Giáo dục mầm non
   Dạy trẻ ở xã biên giới Dào San
 

Cô giáo Nguyễn Thanh Huyền đang dạy các cháu mầm non.
Trong ánh nắng vàng ấm áp của ngày đầu xuân, điểm trẻ số 1 Trường Mầm non Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu rộn rã tiếng cười, tiếng nói của trẻ thơ. Nhìn những đứa trẻ ngây thơ đang vui đùa, chúng tôi cũng thấy mình lâng lâng. Chỉ ít năm trước đây, lớp trẻ này còn vắng lắm, mấy năm nay, nhờ các cấp chính quyền và Công an địa phương làm tốt công tác vận động, các cháu đã đến trường đông đủ hơn.

Thấy chúng tôi đến, cô giáo Vương Thúy Hằng, Hiệu phó Trường Mầm non Dào San mừng như lâu ngày gặp lại người thân. Cô xúc động: "Quà của các chị tặng vừa mới đến hôm qua, chúng em còn chưa chia". Cô bảo: "Ở vùng biên giới này, trừ các anh Công an và Bộ đội Biên phòng, có khi cả năm chúng em không gặp người nào từ nơi khác đến. Chính vì vậy, thấy các chị, em mừng lắm".

Dào San là xã biên giới của huyện Phong Thổ, Lai Châu, giáp với nước bạn Trung Quốc. Những năm trước, kinh tế đặc biệt khó khăn. Dân cư chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, kinh tế phụ thuộc vào nghề trồng lúa nương. Vài năm trở lại đây, đường nhựa từ trung tâm huyện đã vào đến nơi nên đời sống bà con cũng đỡ khó khăn hơn.

Dù vậy, đa phần nhân dân vẫn còn vật lộn với cái ăn hằng ngày nên ít có thời gian quan tâm đến việc học hành cho con cái. Trẻ con sinh ra có khi chưa được tháng tuổi đã phải nằm trong địu theo mẹ lên nương làm rẫy, lớn hơn chút nữa thì vạ vật, tự chơi ở nhà.

Vì vậy, trường học luôn vắng học sinh, nhất là học sinh mầm non. Các cấp chính quyền đã lập các điểm trẻ ở bản, tạo điều kiện cho các cháu đến lớp, vừa giúp các cháu quen với môi trường học tập, vừa tạo điều kiện cho bố mẹ yên tâm làm nương rẫy.

Cô Hiệu phó Vương Thúy Hằng cho biết: "Trường có 24 cán bộ, giáo viên gồm 16 lớp tại 15 điểm bản. Điểm xa nhất là bản Ma Cau, cách trung tâm xã 15km đi bộ, nếu đi xe máy thì khoảng 30km. Vì thiếu giáo viên nên cả 2 cô Hiệu phó (hiện chưa có Hiệu trưởng) đều phải đứng lớp. Cả trường chỉ có 2 giáo viên quê ở Lai Châu, còn đều từ các địa phương khác. Gần nhất như cô Phạm Thị Hoàng Yến cũng quê tận Tuần Giáo, Điện Biên, cách Dào San tới 260km. Chính vì vậy, các cô giáo rất ít có điều kiện về quê"...

Cô Nguyễn Thanh Huyền tâm sự: "Thực sự em ở đây rất buồn nhưng các chị dạy ở điểm bản còn buồn hơn rất nhiều. Như chị Hoàng Thị Tiếp ở điểm Ma Cau, mỗi khi ra họp phải đi bộ 15km, nếu vào mùa mưa có khi mấy tháng không về trường được buổi nào, chị em mỗi khi nhìn thấy nhau chỉ biết khóc. Có lúc cũng định bỏ dạy về quê nhưng nhìn các cháu, chúng em thương lắm. Cô giáo bỏ đi, các cháu lại phải ở nhà. Chính vì thế, ai cũng cố gắng vượt lên bản thân mình".

Cô Phạm Thị Hoàng Yến kể, đặc trưng ở đây các cháu đều là người dân tộc Mông, chỉ có một vài cháu người Kinh là con của giáo viên hoặc bộ đội, Công an cắm bản lập gia đình tại địa phương nên nhiều trẻ không hiểu tiếng Kinh, các cô giáo phải tự học tiếng Mông để nói với trẻ.

Như chợt nhớ ra điều gì, cô Vương Thúy Hằng xăng xái: "Chị ơi, chị sang đây". Rồi cô dẫn chúng tôi sang phòng bên cạnh, chỉ vào chỗ để chăn chiếu, thanh minh: "Đây là chăn các chị tặng nhưng rét quá, chúng em không dám để các cháu ngủ ở lớp nên buổi trưa đành cho về. Thế nên chăn chiếu đành gác lại. Còn đây là quà bọn em vừa nhận được, cũng khá nhiều nhưng cũng chỉ đủ cho mỗi lớp 1 món, các cháu phải chơi chung. Lần sau nếu các chị quyên góp được cứ gửi cho chúng em đồ cũ cũng được, chỉ cần mỗi cháu được chơi 1 món là quý lắm rồi. Ở đây các cháu khát đồ chơi lắm, có cháu cả đời không được mua món đồ nào...".

Chúng tôi rời Trường Mầm non Dào San khi mặt trời đã xuống núi, sương mù phủ kín không thấy lối đi. Gió bấc thổi ào ào. Cái lạnh của độ cao mấy trăm mét so với mực nước biển khía vào da thịt khiến chúng tôi thấy chân mình như không bước nổi. Thế mới biết, cuộc sống ở đây khắc nghiệt biết chừng nào.

Dù vậy, nhiều cô giáo đã rời quê hương cắm bản ở đây hàng chục năm với hy vọng mang con chữ đến cho bà con dân bản. Sự hi sinh của các cô thật đáng quý biết bao.

Theo CAND

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Nhà giáo được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên (12/3)
 Một số điểm cần lưu ý tổ chức hoạt động âm nhạc trong trường mầm non. (10/3)
 Chuyện nhà trẻ ở Mỹ (8/3)
 Xây trường mầm non bằng vốn kích cầu - Cách làm cần được nhân rộng. (5/3)
 Tháng 3: Giới thiệu những bông hoa của ngành Mầm Non (4/3)
 Phương pháp dạy chữ khoa học cho trẻ vào lớp Một (3/3)
 Sau Tết: Đua nhau gửi con vào “lò” luyện chữ: Theo chân phụ huynh (2/3)
 Sinh khí mới cho giáo dục mầm non (25/2)
 14.660 tỷ đồng cho GD mầm non g/đ 2010-2015 (23/2)
 Kiểm định chất lượng các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (22/2)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i