Giáo dục mầm non
   Quan sát người Mỹ dạy 'mẫu giáo lớn' ( phần 1 )
 

Trong nhiều năm gần đây, ở thành phố, thị xã, trẻ đã được học viết chữ, làm toán trước khi vào lớp 1.

Phần lớn việc "học trước" này là ở bên ngoài nhà trường, sau đó khi chính thức vào lớp 1, các em học lại từ đầu. Nhiều nơi, cùng vào lớp 1, nhưng có những em đã đọc thông, viết thạo, song cũng có nhiều em chưa biết mặt các chữ cái, con số.

Vì thế, tình trạng lộn xộn và chênh lệch về nhận thức đã xảy ra trong lớp học đầu đời của trẻ.

Từ Mỹ, thạc sỹ Phạm Thị Thu Hiền (từng là giáo viên Văn của trường THPT Nguyễn Tất Thành - ĐHSP Hà Nội) đã chia sẻ những quan sát của mình về cách mà người Mỹ dạy cho trẻ trước khi vào lớp 1.

Bài 1: Quan sát người Mỹ dạy lớp mẫu giáo lớn

HS tiểu học Mỹ cũng được dạy trước khi vào lớp 1. Ảnh minh họa

Ở Mỹ, mỗi bang có một Uỷ ban Giáo dục (UBGD) riêng. Một trong những nhiệm vụ của UBGD là đưa ra "những yêu cầu cần đạt" (còn gọi là "chuẩn" kiến thức và kĩ năng) đối với học sinh (HS) ở từng môn học, tại những khối lớp cụ thể trong các trường công lập. Dựa vào "những yêu cầu cần đạt" đó, các trường và giáo viên (GV) soạn bài học cụ thể cho HS.

Mỹ có 13 khối lớp (grade) phổ thông, bao gồm cả lớp mẫu giáo lớn (gọi là Kindergarten), và lớp 1 đến lớp 12. Đối với lớp mẫu giáo lớn, tương đương lớp 5 tuổi ở Việt Nam, UBGD cũng đưa ra "những yêu cầu cần đạt". Chẳng hạn tại California, bang có nền giáo dục rất phát triển, SGK mà các trường công lập sử dụng và những bài kiểm tra mà giáo viên đưa ra đều dựa trên những "chuẩn" đó.

Những chuyên gia hoạch định chiến lược, những nhà nghiên cứu, nhà giáo dục cho rằng "chuẩn" của bang California nằm trong số các "chuẩn" mang tính chặt chẽ và cao nhất so với cả nước, hết sức tích cực với nền giáo dục quốc gia.

Xin trích ra những "chuẩn" đối với lớp mẫu giáo lớn ở các trường công lập của bang này, cụ thể:

1. Đối với môn Tiếng Anh - ngôn ngữ nghệ thuật (tương đương với môn Tiếng Việt ở Việt Nam), HS cần đạt được những yêu cầu sau:

Về kĩ năng đọc:
- Biết được các chữ cái, các từ và âm thanh của chúng. Vận dụng các kiến thức này để đọc các câu đơn giản.

- Khái niệm về in ấn: Nhận biết được bìa trước, bìa sau và trang tiêu đề, trang viết lời tựa của một cuốn sách; Theo dõi được từ ngữ trong một trang giấy in từ trái sang phải, từ trên xuống dưới; Hiểu được rằng những kí hiệu được in ra là để cung cấp thông tin; Nhận biết được các câu trong bản in được tạo thành từ những từ riêng biệt; Phân biệt được các chữ cái với các từ; Nhận biết và gọi tên được tất cả những chữ viết hoa và viết thường trong bảng chữ cái.

- Nhận biết âm vị: Biết nối âm và biểu thị đúng ngữ điệu, thay đổi giọng điệu; sắp xếp được 2 hoặc 3 nhóm âm vị; Biết kết hợp các phụ âm và nguyên âm trong khi nói để tạo nên các từ hoặc âm tiết; Nhận biết và tạo được những từ ngữ có vần điệu trong câu trả lời ngay tức khắc; Nhận biết được các từ đơn âm tiết và phân biệt được âm đầu, âm cuối; Nghe được sự nối âm giữa các từ trong câu và các âm tiết trong một từ; Đếm được các tiếng trong các âm tiết và các âm tiết trong các từ.

- Giải mã và nhận biết từ: Chỉ ra tất cả những phụ âm và nguyên âm ngắn tương ứng với các chữ cái thích hợp; Đọc được những từ đơn âm tiết đơn giản và những từ thông dụng; Hiểu được rằng khi thay đổi các chữ cái trong từ thì âm thanh cũng sẽ thay đổi.

- Từ vựng và sự trình bày khái niệm: Nhận biết và lựa chọn được các từ hay dùng trong các phạm trù cơ bản (như màu sắc, hình khối, thức ăn...); Mô tả được các đồ vật và sự kiện đơn giản bằng ngôn ngữ chung (ngôn ngữ sinh hoạt) và ngôn ngữ riêng (ngôn ngữ đặc trưng cho từng loại).

- Đọc hiểu: HS nhận biết được các sự việc căn bản, các ý kiến về những vấn đề mà HS đọc, nghe hoặc nhìn thấy. HS biết vận dụng nhiều cách thức để hiểu vấn đề (ví dụ như: đặt và trả lời các câu hỏi; so sánh những cái mới với cái đã biết...)

Ngoài ra, HS cần nắm được vị trí của tiêu đề, mục lục, tên tác giả, tên người vẽ tranh minh họa; Sử dụng tranh vẽ và ngữ cảnh để dự đoán nội dung câu chuyện; Liên hệ nội dung của văn bản với đời sống thực tế của bản thân; Kể lại những câu chuyện về gia đình; Đặt và trả lời những câu hỏi về nội dung chính của văn bản được đọc.

- Phản hồi và phân tích văn học: Nghe, phân tích các câu chuyện thông qua việc trao đổi về các nhân vật chính, chủ đề, tình tiết, không gian - thời gian...; Phân biệt được các yếu tố hư cấu, các yếu tố hiện thực trong văn bản; Nhận biết được các loại hình in ấn phổ biến như sách, truyện, thơ, báo chí, chữ kí, nhãn hiệu...; Nhận biết được các nhân vật, bối cảnh, sự kiện quan trọng.

Về kĩ năng viết
HS viết được các từ và những câu ngắn, dễ đọc.
- Dùng các chữ cái và các từ để viết về những kinh nghiệm, những câu chuyện, những con người, những đồ vật, những sự kiện...
- Viết các từ có cấu trúc: phụ âm - nguyên âm - phụ âm.
- Viết theo hướng từ trái sang phải, từ trên xuống dưới.
- Viết các chữ cái hoa và các chữ cái thường một cách độc lập và sắp xếp chúng theo thứ tự trong bảng chữ cái, hoặc sắp xếp chúng thành từng bộ thích hợp (Aa, Bb...)

Những quy ước về viết và nói tiếng Anh
- Nhận biết và sử dụng các câu hoàn chỉnh, mạch lạc trong khi nói.
- Đánh vần rõ ràng bằng cách vận dụng sự hiểu biết về ngữ âm cho trước, âm thanh của các chữ cái và sự hiểu biết về tên của chúng.

Về kĩ năng nghe và nói
- HS nghe và biết trả lời. Bên cạnh đó, có thể nói được những câu rõ ràng, mạch lạc.
- Hiểu và theo kịp những chỉ dẫn bằng lời nói.
- Chia sẻ những thông tin và ý tưởng, thể hiện ra bằng những câu nói hoàn chỉnh, mạch lạc.
- HS trình bày những kinh nghiệm, sở thích... của mình một cách ngắn gọn, trôi chảy. Tập trung vào thực hành nói về miêu tả người, cảnh vật, đồ vật (kích thước, màu sắc, hình dạng...), hoạt động, nơi ở...
- Học thuộc những bài thơ ngắn, những giai điệu và bài hát.
- Kể lại một kinh nghiệm hoặc sáng tác một câu chuyện có cốt truyện chặt chẽ.

2. Đối với môn Toán
Đến cuối lớp mẫu giáo lớn, HS cần nắm được các chữ số nhỏ, số lượng, các hình đơn giản có ở xung quanh. HS biết đếm, so sánh, miêu tả và sắp xếp các đồ vật; nắm được các tri thức về các tính chất và các mô hình, kiểu mẫu.

Về số học
- Thứ nhất, HS hiểu được mối quan hệ giữa các con số và số lượng (ví dụ: một nhóm các đồ vật có cùng số lượng trong các tình huống khác nhau không kể đến vị trí và sự sắp xếp của chúng).
Theo đó, HS có thể:

+ So sánh hai tập hợp đồ vật trở lên (nhiều nhất là 10 đồ vật trong mỗi nhóm) và nhận ra tập hợp nào bằng, nhiều hơn hoặc ít hơn tập hợp khác.

+ Đếm, nhận biết, miêu tả, gọi tên và sắp xếp các đồ vật (nhiều nhất là 30).

+ Hiểu được rằng các số lớn hơn miêu tả các tập hợp có nhiều đồ vật ở trong đó hơn các số nhỏ.

- Thứ hai, HS hiểu và miêu tả các phép cộng và phép trừ đơn giản:

Sử dụng các đồ vật cụ thể để xác định câu trả lời cho các phép cộng hoặc trừ với hai con số nhỏ hơn 10.

- Thứ ba, sử dụng các chiến lược đánh giá trong sự tính toán và giải bài tập liên quan đến các số có hàng đơn vị và hàng chục (số có 2 chữ số).

Nhận biết khi nào thì một đánh giá được coi là hợp lí.

Về đại số và hàm số
HS có thể nhận biết, sắp xếp và phân loại đồ vật dựa vào thuộc tính và nhận ra các đồ vật không thuộc về một nhóm nào đó (ví dụ: những quả bóng này màu xanh, những quả kia màu đỏ).

Về đo đạc, hình học
HS nắm được các khái niệm về thời gian và các đơn vị đo thời gian; hiểu rằng các đồ vật có các tính chất như chiều dài, khối lượng, thể tích và sự so sánh có thể được tạo nên bằng cách đề cập đến các tính chất ấy.

Chẳng hạn:
+ So sánh chiều dài, khối lượng, thể tích của các vật bằng cách so sánh trực tiếp với các vật được mang ra làm "chuẩn" (chẳng hạn: chú ý đến các vật ngắn hơn, dài hơn, cao hơn, thấp hơn, nhẹ hơn, nặng hơn hoặc chứa được nhiều hơn).
+ Chứng tỏ sự hiểu biết về khái niệm thời gian (sáng, chiều, tối, hôm nay, hôm qua, ngày mai, tuần, năm) và các dụng cụ đo thời gian (đồng hồ, lịch).
+ Đọc tên các ngày của một tuần.
+ Nhận biết thời gian (giờ tiếp theo gần nhất) của các sự kiện hàng ngày (như: bữa ăn trưa vào lúc 12h, giờ đi ngủ là 8h tối).

Ngoài ra, HS nhận biết các đồ vật quen thuộc ở xung quanh và miêu tả các đặc điểm hình dạng như: nhận ra và miêu tả hình dáng của các đồ vật quen thuộc (như: hình tròn, hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, hình lập phương, hình cầu, hình nón); So sánh các hình phẳng và các hình khối quen thuộc dựa vào các đặc tính phổ biến như: vị trí, hình dạng, kích thước, độ tròn, số góc...

Về thống kê, phân tích dữ liệu và xác suất
HS có thể thu thập thông tin về các đồ vật và các sự kiện trong môi trường xung quanh bằng cách: đưa ra các câu hỏi thu thập dữ liệu, ghi các kết quả bằng cách sử dụng các đồ vật, tranh ảnh, đồ thị...

Đồng thời, nhận biết, miêu tả, mở rộng các mẫu đơn giản (như: hình tròn hay hình tam giác...) bằng cách đề cập đến hình dạng, kích thước, màu sắc của nó.

Về suy luận toán học
HS cần biết làm thế nào để thiết lập một bài toán. Ví dụ như: xác định cách tiếp cận tài liệu, chiến thuật sẽ được sử dụng; Sử dụng các công cụ và chiến lược như: vẽ sơ đồ để mô tả bài tập.

HS cũng biết giải bài tập theo những cách hợp lí và bảo vệ lập luận đó. Đó là: giải thích các lập luận, sử dụng các đồ vật cụ thể hoặc các biểu diễn hình học; giải các phép toán một cách chính xác và kiểm tra tính hợp lí của kết quả.

* Phạm Thị Thu Hiền
Theo Báo Vietnamnet

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


muaxuantrendaocat_hp

Gửi cô Hiền
Ngày gửi: 11/17/2009 2:30:53 PM

Cháu là 1 cựu sv khoa GDMN của trường ĐHSP. Đọc bài viết của cô,cháu xin phép được góp ý một số vấn đề.
Về mặt lí thuyết, tất cả các nội dung mà cô thấy được khi người Mỹ giáo dục trẻ mầm non cháu thấy rất giống với những gì mà các thầy cô khoa cháu dạy chúng cháu. Nếu cô đã đọc tất cả các nội dung trong chương trình giáo dục mầm non hiện hành thì GD MN chúng ta cũng đã tiếp cận rất gần với các phương pháp giáo dục đó của các nước phát triển.
Nếu như thực tế không như vậy, có chăng chỉ là do một bộ phận giáo viên (cũng có thể là đa số)đã không nghiêm túc trong khi thực hiện mà thôi.
Bản thân cháu ra nghề, giữa thực tiễn và lí luận dường như quá khác nhau. Những gv mới muốn thay đổi phong cách giáo dục tại lớp mình là rất khó, vì sẽ đi ngược lại cách làm của lãnh đạo "cây đa, cây đề", gặp khó dễ...
Cháu nghĩ rằng cắm điện vào 1 cỗ máy mà khi thiết kế, người ta dành cho chạy bằng xăng để nó chạy nhanh hơn là một điều không thể.Trừ khi chúng ta cải tạo lại cho cỗ máy đó.



guest
Thực tế và lý thuyết
Ngày gửi: 11/29/2009 6:15:06 AM


Tôi cũng là GVMN vào nghề hơn 20 năm. Thú thật là khi Bộ GD cho thực hiện chương trình GDMN mới tôi rất háo hức vì thấy hay và tôi đã nghiên cứu vận dụng thử nghiệm trên học sinh của mình kết quả vượt qua sự mong đợi của tôi. Tôi hớn hở trình bày với BGH và GV trong trường thì nhận được gì các bạn có biết không? Ai bảo chị làm như thế? Lý thuyết như vậy nhưng ở Quận mình phải làm theo chỉ đạo của phòng GD mà PGD thì kg yêu cầu làm như vậy. Đó là lời của HPCM. Còn đồng ngiệp thì bảo khùng hay sao mà làm cho mệt! Tôi bức xúc trình bày với GV hướng dẫn ở trường CĐSPTW thì ở đó bảo em thực hiện như vậy là đúng nhưng tuỳ theo Quận và như cô biết quận của em chỉ đạo như vậy thì đành chịu.!!!đừng nói gì đến việc dạy theo Mỹ
Tôi đã xin thôi việc ở trường đó vào tháng 8 năm nay. Tôi cảm thấy nếu ngành GD vẫn đề bạt va bổ nhiệm những cán bộ quản lý như thế thế khó mà thay đổi và học sinh của chúng ta còn chịu đựng dài dài... Tôi thấy rật nhiều CBQL trong ngành của mình rất yếu kém về chuyên môn và rập khuôn máy móc. Trong khi chương trình đã rất thoáng tạo điều kiện cho GV được tự do chọn lựa, sáng tạo thế nhưng họ vẫn ngồi ở cương vị đó năm này qua năm khác và 5năm đổi qua trường khác lòng vòng như thế thì bao giờ mới khá.




guest

Lính không được giỏi hơn xếp
Ngày gửi: 8/4/2010 5:06:32 AM

Chuyện của bạn kể sao giống chuyện của tôi.Nhiều CBQL nơi tôi công tác cũng thế, khi đề bạt cấp trên có hỏi xem là cô giáo đó đã thi giáo viên dạy giỏi cấp nào đâu? Nên khi trở thành CBQL thì họ đi dự giờ kiểm tra hiển nhiên là họ phải đúng, giáo viên làm sao qua hiệu trưởng, hiệu phó được.CTGDMNM hấp dẫn như thế nhưng khi giáo viên họ hiểu và vận dụng được thì bị vật cản từ một số CBQL có trình độ yếu kém chặn lại. Ai biểu mình là lính thì không được giỏi hơn xếp


guest
Ngựa non háu đá
Ngày gửi: 12/4/2011 8:12:13 PM


Đúng là như vậy. Tôi cũng rất chán nản khi mà mình đã cố gắng hết sức để theo kịp với sự phát triển của ngành học thì các " cây cao bóng cả" cho là "ngựa non háu đá" và nhất là CBQL họ cho rằng tôi thích "vượt mặt". Tôi đã được đào tạo bài bản, nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện và cấp tỉnh và về bằng cấp thì hơn hẳn BGH nhà trường vì vậy nên tôi cũng gặp khó khăn khi tham mưu rồi thiết kế bài dạy theo năng lực của trẻ ở lớp tôi mà tôi rất tâm đắc với phương pháp đó thì bị BGH bắt stop luôn và bắt phải theo phân bài nhất nhất như một của hiệu phó trong khi kế hoạch đó đã cũ rích và không phù hợp. Tôi nghĩ rằng nước ta phải có chính sách mới khi bổ nhiệm CBQL phải thực sự có năng lực và sáng tạo nhanh nhạy với thời cuộc thì bậc học mầm non mới phát triển toàn diện theo đúng chiều hướng mong muốn được



guest

Đồng cảm
Ngày gửi: 12/11/2011 12:30:55 AM

Khi xem qua những ý kiến trên Tôi cảm nhận có bạn dồng hành với ý kiến của mình.Ở quân tôi đang thực hiện trẻ hóa đội ngũ CBQL mà những người có thực lực để thực hiện CT đổi mới thì hơi bi hiếm mà chủ yếu là ý kiến của mình là OK nhất. Thật buồn...


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Hải Phòng: Nhiều trường mầm non “nợ chuẩn” (14/11)
 Giáo viên bậc mầm non quá tải giờ làm (12/11)
 Trường mầm non đang bị “xà xẻo” (11/11)
 Coi trọng chất lượng giáo dục mầm non (10/11)
 Giáo dục mầm non tại ĐBSCL: Trăm bề thiếu thốn (9/11)
 Bảo hiểm xã hội cho giáo viên mầm non bị… quên (4/11)
 Cho trẻ mầm non chào cờ: Không khả thi! (3/11)
 Đồ chơi ở trường phải an toàn cho trẻ (2/11)
 Gửi trẻ ngoài công lập: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ (30/10)
 Ưu tiên kinh phí cho trường thực hiện Chương trình GD mầm non mới (28/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i