Giáo dục mầm non
   Giáo dục mầm non có nhiều cái thiếu
 

Về vụ việc học sinh 4 tuổi ở nhóm trẻ tư thục Hoa Lan (quận Tân Phú, TP.HCM) bị cô giáo nhốt trong thang máy (dùng để vận chuyển thức ăn), tiến sĩ Lê Xuân Hồng - nguyên hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm mẫu giáo T.Ư TP.HCM - nói:

Giờ ăn của học sinh Trường mầm non Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM. Nếu có tình yêu thương, cô giáo sẽ coi học sinh như con của mình, sẽ kiềm chế cơn nóng giận - Ảnh: H.HG.

Sẽ khởi tố vụ án để điều tra, xử lý
Ngày 31-10, thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn - trưởng Công an Q.Tân Phú (TP.HCM) - cho biết đang ráo riết củng cố chứng cứ vụ cô giáo Trần Thị Xuân Nữ (nhóm trẻ tư thục Hoa Lan, Q.Tân Phú) gây thương tích cho cháu Lê Quang Vinh để xử lý. Theo ông Tuấn, đến nay hồ sơ vụ án đã hoàn chỉnh, chỉ chờ kết quả giám định là khởi tố vụ án để điều tra. Ông Tuấn cho biết cơ quan điều tra đang cân nhắc khởi tố một trong hai tội danh "hành hạ người khác" hoặc "cố ý gây thương tích".

Tại cơ quan điều tra, ban đầu cô Nữ không nhận tội nhưng qua đấu tranh, khai thác, cô giáo này đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình. Theo đó, trong bữa ăn do thấy bé Vinh không chịu ăn nên bế bỏ vào thang máy, đóng cửa lại rồi nhấn nút. Giải thích về việc làm này, cô Nữ cho rằng vì muốn làm bé Vinh sợ mà không lường trước được hậu quả.
H.K.

- Tôi không thể hình dung nổi sự việc. Các phương tiện truyền thông đưa tin "trong bản tường trình cô giáo nói rằng bỏ bé vào thang máy để dọa bé" càng thấy kinh khủng hơn. Rất có thể cô không lường được hậu quả nghiêm trọng của việc mình làm, nhưng không thể nói cô không biết gì. Trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non và cả chương trình đào tạo bảo mẫu cấp tốc đều có nội dung: người chăm trẻ không được áp dụng những hành vi ảnh hưởng đến thể xác, tinh thần của trẻ. Bên cạnh đó có nêu những dẫn chứng cụ thể hẳn hoi. Thật sự tôi không thể tin sự việc trên là sự thật.

* Thưa bà, điểm lại một số tai nạn thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây như: cô giáo dán băng keo vào miệng trẻ dẫn đến tử vong, học sinh úp mặt vào ca nước trong nhà vệ sinh dẫn đến ngộp thở, hôn mê sâu... thì nguyên nhân chính là...?
- Những trường hợp trên đều có một nguyên nhân chung: cô giáo thiếu tình yêu thương, thiếu trách nhiệm đối với trẻ. Phải thừa nhận một điều: lao động của giáo viên mầm non hiện nay quá vất vả. Luôn chân luôn tay và luôn phải quan sát cháu suốt từ sáng đến chiều. Vậy mà có cháu không chịu nghe lời, cứ làm ngược lại ý mình thì rất dễ nổi cáu.

Nhưng nếu là người yêu thương cháu như con của mình, giáo viên sẽ biết kiềm chế. Như trong vụ việc ở nhóm trẻ Hoa Lan, ngay cả thang máy dùng để chở người cũng không thể để trẻ đi một mình vì trẻ rất dễ hoảng sợ khi thang máy di chuyển. Một người bình thường cũng biết điều đó, không cần phải đến cô giáo mầm non - người đã được học về tâm sinh lý lứa tuổi mầm non.

Trên thực tế quản lý trường mầm non, tôi biết không thể cấm giáo viên không phạt học sinh. Trong quá trình giáo dục, khi phải phạt tức là giáo viên đã không thể dùng lời nói để thuyết phục trẻ. Nhưng phạt cũng có nhiều cách. Khi trẻ bướng quá có thể phạt bằng cách bắt đứng im quay mặt vào tường hoặc cái gì bé thích cô sẽ không cho. Thật ra, đối với trẻ hiếu động, bắt đứng im trong một viên gạch hay khoanh tay đứng im trong một vòng tròn nhỏ đã làm bé khó chịu và sợ lắm rồi, cần gì phải áp dụng những những biện pháp mạnh hơn.

Tuy nhiên, phạt theo cách này cũng không được kéo dài quá năm phút vì trẻ không có khả năng chịu đựng lâu. Bắt bé thi hành hình phạt lâu quá sẽ dẫn đến hai trường hợp: bé bị ức chế đâm ra lì, khó dạy. Ngược lại, bé sẽ dễ sợ hãi, sợ cô giáo, sợ phải đến trường. Làm sao để phạt không ảnh hưởng đến tinh thần, thể lực của trẻ, để trẻ biết việc làm của mình là sai. Như thế hình phạt mới có tác dụng.

* Nếu để ý một chút sẽ thấy các học sinh mầm non bị tai nạn thời gian gần đây đều xảy ra ở các nhóm trẻ tư thục. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
- Sở dĩ có hiện tượng trên vì ngành giáo dục mầm non còn thiếu nhiều quá. Thứ nhất là thiếu nhiều chỗ học. Trường công lập không thể đáp ứng hết nhu cầu của phụ huynh. Các trường tư thục học phí lại cao, nhiều phụ huynh buôn gánh bán bưng hoặc lao động chân tay thì không đủ điều kiện gửi con. Không còn cách nào khác, họ đành chọn nhóm trẻ mặc dù một số điểm không đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên...

Thứ hai là thiếu giáo viên mầm non, ngay cả trường sư phạm hiện cũng đang thiếu giảng viên. Ngành sư phạm mầm non từ lâu đã không được các bạn trẻ chọn lựa vì lương giáo viên thấp, lao động lại cực nhọc. Vì thế ngành sư phạm mầm non thiếu người yêu nghề, mến trẻ, người giỏi. Thế nên mới có giáo viên thiếu trách nhiệm, không toàn tâm toàn ý với nghề, không yêu thương trẻ. Do đó, mới xảy ra những tai nạn đau lòng.

* Thưa bà, chẳng lẽ tình trạng "thiếu" mãi tiếp diễn và học sinh mầm non vẫn cứ là nạn nhân trong những vụ tai nạn khủng khiếp?
- Nhóm trẻ tư thục chỉ là biện pháp tình thế trong bối cảnh thành phố đang thiếu chỗ học, chứ về lâu về dài không thể duy trì mô hình này. Bởi nó liên quan đến tính mạng, sự phát triển thể lực, trí não... của trẻ em - những người chủ tương lai của đất nước. Trước mắt, rất cần thanh tra, kiểm tra nhiều hơn đối với các nhóm trẻ, nhóm nào không đạt chuẩn hãy kiên quyết đóng cửa.

Tuy nhiên, biện pháp căn cơ vẫn là mở thêm trường, tăng chỗ học. Mà trong điều kiện như TP.HCM, khó có đủ trường công lập lắm. Nếu như các nước phát triển khuyến khích người mẹ nghỉ ở nhà chăm con đến lúc con 3 tuổi (bù lại họ vẫn được hưởng trợ cấp dành cho người mẹ nuôi con nhỏ) thì ở ta sinh con sau bốn tháng mẹ đã phải đi làm. Và không phải gia đình nào cũng thuê được người giúp việc ở nhà trông trẻ, không phải gia đình nào cũng nhờ được ông bà nội - ngoại.

Ở ta, nhiều gia đình phải gửi con ở nhóm trẻ tư thục từ 4 tháng tuổi thì trường, lớp đâu cho đủ? Tôi thấy ngày xưa ta đã có mô hình rất hiệu quả: các công ty, nhà máy, xí nghiệp đều có nhà trẻ để giữ trẻ cho con em cán bộ - công nhân viên. Sau này, có thể nhà kinh doanh thấy duy trì nhà trẻ không mang lại lợi nhuận nhiều nên họ xóa sổ mô hình này. Nhưng về mặt quản lý nhà nước, hoàn toàn có thể đưa ra một quy định: các nhà máy, công ty quy mô lớn phải có nhà trẻ.

Bù lại, Nhà nước sẽ giảm thuế cho họ. Họ được quyền tuyển giáo viên theo tiêu chuẩn của mình và có khả năng trả lương cho giáo viên cao hơn trường công lập. Nếu Nhà nước cải tiến được mức lương cho giáo viên và nếu thực hiện được mô hình này, tôi tin việc tuyển sinh viên sư phạm mầm non sẽ đỡ vất vả hơn.

Mới đây, tôi được biết có một nhà máy ở TP.HCM định mở nhà trẻ trong khuôn viên nhà máy nhưng gặp quá nhiều trở ngại khiến họ nản. Nếu có quy chế, quy định rõ ràng để khuyến khích họ làm, tôi nghĩ trẻ em sẽ là người hưởng lợi đầu tiên.
HOÀNG HƯƠNG thực hiện

Đừng để hậu quả xảy ra rồi mới kiểm tra
* Thật quá nhiều cái chết oan uổng liên quan đến sự vô trách nhiệm của người lớn nói chung và các cô giáo ở mầm non tư thục nói riêng. Tôi cho rằng dù muộn nhưng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần quản lý chặt các cơ sở này, các trường cần giáo dục và tuyển lựa giáo viên thật kỹ trước khi vào làm. Đừng để hậu quả xảy ra rồi mới kiểm tra, thanh tra...
Minh Quang

* Trách nhiệm của cô giáo Nữ và lãnh đạo nhóm trẻ tư thục Hoa Lan đã rõ. Ở đây tôi chỉ muốn nói tới trách nhiệm của các cấp quản lý về giáo dục. Theo tôi biết, muốn mở trường giữ trẻ không khó, việc tuyển chọn giáo viên rất dễ và việc kiểm tra quản lý của chính quyền cũng chỉ là hình thức cho có chứ chẳng có tác dụng gì. Thử hỏi ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung có bao nhiêu trường giữ trẻ đạt chất lượng, bao nhiêu người được gọi là giáo viên ở đó được đào tạo bài bản về chuyên môn và nghiệp vụ? Câu trả lời là rất ít.

Vậy tại sao những nơi như thế vẫn tồn tại và có xu hướng sinh sôi ngày càng nhiều. Câu hỏi này phải để các cấp quản lý về giáo dục trả lời.
Xuân Đại

Theo Tuổi Trẻ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Hãy có cái nhìn rộng hơn
Ngày gửi: 11/2/2010 9:51:51 PM

Tôi cũng là một GVMN nên tôi hiểu rất rõ những nỗi khổ của một GVMN. Tôi không bênh vực cô Nữ nhưng tôi không nhìn cô với con mắt ghê sợ. Nếu cô ấy đã nhận ra lỡ lầm của mình thì hãy để pháp luật giải quyết. Các vị dừng có nêm thêm ớt tỏi vào câu chuyện nữa. Đừng ép người ta vào con đường cùng, tất cả nên chấm dứt ở đây thì tốt nhất.


guest
Hãy khoan dung!
Ngày gửi: 11/4/2010 11:30:57 AM


Hành vi của cô Nữ là sai,tuy nhiên chỉ có những người trong nghề mới hiểu được.Bạn hãy hình dung, hàng ngày bạn phải trông 40-50 trẻ, khi tan trường bạn lại về với gia đình.áp lực rất nhiều, vì cô Nữ quá bức xúc và không kiềm chế được hành vi nên làm như vậy?Cô ấy đã nhận ra sai lầm thì nên cho cô ấy 1 cơ hội.Cha mẹ khi trông con còn nhiều thiếu sót, bực bội, xót xa khi con không ăn khiến trở nên cáu giận,huống chi giáo viên.CÁC vị cứ nói "nếu cô giáo viên coi trẻ như con mình thì có cách làm khác khi trẻ không ăn"nhưng các vị đâu hiểu,nếu trẻ không ăn, sẽ gầy gò ,ốm yếu, tiếp đó dẫn đến phụ huynh đến mắng chửi rằng chăm con họ không tốt.Nếu 1 tre không chịu ăn thì có thể dỗ được, đằng này, phải trông nhiều trẻ, trẻ nôn, chớ, đi vệ sinh....liệu 2-3 cô/ 1 lớp/50 trẻ đã đủ để chăm sóc trẻ cho tốt chưa?cái đó thuộc về lĩnh vực của Bộ Giáo Dục và Nha Nước đó thưa các vị!



guest

Cần kiên trì và cố gắng kìm chế
Ngày gửi: 11/7/2010 8:50:33 PM

Qua sự việc của cô giáo nữ đã phạt trẻ bằng hình thức cho trẻ vào cầu thang máy để doạ trẻ, thì quả là một điều quá sợ, cô có biết được rằng cô làm như vậy thì điều gì sẽ sẩy ra. làm cô giáo mầm non cực kỳ vất vả, xong bản thân mỗi người đã chọn nghề thì phải yêu lấy nghề, nhưng qua thực tế chúng tôi đã được làm với 1 số cô giáo mầm non trẻ tuổi mới vào nghề, thì quả thực là cô không phải là người yêu nghề, yêu trẻ,rất văn vở lấy lòng phụ huynh,được lòng ban giám hiệu,với ban giám hiệu ở 1 số trường thì.......? với nội tâm của cô và sự việc trong thực tế có thực ở 1 số trường. chúng tôi đề nghi với các cấp lãnh đạo của ngành giáo dục cần phải trao dồi về đạo đức và"là người mẹ hiền" cho các cô giáo trẻ nói chung,chúng tôi là những cô giáo đã nhiều tuổi tâm sự vói nhau, nếu cứ tình trạng này thì có cháu cũng không dám gửi vào lớp cô giáo trẻ tuổi, vì....?


guest
Bao giờ bớt áp lực cho giáo viên mầm non sẽ bớt chuyện đau buồn như chuyện cô Nữ
Ngày gửi: 11/9/2010 10:37:04 PM


Tôi cũng không đồng tình cũng không quá khắc khe về chuyệ n cô giáo cho trẻ vào cầu thang máy.Tại sao khi một chuyện vì xảy ra, đều nghĩ là giáo viên không yêu nghề. Khôngyêu nghề tại sao với công việc áp lực và đồng lương chết đói mà giáo viên chúng tôi lại bám nghề, cô giáo Nữ không yêu trẻ tại sao mong muốn cháu bé ăn hết suất ăn, sợ cháu khỏe mạnh... Hành vi cô Nữ làm chẳng qua có phải vì áp lực quá công việc quá nhiều và một phút bực bội đã làm cho mình bị các vị không trong nghề được dịp kẻ tội. Sao các vị không nghĩ các vị chỉ có 1-2 con nhỏ khi cho con ăn có dám bảo không la hét hay bực bội không? Còn ở trường 1 giáo viên cho một lúc mấy chục cháu ăn thì cảnh sẽ như thế nào?... Do đó tại sao các vị không nghĩ việc đó có phải do lỗi của các cấp lãnh đạo giáo dục, đã bắt giáo viên mầm non làm việc đến kiệt sức, thử hỏi làm gì thoát khỏi cảnh đau lòng. Tôi nghĩ nếu cường độ làm việc kiệt sức như thế và mức lương cứ như thế, thì đau lòng như thế vẫn sẽ tiếp diễn.



guest

Hãy kiềm chế và thương yêu trẻ
Ngày gửi: 11/10/2010 4:44:59 PM

Bản thân tôi đã từng làm giáo viên 15 năm và làm cán bộ quản lý 5 năm .Tôi cũng từng chăm sóc dạy dỗ trẻ như các cô . Tôi rất hiểu nổi khổ cực của các cô một ngày quận quật với mấy chục bé : chơi, học , ăn , ngủ, vệ sinh....ôi rất vất vả ,lại chịu áp lực từ phụ huynh ,BGH ...Bản thân tôi rất thông cảm .Nhưng không thể nói là do áp lực , do vất vả mà lại hành hạ trẻ một cách vô lương tâm như thế .Trường hợp cô Nữ nói không nghĩ đến hậu quả nặng như thế , thì sao lương tâm cô giáo đâu khi mới nhấn nút cầu thang máy bé đã gào khóc...lúc ấy cô giáo phải thức tỉnh chứ? tại sao lại nhấn thang máy lâu để bé bị tai nạn nghiêm trọng như thế ? Phần cô Nữ đã nhận ra lầm lỗi của mình và sẽ bị pháp luật trừng trị . Nhưng ở đây tôi mong muốn tất cả các cô giáo MN hãy bình tĩnh , kiềm chế, thương yêu , tôn trọng trẻ .Không vì bất cứ một lý do nào mà hành hạ thân xác và tâm hồn trẻ thơ.


guest
Cần nghiêm khắc xứ lý
Ngày gửi: 11/13/2010 6:02:34 PM


Tôi thấy ý kiến của cô giáo Mầm Non là không đúng, các cô nói rằng phải vất vả, áp lực khi chăm sóc cháu thì mới như thế. Nếu là con các cô, các cô có đánh đập con mình thương tích khắp người khi nó không nghe lời? Liệu các cô có nhốt vào thang máy khi thấy nguy hiểm không? Đâu cứ phải chịu áp lực là có quyền hành hạ trẻ nhỏ? Đối tượng thật ngây thơ và cũng thật đáng thương khi các cháu phải chịu đòn. Bất cứ công việc nào cũng có những khó khăn và áp lực riêng, chẳng lẽ cứ áp lực là được phép làm điều ác và không suy nghĩ? Tôi rất bức xúc khi thấy có nhiều cô giáo Mầm Non hành hạ trẻ nhỏ.



guest

Hãy thử đi thì sẽ thấy
Ngày gửi: 11/14/2010 5:18:42 PM

Tôi xin lỗi nếu những điều tôi nói ra đây nếu không vừa lòng các bạn. Tôi cũng là 1 giáo viên Mầm Non. Tôi đã đọc được nhiều ý kiến của các bạn. Tôi thấy chuyên gì nó đã xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi, nếu tha thứ được thì hãy tha thứ cho cô XUÂN NỮ. Tôi biết giờ đây cô đã hối hân lắm rồi khi 1 phút không kiềm chế được minh. Các bạn có bao giờ nghĩ đến nghề dạy trẻ của chúng tôi là nghề bạc bẽo không? Chúng tôi chăm tốt thì chẳng bao giờ dươc 1 lời khen, ấy vậy mà khi có những sơ suất xảy ra thi ôi thôi là bao lời trách móc từ phụ huynh. Các bạn có biết mỗi lần như thế chúng tôi cũng mất ăn, mất ngủ khi cả ngày chăm cháu mệt mỏi mà chiều đến lại phải nghe những lời chỉ trích của phụ huynh không? Nên tôi thật lòng xin các bạn đừng dồn cô XUÂN NỮ vào bước đường cùng nữa, nếu không chịu nổi sức ép mà nghĩ quẩn thì các bạn nghĩ sao?


guest
Hãy rộng mở tấm lòng
Ngày gửi: 11/17/2010 4:00:56 PM


Tôi đả 20 năm trong nghề Mầm Non, bao chuyện đắng cay, ngọt bùi đều nếm trải cả nên mong mọi người hãy rộng lòng tha thứ cho việc làm của cô Nữ vì các cô Mầm Non thật sự cần những chia sẻ, động viên từ các vị. Còn nếu nói đi làm có thu nhập để nuôi bản thân và gia đình thì sẽ không chọn ngành GVMN. Hàng tháng khi nhận lương, trừ các khoản tiền mỗi GV nhận 400 ngàn đồng thử hỏi ai không có những phút thiếu tập trung. Mong các cô hay mở rộng tấm lòng, đừng để một người phải đi đến tận cùng những đau khổ.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ: Phụ huynh phải giám sát chặt nơi gửi con (28/10)
 Phá chuẩn vì sĩ số (26/10)
 Người mẹ của những "mầm non" núi rừng ĐăkLa (25/10)
 “Măng non” chào cờ (22/10)
 Trường mầm non sẽ phải có ít nhất 50 trẻ em mới được phép hoạt động (21/10)
 Dạy tiếng Anh từ mẫu giáo: Áp lực cho trẻ (16/10)
 Phát triển thiết bị dạy học tự làm: Kinh phí thôi chưa đủ (14/10)
 Sửa đổi điều kiện thành lập trường mầm non (18/10)
 New Zealand chia sẻ kinh nghiệm giáo dục mầm non (13/10)
 Hà Nội: Thêm 30 trường đạt chuẩn quốc gia (12/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i