoạt động theo quy định của pháp luật.

c)      Cơ sở giáo dục – đào tạo tư thục: Là cơ sở do cá nhân, hộ gia đình đứng ra thành lập và quản lý, điều hành theo quy định của pháp luật.

 

B.  NGUỒN TÀI CHÍNH HOẠT ĐỘNG VÀ NỘI DUNG THU, CHI CỦA CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO NGOÀI CÔNG LẬP

1.   Nguồn tài chính hoạt động

-     Nguồn ngân sách nhà nước

+ Giá trị cơ sở vật chất ban đầu và đầu tư đổi mới trong quá trình hoạt động đối với cơ sở bán công;

+ Các khoản phải nộp

+ Kinh phí thực hiện các chương trình đề tài cấp Nhà nước, chương trình mục tiêu (nếu có);

-     Bổ sung từ kết quả hoạt động tài chính hàng năm;

-     Các khoản tài trợ, viện trợ, ủng hộ, quà tặng của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước;

-     Vốn đóng góp của các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất;

-     Vốn vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng (nếu có).

2.   Nội dung thu, chi

a)      Nội dung thu

-         Học phí của học sinh, sinh viên

Đối với các trường do Trung ương quản lý theo khung thu do Liên Bộ Tài Chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn.

Đối với các trường do địa phương quản lý do Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn  mức thu phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

-         Thu từ các hợp đồng dịch vụ đào tạo, dạy nghề, nghiên cứu khoa học, triển  khai ứng dụng kĩ thuật;

-         Lãi tiền gửi ngân hàng, kho bạc nhà nước (nếu có);

-         Thu từ lao động sản xuất, liên doanh liên kết hợp tác;

-         Các khoản thu hợp pháp khác.

b)      Nội dung chi

-         Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng và các khoản đóng góp theo chế độ quy định như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn cho người lao động;

-         Các khoản chi cho sinh viên, học sinh: học bổng, khen thưởng, chi thực hiện chính sách xã hội đối với học sinh, sinh viên dạng chính sách;

-         Thù lao giảng viên, cán bộ nghiên cứu, thỉnh giảng;

-         Chi phí hoạt động giảng dạy, học tập, đào tạo, dạy nghề, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng công nghệ phục vụ giảng dạy, học tập;

-         Chi cho công tác đào tạo nâng cao trình độ giáo viên, nhân viên cơ sở;

-         Công vụ phí, hội nghị phí, công tác phí, thông tin liên lạc..;

-         Trả tiền thuê cơ sở vật chất (nếu có), chi mua sắm và xây dựng, sửa chữa tài sản cố định, trang thiết bị và đồ dùng dạy học;

-         Trích khấu hao tài sản cố định;

-         Chi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước (nếu có);

-         Chi trả lãi vốn vay, vốn góp;

-         Các khoản chi khác (nếu có).

 

C.  CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH

1.   Đối với các cơ sở giáo dục – đào tạo bán công

a)      Quản lý và sử dụng vốn, tài sản

-         Quá trình quản lý tài chính các đơn vị Giáo dục – Đào tạo bán công theo nguyên tắc phân biệt rõ ràng, công khai nguồn ngân sách nhà nước đầu tư và nguồn huy động ngoài ngân sách nhà nước.

-         Phần vốn góp của Nhà nước bao gồm vốn bằng tiền, vật tư hàng hoá, tài sản cố định (nhà, đất, máy móc trang thiết bị, phương tiện vận tải, tài sản khác…) được Nhà nước trang bị ban đầu và được bàn giao trong quá trình hoạt động. Các cơ sở giáo dục đào tạo tổ chức kiểm kê, đánh giá toàn bộ phần vốn góp của Nhà nước gửi cơ quan chủ quản xét duyệt để gửi cơ quan tài chính cùng cấp làm thủ tục chuyển giao tài sản, tiền vốn của Nhà nước sang cơ sở giáo dục bán công theo Thông tư số 43/TC-QLCS ngày 31/07/1996 của Bộ tài chính.

      Hàng năm các cơ sở bán công tổ chức kiểm kê đánh giá lại giá trị tài sản báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp, trong đó phân tích rõ ràng tài sản bổ sung từ nguồn vốn góp của Nhà nước được để lại cho đơn vị.

      Tài sản không cần dùng, tài sản lạc hậu về mặt kỹ thuật, cơ sở được nhượng bán để thu hồi vốn bổ sung nguồn tài chính cho hoạt động của cơ sở. Trước khi bán, cơ sở phải thành lập hội đồng định giá, tổ chức bán đấu giá theo các quy định của pháp luật.

-         Nguồn ngân sách nhà nước cấp để thực hiện các chương trình, đề tài, dự án được quản lý, sử dụng theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Định kỳ hàng quý báo cáo tiến độ thực hiện và tình hình thu, chi gửi cơ quan phê duyệt.

-         Vốn góp của các tổ chức không phải là tổ chức nhà nước, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế; vốn vay được quản lý sử dụng đúng mục đích theo dự án được duyệt

-         Khấu hao tài sản cố định được để lại cho đơn vị tăng cường cơ sở vật chất. Trường hợp cần thiết, thủ trưởng cơ sở bán công có thể quy định tỷ lệ khấu hao nhanh để thu hồi vốn nhưng phải phù hợp với khả năng chi trả của người hưởng dịch vụ.

b)      Các cơ sở giáo dục – đào tạo bán công được áp dụng chế độ quản lý thu, chi của cơ sở công lập. Hàng năm, cơ sở giáo dục – đào tạo bán công lập dự toán thu, chi theo nguồn hình thành; Sau khi được Hội đồng quản trị thông qua, gửi cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp gửi cơ quan tài chính đồng cấp.

c)      Các cơ sở giáo dục – đào tạo bán công thực hiện chế độ kế toán theo Quyết định 999/TC-QĐ-CĐKT ngày 2/11/1996 của Bộ Tài chính ban hành hệ thống chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.

d)      Các cơ sở giáo dục – đào tạo bán công thực hiện chế độ kiểm tra, thanh tra tài chính thường xuyên hoặc đột xuất việc sử dụng kinh phí của cơ sở; công khai các khoản thu, chi và tiền phân phối thu nhập cho người lao động trong cơ sở; tình hình tăng giảm tài sản theo nguồn vốn của Nhà nước và nguồn huy động ngoài ngân sách nhà nước.

đ)  Thủ trưởng là chủ tài khoản của cơ sở, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và cơ quan quản lý trực tiếp về toàn bộ công tác quản lý tài chính, tài sản của chủ cơ sở.

e)   Kết quả tài chính hàng năm của các cơ sở bán công được xác định trên cơ sở chênh lệch giữa tổng số thu và tổng số chi của đơn vị trong năm tài chính. Nếu có chênh lệch thu lớn hơn chi do Hội đồng quản trị (đối với cơ sở bán công) hoặc do thủ trưởng đơn vị (đối với cơ sở công lập có bộ phận bán công) quyết định tỷ lệ chi cho các nội dung sau:

- Bổ sung nguồn vốn hoạt động của cơ sở không dưới 30% tổng số chênh lệch thu lớn hơn chi.

- Số còn lại bổ sung thu nhập, chi khen thưởng và phúc lợi cho những người trong cơ sở và phân phối thu nhập theo tỉ lệ góp vốn (nếu có): phần thu nhập có được từ nguồn vốn góp của Nhà nước được để lại đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và hạch toán tăng phần vốn góp của Nhà nước.

2.   Đối với các cơ sở giáo dục – đào tạo dân lập

a)      Cơ sở giáo dục – đào tạo dân lập hoạt động theo nguyên tắc thu đảm bảo toàn bộ chi phí của đơn vị và bảo toàn phát triển nguồn tài chính.

b)      Các cơ sở giáo dục – đào tạo dân lập khi được giao thực hiện các chương trình, đề tài, dự án của Nhà nước thì được ngân sách nhà nước cấp kinh phí. Phần kinh phí này được hạch toán riêng và quản lý theo chế độ Nhà nước quy định.

c)      Đối với các tài sản không cần dùng, tài sản lạc hậu về kỹ thuật, cơ sở giáo dục – đào tạo được nhượng bán để thu hồi vốn. Đơn vị thành lập hội đồng định giá và tổ chức đấu giá  theo các quy định của pháp luật. Tiền thu được do nhượng bán tài sản sau khi trừ đi các chi phí hợp lí để tiến hành nhượng bán được bổ sung nguồn vốn hoạt động của cơ sở.

d)      Hàng năm, Hội đồng quản trị thông qua dự toán thu, chi và quy định cơ cấu các khoản chi thường xuyên và chi đầu tư; chi cho con người và chi hoạt động; xác định việc chi trả lãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn theo tỷ lệ vốn góp.

đ)  Các cơ sở giáo dục – đào tạo dân lập thực hiện chế độ kiểm tra, thanh tra tài chính thường xuyên việc sử dụng kinh phí của cơ sở; công khai các khoản thu, chi tài chính, tình hình tăng giảm tài sản theo các nguồn vốn hình thành cho cán bộ, nhân viên trong cơ sở biết.

e)  Kết quả tài chính hàng năm của các cơ sở giáo dục – đào tạo dân lập được xác định trên cơ sở chênh lệch giữa tổng số thu và tổng số chi của đơn vị trong năm tài chính. Số chênh lệch thu lớn hơn chi do Hội đồng quản trị quyết định tỷ lệ chi sau khi có ý kiến của cơ quan bảo trợ, cho các nội dung sau:

-     Tăng cường cơ sở vật chất không dưới 30% tổng số chênh lệch thu lớn hơn chi;

-     Số còn lại chi khen thưởng và phúc lợi cho những người trong đơn vị, các đối tượng trực tiếp hợp tác với đơn vị và phân phối thu nhập theo tỷ lệ vốn góp;

g)  Cơ sở giáo dục  - đào tạo dân lập thực hiện hạch toán kế toán theo chế độ kế toán do Nhà nước quy định, thực hiện báo cáo quyết toán hàng quý, hàng năm toàn bộ tình hình hoạt động tài chính của cơ sở và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan tài chính đồng cấp.

3.   Đối với các cơ sở giáo dục – đào tạo tư thục

      Các cơ sở giáo dục – đào tạo tư thục được thành lập theo quy định của Nhà nước và hoạt động theo nguyên tắc tự đảm bảo thu, chi và chịu trách nhiệm về quảntài chính đối với các hoạt động của mình.

 

D. XỬ LÝ TÀI CHÍNH SAU KHI CÁC CƠ SỞ GIẢI THỂ, PHÁ SẢN

      Khi các cơ sở giáo dục – đào tạo ngoài công lập tuyên bố phá sản hoặc giải thể, việc xử lý tài chính được tiến hành theo thứ tự ưu tiên như sau:

-         Các khoản chi phí theo quy định của pháp luật cho việc giải quyết giải thể, phá sản của cơ sở;

-         Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo hợp đồng lao động đã ký kết;

-         Các khoản nợ thuế (nếu có);

-         Các khoản nợ của các tổ chức, cá nhân khác trong danh sách:

+    Nếu giá trị (tài sản và tiền) còn lại của cơ sở đủ thanh toán các khoản nợ của các chủ nợ thì mỗi chủ nợ được thanh toán đủ số nợ của mình.

+    Nếu giá trị (tài sản và tiền) còn lại của cơ sở không đủ thanh toán các khoản nợ của các chủ nợ, thì mỗi chủ nợ chỉ được thanh toán một phần khoản nợ của mình theo tỷ lệ tương ứng.

-         Phần giá trị (tài sản và tiền) còn lại (nếu có) của cơ sở sau khi đã thanh toán  đủ số  nợ của các chủ nợ thuộc về:

+    Chủ cơ sở nếu là cơ sở tư thục;

+    Các thành viên tham gia góp vốn của cơ sở (bao gồm cả ngân sách nhà nước) nếu là cơ sở bán công, cơ sở dân lập.

 

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

      Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày kí.

      Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Liên Bộ để xem xét, sửa đổi và bổ sung cho phù hợp.

 

 

      KT. BỘ TRƯỞNG BỘ            KT BỘ TRƯỞNG                 KT. BỘ TRƯỞNG

      LAO ĐỘNG – THƯƠNG          BỘ GIÁO DỤC                     BỘ TÀI CHÍNH

        BINH VÀ XÃ HỘI                    VÀ ĐÀO TẠO

          THỨ TRƯỞNG                     THỨ TRƯỞNG                     THỨ TRƯỞNG

       Nguyễn Lương Trào                     Lê Vũ Hùng                   Nguyễn Thị Kim Ngân

                 (Đã kí)                                      (Đã kí)                                      (Đã kí)

 

     

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Nghị quyết: Về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa ( Số 90/CP, ngày 21/8/1997 ) (5/9)
 Quyết định: Về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của các trường ngoài công lập ( Số 39/2001/QĐ–BGD&ĐT ngày 28/8/2001 ) (5/9)
 Quyết định: Về việc ban hành điều lệ trường mầm non ( Số 27/2000/QĐ-BGD&ĐT, Ngày 20/07/2000 ) (5/9)
 Luật Giáo dục ( Số 11/1998/QH10 ngày 2/12/1998) (5/9)
 Quyết định: Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục 2001- 2010 (201/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001) (5/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i