Tài liệu bồi dưỡng
   Lễ hội Siraume Yochien
 

Tuyết đã rơi, nhà đã trang trí chào đón Giáng sinh. Và ngày hội Liên hoan văn nghệ của trường con đã đến. Một năm lại sắp qua đi.

Buổi biểu diễn này tổ chức đàng hoàng ở Cung Văn hóa thành phố. Ghế ngồi được bốc thăm từ trước.

Hồi hộp mãi, sáng sớm hôm ấy cả nhà trang phục chỉnh tề đi xem anh Ổi biểu diễn. Máy ảnh, máy quay, chân máy lỉnh cà lỉnh kỉnh, trông bạn nào cũng đầy khí thế. 
9:30 bắt đầu

Tiết mục đầu tiên là hòa nhạc của lớp Nentyu. Tiết mục này Ổi không tham gia, vì Ổi khoái món khác hơn. Chờ tý nữa nhé. Trong những buổi biểu diễn như thế này, ai cũng được tham gia, không phải do cô chọn bạn nào xinh hay giỏi mới được biểu diễn, híc, và các con cũng tham gia màn nào, vai nào, là theo sự lựa chọn của mình, ai thích gì làm nấy, không phải do cô giáo sắp đặt. Buổi biểu diễn này trình độ cao hơn hồi mùa hè là các bé phải biết đọc bản nhạc và tự đánh lên nốt nhạc, chứ không phải toàn nhạc cụ chỉ có một thứ âm thanh duy nhất, nên hầu như là các bạn đi học lớp đàn thì thích tham gia màn này.

Sau đó là đến màn Wataiko (trống Nhật Bản). Ổi của mẹ đây rồi. Kakkoi...

Mẹ đặc biệt thích Wataiko vì sức truyền cảm mạnh mẽ của nó. Wataiko đích thực của người lớn thường nhiều loại trống to nhỏ khác nhau, người đánh trống có động tác biểu diễn vô cùng khỏe khoắn, ngực ngửa ra sau, hai cánh tay vươn thẳng. Mỗi cánh tay khi đặt vào mặt trống vừa mạnh mẽ lại vừa chau chuốt như dồn hết tâm can đẩy thành tiếng trống. Dàn trống tiếng to tiếng nhỏ, tiếng mạnh tiếng yếu, tiếng trầm ấm tiếng giục giã khắc khoải, nhịp điệu khi chậm khi nhanh, khi dồn dập, khi vang dội...Sự kết hợp nhịp nhàng của những âm thanh ấy cùng hình ảnh người đánh trống làm rộn rã con tim người xem.

Còn ở trình độ Mẫu giáo các con mới làm quen thế này thôi, bố cứ trầm trồ làm sao các cô luyện giỏi thế:

Bố bận lên lớp phải về giữa chừng, từ đây mình mẹ phụ trách cả máy quay lẫn máy ảnh (máy ảnh cũng vừa quay vừa chụp nên chất lượng quay ở đây chưa tốt lắm). Hoan nghênh Mít làm khán giả rất ngoan cho mẹ, ngồi nghe chăm chú, vỗ tay nhiệt liệt....Mít lớn nhanh rồi mẹ cũng cho Mít đi học để biểu diễn thế này nhé.

Các màn biểu diễn của các em lớp nhỏ làm mẹ nhớ đến mới hôm nào Ổi cũng lũn chũn vụng về đáng yêu như các em bây giờ trong vai bạn Ếch xanh đi chuyến xe buýt...

Múa: cuộc chiến của các loại rau với bệnh cúm

Còn nhiều tiết mục của các em lớp dưới nhưng mẹ bỏ qua, không chụp nhiều...

Và một trong những tiết mục được chờ đợi nhất vẫn là màn múa diễn tích tự vẫn hy sinh của đội thiếu niên Bạch Hổ. Cảm động trào nước mắt. Phần vì nó được thể hiện ngay bởi cơ thể bé nhỏ còn vụng về của các con. Điệu múa thấm đẫm văn hóa truyền thống Nhật Bản trong trang phục, trong từng động tác, diễn tả quyết tâm khi lâm trận, diễn tả nỗi đau xót khi thành trì thất thủ, và sự ra đi đầy quả cảm giữ vững lòng kiên trung...

Ổi còn tham gia một vở nhạc kịch nữa. Đúng là nhạc kịch thật đấy. Nói về một con Kappa (một con vật tưởng tượng trong truyện cổ tích dân gian Nhật Bản) có một viên ngọc quí, giấu dưới đáy hồ. Viên ngọc kêu cứu, đàn bướm đến nhưng không cứu được. Viên ngọc được một bọn cướp biển tìm thấy, chúng sung sướng reo hò mang viên ngọc đi. Con Kappa đau khổ đi tìm viên ngọc, gặp một lũ khỉ. Lũ khỉ ngỏ ý cần gì nó giúp, nhưng con Kappa ích kỷ không muốn nói ra, nó muốn giữ bí mật để sở hữu riêng viên ngọc quí.

Cuối cùng trong lúc bọn cướp biển thích thú chơi đùa với viên ngọc, nó bay lên trời mất, tỏa sáng như một vì sao. Cả khỉ, cả bươm bướm, và lũ cướp biển đều vui mừng vì được ngắm vì sao lấp lánh. Con Kappa thấy vì sao trên trời, nhưng nó không còn buồn vì mất viên ngọc nữa. Ngọc ở trên đó, sáng ngời, và tất cả cùng đang nhảy múa. Chia sẻ niềm vui cho tất cả mọi người, Kappa cũng thấy mình hạnh phúc.

Để diễn vở kịch này, các con phải thuộc những lời hát khá dài, thuộc động tác múa đi kèm, thuộc vị trí đứng của mình, vào ra sân khấu,...kết hợp với các vai khác nhịp nhàng, vở diễn kéo dài khoảng 20 phút. Không chỉ là lời thoại, mà còn hát thành nhạc kịch, đúng nhạc, đúng giai điệu (mẹ về tập mãi không thuộc đoạn mở đầu, hihi...). Thế mà Ổi còn thuộc hết cả lời thoại của các nhân vật khác. Ổi chọn diễn vai Kappa.

Kappa papapa...Kappa pa pá pa pa...Kappa...papapa...Kappa papa...papa...Tôi sống ở dưới hồ này. Ở dưới này, trong hồ, có giấu một viên ngọc, đẹp đẽ tuyệt vời....La la la...

Đàn bướm: Có ai đang kêu cứu đấy nhỉ?

Cướp biển đang vớt viên ngọc.

Vì vở kịch rất dài nên mẹ không quay video bằng máy ảnh được.

Tiếp đến là màn ảo thuật tự biên tự diễn của các thầy cô giáo. Cực kỳ vui nhộn, hôm nay quả là một ngày hội của trường Shiraume. Xem các thầy cô biểu diễn, xem các con biểu diễn, bố mẹ càng cảm nhận được lòng yêu nghề của các thầy cô giáo ở đây. Anh Hề mặc áo đỏ là thầy Hiệu trưởng, thầy Hiệu trưởng trường Ổi là một người rất giản dị, thân thiện. Các cô giáo từ cô quản lý đến cô phụ trách lớp đều tham gia. Quay xa quá nên nhìn không rõ. Thầy Hiệu trưởng làm trò giấu khăn vào tay biến mất. Các cô lớp Nhỏ làm trò gói một ít giấy vụn vào miếng bìa, mở ra thì lại phun ra một chùm dây. Các cô lớp Lớn của Ổi làm trò mở một cái hộp, xé một tấm bài làm 4, bỏ vào, đến khi mở ra thì tấm bài lại lành nguyên, Hihi...nhưng trục trặc kỹ thuật mở mãi không được. Đoạn cuối cùng các danh hài không chịu rời sân khấu cũng buồn cười lắm mà mẹ tắt mất không quay.

Và vào tiếp mục cuối cùng, cả hội trường ồh lên cảm động khi màn sân khấu kéo lên, lộ ra tất cả hơn 200 diễn viên tý hon toàn trường, đủ màu sắc đã sắp hàng đều đặn. Và tiếng nhạc bỗng cất lên rộn ràng, những chiếc đầu ngẩng cao hân hoan hát vang khúc đồng ca: "Và mưa đã tạnh, và mặt trời đã lên, và phía bên kia bầu trời cầu vồng đã bắc qua"... Ổi của mẹ vẫn thế, biểu diễn hết mình: tay giơ cao, miệng vo tròn...hát như trên sân khấu chỉ có mình mình đang hát.

Và mẹ sẽ không thể nào quên cảm xúc của mẹ khi giai điệu cuối cùng vui buồn lẫn lộn, từng hàng từng hàng các bé rời sân khấu trong cái vẫy tay chào tạm biệt, kết thúc màn biểu diễn cuối cùng, kết thúc buổi biểu diễn cuối cùng của thời kỳ con đi Mẫu giáo. Mẹ bỗng cảm thấy như những cái vẫy tay ấy con đang vẫy chào cả những tháng năm đầu đời ngây thơ, bé bỏng, một quãng tuổi thơ với bao nhiêu kỷ niệm, để mai kia bước vào lớp 1, vào một trang mới của cuộc đời. Rồi con sẽ lớn, sẽ phải học hành, rồi trưởng thành với bao lo toan cuộc sống, sẽ hiểu tại sao nước mắt mẹ ậng bờ mi khi thấy con ngày hôm nay hồn nhiên ca hát hết mình như thế.

Ông bà có nhận ra Ổi không? Cứ nhóc nào khua tay cao nhất, mồm to nhất là Ổi đấy. Vì chỉ có mình mẹ cháu xoay xỏa 2 máy quay nên tập trung zoom ở máy chính thôi, máy ảnh có thể đưa lên mạng được nhưng khi zoom xa thì không nét nên ít zoom cận cảnh Ổi. Khi nào về VN sẽ có băng video quay bằng máy quay video hoàn chỉnh cả chương trình, tập trung nhiều cảnh Ổi cho ông bà xem nhé. Hay và cảm động hơn nhiều ạ.

Ngọc Mai mamnon.com
Theo: http://www.u-aizu.ac.jp/~pham/hangnt/ChuyennhaOi/2008/Thang12/ShiraumeYochienFestival.htm

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Các nguyên tắc trong Giáo dục Mầm non Nhật Bản (15/4)
 Kế hoạch giáo dục của giáo viên Mầm non (7/4)
 Một số quan niệm sai lầm về chương trình giáo dục Mầm non mới (7/4)
 Các thông điệp về " Xây dựng môi trường mầm non thân thiện" (7/4)
 Những hoạt động với chủ đề bản thân. (4/3)
 Quan điểm giáo dục Montessori (22/12)
 Xây dựng môi trường đồ chơi trong trò chơi ... (21/4)
 Đề tài: Thời gian, thời tiết và các mùa trong năm (18/3)
 Dạy Trẻ Vẽ Theo Mẫu (25/6)
 Đề tài: Cây xanh (18/3)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i