Giáo dục mầm non
   Giải bài toán giáo viên mầm non
 

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ... của trẻ. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ giáo viên cho bậc học mầm non là nhiệm vụ đặt ra cấp bách trong quá trình đổi mới và phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà.

Giáo viên Trường mầm non Hoa Trà My (Hà Nội) hướng dẫn các cháu trò chơi dân gian.

Ðầu tư chưa tương xứng
Cả nước có hơn 3,6 triệu trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đang được học tập ở hơn 12 nghìn trường mầm non với hơn 179 nghìn giáo viên giảng dạy, trong đó có hơn 168 nghìn giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn (chiếm 94,3%). Ở nhiều tỉnh, thành phố, số giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn có tỷ lệ cao như Thái Nguyên, Ðà Nẵng, Gia Lai, Bắc Ninh, Ðồng Tháp... Chế độ cho đội ngũ giáo viên mầm non tại các trường trong và ngoài công lập được quan tâm, nhất là một số tỉnh hỗ trợ lương cho giáo viên theo trình độ đào tạo. Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học.

Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển mạnh mẽ của hệ thống giáo dục quốc dân nói chung, giáo dục mầm non nói riêng, lực lượng giáo viên mầm non vẫn chưa tương xứng, thiếu về số lượng và phân bố chưa đồng đều ở các vùng, miền, không đồng đều về chất lượng, thậm chí có cả một bộ phận giáo viên còn hạn chế về năng lực, kiến thức, kỹ năng trong việc nuôi dạy trẻ. Nhiều địa phương giáo viên đạt chuẩn chiếm tỷ lệ cao, nhưng vẫn chưa tương xứng với yêu cầu về chất lượng giáo dục và đào tạo trong quá trình CNH, HÐH và hội nhập. Trong khi đó, cả nước vẫn còn hơn mười nghìn giáo viên chưa đạt chuẩn. Ở một số tỉnh, thành phố, số giáo viên dưới chuẩn còn nhiều như: Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Kon Tum...

Mặt khác, dù số lượng giáo viên tăng thường xuyên, nhưng hiện nay theo quy định, nếu trường không tổ chức cho các cháu bán trú có tỷ lệ từ 20 đến 25 trẻ/cô và tổ chức bán trú là 25 đến 30 trẻ/cô thì cả nước vẫn còn thiếu hơn 20 nghìn giáo viên bậc học mầm non. Ðáng chú ý, tỷ lệ giáo viên được biên chế của giáo dục mầm non thấp nhất trong các bậc học. Cả nước mới chỉ có gần 79 nghìn giáo viên mầm non, chiếm tỷ lệ 44% trong biên chế nhà nước. Một số địa phương tỷ lệ này còn rất thấp như tại Hà Nam 4,2%, Bắc Ninh 4,5%, Hưng Yên 5,5%, Hải Dương 6% giáo viên mầm non trong biên chế nhà nước... Trong khi đó, cơ chế, chính sách đối với giáo viên mầm non còn bất cập, chưa có biện pháp đủ mạnh để cải thiện, nâng cao đời sống ngoài biên chế, dẫn đến tình hình một bộ phận chưa yên tâm công tác. Mặt khác, dù số lượng giáo viên đạt chuẩn chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng chất lượng không đồng đều; việc bồi dưỡng, nâng chuẩn chưa được chú trọng ở một số nơi. Ý thức tự học nâng cao trình độ chuyên môn của nhiều giáo viên còn hạn chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở các trường sư phạm chậm đổi mới, chưa bắt kịp nhịp độ phát triển của giáo dục mầm non. Trong khi đó, nhu cầu đạt chuẩn khiến các địa phương đào tạo ồ ạt khi cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo mẫu giáo chưa đáp ứng yêu cầu...

Phát triển gắn với nhu cầu thực tế
Ðể nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng để thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, các địa phương cần quản lý tốt hơn nữa chất lượng giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non. Khuyến khích giáo viên tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tu dưỡng đạo đức nhà giáo. Bảo đảm không có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo trong quá trình giảng dạy. Việc triển khai thực hiện định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho trường mầm non phù hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và khả năng ngân sách cũng cần được chú trọng, nhằm giúp giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Các địa phương cần xác định nhu cầu giáo viên các cấp học, các môn học, lập kế hoạch đào tạo giáo viên theo nhu cầu. Có thể sử dụng phương pháp đặt hàng các trường đại học, cao đẳng sư phạm đào tạo, kết hợp các chính sách khuyến khích giáo viên về công tác tại địa phương. Trên cơ sở các quy định chung, ngành giáo dục các cấp rà soát quy trình và thực tế tuyển dụng giáo viên mới các cấp học, sửa đổi các quy định cần thiết để bảo đảm tuyển dụng được các giáo viên có đạo đức và trình độ chuyên môn phù hợp nhu cầu phát triển giáo dục ở mỗi trường, mỗi huyện, mỗi tỉnh.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ÐT) Phan Lan Anh khẳng định, cần có những điều chỉnh phù hợp về đào tạo và cơ chế đối với giáo viên mầm non. Việc phát triển lực lượng giáo viên mầm non cần tính đến đặc điểm vùng miền như, dạy tiếng dân tộc cho giáo viên đang tham gia giảng dạy tại vùng núi, vùng dân tộc; tổ chức dạy tiếng dân tộc cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đang công tác tại các vùng dân tộc... Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cùng với việc tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đang công tác thì Nhà nước cần có sự đánh giá thực chất mạng lưới, năng lực đào tạo, bồi dưỡng của các trường sư phạm đào tạo giáo viên mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu về chất lượng, số lượng cũng như bảo đảm về cơ cấu loại hình giáo viên trong toàn quốc, ở từng địa phương và vùng miền. Cần triển khai chương trình quốc gia nhằm khắc phục sự lạc hậu của các chương trình đào tạo ở trường sư phạm. Dự báo hằng năm nhu cầu giáo viên ở các trình độ thực hiện đào tạo theo chuẩn. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giảng viên các trường sư phạm nhằm nâng cao về kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Nghiên cứu, khảo sát để đổi mới phương thức bồi dưỡng giáo viên mầm non theo hướng: Bồi dưỡng theo nhu cầu thực tế, kết hợp bồi dưỡng tập trung với bồi dưỡng từ xa và tự bồi dưỡng. Nội dung, chương trình, tài liệu, kế hoạch bồi dưỡng cần được xây dựng trên cơ sở kết quả của việc khảo sát nhu cầu thực tế.

Giáo dục mầm non không đơn thuần là nơi trông giữ trẻ mà còn là môi trường để cho trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt, là nơi nuôi dưỡng cơ hội phát triển trong giai đoạn đầu của cuộc đời, cũng như hình thành nhân cách và phát triển nguồn lực con người. Do đó, giáo dục mầm non cần có sự đầu tư thỏa đáng, nhất là đội ngũ giáo viên phải phát triển xứng tầm, nhằm tạo bước chuyển biến cơ bản trong nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Theo Báo Nhân Dân

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Ý kiến của những GVMN yêu nghề
Ngày gửi: 9/5/2009 8:56:34 PM

Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu GVMN, mặc dù trung bình đầu ra của các trường đào tạo GVMN mỗi năm gần 1000 GV. Thường thì các chính sách ưu đãi quá thấp làm ảnh hưởng đến đời sống GVMN, các cơ quan ban ngành, các cấp lãnh đạo chưa quan tâm sâu đến đời sống GV nên đội ngũ GVMN chưa thể yên tâm công tác (học tập để nâng cao trình độ chuyên môn)
Bên cạnh công việc cực nhọc, nhiều sổ sách, liên tục họp hành (họp nhóm, khối, tổ chuyên môn, thi đua…). Áp lực công việc quá nặng từ BGH và PH…Chính vì những lý do trên tình trạng GV bỏ nghề, không tự nâng cao trình độ chuyên môn hay thiếu nhiệt huyết với công việc, chưa tận tâm với nghề, chưa yêu nghề là đương nhiên.
Năm nay là năm học tập và làm theo TTDD HCM về “sống có trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục tùng tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Chính vì thế tôi mong rằng các cấp, các đồng chí lạnh đạo quan tâm sâu sát hơn nữa. Động viên, an ủi các thầy cô về vật chất cũng như tinh thần thật nhiều để khơi dậy lòng nhiệt huyết trong công tác chăm sóc và GD trẻ MN, để mỗi cá nhân, công nhân viên có ý thức trách nhiệm cao, xây dựng hệ thống GD vững mạnh, vì thế hệ mai sau.



guest
GVMN - nghề bận nhất của phụ nữ Việt Nam
Ngày gửi: 9/8/2009 8:00:12 PM


Vì thời gian làm việc quá dài, cực nhọc, thường xuyên bị thanh tra, kiểm tra, dự giờ, bị phụ huynh coi thường (thiếu tôn trọng), đồng lương thấp kém, hay bày ra những lễ hội, chương trình vô ích làm trẻ nhỏ phần nào mệt mỏi (vì những buổi tập dượt văn nghệ), chương trình giáo dục không hợp lý: dạy rửa tay, lau mặt, dạy bé tập làm nội trợ...rất hình thức và bài bản nhưng lên đến tiểu học thì bỏ. Nhiều người phải bỏ cả gia đình hay không có người yêu vì thời gian dạy quá dài, về nhà còn làm sổ sách hay ở lại đến 9 - 10h đêm để chuẩn bị cho buổi học ngày mai hay để giải quyết công việc trong ngày.



guest

Nỗi lòng cô giáo Mầm Non
Ngày gửi: 9/12/2009 12:22:23 PM

Thật ra nếu ở trong nghề lâu năm từng chứng kiến bao thay đổi của ngành học chúng ta mới thắm thiết hết biết bao sự cực - khổ của người GVMN. Từ những ngày đầu để tuyển được người "rửa đít" cho em bé, chúng ta không cần quan tâm đến trình độ, cứ thế đến hôm nay...hễ nói đến mầm non thì ai cũng lắc đầu. Có lẽ một phần chúng ta không chịu phấn đấu nâng cao trình độ," nước chảy bèo trôi" ai kêu làm sao thì làm vậy không biết đúng sai, cơ sở là ở chổ nào? Công văn đem về để đó, không biết sắp xếp để nghiên cứu, triển khai. Ai kêu đi học thì bảo già rồi, học không vào, người đi học về thì không biết ứng dụng gì cả ( Vì chủ yếu học để hợp thức hoá trình độ). Rồi thì dường như ít được quan tâm ( Tôi ở trong ngành hơn 29 năm nhưng chưa bao giờ thấy Ông Chủ tịch TX về thăm chứ đừng nói đến Tỉnh, ngoại trừ có lãnh đạo ngành về thanh tra, chấm thi..)Thật là buồn phải không các bạn. Nghỉ lại thật tủi thân . Trước đây còn được Bác Hồ dạy " Trẻ em nhưng búp trên cành, Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan." Hay Bác Phạm Văn Đồng dạy:" Mỗi ngày nên cho trẻ ăn một trái chuối, uống một sữa đậu nành, vài ngày ăn một quả trứng".. Thì thôi chúng ta hãy cố tự động viên nhau mà vượt qua khó khăn, đã chấp nhận "tất cả vì đàn cháu thân yêu" rồi thì phải chịu. Mình không làm thì ai nuôi trẻ nữa bây giờ.


guest
Tôi nhận thấy cái sai trong GDMN
Ngày gửi: 11/2/2009 8:41:17 AM


Tôi thực sự chia sẻ với những tâm sự của các cô giáo ở trên. Ai có ở trong ngành mới biết nỗi gian nan vất vả của cô giáo mầm non về cả thể chất lẫn tinh thần.Thực sự thì nhà nước ta chưa tìm ra được lối thoát cho giáo dục Mầm non, tại sao các nước trên thế giới làm được, vì họ cho rằng đào tạo giáo dục là phải từ gốc. Còn Việt nam thì sao: Tập chung đào tạo ĐẠi học, tiến sĩ... nhưng bỏ qua việc thực sự quan tâm đến giáo dục Mầm non : Cái gốc của sự giáo dục. Đó là cái sai cơ bản trong giáo dục đào tạo ở Việt nam.



guest

Đâu là công bằng?
Ngày gửi: 11/8/2009 7:08:47 PM

GDMN đang kêu thiếu giáo viên? Thế nhưng chính tôi là GVMN mới giảng dạy được 2 năm lại đang hãi khi nhớ lại quãng thời gian tuyệt vọng khi xin việc. Xuất thân từ gia đình làm nông nên ba mẹ tôi không thể có được một số tiền lớn chạy chọt để lo cho con chỗ làm. Đành ngậm ngùi nạp đơn đến 2 đợt nhưng đều rớt chỉ vì gia đình tôi không có tiền. Tôi nghĩ GVMN không hề thiếu, thậm chí rất nhiều giáo viên được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học rất bài bản, sẵn lòng cống hiến sức trẻ cho giáo dục nhưng lại đành cất tấm bằng vào ngăn tủ cũng vì lý do đơn giản như tôi. Các bạn nghĩ sao về điều này.


guest
Băn khoăn về đồng lương của giá viên mầm non
Ngày gửi: 11/12/2009 3:46:41 PM


Thực sự tôi thấy quá là không công bằng đối với giáo viên Mầm Non vì thời gian làm việc thì quá dài từ 6h 30 phút đến17h 30 phút chiều mà đồng lương lại chẳng được bao nhiêu tiền làm thêm giờ trả quá thấp 200 000đ/tháng mà giáo viên vẫn không ngừng nâng cao nhiệm vụ học tâp để chơ chế độ của nhà nước xem có gì thay đổi không nhưng càng chờ thì càng thất vọng vì tiền trả lương thêm giờ quá ít ỏi so với các bậc học khác.



guest

Nỗi đau của giáo viên
Ngày gửi: 9/7/2013 10:37:20 PM

Giáo viên mầm non làm việc trung bình từ 6h30 đến 17h30, nếu đi trễ (muộn hơn 6h30)sẽ bị trừ thi đua, nếu về trễ (muộn hơn 17h30) không được cộng thêm điễm thi đua, tối đến mang sổ sách giáo án về nhà làm vẫn không duợc cộng điệm thi đua, tự bỏ tiền túi ra mua nguyên liệu để làm đồ chơi, học cụ dạy hoc và mang về nhà làm vào ban đêm vẫn không đuợc cộng điểm thi đua.thât là bất công phải không các bạn.


guest
Chia sẽ chung cùng ngành GDMN
Ngày gửi: 2/8/2014 9:00:47 AM


GDNM với biết bao công việc cực nhọc vừa làm đạo diễn và làm cả các vai diễn để thực hiện tốt công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Với những chia sẽ của các bạn trêm mình rất đồng cảm. Mầm non đã nhiều việc lại làm dâu trăm họ. Tuy nhiên không vì những khó khăn vất vã mà chúng ta lại không vì công việc. Đất nước chúng ta củng đang còn khó khăn vất vã lắm, những năm trở lại đây GDMN đã có nhiều đổi mới đầu tư về CSVC,TTB dạy học, quy mô trường học đuợc mỡ rộng hơn. Mình tin chắc một ngày nào đó gần đây các cấp các ngành sẽ quan tâm và có những chế độ ưu đãi để xứng đáng với công sức của ngành học GDMN.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Huyện Đan Phượng: Xây trường mầm non đạt chuẩn - còn nhiều gian nan (20/8)
 Chuyển đổi sang mầm non công lập: Đời sống giáo viên sẽ như thế nào? (20/8)
 3.000 tỷ đồng để nâng cao chất lượng bậc học mầm non (19/8)
 Tranh luận nóng bỏng về phổ cập mầm non (17/8)
 Hiệu quả từ chương trình giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ mầm non (14/8)
 2012: Chấm dứt việc thiếu giáo viên có chất lượng ở các bậc học (12/8)
 Khi nào các trường đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh mới hoạt động trở lại (10/8)
 Cần triển khai tốt Chương trình GD mầm non mới (7/8)
 “Heo vàng” đến tuổi, phụ huynh cuống cuồng (6/8)
 Bước chuyển tổng thể bậc học mầm non Hà Nội (5/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i