Giáo dục mầm non
   Giáo viên trường công nghỉ việc ngày càng nhiều
 

Nhiều năm nay, ngành giáo dục TP HCM luôn thiếu giáo viên nghiêm trọng. Năm 2008, thành phố chỉ tuyển được khoảng 3.000 giáo viên, thiếu khoảng 1.000 so với dự kiến. Không những thế, giáo viên bỏ trường ngày càng nhiều. Số giáo viên bị thiếu đã lên tới 6.000.

Theo ghi nhận của Đất Việt, bậc học mầm non và tiểu học thiếu giáo viên nhiều nhất, còn bậc THPT có số lượng giáo viên bỏ trường cao nhất.

'Bệnh' lâu ngày
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết hiện TP HCM thiếu khoảng 2.000 giáo viên dạy tại các trường nhưng nếu tính đúng quy định của ngành thì số giáo viên thiếu phải đến 6.000.

Tình trạng một giáo viên phải kiêm nhiều lớp, trường phải nhận thêm giáo viên hợp đồng, là đặc điểm chung ở các trường tiểu học hiện nay.

Bà Thanh nói thêm: "Trẻ tăng nhanh, nhưng đào tạo sư phạm mầm non quá mỏng cả số lượng lẫn chất lượng nên không thể làm dịu cơn khát giáo viên mầm non". Một lý do muôn thuở khác là lương thấp khiến giáo viên không mặn mà với nghề.

Tình trạng một giáo viên phải kiêm nhiều lớp, trường phải nhận thêm giáo viên hợp đồng, là đặc điểm chung ở các trường tiểu học hiện nay, đặc biệt ở các trường dạy chương trình tăng cường tiếng Anh.

Bà Võ Thị Kim Hà, chuyên viên tiếng Anh, phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, cho biết huyện có 27 trường tiểu học, trong đó ba trường An Phú Tây, Bình Hưng và Nguyễn Văn Trân có dạy tiếng Anh tăng cường, nhưng chỉ có bốn giáo viên chính thức, còn lại phải thỉnh giảng theo hợp đồng hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiều lớp.

Không riêng gì các huyện ngoại thành, ngay cả Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, cũng rơi vào tình trạng thiếu giáo viên. Nhà trường chỉ có ba giáo viên chính thức, trong khi phải dạy chương trình tiếng Anh tăng cường cho 8 lớp và tiếng Anh tự chọn cho 31 lớp theo yêu cầu phụ huynh. Vì thế nhà trường luôn phải đi thỉnh giảng giáo viên.

Sức hút từ trường tư

Bảng thống kê giáo viên bỏ, thôi việc hai năm trở lại đây:
- Năm học 2007 - 2008, TP HCM có 1.286 giáo viên bỏ và thôi việc. Trong đó, mầm non có 212 giáo viên; Tiểu học: 339; THCS: 290; THPT: 75 giáo viên.
- Năm học 2006 - 2007, TP HCM có 1.809 giáo viên bỏ việc.
Ở bậc THPT, việc giáo viên nghỉ trường công để chuyển sang các trường tư, trường quốc tế là chuyện thường ngày, vì các trường này trả lương hấp dẫn hơn, nhiều chế độ ưu đãi hơn. Đơn cử, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có gần 10 giáo viên nghỉ việc, trong đó, riêng tổ Anh ngữ phải thay đổi liên tục bốn "đời" tổ trưởng.

Năm học 2008 - 2009, THPT Trưng Vương, quận 1 đang thiếu ba giáo viên biên chế môn tiếng Anh. Nhưng vừa qua, ban giám hiệu nhà trường cho biết, hai giáo viên bộ môn này cũng làm đơn xin nghỉ việc để qua trường quốc tế và trường tư thục.

THPT Nguyễn Trãi, quận 4 đang khan hiếm giáo viên dạy môn Địa lý (chỉ có hai giáo viên) thì đầu năm, một giáo viên bộ môn cũng đệ đơn xin nghỉ vì lý do... sức khỏe. Ông Ngô Tương Đại, Hiệu trưởng cho biết, trường phải cố gắng bố trí tăng thêm giờ cho giáo viên còn lại và hợp đồng với giáo viên trường khác. Năm học tới, trường dự kiến xin Sở thêm 19 giáo viên, trong đó có hai giáo viên dạy môn Địa lý, nhưng ông Đại lo lắng: "Chỉ e là sinh viên tốt nghiệp ngành này không có hộ khẩu TP HCM, còn sinh viên có hộ khẩu lại bỏ nghề đi làm nghề khác".

Năm 2007, tại quận 5 có đến 60 giáo viên xin nghỉ việc. Đến năm 2008, lượng giáo viên xin nghỉ tiếp tục tăng thêm 10. Ông Trần Tấn Tài, Phó phòng giáo dục, quận 5, cho rằng, đa phần những trường hợp xin nghỉ việc là do điều kiện kinh tế, thu nhập thấp.

Quận Tân Bình đang đứng đầu danh sách có nhiều giáo viên nghỉ việc ở TP HCM. Năm học 2007 - 2008, quận có 142 giáo viên nghỉ việc. Năm học 2008 - 2009 (mới thống kê đến cuối tháng 3) đã có 111 giáo viên nghỉ việc. Bà Phạm Thị Phước, Phó phòng giáo dục quận Tân Bình, cho biết giáo viên nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình nhiều nhất, nhưng nguyên nhân sâu xa là đồng lương không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM chia sẻ: tình yêu trẻ, yêu nghề là một yếu tố quan trọng giúp người thầy chọn nghề này, tuy nhiên tình cảm thôi cũng chưa đủ, vì họ còn phải lo toan cuộc sống.

Theo Báo Đất Việt

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Giáo viên Mầm Non chịu nhiều áp lực
Ngày gửi: 4/4/2009 3:14:21 PM

Bài viết trên nói rất đúng. Là một giáo viên Mầm Non, tôi nhận thấy tuy mình có tình yêu đối với trẻ, đây đúng là yếu tố quyết định nghề nghiệp cho mình. Nhưng chỉ có tình yêu thôi vẫn chứa đủ vì chúng tôi còn phải lo cho cuộc sống của mình. Thử hỏi với mức lương chưa tới 2 triệu thì chúng tôi sống thế nào cho đủ:? Đã vậy công việc lại áp lực. Có ngành học nào cực bằng ngành học Mầm Non không? Có giáo viên nào khi ra trường công việc của mình không chỉ là chăm sóc trẻ mà còn làm việc như một lao công hay không? Chúng tôi thấy rất mệt mỏi, giáo viên chỉ là cái tên gọi chứ có được gì đâu? Phụ huynh cứ nghĩ giáo viên vào trường chỉ cho con ăn, dạy con hát, múa mà đâu biết đến công việc khác. Có lần tôi đang chà nhà vệ sinh thì một phụ huynh đến đón con và nói “cô giáo cũng làm việc này nữa sao?”. Thử hỏi khi nghe phụ huynh nói điều đó thì ai không buồn? Công việc nặng nhọc vậy mà BGH đâu thông cảm, lúc nào cũng kiểm tra chỉ cần quyết còn một tý bụi cũng bị trừ điểm. Đã vậy lớp đông học sinh. Tôi không biết Sở Giáo Dục đưa ra tiêu chuẩn một lớp bao nhiêu học sinh mà không kiểm tra chính xác. Lớp thì quá đông, nếu có xảy ra tai nạn gì thì giáo viê hoàn toàn chịu trách nhiệm. Vậy mà giáo viên chúng tôi đâu có tiền “trách nhiệm”, còn BGH lúc nào cũng có tiền này. Thử hỏi công bằng ở đâu? Thử hỏi sao giáo viên chúng tôi không bỏ việc chứ?


blam
Lý do vì đâu mà giáo viên lại bỏ việc nhiều ?
Ngày gửi: 4/6/2009 12:42:04 PM


Việc này có thể nói " biết rồi mà cứ nói mãi", nếu muốn một người trụ lại lâu thì công việc ấy có thề đáp nhu cầu của họ và giúp cuộc sống của họ thoải mái hơn về tinh thần và kinh tế. Còn đằng này đồng lương đã không đáp ứng cuộc được cuộc sống cho họ mà họ còn phải chịu nhiều áp lực từ ở phía trên.
Biết rằng những cuộc thanh tra các trường là giúp cho giáo viên làm việc tốt hơn, giúp cho trẻ có một môi trường tốt nhất nhưng không biết những người thanh tra co biết nổi khổ của các giáo viên hay không? Không biết các vị có từng là giáo viên hay không nếu đã từng thì phải hiếu hơn ai hết, việc giáo viên đứng lớp để đảm bảo tốt việc chăm sóc và giáo dục là vô cùng khó khăn.
Hiện nay, tôi là một giáo viên mới ra trường, tôi đã làm việc và bây giờ cũng gần sắp hết năm học rồi. Tôi thật sự vô cùng bối rối và cảm thấy mặc cảm với chính bản thân mình và luôn thấy xấu hổ với những hoài bão trước kia của mình.
Tôi luôn muốn mình có thể giúp trẻ phát triển nhiều hơn với nnhững gì tôi đã học. Nhưng tôi không thể, một lớp chỉ có hai giáo viên nhưng lại chăm hơn 60 cháu. Chỉ riêng việc chăm thôi thì cô cũng mệt rồi chứ dừng tới việc dạy.
Với giáo viên cấp một thì có sẵn chương trình giáo khoa của bộ các cô có thể dực trên đó xây dựng bài giảng, còn đằng này giáo viên phải dựa trên sự phát triển của trẻ và luôn phải suy nghĩ ra giáo án theo tình hình lớp. Tôi biết đây là việ phải làm. Nhưng với công việc này muốn tốt thì phải có sự đầu tư về thời gian, nhưng các giáo viên làm gì có thời gian khi các cuộc thanh tra luôn tới: lúc thì môi trường, lúc thì tiết dạy tốt... nhưng một con người thì có hai tay, hai chân và 24h cho môt ngày nhưng một người giáo viên phải làm việc bằng 3 người
Tóm lại, chỉ mong sao các cấp các ngành giáo dục nên xem xét làm sao 1 cô chăm sóc 15 trẻ là cao nhất. Đừng bắt một người thường làm việc quá nhiều ngay khi chính mình làm không được




guest

Chuyện thường ngày ở thành phố
Ngày gửi: 4/6/2009 10:21:07 PM

Không biết quý vị ở sở có nói thật lòng hay chỉ trả lời cho qua chuyện mà không có kiểm tra thực tế. Tôi có người em đang công tác tại 1 trường lớn ở quận 1 hiện đang điều trị bệnh tim tại Hà Nội. Thông qua em tôi, tôi được biết hiệu trưởng trường này thông báo đến các giáo viên rằng Sở chỉ đạo sắp tới sẽ không có chế độ bảo mẫu trong trường mầm non. Tôi thực sự bị sốc khi nghe em tôi mô tả công việc của mình ở trường: Lớp của em tôi có sĩ số 64 trẻ. Sáng trực 6:30 có mặt,lau nhà, tráng ly, bát thìa ăn của cháu, bưng bê sữa, thức ăn, chuẩn bị bàn ghế ăn, đón cháu, tập thể dục, cho cháu ăn sáng đến 8g phải dọn dẹp nhanh để đưa trẻ đến vị trí dạy. Dạy xong phải rửa ly,thìa của cháu ăn sáng, rồi quản cháu chơi.9:30 thay quần áo cho cháu, chuẩn bị bàn trưa, lấy thức ăn, cho cháu ăn, dọn dẹp, rửa thố, ly, thìa ăn của trẻ, chùi rửa nhà vệ sinh. Khi làm hết mới được ăn cơm trưa, luân phiên trực trông cháu ngủ. Đến 1:45 lại chuẩn bị bữa ăn xế với công việc như bữa ăn trưa. Làm xong có hôm 4:00 mới xong vì trường này thường xuyên mất nước, phải đi rửa ở chỗ khác. Ngoài ra còn phải chà dép, rửa đồ chơi hàng tuần những việc này ở trường tư thục là công việc của bảo mẫu, còn ở đây tại một trường lớn ngay trung tâm thành phố thì...???!!! Song song đó phải tranh thủ làm nhanh dể kịp giờ trả cháu vì cô chủ nhiệm là chủ tịch công đoàn thường xuyên đi họp hoặc có công tác phải ra ngoài. Lớp thường xuyên có cháu về trẽ 18g nên phải ở lại trả. Không biết khi quý vị đọc xong sẽ suy nghĩ thế nào vì với cường độ làm việc như thế thì giáo viên lấy đâu ra sức đâu để đầu tư chuyên môn, chuẩn bị đồ dùng để dạy học. Đào tạo giáo viên mà cho làm luôn công việc của bảo mẫu. Phải chăng đây là chỉ đạo của Sở Giáo dục thành phố như bà hiệu trưởng trường 30-4 đã thông báo đến nhân viên của mình trong cuộc họp Hội đồng Sư phạm hàng tháng hay không??? Theo Bà Kim Thanh Trưởng phòng Mầm non Sở GD Tp HCM trả Lời trên báo là các trường vận động phụ huynh để hợp đồng thêm bảo mẫu làm việc tại các trường mầm non nhằm giảm tải cho giáo viên mầm non và giáo viên mầm non làm việc lúc 8g thì thông tin nào là đúng??? Các nhà quản lý, các cán bộ của các ban ngành nghĩ sao nếu chính mình phải làm việc như GVMN mà hưởng mức lương khoảng 1.700.000 Vnđ/tháng.Vậy em tôi làm đơn xin nghỉ việc là chuyện hiển nhiên và việc ngành Mầm non thiếu giáo viên là chuyện thật dễ hiểu như chuyện thường ngày ở thành phố


guest
Nói mãi nhưng có ai đọc và biết cho ngành Mầm non?
Ngày gửi: 4/7/2009 9:20:50 AM


Đọc bình luận của hai bạn mà mình thấy rất buồn, có ai biết cho ngành học mình không? Giáo viên nghỉ dạy! Ngẫm nghĩ cũng phải, lương thấp, công việc nhiều, áp lực từ phụ huynh cao, lại không có thu nhập từ nguồn nào khác. Ban giám hiệu hiểu hoàn cảnh giáo viên, chăm lo đời sống giáo viên tổ chức ăn sáng, các lớp năng khiếu để giáo viên được tăng thu nhập hàng tháng, động viên tinh thần giáo viên xét khen thưởng học kỳ, cuối năm thì bị cho là chi sai phải xuất toán, mặc dù đã được sự thống nhất của tập thể phụ huynh ngay đầu năm học (có biên bản chữ ký của PH toàn trường). Yêu nghề mến trẻ cũng ở mức độ nào thôi, đời sống khó khăn con cái mình ra sao? Chắc phải bỏ nghề thôi!



guest

Lý do
Ngày gửi: 4/7/2009 2:33:05 PM

Chúng tôi là GVMN ở xa, cuộc sống rất vất vả và lương còn thấp chưa đến 1 triệu đồng/tháng. Thế nhưng công việc chăm sóc giáo dục trẻ lại vô cùng bận rộn và vất vả. Ngày 2 buổi trên lớp, giờ về phụ thuộc vào giờ phụ huynh đến đón muộn hay sớm. Đêm phải soạn giáo án, làm đồ chơi. Giáo viên chúng tôi phải làm thêm mấy sào ruộng, vào vụ mùa chúng tôi phải tranh thủ đi làm đồng ban trưa. Chúng tôi là những người yêu nghề mến trẻ và chán nản vì đồng lương quá thấp.


guest
Áp lực quá nhiều
Ngày gửi: 4/11/2009 7:13:19 PM


Là giáo viên mầm non tôi rất yêu nghề nhưng áp lực từ phía phụ huynh, ban giám hiệu cũng giảm 1 phần lòng yêu nghề của giáo viên chúng tôi. Mỗi khi có đòn về kiểm tra đột xuất hay báo trước các cô đều phải lao động rất vất vả, trong khi lớp đông mà chỉ có 2 cô chúng tôi chỉ trông cháu thôi đã đủ căng thẳng chứ nói đến sự chửi bới trách móc của ban giám hiệu. Đi làm về căng thẳng, về nhà thì còn gia đình, thức đêm để soạn bài, là, đồ dùng nhưng ban giám hiệu vẫn nói lười, không chịu học hỏi nghiên cứu bài trước khi đến lớp.



guest

Mang tiếng là giáo viên của trường quốc lập
Ngày gửi: 4/15/2009 8:23:18 AM

Chúng tôi là giáo viên hợp đồng huyện của một trường Mầm non quốc lập tại Hải phòng, chúng tôi ai cũng yêu nghề mến trẻ. Nhưng thời gian gần dây chúng tôi cảm thấy rất bất bình và đã làm đơn hỏi một số cấp ngành xong vẫn chưa được giải quyết. Các bạn đã biết công việc của một giáo viên MN rất vất vả, xong nó sẽ không là gì nếu sự vất vả đó được đền đáp. Trước đây GV hợp đồng của chúng tôi được hưởng mức lương tứ 1,5 đền 2 triệu đồng nhưng từ tháng 1 năm 2009 đến nay chúng tôi chỉ nhận được mức lương đồng đều là 964.000. Thử hỏi với mức sống như hiện nay thì với mức lương nhà nước đã không tăng lai còn giảm đi mất 600 đến 1 triệu đồng mỗi người thì chúng tôi làm sao lo được cho cuộc sống của gia đình. Trong khi đó ở các trường dân lập cùng huyện mức lương tự thu tự chi họ cũng còn trả được cho GV là 1,6 triệu\tháng. Vậy thử hỏi với đồng lương ít ỏi như vậy chúng tôi làm sao mà yên tâm, tâm huyết với nghề được??????


guest
Suy nghĩ về nghề mầm non
Ngày gửi: 4/17/2009 7:36:52 PM


Bài viết này quả là một bài viết thật tuyệt vời. Tôi hi vọng rằng những lời chúng tôi muốn nói sẽ được thấu hiểu, được chia sẻ và được ủng hộ. Bởi cuôc sống ai cũng cần sự cho đi và nhận lại. Bản thân tôi cũng là người yêu nghề, yêu trẻ nhưng đang chán với những gì đang diễn ra với nghề của chúng tôi ????????????????????



guest

Nỗi buồn của giáo viên mầm non mới ra trường
Ngày gửi: 4/26/2009 3:08:37 PM

Mình cũng là một giáo viên mầm non ra trường đã được một năm, khi còn ngồi trên ghế nhà trường nghe thầy cô nói về ngành mầm non của mình rằng rất cực, nhưng mình nghĩ nếu có tình yêu nghề và quyết tâm thì mình sẽ làm được thôi. Nhưng chưa đầy 1 năm sau khi ra trường, mình cảm thấy tình yêu nghề ngày nào cùng nhiệt huyết của một sinh viên mới ra trường đã không còn đủ sức mạnh kéo mình ra khỏi tình trạng chán chường và thất vọng trước thực tế về giáo dục mầm non hiện nay.
Nhiều khi mình cảm thấy mình chẳng khác gì một osín có bằng cấp, những người bạn mầm non của mình bỏ việc ngày càng nhiều, vì cho rằng đây là ngành bạc bẽo. Mình luôn cố gắng để trẻ thích đến trường, để bố mẹ yên tâm đi làm, nhưng mỗi khi trẻ sơ ý bị té, hoặc bị trầy xước sơ sơ thì phụ huynh nhìn mình như nhìn kẻ thù, dẫu rằng miệng thì gọi là cô giáo của con. Trường mình làm thu học phí rất cao, nhưng trả lương cho tụi mình cũng chỉ đuợc 2 triệu 2 thôi, vậy mà phụ huynh cứ làm như tụi mình lấy tiền của họ vậy, bé mới đi học chưa quen trường khóc nhiều bị viêm họng thì thắc mắc: "sao thu học phí cao mà chăm bé dở thế" mình buồn vô cùng. Rồi giờ đón bé nữa, không biết phụ huynh có biết đói không mà chiều nào cũng 6h-6h30 mới đến đón con. Dù ra trường chưa lâu nhưng nỗi buồn về nghề thì nhiều hơn niềm vui. Khi đọc những dòng tâm sự ỏ trên về ngành, mình cũng muốn chia sẻ tâm sự với mọi người, nhưng có lẽ chỉ có những ai trong nghề mới hiểu hết những "góc khuất" của giáo viên mầm non thôi.



guest
Công việc tiền lương
Ngày gửi: 5/11/2009 4:53:23 PM


Một ngày giáo viên phải làm việc 12 tiếng, mà tiền lương không bằng các ngành khác nên gv có thể tìm một công việc khác phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thời buổi kinh tế thị trường giá cả leo thang, tiền lương chỉ 3 cọc 3 đồng thì không thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, buộc họ phải bon chen vào công việc khác để có thu nhập cao hơn.



guest

Đi làm khiến tôi thay đổi tính.
Ngày gửi: 5/13/2009 2:14:42 PM

Khi còn là một sinh viên mầm non, tôi rất nhỏ nhẹ, hiền lành nhưng từ khi đi làm với áp lực công việc, những bực bội từ phụ huynh, những lời chửi bới từ ban giám hiệu...tôi trở nên cọc tính, ít nói và rất nhanh già nữa. Đi làm chưa được một năm mà gặp lại bạn bè đứa nào cũng bảo là già, gầy, xấu...còn thời gian làm việc thì miễn bàn, có bữa tôi ngồi đợi đến 18h30 mà phụ huynh vẫn không thèm đón con, liên lạc ĐT không được. Tôi ngồi khóc với trẻ ở trên trường...thế rồi hôm sau lại đến trẻ khác, dù chúng tôi đã cố gắng phản ánh vấn đề này với BGH để có biện pháp giải quyết vấn đề này nhưng kết quả là cứ đến đúng giờ là BGH về thôi, còn giáo viên thì kệ! Ở trường tôi có giáo viên phải mang học trò về nhà cho ăn cơm, tắm và ngủ rồi, mãi 8h30 tối ba mới tới đón với lý do là tăng ca...thật khốn khổ cho giáo viên mầm non!


guest
" Góc khuất..."
Ngày gửi: 5/15/2009 8:54:21 PM


Chào các bạn, qua những gì các bạn tâm sự thì có ai ở trong nghề mới hiểu hết nổi sự vất vả của một cô giáo Mầm non. Cô giáo Mầm non phải kiêm nhiều việc cả lao động trí óc và lao động chân tay, đúng như có bạn đã nói "ôsin bằng cấp". Hiện nay ngành MN lại đổi mới liên tục dạy kỹ năng sống cho trẻ, dạy vật liệu đơn giản trong đồ chơi đơn giản..., đòi hỏi GV phải liên tục sáng tạo và linh hoạt trong việc giảng dạy cho trẻ. Nhưng với những công việc liên tục ngày qua ngày thì làm sao GV có thời gian thư giãn để suy nghĩ và sáng tạo. Trong khi ngành MN thẩm định tay nghề thì chú ý đến những GV mới còn những GV đã qua một vài lần thi rồi thì lại bỏ qua không thẩm định lại nên tôi thấy đây cũng là một sự thiếu công bằng trong công tác quản lý của ngành.



guest

Khổ qúa .
Ngày gửi: 5/16/2009 4:03:55 PM

Đọc thảo luận của các bạn mà tôi buồn quá vì tôi cùng hòan cảnh của các bạn, nỗi buồn của các bạn là của tôi, hôm nay đi họp về tôi rất buồn vì Hiệu trưởng xét chuẩn giáo viên cuối năm tôi chỉ đạt lọai KHÁ, trong khi tôi nổ lực hết sức mình vì công việc. Tôi chỉ thấy mình có một tội duy nhất là để giảm sĩ số, đầu năm lớp 55 cháu nhưng đến cuối năm còn 50 cháu, một số phụ huynh nóng lòng cho con học chữ đã cho con nghỉ học, trước tình hình các cháu nghỉ học đó tôi bị Hiệu trưởng la: "Dạy thế nào mà giảm sĩ số, cô coi lại cách giáo dục của mình đi "tôi hỏang quá mỗi ngày tôi tranh thủ giờ nghỉ trưa để chấm bài và viết mẫu chữ cái vào tập 5 ôly chiều phát về cho cháu viết thêm ở nhà, cứ hết ngày nọ sang ngày kia, cuối cùng lớp tôi còn 50 cháu mọi phong trào của nhà trường đưa ra tôi đều thực hiện tốt (nhà trường kêu gọi đi học Đại học tôi là người tiên phong tốt nghiệp) trước... tôi đảm nhiệm thêm chức vụ chủ tịch công đòan "đạt danh hiệu công đòan vững mạnh xuất sắc. Ít nhiều cũng có công sức của tôi ở khối tổ chấm tôi đạt xuất sắc nhưng khi lên xét ở trên công bố ra tôi chỉ đạt lọai KHá. Tôi đã nỗ lực rất nhiều cho công việc, vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống để hòan thành tốt nhiệm vụ, vậy mà tôi chỉ đạt lọai Khá, trong khi mọi người cũng như tôi lại được xuất sắc,tôi buồn và chỉ biết buồn, còn lại tôi không ý kiến, tôi chỉ cầu mong người cầm cân nảy mực hãy chia sẻ với chúng tôi nỗi buồn, tôi không ý kiến vì "lưỡi không xương nhiều đường lắc léo" các bạn ơi tôi rất muốn thôi việc, ý nghĩ đó đang lớn dần trong tôi....hic hic....


guest
Nỗi khổ của GVMN
Ngày gửi: 6/4/2009 10:51:19 AM


Tôi cũng là một cô giáo mầm non khi đọc được những bài viết này tôi thấy công việc của những giáo viên Mầm Non như tôi thực sự vất vả. Nếu không làm tốt được những công việc của mình thì sẽ bị la mắng, đồng lương thì lại ít ỏi, không đủ sống. Tôi cũng rất yêu nghề và mến trẻ như bao cô giáo Mầm Non khác. Nhiều lúc tôi muốn nghỉ việc, ngoài việc đi làm tôi còn phải đi học để nâng cao trình độ, mà trường tôi làm lại không được nghỉ hè, hè tôi vẫn đi làm, thay vì hè là các cô giáo được đi học để bổ sung kiến thức, đây lại không cho nghỉ mà tôi lại vẫn phải lên lớp, không có thời gian học bài để chuẩn bị thi nữa. Nếu không đến lớp sẽ không ai canh trẻ, cô hiệu trường la mắng, tôi thực sự buồn chan.



guest

Nghề giáo viên mầm non kiêm nhiều nghề
Ngày gửi: 12/27/2012 9:31:48 AM

Nhiều khi nghe mình học mâm non ai cũng bảo nghề này có gì đâu mà phải học vậy mà mất 3-4 năm học đại học hay cao đẳng không thấy phí. Nhưng đâu ai biết rằng là GVMN phải là bác sĩ, ca sĩ, hoạ sĩ,.... chăm sóc trẻ từ A đến Z mà lương thì không bao nhiêu hỏi thử có ai có nghị lực để phấn đấu không. Trẻ có chuyện gì cũng đổ lổi cho GVMN nhiều phụ huynh chưa tìm hiểu đã la mắng sỉ nhục GVMN nên rất ít GV trụ lại với nghề.


guest
Xin hãy bớt gánh nặng cho gvmn
Ngày gửi: 4/5/2014 10:42:58 PM


Tôi là 1 người mẹ của 2 đứa con tuổi mầm non,cũng là 1 giáo viên mầm non.Quá nhiều gánh nặng đặt lên vai 1 người phụ nữ nghành mam non.giáo viên mầm non không phải thánh mà ôm quá nhiều việc.Xin nghành giáo dục viêt nam hãy xem xét trút bớt gánh nặng cho gvmn.



guest

Không sợ khổ mà sợ nhục
Ngày gửi: 1/12/2015 10:56:27 PM

Từ nhỏ tôi đã mơ ước trở thành cô giáo mầm non .ước mơ của tôi đã thành hiện thực.qua ba năm vaò biên chế có lẽ giờ đây tôi không thể tiếp tục con đường mà minh đã chon được.Tôi ko sợ khổ,không sợ vất vã và cũng không chê đồng lương ít(3280.000/ tháng)mặc dầu nó không đủ sống (với đồng lương đó tôi phải chi xăng xe,điện thoại,đồ dùng,đóng góp các khoản hàng ngày mua kẹo bánh cho hs(hs dân tộc).Nhưng tôi rất buồn vì chúng tôi thường được nghe những lời chửi bới .những lời chỉ trích từ quản lí.một môi trường làm việc không công bằng ,không dân chủ ,không văn minh.thật sự tôi rất mệt mõi và chán nản.tôi biết tôi nghỉ viêc tôi sẽ rất buồn,rất nhớ các em hs và dân bản,và các em hs và dân bản cũng sẽ rất nhớ tôi .nhưng tôi không thể làm việc trong môi trường thiếu tình người này nữa


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Học trước chương trình lớp 1: Lợi bất cập hại! (1/4)
 "Quăng" nhà trẻ ra cho xã hội? (1/4)
 Đua nhau “Luyện thi” vào… lớp 1 (31/3)
 Tạo hứng học cho trẻ mầm non bằng phần mềm (31/3)
 Giáo dục mầm non: 4 không (30/3)
 Nợ "chuẩn trường quốc gia": Nợ khó đòi hay nợ xấu? (27/3)
 Chia sẻ khẩu hiệu: “Hãy lắng nghe trẻ”! (27/3)
 Hà Nội: 85% trẻ mầm non đi học được cấp ngân sách (26/3)
 Cơ sở mầm non tư thục:Thiếu đủ thứ (19/3)
 Để “chuẩn giáo viên mầm non” thực sự đi vào cuộc sống (19/3)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i