Giáo dục mầm non
   Đồ chơi, bàn ghế từ rác
 

Trong "Góc con vật" ở lớp mẫu giáo nhỡ B Trường mầm non Họa Mi, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có con công đuôi xòe rộng, trên mảng đuôi xòe có gắn giấy trang kim. Con công này được làm từ vỏ chai nước rửa chén.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương (Trường mầm non Sao Mai) giới thiệu đồ chơi là hai chú heo làm từ vỏ hộp sữa chua - Ảnh: Lan Anh

Dưới gầm bàn, chai nhựa và vỏ lon được xếp cẩn thận làm hàng rào cho "Góc xây dựng".

Rác... thành đồ chơi
Ở Trường mầm non Sao Mai, huyện Mộc Châu, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương dạy lớp mẫu giáo lớn lấy cho chúng tôi xem đôi heo đồ chơi làm từ... vỏ hộp sữa chua! Cứ hai vỏ hộp ráp vào nhau thành một con heo, tai, mũi, mõm và đuôi của chúng được cắt rất xinh xắn từ miếng thảm xốp bỏ đi màu hồng. "Ở đây đồ chơi cho các cháu rất thiếu, những hộp đồ chơi đủ bộ như của trẻ em thành phố là mơ ước của nhiều cháu. Năm nay lại là năm khó khăn với công nhân ngành chè, bố mẹ của nhiều bé trong lớp. Chúng tôi thường tận dụng thời gian rảnh cắt dán đồ chơi từ những vật bỏ đi như thùng nước mắm cắt thành chiếc giỏ, lọ nhựa cắt thành cái ly, muỗng, xẻng... đồ chơi" - cô Hương kể.

Dạo một vòng quanh trường, chúng tôi nhận thấy các cô rất khéo tay. Nào là con công làm từ vỏ chai nước rửa chén màu xanh và vàng, có đủ chiếc mỏ đỏ rực, bộ đuôi xòe lấp lánh. Nào là căn nhà, hình người làm từ vỏ hộp sữa tiệt trùng, sữa nước bỏ đi. Các cô đã rất kỳ công gắn thành nhà hai tầng, có mái hẳn hoi, còn hình người thì đủ cả tay chân, trong đó tay được ráp nối từ... hai ống hút. Ngay cả những hạt gấc cũng được rửa sạch, đựng vào rổ dành cho các bé tập đếm, tập xếp hình. Đồ phế thải cũng rất có ích. Có lẽ các bậc phụ huynh đến từ thành phố ngập đồ chơi sẽ ngỡ ngàng khi thấy các cô giáo tận dụng rác làm thành đồ chơi một cách kỳ công thế này.

Ở lớp mẫu giáo nhỡ B Trường mầm non Họa Mi, cô giáo Nguyễn Thị Minh Huệ hướng dẫn các bé sau khi uống sữa tiệt trùng phải buộc miếng nilông bọc ống hút rồi bỏ riêng vào đĩa, phần vỏ hộp được cắt mép trên, xé hai cạnh hộp và xếp vào xô. Các cô giáo sẽ rửa số vỏ hộp này trước khi chúng được chuyển đến nhà máy tái chế.

Từ một tuần nay, Trường mầm non Họa Mi tham gia chương trình "Sữa học đường - Mộc Châu xanh". Trong đó các bé sẽ được tặng 110ml sữa/bé để uống mỗi ngày, nhưng nhiệm vụ của các bé và các cô là thu gom và rửa sạch số vỏ hộp phế thải. "Chúng tôi muốn giáo dục cho các bé cách gìn giữ môi trường từ tấm bé, một cách để giữ gìn thảo nguyên Mộc Châu mãi xanh tươi"- ông Trần Công Chiến, đại diện nhà tổ chức chương trình, nói.

Sản xuất bàn ghế từ... vỏ hộp sữa
Chỉ cho chúng tôi xem những miếng ván dày 5mm đủ màu sắc, có thể dùng sản xuất tủ, bàn ghế cho học sinh, kệ để đồ, giá sách..., bà Từ Bích Nguyệt - phụ trách môi trường Công ty Tetra Pak VN - cho biết chúng được sản xuất từ... vỏ hộp sữa tiệt trùng xay nhỏ! Bà Nguyệt nói: "Loại ván này cứng và bền như gỗ, chịu được nước nên đã được sử dụng làm bàn ghế, chủ yếu là bàn ghế học sinh khá phổ biến ở Thái Lan".

Theo bà Nguyệt, cứ 40kg vỏ hộp sữa sẽ sản xuất được một miếng ván dày 5mm, diện tích 1,2 x 2,4m. Điểm đáng chú ý là loại ván này rất trơn láng, nhiều màu sắc đa dạng, có thể sử dụng sản xuất nhiều loại đồ dùng. Trong khi đó nguồn "nguyên liệu" vốn là vỏ hộp sữa tiệt trùng phế thải gồm 75% là giấy, 25% là nilông và nhôm, nếu để phân hủy tự nhiên riêng phần giấy đã mất tới cả năm, lại hết sức dồi dào. Tại VN, năm 2008 riêng Tetra Pak đã bán cho các nhà máy sản xuất sữa tới 2 tỉ vỏ hộp sữa tiệt trùng, chưa kể khoảng 400 triệu vỏ hộp do các nhà sản xuất khác cung ứng!

Không chỉ ván gỗ, bà Nguyệt cho biết vỏ hộp sữa phế thải có thể được thu gom để sản xuất giấy, bìa cactông, giỏ xách, cái chặn giấy, hộp bút, cốc, giá để đĩa CD... từ phần nhựa và nhôm. Cách thức sẽ là xay vỏ hộp sữa đã được rửa sạch để phần nhôm, nhựa, giấy tách riêng. Những phần nguyên liệu này sẽ được tách để sử dụng sản xuất những mặt hàng khác nhau.

"Nguyên liệu sản xuất giấy từ đồ phế thải này rẻ hơn khoảng 25% so với nguyên liệu thông thường, trong khi đây là giấy dùng để bao gói thực phẩm nên bắt buộc phải là giấy tốt. Tại khu vực phía Nam, đã có một nhà máy đang tái chế giấy từ vỏ hộp sữa. Hi vọng của chúng tôi là hình thành được một hệ thống với sự tham gia của các vựa ve chai, các trường học thu gom vỏ hộp sau khi sử dụng" - bà Nguyệt cho biết.

Theo Tuổi Trẻ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Khéo tay
Ngày gửi: 4/28/2009 1:47:56 PM

Chúc chị thành công trên mọi lĩnh vực. Tôi thấy chị khéo tay quá, các cô giáo mầm non luôn noi gương chị.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Thiếu giáo viên mầm non có trình độ (14/4)
 Đồng dao - Những trò chơi trẻ nhỏ. (14/4)
 Đề khảo sát lớp 1 nằm trong chương trình lớp lá (13/4)
 “Đề thi” tiếng Anh tăng cường lớp 1 (10/4)
 Nâng “cốt” cho giáo dục mầm non (9/4)
 Hãy quan tâm đặc biệt đến vấn đề an toàn cho trẻ. (9/4)
 Chuyển đổi các trường mầm non bán công sang loại hình công lập tự chủ (8/4)
 Măng non III: trẻ nhớ về ngày Giỗ tổ Hùng Vương. (7/4)
 Hà Nội: Học sinh mẫu giáo được hỗ trợ 50.000đ/tháng (7/4)
 Giáo viên trường công nghỉ việc ngày càng nhiều (3/4)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i