Sức khoẻ
   Sán máng - Nguy cơ cho trẻ em
 

Một số loại sán máng
Sán máng và trứng sán ký sinh và gây tổn thương ở ruột, gan, phổi, tim, não, thận, bàng quang... có khi gây tử vong. Trẻ em bị nhiễm sán là một nguyên nhân gây suy dinh dưỡng và chậm lớn. Sán xâm nhập cơ thể qua da khi người hoạt động dưới nước. Hiểu biết chu trình của sán có thể phòng tránh bệnh hiệu quả.

Tìm hiểu về sán máng gây bệnh
Có ba loại sán máng gây bệnh chủ yếu: S.mamsoni gây bệnh ở đường ruột; S.haematobium gây bệnh sán máng bàng quang; S.japonicum gây bệnh sán máng đường ruột châu Á. Một số loài sán máng ở súc vật đôi khi gây bệnh cho người: Schitosoma intercalatum; Schitosoma mekongi ở lưu vực sông Mê Kông như Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Động vật có vú và người là ổ bệnh chính của các loại sán máng. Chu trình gây bệnh của sán như sau: ở người, sán trưởng thành ký sinh ở đoạn ruột cuối hay ở bàng quang. Trứng sán thải theo phân và nước tiểu ra môi trường, khi gặp nước ngọt nở ra ấu trùng. Ấu trùng xâm nhập vào vật chủ trung gian là ốc rồi phát triển thành vĩ ấu trùng ra khỏi ốc vào nước; từ nước vĩ ấu trùng xâm nhập qua da vào cơ thể người. Sau khi xâm nhập, vĩ ấu trùng trở thành ấu trùng đi vào gan, nơi chúng nhanh chóng trưởng thành. Sau vài tuần, sán trưởng thành cặp đôi giao phối rồi di chuyển đến các tĩnh mạch cuối của các tĩnh mạch cửa, nơi sán cái đẻ trứng. Từ đây, một số trứng đi vào lòng ruột hoặc bàng quang và được thải ra ngoài theo phân hoặc nước tiểu. Số trứng khác bị mắc lại trong thành ruột hay thành bàng quang. Trong khi vẫn có một số trứng theo máu đến gan, phổi và ít hơn đến các cơ quan khác của cơ thể.

Các biểu hiện lâm sàng
- Viêm da do vĩ ấu trùng. Sau khi vĩ ấu trùng xâm nhập, gây ra các triệu chứng nổi mẩn đỏ, ngứa, ban xuất huyết tại chỗ, ban dát và sẩn kéo dài tới 5 ngày. Hầu hết các ca bệnh viêm da này xuất hiện ở vùng nước ngọt hoặc nước lợ trên toàn thế giới, do sự xâm nhập của ấu trùng sán máng của chim, nhưng loại sán này không phát triển tới giai đoạn trưởng thành ở người và không gây các triệu chứng nội tạng.

- Bệnh sán máng cấp tính hay sốt Katayama. Hội chứng này chủ yếu là phản ứng quá mẫn với sán máng đang phát triển, có thể xuất hiện với ba loài sán nhưng hiếm gặp với S.haematobium. Bệnh tiến triển từ nhẹ cho đến rất nặng, có thể gây tử vong. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài 2 - 7 tuần, sau đó biểu hiện sốt, mệt, mẩn đỏ, tiêu chảy có thể lẫn máu, đau cơ, ho khan. Xét nghiệm thấy tăng bạch cầu, trong đó bạch cầu ái toan tăng cao, gan và lách có thể to trong một thời gian ngắn, ở giai đoạn sớm xét nghiệm phân có thể âm tính nên cần xét nghiệm lại nhiều lần trong ít nhất 6 tháng. Bệnh nhân sẽ trở lại không có triệu chứng trong 2 - 8 tuần.

- Bệnh sán máng mạn tính. Khoảng 6 tháng đến vài năm sau khi nhiễm bệnh, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng: tiêu chảy, đau bụng, đi ngoài thất thường, phân lẫn máu, gan to và chắc, lách to. Bệnh tiến triển chậm trong 5 - 15 năm hoặc lâu hơn, các biểu hiện gồm: chán ăn, gầy sút, mệt mỏi, u ruột dạng polyp và các dấu hiệu tăng áp lực tĩnh mạch cửa và mạch phổi; viêm cầu thận... Nếu nhiễm S.haematobium các triệu chứng sớm của tổn thương hệ tiết niệu là đái rắt và đái buốt, đái máu cuối bãi và protein niệu. Hậu quả có thể hình thành các polyp trong bàng quang, viêm bàng quang, nhiễm khuẩn salmonella mạn tính, viêm đài thận, bể thận, sỏi thận, ứ nước thận, tắc niệu quản, suy thận và tử vong. Hiếm gặp hơn là tổn thương nặng ở gan, phổi, sinh dục hoặc thần kinh, ung thư bàng quang có liên quan đến nhiễm sán máng bàng quang.

Trên thế giới có trên 200 triệu người mắc bệnh sán máng, trong đó 20 triệu người tổn thương nặng mỗi năm và trên 200.000 người tử vong. Tuy phần lớn người mắc có biểu hiện bệnh nhẹ và không có triệu chứng, nhưng vẫn có khoảng 50-60% có biểu hiện lâm sàng và 5-10% có tổn thương nội tạng nặng.

- Các biến chứng khác. Sán trưởng thành và trứng sán gây tổn thương các ổ loét sùi, u hạt, tổ chức xơ ở thành ruột, thành bàng quang. Trứng sán trong gan gây xơ rìa tĩnh mạch cửa, tăng áp lực tĩnh mạch cửa loại trước xoang, nghẽn mạch do trứng, viêm nội mạch, tăng áp lực mạch phổi, bệnh tim phổi. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa dẫn đến xơ gan, lách to. Giảm các dòng tế bào máu, giãn tĩnh mạch thực quản và chảy máu tĩnh mạch. Suy giảm chức năng gan, vàng da, cổ trướng và hôn mê gan là các biểu hiện của giai đoạn cuối. Các biến chứng ở đại tràng: hẹp đại tràng, các ổ sùi u hạt và nhiễm salmonella kéo dài; polyp đại tràng với biểu hiện: tiêu chảy phân lẫn máu, thiếu máu, giảm albumin máu, ngón tay dùi trống. Viêm tủy cắt ngang, động kinh, viêm thần kinh thị giác có thể gặp do trứng sán trong hệ tuần hoàn hoặc sán lạc chỗ.

Bệnh sán máng đường ruột giai đoạn đầu có thể nhầm với lỵ amip, lỵ trực khuẩn hoặc các căn nguyên gây tiêu chảy và lỵ khác. Ở giai đoạn muộn cần phân biệt một số căn nguyên gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa và polyp ruột. Trong vùng dịch tễ, nhiễm sán máng bàng quang cần phân biệt với căn nguyên gây triệu chứng tiết niệu như ung thư đường niệu, nhiễm khuẩn, sỏi...

Các phương pháp điều trị
- Nội khoa: Được chỉ định khi xác định có trứng sán còn sống. Do các thuốc có tính an toàn và hiệu quả nên có thể điều trị tất cả các thể bệnh hoạt động bằng thuốc uống. Có thể dùng một trong các thuốc: praziquantel; oxamniquin; metrifonat. Sau điều trị, cần xét nghiệm định kỳ để theo dõi từ 3 tháng - 1 năm xem bệnh nhân có còn thải trứng sán nữa không.

- Ngoại khoa: Điều trị ngoại khoa có thể được chỉ định để cắt bỏ các polyp và sửa chữa tắc nghẽn đường niệu. Trường hợp chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản, điều trị nitơ lỏng là phương pháp lựa chọn. Cắt lách nếu bệnh nhân bị giảm tất cả các dòng tế bào máu.

Phòng bệnh
Để phòng bệnh cần thực hiện các biện pháp: điều trị sớm và tích cực cho bệnh nhân để tránh lây lan cho cộng đồng. Ở các vùng dịch tễ, điều trị đại trà cho trẻ em có tác dụng giảm nguy cơ phát triển các tổn thương nặng ở các cơ quan nội tạng. Khi hoạt động dưới nước cần đeo xà cạp chân, tay để tránh bị vĩ ấu trùng xâm nhập. Tuyên truyền cho mọi người và trẻ em không nên tắm sông, suối, ao, hồ hoặc ngâm mình lâu dưới nước. Không bón phân tươi và nước tiểu.

BS Phạm Văn Thân
Theo Tin Tức

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Vì sao bé ngủ muộn? (25/6)
 Đừng để trẻ mù lòa vì thiếu vitamin A (24/6)
 Nhớ đeo kính mát, kẻo mắt trẻ sẽ tổn thương vì nắng (25/6)
 Đo thân nhiệt không đúng cách: Tai hại khó lường! (24/6)
 Khí gas ảnh hưởng đến quá trình phát triển não của trẻ (24/6)
 Thở dài tốt cho phổi của bé (23/6)
 Chứng khó nuốt ở trẻ nhỏ (23/6)
 Con không thích nha sĩ! (23/6)
 Bé ra nhiều mồ hôi biểu hiện bệnh gì? (23/6)
 Phát ốm vì nằm đệm nước (22/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i