Giáo dục mầm non
   Khả năng của trẻ 5 tuổi đang bị đánh giá thấp
 

Theo nhóm soạn thảo Dự thảo Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, nhiều người lớn đã đánh giá quá thấp về khả năng của trẻ. Ảnh: Hoàng Hà.
Nhiều người lớn và cả một số nhà tâm lý đang cho rằng trẻ 5 tuổi còn non, chưa biết làm gì..., điều này là một sai lầm và sẽ cho ra một thế hệ mầm non kém cỏi. Nhóm biên soạn Dự thảo vừa đưa ra phản bác mới đây.

Theo tiến sĩ Trần Lan Hương, tiến sĩ Trần Thị Nga và thạc sĩ Nguyễn Thị Thư thuộc ban soạn thảo Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phản ứng của dư luận gần đây về Dự thảo cho thấy đã có sự "ngộ nhận" về sự phát triển của trẻ em VN.

Trước hết, đó là sự đánh giá quá thấp khả năng của trẻ 5 tuổi. Theo nhóm chuyên gia, việc người lớn tự cho rằng trẻ còn chưa biết làm gì sẽ hình thành ở trẻ tâm lý mình không biết làm gì và không thể làm tốt được việc gì. Trẻ chấp nhận và có thói quen làm theo mọi sự chỉ dẫn của người lớn. Kết quả là chúng ta sẽ có một thế hệ mầm non kém cỏi.

Sự đối lập có thể thấy rõ nếu so sánh với trẻ nhỏ của các nước phát triển - các em rất tự tin và độc lập, dễ dàng hòa nhập vào môi trường mới, nói chuyện hết sức tự nhiên và có những suy nghĩ tích cực cũng như rất sáng tạo. Vậy phải chăng trẻ em Việt Nam luôn kém cỏi hơn?

"Chính nhận thức đã chi phối toàn bộ cách ứng xử của người lớn đối với trẻ em. Nếu chúng ta nghĩ trẻ không biết gì chúng sẽ trở nên không biết gì, nhưng nếu chúng ta nghĩ trẻ có thể làm được nhiều thứ, chúng thật sự sẽ làm được nhiều thứ", các chuyên gia khẳng định.

Nhóm soạn thảo cũng cho biết thực ra 20 năm trước, trong các tiêu chí cần đạt của trẻ 5 tuổi mà Bộ Giáo dục đưa ra đã có nhiều mục tiêu cao hơn hẳn trong Bộ chuẩn hiện nay, như trẻ phải "có thói quen giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường, biết thông cảm giúp đỡ bạn bè, em nhỏ, biết nhận xét những mối liên hệ, biến đổi của sự vật hiện tượng xung quanh...".

Các chuyên gia cũng cho biết nhiều chỉ tiêu trong Bộ chuẩn mới được các phụ huynh mổ xẻ, cho rằng quá sức với trẻ, nhưng thực tế trẻ đã làm được những điều còn phức tạp hơn thế.

Chẳng hạn chỉ tiêu "Sử dụng các loại câu khác nhau trong giao tiếp: câu đơn, câu ghép, câu hỏi, câu khẳng định, câu phủ định, câu mệnh lệnh", nhiều người cho rằng điều này là đánh đố với trẻ, rằng ngay cả học sinh lớp 12 có khi còn chưa chuẩn ngữ pháp. Tuy nhiên, luận án phó tiến sĩ của nghiên cứu sinh Lưu Thị Lan từ năm 1996 đã cho thấy, trẻ 5-6 tuổi đã biết sử dụng các loại câu tường thuật để miêu tả sự vật, hiện tượng, con người, câu nghi vấn, câu cảm thán, câu hô ứng...

Cũng có ý kiến cho rằng trẻ 5 tuổi Việt Nam phải sau "10 tuổi mới có thể định hình chính xác đâu là trên - dưới, phải - trái...". Nhưng thực tế ngay từ mẫu giáo 3-4 tuổi, trẻ đã được học cách phân biệt này.

Riêng với hai tiêu chí gây tranh cãi chạy liên tục 150 mét hay chạy 18 mét trong 5 giây, nhóm soạn thảo cho biết Chương trình của Bộ Giáo dục ban hành 15 năm trước đã yêu cầu trẻ 5 tuổi phải chạy được 120 mét, và trong cuộc kiểm tra trên 3.700 trẻ vào năm 1992-1993 thì số trẻ chạy 12 mét trong 4 giây đã chiếm gần 82%.

"Giờ đây trong thế kỷ 21, lại có ý kiến cho rằng trẻ 5 tuổi hiện nay 'với sức lực vốn còn non nớt, đặc biệt là trẻ em ở thành phố ăn còn phải dỗ có khi mới hết bát cơm,' 'lao động' nặng nhất có khi chỉ là bài tập thể dục ở lớp' và chỉ có trẻ có năng khiếu về thể thao may ra mới thực hiện được yêu cầu này. Thật là xót xa cho thể lực yếu ớt của trẻ 5 tuổi Việt Nam. Vậy người lớn ở nước ta sẽ nghĩ gì khi biết rằng người Thái đặt chỉ số phát triển cho trẻ 5 tuổi của họ là: Chạy liên tục 400 -500 m".

"Cách nhìn của xã hội như vậy cũng có thể phần nào giải thích tại sao người Việt Nam luôn gặp vấn đề về sức bền thể lực", các chuyên gia lý giải.

Tương tự như vậy, ở các lĩnh vực khác như phát triển tình cảm và quan hệ xã hội, nhiều người tỏ ra khá bi quan khi cho rằng trẻ 5 tuổi không thể chủ động và độc lập trong một số hoạt động như vệ sinh cá nhân, trực nhật, chuẩn bị cho giờ học, không thể kiềm chế cảm xúc tiêu cực cũng như tìm cách để giải quyết mâu thuẫn...

"Nhưng nếu như chúng ta một lần đến thăm các lớp mẫu giáo 5 tuổi thì việc trẻ tự rửa tay trước khi ăn, chuẩn bị bàn ghế, bút chì, kéo cho giờ học là một việc làm hết sức bình thưòng và rất đơn giản đối với trẻ 5 tuổi", các chuyên gia nói.

"Ở đây, lại một lần nữa người lớn đã không đánh giá được hết khả năng của trẻ".

Lại có quan điểm cho rằng, phàm những gì mà tất cả người lớn còn chưa làm được thì không thể dạy cho trẻ. Chẳng hạn có ý kiến "trong khi bố nó, ông nó còn hút thuốc lá" thì làm sao lại phải dạy trẻ rằng" hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe". Theo nhóm soạn thảo, không thể đợi cho đến khi tất cả người lớn ở Việt Nam ứng xử tốt thì mới được dạy trẻ.

"Chúng tôi nghĩ vấn đề không nằm ở chỗ trẻ có khả năng hay không mà là người lớn có biết tạo cho trẻ các cơ hội để phát triển hết khả năng hay không. Người lớn có chịu thay đổi hay không? Quả bóng đang ở trong chân của người lớn", các chuyên gia kết luận.

Theo VnExpress

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Góp ý cho Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
Ngày gửi: 3/10/2009 10:39:04 PM

Tôi đồng tình với ý kiến của các chuyên gia. Có lẽ từ trước đến nay chúng ta thường nghĩ rằng trẻ con 5 tuổi còn quá bé bỏng, chưa biết làm gì và có thói quen thường hay làm hộ trẻ. Điều đó dẫn tới trẻ em Việt Nam nói chung thường nhút nhát, rụt rè, ỉ lại và thiếu tự tin ngay từ nhỏ. Công tác trong ngành mầm non, tôi hiểu khả năng của trẻ, trong điều kiện tâm sinh lý phát triển bình thường, trẻ được người lớn tạo điều kiện, được khuyến khích, giao nhiệm vụ và trải nghiệm thường xuyên, chắc chắn trẻ có thể thực hiện xuất sắc các bài tập đó, và thực tế đã như vậy. Trẻ học trong trường mầm non không như nhiều người nghĩ là chỉ hát múa, đa phần là cô trông giữ trẻ. Những ai quan tâm đến ngành học này mới thấy dạy trẻ là cả một khoa học và giáo viên mầm non luôn tạo mọi cơ hội để trẻ phát triển toàn diện thông qua các hoạt động trong ngày. Bộ Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, theo tôi nghĩ là phù hợp với khả năng của trẻ 5 tuổi nước ta - Do vậy vấn đề đặt ra là người lớn phải tạo cơ hội, tạo môi trường tốt cho trẻ phát triển theo chuẩn chứ không nên đánh giá thấp và cho rằng trẻ không thể làm được. Như vậy thì trẻ em Việt Nam bao giờ mới được như các nước phát triển khác?


guest
Khi không cho trẻ tiếp xúc với bên ngoài
Ngày gửi: 3/28/2009 5:50:26 PM


Tôi nghĩ phải cho trẻ tiếp xúc với bên ngoài để cho trẻ nhận biết được thế giới khách quan bên ngoài. Trẻ sẽ tự tập thói quen tự lập và bạo dạn hơn. Giúp trẻ phát triển tòan diện hơn .


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Khổ như giáo viên mầm non dân lập (9/3)
 Dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục 2009 – 2020”:Cần làm lại lương cho giáo viên mầm non (3/3)
 Sớm triển khai chương trình giáo dục mầm non mới (2/3)
 Trả lời loạt bài : Về chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi (27/2)
 Trao đổi về Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi (27/2)
 'Khát' giáo viên mầm non (27/2)
 Hơn 4.000 nhóm lớp trẻ mầm non không phép (26/2)
 Giáo dục mầm non Hà Nội: Quá tải học sinh, thiếu giáo viên và trường lớp (25/2)
 Vụ GDMN về thẩm định trường MN của Bộ GD&ĐT. (24/2)
 Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi: Định hướng sự phát triển của trẻ (23/2)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i