Giáo dục mầm non
   Học trước chương trình lớp 1: Lợi bất cập hại!
 

Ở lớp lá các bé đã được làm quen với môi trường chữ viết, toán
Sau khi Báo Giáo Dục TP.HCM đăng bài Đua nhau "luyện thi" vào... lớp 1chúng tôi đã nhận được phản hồi từ nhiều phía như giáo viên, lãnh đạo ngành giáo dục, phụ huynh. Theo đó, hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc cho trẻ học trước chương trình lớp 1 là sai lầm...

Học kém vì... học trước chương trình
Chị Thanh (P.Tân Hưng, Q.7) kể lại: "Khi bé Tú 5 tuổi, nghe lời rủ rê của mấy chị phụ huynh có con học ở Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ B, tôi đã cho bé đi học chữ (từ 4 giờ 30 đến 6 giờ 30 chiều). Sau 7 tháng theo học ở nhà cô giáo Lan, bé đã học hết chương trình của môn tiếng Việt và toán lớp 1. Ngày nào cô Lan cũng chấm điểm 9, điểm 10 cho bé. Vợ chồng tôi lấy đó làm tự hào vì chắc rằng khi vào lớp 1, bé sẽ là một trong số ít những học sinh xuất sắc. Nào ngờ...".

Những ngày đầu khi mới bước chân vào Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Q.7), bé Tú hào hứng bao nhiêu thì khi vào học chính thức bé chán nản bấy nhiêu. Hôm nào về nhà bé cũng nói với ba mẹ: "Cô giáo chỉ dạy những thứ con biết rồi. Đi học chán lắm". Trong giờ học, bé cứ ngoái trước, nhìn sau, chọc hết bạn nọ lại phá đến kia. Kết quả là bé trở thành học sinh cá biệt.

Cứ nghĩ giáo viên "đì" con mình nên sang học kỳ II, vợ chồng chị Thanh chuyển con sang học ở Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Q.7). Song cũng như ở trường cũ, sang trường mới Tú vẫn chứng nào tật nấy, chỉ thích chọc phá bạn bè chứ không muốn học... "Cho con đi học trước vừa tốn tiền, mất thời gian nhưng trên hết vẫn là làm mất đi niềm vui học tập của bé khi vào lớp 1", chị Thanh hối hận.

Sợ con sẽ không "bơi" được khi vào lớp 1 nên sau khi bé Đan Hà "tốt nghiệp" Trường Mầm non 20-10 (Q.1), chị Phượng Hồng cho bé tới nhà cô giáo Hiếu (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) để học chữ. Đều đặn một tuần 5 buổi, từ 8 giờ đến 10 giờ sáng, bé Đan Hà mướt mồ hôi "luyện chữ" trong "lò" của cô giáo Hiếu. Sau 3 tháng học ở đây, bé đã biết đọc, biết viết chính tả, làm toán. Song, "Bé nhập học được khoảng 1 tháng, cô giáo chủ nhiệm phàn nàn với tôi là bé rất ngang bướng, hay cãi lời cô. Cô kêu bé viết thế này, bé lại viết thế nọ, bé đánh vần cũng sai, cầm viết cũng sai. Sau khi biết bé đã từng đi học, cô giáo cho rằng có thể phương pháp dạy của cô giáo Hiếu sai, do không cập nhật chương trình đổi mới ở bậc tiểu học, cụ thể là lớp 1. Phải mất gần 2 tháng, cô giáo chủ nhiệm mới uốn nắn bé Đan Hà theo đúng chuẩn. Ở nhà, tôi cũng phải rèn dữ lắm", chị Phượng cho biết.

Vào lớp 1 không cần biết chữ
Thầy Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng GD Tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Nhiều phụ huynh cho rằng nếu không cho con đi học trước thì khi vào lớp 1 các bé sẽ bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sự bỡ ngỡ đó sẽ là động cơ giúp bé khám phá, có hứng thú trong học tập. Còn những bé học trước, khi vào học sẽ luôn có cảm giác cái này học rồi nên tỏ ra lơ là, thậm chí là chán học. Đến phần chưa được học trước, bé sẽ rất khó khăn và không biết phải bắt nhịp với các bạn trong lớp như thế nào. Theo tôi, trước khi vào lớp 1, phụ huynh chỉ cần cho bé đi học lớp lá (5 tuổi) ở trường mầm non là đủ. Ở đây các bé được làm quen với toán, chữ viết, kể chuyện. Với chương trình mới hiện nay, khoảng cách giữa lớp lá và lớp 1 là rất gần...".

Tuy nhiên, điều mà các nhà sư phạm lo lắng hơn cả là những cô giáo ở các "lò luyện" tiền lớp 1 phần lớn đều là giáo viên không đúng chuẩn. Đó là những giáo viên đã về hưu, đã nghỉ việc cả chục năm hoặc những cô giáo tay ngang không có nghiệp vụ sư phạm. Bởi vậy, những giáo viên này sẽ cho ra "lò" những học sinh cầm viết sai, đánh vần sai, viết chữ sai...

Cả thầy Lê Ngọc Điệp và cô Nguyễn Thị Thu Vân đều nhấn mạnh rằng: Vào lớp 1 không cần phải biết chữ trước...

Cô Nguyễn Thị Thu Vân - Trưởng khối Khối 1 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) cho biết: "Chương trình hiện nay có nhiều điểm mới, do vậy nếu giáo viên không cập nhật thì sẽ dạy sai. Ví dụ, trước đây chữ bánh đánh vần là a... nh.. anh... banh... sắc bánh nhưng nay đánh vần là b... anh... banh... sắc bánh; trước đây chữ a là chữ đầu tiên trong bảng chữ cái nhưng nay là chữ e. Chính tả cũng có nhiều thay đổi. Chẳng hạn những chữ h, l, b, k là 5 ly, trước chỉ có 4 ly; chữ y, g kéo xuống 3 ly, trước chỉ kéo 2 ly. Chữ viết hoa trước đây khá đơn giản nhưng nay có nhiều nét thắt, nhiều vòng, khó viết hơn. Với môn toán, dù các phép tính cộng, trừ vẫn như trước nhưng bây giờ học sinh lớp 1 phải chú trọng đến việc ghi lời giải. Ví dụ bài toán là: Mẹ đi chợ mua 5 quả ổi, rồi mua thêm 3 quả ổi nữa. Hỏi mẹ mua mấy quả ổi? Trước đây chỉ cần trả lời là: 5 quả + 3 quả = 8 quả, nhưng nay phải trả lời: Mẹ mua 5 quả ổi + 3 quả ổi = 8 quả ổi... Giáo viên dạy sai thì học sinh sẽ học sai, do vậy khi vào học lớp 1 chính thức các em sẽ không biết nghe lời cô nào. Thực tế là đã có một số học sinh và phụ huynh thắc mắc với tôi rằng tại sao cô giáo ở lớp học thêm dạy kiểu này mà cô lại dạy kiểu khác. Thà là các em chưa biết chữ, giáo viên sẽ đỡ cực hơn nhiều, chứ các em biết mà lại biết sai thì giáo viên cực, học sinh cũng mệt".

Theo Báo Giáo Dục

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Bức xúc
Ngày gửi: 4/7/2009 6:24:48 PM

Tôi đồng ý với những vấn đề nêu trên và tôi có một số bức xúc về chương trình Giáo Dục của Sở Giáo Dục và Đào Tạo Tỉnh Long An. Khi đứng ở cương vị là một Giáo Viên Mầm Non tôi thấy xót xa khi các cháu phải cực khổ thực hiện hết học phạm này đến học phạm khác. Trong khi đó tuổi các em là tuổi vừa học vừa chơi và hoạt động chủ đạo là vui chơi. Nếu là học phạm của Vụ Giáo Dục đưa xuống tôi rất đồng tình vì nội dung của nó phù hợp với các em. Trong khi đó chỉ riêng Sở Giáo Dục và Đào Tạo Long An lại có thêm mấy quyển học phạm khác là do bà Đặng Thị Phương Phi phụ trách, có một số nội dung không phù hợp với khả năng của các em. Nhất là quyển màu vàng “làm quen chữ viết” lớp Lá. Bây giờ trên thị trường đa số đã sử dụng tập 5 ô ly hết mà trong quyển ‘làm quen chữ viết” này vẫn còn kiểu cũ và lằn kẻ chính lại mờ khiến cho các em rất khó thực hiện. Nội dung thì cao hơn khả năng của các em. Điều đáng lưu ý là những quyển học phạm này chỉ được lưu hành nội bộ thôi. Vậy thì tôi xin hỏi những quyển này đã được chuẩn hóa và xem xét kỹ lưỡng trước khi xuất bản chưa mà hàng năm đội ngũ giáo viên chúng tôi phải nhức đầu phải góp ý kiến cho những quyển học phạm như thế này của Sở Long An. Và đâu lại vào đấy góp thì góp nhưng cấp trên có chịu nghe đâu, năm nào cũng như năm ấy ban cứ soạn lại chứ có đổi mới gì đâu? Nhiều lúc tôi nghĩ tại sao không theo học phạm của Vụ giáo dục mà lại làm thêm nhiều quyển học phạm không cần thiết nữa làm gì, vì mục đích chung hay là vì tư lợi bắt buộc các trường trong tỉnh phải mua?
Tuổi các cháu mầm non là tuổi hồn nhiên, tuổi vui chơi nhưng sao Sở giáo dục tỉnh Long An lại làm cho các em có cảm giác mệt mỏi sợ đến lớp như thế chỉ vì sợ viết chữ. Xin Vụ Giáo dục có biện pháp can thiệp xem xét vấn đề tôi nêu. Xin cảm ơn.



guest
Tôi bức xúc
Ngày gửi: 4/12/2009 5:57:04 PM


Giống như bài viết trên, nhà trường và cô giáo tiểu học đều nói các bé đi học vào lớp 1 không cần biết chữ trước. Nhưng trên thực tế, nếu các cháu kh6ôg biết chữ trước thì khi vô học sẽ thua kém bạn bè đâm ra nản học. Nói là chưa học chữ trước khi vào lớp 1, các cháu phải đôc được Tiếng Việt, và phảu viết được chính tả. Như vậy có nên cho trẻ học chữ trước hay không khi chương trình lớp 1 cao so với trẻ?



guest

Tôi bức xúc
Ngày gửi: 4/15/2009 4:52:33 PM

Tôi là một giáo viên mầm non đang công tác tại tỉnh Long An, trong nhiều năm qua tôi đã cho trẻ lớp 5 tuổi thực hành quyển "Bé làm quen chữ viết" dành cho các cháu 5-6 tuổi. Tôi cho rằng quyển "Bé làm quen chữ viết" là rất cần thiết để chuẩn bị cho cháu vào học lớp 1 được tốt. Trong nôi dung quyển này là "làm quen" chứ không phải là học trước.
Quyển này được cấc bậc cha mẹ trẻ ưa thích và hầu hết giáo viên chúng tôi đều sử dụng tốt việc thông qua vui chơi nhẹ nhàng nhưng các cháu sẽ làm quen với chữ viết tốt, thiết thực cho việc học viết ở lớp 1. Sau khi thực hiện thay sách giáo khoa ở tiểu học, thì quyển "Bé làm quen chữ viết" này đã được chỉnh sửa cho phù hợp với chữ viết lớp 1 thay sách. Đây là quyển để trẻ 5-6 thực hành nhằm khắc sâu các chữ cái đã học, nhằm giúp cho các cháu có tâm lý, tri thức, kỹ năng ban đầu trước khi vào lớp 1, thiết thực thực hiện chuyên đề Làm quen văn học- làm quen chữ viết của Bộ GD&ĐT.
Qua quyển này, mỗi tuần các cháu được thực hiện khoảng vài dòng phù hợp với khả năng cháu 5-6 tuổi.
Nếu quyển này có màu sắc đẹp hơn và không sai sót một số lỗi kỹ thuật thì sẽ hoàn hảo hơn./.



guest
Thật đáng buồn
Ngày gửi: 4/21/2009 10:52:00 AM


Đọc xong bài báo tôi thấy buồn nhiều quá. Việc học trước chương trình hiện nay là một vấn nạn, không chỉ riêng một nơi mà nó đã lan ra rất nhiều, kể cả những vùng nông thôn như ở địa phương tôi hiện nay. Các cháu bé đang tuổi ăn tuổi chơi mà đã phải đeo chiếc cặp to tướng, bắt phải ngồi học 2h một lúc, không hiểu các bậc phụ huynh nghĩ gì?
Thôi thiết nghĩ lỗi ở đây không hẳn là lỗi của phụ huynh , mà lỗi chính vẫn ở các nhà giáo dục.
Hiện nay ở địa phương chúng tôi, nếu không cho các cháu học trước, thì các cháu không thể theo kịp được các bạn cùng lớp vì các cô giáo lớp một hoàn toàn day theo kiểu các cháu biết rồi, nếu cháu nào không biết thì sẽ không theo kịp ,và đương nhiên các cháu sẽ trở nên chán nản.
Vì vậy các nhà quản lý giáo dục cần có biện pháp kịp thời điều chỉnh lại cách quản lý các đơn vị dạy trái phép cho trẻ trước khi vào lớp 1 , đồng thời có biện pháp nghiêm khắc với những giáo viên chưa thực sự có tâm huyết khi dạy các cháu ở lớp 1. Và cũng rất mong xã hội chúng ta kiên quyết lên án phản đối việc làm không khoa học này, để các thế hệ tương lai của chúng ta được hưởng một chương trình giáo dục hoàn thiện nhất.




guest

Đôi điều trao đổi
Ngày gửi: 4/22/2009 2:37:11 PM

Theo Luật Giáo dục năm 2005, điều 22 mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẫm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào học lớp một.
Nhiều nhà khoa học đã nói đến sự cần thiết của trường mầm non trong việc phát triển cũng như chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Nhằm giúp trẻ thành công ở lớp 1, trẻ cần được chuẩn bị tâm thế sẵn sàng học tập. Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT cần chuẩn bị cho trẻ các vấn đề sau: về thể chất, về trí tuệ, về tình cảm - xã hội, về ngôn ngữ và một số kỹ năng cần thiết cho hoạt động học tập. Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của trường mầm non, của các lớp mẫu giáo 5-6 tuổi và theo tình hình thực tế của tỉnh nhà, Sở Giáo dục và Đào tạo Long An ban hành quy định những đồ dùng đồ chơi học tập cá nhân dành cho trẻ mầm non theo độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo 3-4 tuổi, mẫu giáo 4-5 tuổi và mẫu giáo 5-6 tuổi. Chính bộ đồ dùng đồ chơi cá nhân này góp phần giúp trẻ phát triển tốt để chuẩn bị cho trẻ vào học lớp một nếu được giáo viên mầm non và các bậc cha mẹ trẻ sử dụng đúng, không được làm thay trẻ, không bắt trẻ thực hiện quá thời gian,...
Như những năm học trước, năm học 2008-2009 Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường mầm non cần làm tốt việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đi học cho trẻ:
Chuẩn bị về mặt thể lực cho trẻ về phát triển chiều cao, trọng lượng, năng lực làm việc bền bĩ, dẻo dai, có khả năng chống lại sự mệt mỏi của thần kinh, cơ bắp, độ khéo léo của bàn tay, tính nhanh nhạy của các giác quan bằng các chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập cho trẻ.
Quan tâm đến sự rèn luyện về các thao tác trí tuệ, hiểu biết về bản thân, gia đình, môi trường xung quanh, các biểu tượng về thời gian, không gian, đồng thời rèn luyện kỹ năng thực hiện hoạt động trí óc như so sánh, phân tích, tổng hợp.
Rèn luyện cho trẻ có kỹ năng giao tiếp, sử dụng tốt tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt hàng ngày là việc quan trọng nhất để chuẩn bị cho trẻ học đọc, học viết ở lớp một.
Thông qua các hoạt động một ngày của cô và trẻ, tập cho trẻ thực hành các đồ dùng đồ chơi đã quy định như: quyển "Bé làm quen chữ viết", "Bé làm quen với môi trường xung quanh" để mở rộng vốn từ về thế giới xung quanh, phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ, phát triển ở trẻ kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong cuộc sống hàng ngày, hình thành một số kỹ năng chuẩn bị cho việc đọc, viết. Tổ chức các hoạt động nghe - nói cho trẻ, phát âm các chữ cái, nghe và hiểu nghĩa của từ, thể hiện cử chỉ, điệu bộ, nét mặt phù hợp với yêu cầu, hoàn cảnh giao tiếp.
Quan tâm đến việc luyện tập cho trẻ biết sử dụng những đồ dùng sinh hoạt một cách gọn gàng trong giờ chơi để rèn luyện sự khéo léo của đôi bàn tay.
Các lớp mẫu giáo 5-6 tuổi đã giúp trẻ rèn luyện kỹ năng cần thiết cho hoạt động học tập ở tiểu học sau này, thiết thực giúp trẻ chuyển dần hoạt động chủ đạo từ hoạt động vui chơi sang hoạt động học tập như việc sắp xếp bàn ghế, cách cầm bút, cầm sách, mở sách, tư thế ngồi đúng, tô chữ, đồ chữ, viết chữ giúp trẻ quen dần với hoạt động mới. Điều này đòi hỏi giáo viên mầm non phải tích cực tổ chức các hoạt động cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, tăng dần tính tập trung chú ý có chủ định. Trước năm 2000 một số giáo viên để cho các cháu chơi tự do, chơi với nhiều đồ chơi nhưng không được gợi ý, uốn nắn của giáo viên để các cháu được "chơi mà học, học bằng chơi", một số ít giáo viên khác chạy theo yêu cầu của các bậc cha mẹ trẻ là dạy đọc, dạy viết chữ, làm toán (có cho điểm).. Dần dần thực hiện chỉ đạo của Vụ Giáo dục mầm non, thông qua các chuyên đề, đặc biệt là chuyên đề "Làm quen văn học- làm quen chữ viết"; chúng tôi đã bồi dưỡng, uốn nắn những sai sót của giáo viên, tăng cường đổi mới công tác quản lý, cuối cùng từ 3 năm nay đã giảm được số cháu mẫu giáo 5-6 tuổi bỏ học vào đầu học kỳ II (học trước lớp một); đã làm rõ được hoạt động một buổi, một ngày của cô và cháu, nhất là mẫu giáo 5-6 tuổi. Qua khảo sát, đánh giá kết quả chuẩn bị cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi vào lớp một đã thấy rõ sự tiến bộ toàn diện của cháu.
Để chuẩn bị cho trẻ vào lớp một, điều quan trọng không phải là cho bé học trước chương trình lớp một, mà bé phải được chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đi học, chuẩn bị cả về thể chất, về trí tuệ, về tình cảm - xã hội, về ngôn ngữ và một số kỹ năng cần thiết cho hoạt động học tập như đã trình bày ở trên.
Ngoài ra, trong chỉ đạo chúng tôi còn quan tâm đến việc chuẩn bị về mặt xã hội cho trẻ lớp mẫu giáo lớn, đây là tiền đề quan trọng cho việc hình thành nhân cách của trẻ, thiết thực hình thành kỹ năng sống cho trẻ ở cấp phổ thông. Chính việc phát triển lòng tự tin, ý thức kỷ luật, trật tự trong sinh hoạt, hành vi văn minh, giữ gìn vệ sinh, tình thương, quan hệ đoàn kết thân ái với bạn, biết yêu mến và tôn trọng người lớn, biết chăm sóc và giữ gìn của công. Có mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh, bước đầu có tinh thần hợp tác,... Tất cả sự chuẩn bị như vậy sẽ giúp trẻ thành công ở lớp một, cả cấp tiểu học và các cấp học cao hơn. Điều này các bậc cha mẹ ở các trường mầm non, tiểu học, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục Long An đã xác nhận sự đóng góp của mầm non vào sự thành công của tỉnh nhà./.
PHÒNG GDMN
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LONG AN



[email protected]
Vài ý kiến chia sẻ
Ngày gửi: 4/22/2009 9:33:00 PM


Xem qua một loạt bài viết trên, bản thân tôi là một giáo viên mầm non của Tỉnh Long An, có vài ý kiến trao đổi như sau :
Thực hiện chuyên đề "LQVH-CV" của Bộ GD&ĐT đưa ra để chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi vào lớp một. Mục đích là giúp trẻ làm quen với các chữ viết là chính chứ không phải mục đích rèn luyện cho bé viết chữ đẹp và chuẩn, bởi vì quá trình này các bé sẽ rèn luyện ở chương trình tiểu học.
Một số phụ huynh vì quá nôn nóng, nên đưa bé học thêm trước chương trình lớp một, theo tôi sẽ gây tác hại cho bé, bởi vì có thể phương pháp dạy của một số giáo viên dạy thêm không cập nhật kịp chương trình mới ở tiểu học, học thêm trước như vậy sẽ gây nhàm chán cho bé khi vào lớp một. Là giáo viên mầm non dạy lớp Lá tôi thấy các bé làm quen chữ viết rất hứng thú. Bước đầu các bé tập tô theo dấu chấm mờ, sau đó mới cho bé viết theo chữ mẫu trong quyển "Bé LQCV" của cô Đặng Thị Phương Phi. Quyển này nhằm giúp bé tự viết chữ khi không có các dấu chấm mờ, như thế các bé sẽ khắc sâu hình dáng các chữ cái đã học tốt hơn.
Qua quá trình giảng dạy lớp lá tôi thấy chuyên đề "LQVH-CV" theo triển khai của SGD tỉnh Long An không có gì là nặng nề gây mệt mỏi cho bé mà ngược lại sẽ giúp bé vững vàng, tự tin bước vào học môn tiếng Việt ở lớp một tốt hơn.
Chào đoàn kết !




guest

Tôi cũng bức xúc
Ngày gửi: 4/26/2009 5:33:42 PM

Xem các bài viết trên tôi cảm thấy vấn đề cho trẻ học trước chương trình lớp 1 cũng không phải là hoàn toàn của phụ huynh. Vì tôi cũng là 1 giáo viên mầm non, tôi đã 5 năm liền dạy lớp Lá, theo kinh nghiệm tôi thấy rằng nếu các cháu vào học lớp 1 mà không đọc được, viết được các giáo viên lớp 1 bảo rằng không biết ở trường mầm non các cô dạy như thế nào, cứ chê bai mãi giáo viên mầm non (cũng tội nghiệp cho GVMN) dạy đúng chương trình thì bị chê, còn dạy thêm ngoài chương trình cũng không được. Các cháu nào khi vào học lớp 1 mà biết đọc biết viết cô cho làm lớp trưởng nằm trong ban cán sự lớp còn cháu nào chưa biết các cô quan tâm không sâu sắc cho lắm. Vì thế cho nên tâm lý phụ huynh sợ con em minh khi vào lớp 1 sẽ không được cô quan tâm. Đó cũng là do các cô lớp 1 muốn nhẹ gánh nặng khi dạy các em của năm đầu cấp 1, cháu nào có học trước ở nhà cô thì được cô nhận vào lớp của cô, lớp điểm còn không thì không được nhận. Đây là theo kinh nghiệm của riêng tôi trong nhiều năm tôi dạy học. Hiện tôi vẫn còn dạy lớp Lá tại Thành Phố Cần Thơ, tôi thấy rất bức xúc trong việc các em phải học trước chương trình lớp 1 trong khi tuổi các em là tuổi vui chơi nô đùa, trong khi đó người lớn bắt các em phải học và học...


guest
Thật thế không?
Ngày gửi: 4/30/2009 11:38:16 PM


Bản thân tôi là giáo viên lớp 1, tôi hiểu rất rõ về việc này. Các vị cứ bức xúc là điều hết sức vô lý. Thử hỏi nếu là các vị: các vị thích dạy 1 học sinh tiếp thu nhanh hay thích dạy một học sinh dạy mãi không được để giáo viên luôn phải chạy chương trình? Chẳng nhẽ các bạn sợ con mình giỏi quá à? Và giáo viên lớp 1 với những học sinh tiếp thu nhanh không có cái gì để dạy nữa chắc? Tôi nghĩ tuỳ thuộc vào nhận thức của mỗi học sinh mà nên tìm phương pháp nào cho hợp lý, chứ đừng nói là lợi bất cập hại ... Một vị giáo sư nước ngoài còn đưa ra phương pháp: dạy trẻ biết chữ ngay từ 9 tháng tuổi (khi mới tập nói) đấy.



guest

Điều mâu thuẫn?
Ngày gửi: 5/13/2009 10:13:33 AM

Sau khi đọc các ý kiến của các bạn tôi cảm nhận giữa PH, GV MN, GV trực tiếp dạy lớp 1 đầy những mâu thuẫn......
Tại sao những GV trực tiếp dạy lớp 1 về hè vẫn mở lớp "Luyện vào lớp 1"...Nên chăng cả PH. GVMN, GV dạy lớp 1, những người làm công tác quản lý cần ngồi lại để bàn về câu chuyện dài này...



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 "Quăng" nhà trẻ ra cho xã hội? (1/4)
 Đua nhau “Luyện thi” vào… lớp 1 (31/3)
 Tạo hứng học cho trẻ mầm non bằng phần mềm (31/3)
 Giáo dục mầm non: 4 không (30/3)
 Nợ "chuẩn trường quốc gia": Nợ khó đòi hay nợ xấu? (27/3)
 Chia sẻ khẩu hiệu: “Hãy lắng nghe trẻ”! (27/3)
 Hà Nội: 85% trẻ mầm non đi học được cấp ngân sách (26/3)
 Cơ sở mầm non tư thục:Thiếu đủ thứ (19/3)
 Để “chuẩn giáo viên mầm non” thực sự đi vào cuộc sống (19/3)
 Giáo dục mầm non tư thục và nhóm trẻ gia đình ở TPHCM: Rất nhiều cơ sở không đạt yêu cầu (13/3)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i