Xã hội
   "Vòng quanh thế giới" xem trẻ Việt học ở mẫu giáo Tây
 

Trong lúc vụ việc bạo hành trẻ tại trường mầm non tư thục Phương Anh đang tràn ngập các trang tin và mạng xã hội. Rất nhiều bà mẹ Việt đang sống tại Việt Nam đã tỏ ra lo lắng không biết con mình đi học thì sẽ thế nào? Liệu có môi trường giáo dục nào thực sự đáng tin tưởng để họ gửi con em mình vào học?


Bên cạnh đó, các mẹ đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài cũng thể hiện sự phẫn nộ khi thấy những em bé bằng tuổi con mình bị hành hạ dã man tại các trường mầm non không đảm bảo. Nhiều mẹ đã kể lại câu chuyện "cho con đi bộ đội" tại trời Tây như một cách so sánh để nhấn mạnh về độ "dã man" của các bảo mẫu không có tâm, chẳng có tầm trong sự việc vừa qua.


Trẻ nhỏ vẫn tự bốc ăn, giáo viên Bỉ chỉ hỗ trợ khi cần thiết và rất nhẹ nhàng


Ở Bỉ, hư thì phạt, nhưng không đánh
Chị Lê Thị Hoa, hiện đang sinh sống tại Leuven, Bỉ cho hay: Tại Bỉ, trẻ con không bao giờ bị ép ăn. Nếu trẻ khỏe mạnh bình thường và không ăn thì thôi, bữa sau ăn bù. Nếu bữa sau trẻ vẫn không chịu ăn thì nhịn nốt. Con chị Hoa là trường hợp cá biệt, thường xuyên nhịn ăn ở trường hơn 1 năm trời, có hôm nhịn ăn từ 9h sáng đến 5h chiều. Mẹ muốn mang đồ ăn cho con thì bị các cô cản. Vì theo các cô, trẻ cần hiểu không ăn sẽ bị đói và phải thích nghi với chế độ ăn uống ở trường. Quan trọng là gia đình mình luôn thống nhất quan điểm với nhà trường. Vậy nên mọi việc cũng xong.


Bé Minh (tóc đen, con chị Hoa) cùng các bạn trong giờ ăn súp


Ngoài ra, các giáo viên bên này cũng ít khi quát mắng, dọa nạt trẻ, đánh thì tuyệt đối không. Vì trẻ có quấy khóc đến đâu, cô cũng không dỗ dành quá nhiều. Nếu trẻ cứ ăn vạ thì cô sẽ để trẻ khóc, khóc hết thì thôi. Trẻ hư thì bị phạt ngồi một chỗ, không được chơi với ai. Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Trẻ em bên Bỉ ít được nuông chiều nên ít có thói ăn vạ. Và trẻ rất tự lập. Điều này cũng giảm tải gánh nặng cho giáo viên rất nhiều.


Ở Nhật, trẻ tự lập, giáo viên năng động đến kinh ngạc
Chị Trang Nhung, đang định cư ở Nhật Bản thì cho rằng: Giáo viên mầm non ở Việt Nam không hẳn là vất vả, mà có vất vả thì cũng là do không biết cách tổ chức, không có kỹ năng sư phạm để dạy dỗ trẻ đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó các vị phụ huynh Việt Nam ít rèn kỹ năng tự phục vụ cho con nên mới có việc ngồi đút ăn đáng buồn như vậy.


Trẻ con Nhật Bản tự lập từ bé.


Như con chị Nhung từ 10 tháng đã được tập xúc ăn. Lúc đầu nhoe nhoét hết nhưng sau thành thạo. Đến khi con 15 tháng chị cho đi nhà trẻ thì bé đã biết xúc ăn tương đối. Chị Nhung cũng dạy con tự đi vệ sinh từ sớm nên bé cũng rất chủ động. Ít có chuyện tè dầm hay ị đùn ở lớp. Cô giáo lúc đó, chỉ hỗ trợ khi con thực sự cần.


Ở bên Nhật, như những gì chị Nhung quan sát thì các giáo viên có sức lao động "phi thường". Lớp học của con chị có 25 học sinh và chỉ một giáo viên. Thế mà cô có thể tổ chức cho trẻ ăn ngủ nề nếp, vui chơi, văn nghệ... Tất cả đều quy củ và không hề căng thẳng. Thậm chí các cô còn dành thời gian tự làm đồ chơi cho các bé.


Ở Úc, trẻ con bất khả xâm phạm
Mẹ Đậu (Úc) là người có nhiều ý kiến nhất. Chị cho rằng thật ra, mọi sự so sánh đều là khập khiễng vì mỗi đất nước đều có những chuẩn mực riêng về giá trị xã hội. Tuy nhiên việc bạo hành trẻ thì không thể chấp nhận được.


Bé Đậu đi học từ 9 tháng tuổi, là trẻ Việt mới sang Úc nên bé lạ và sợ, không chịu ăn uống. Mẹ Đậu thương con cả ngày phải ở nhà trẻ, có thể bị đói bụng do không chịu ăn. Nhưng chưa bao giờ mẹ phải lo lắng là các cô ép hoặc cố tình bỏ đói con, các cô bạo hành hoặc đối xử với con khác biệt. Vì không chỉ các cô mà các bà mẹ Úc cũng không bao giờ ép con ăn.


Khi trẻ quấy khóc, các cô còn tùy từng lý do của việc quấy khóc mà xử lý, đói thì cho ăn, khát thì cho uống, buồn ngủ thì cho đi ngủ. Có nghĩa là các cô cố gắng hiểu tâm lý của trẻ nhỏ. Nếu trong trường hợp con khóc vì tranh giành đồ chơi với bạn thì các cô sẽ phân xử kiểu bé nào đụng vào cái đồ chơi ấy trước thì là của bé ấy rất công bằng, song phẳng. Đồng thời, các cô sẽ khuyến khích trẻ đến sau lấy đồ tương tự hoặc nếu không có đồ tương tự thì chơi chung, hết lượt bạn này đến bạn kia.

 

Trẻ Úc cũng được rèn kỹ năng tự phục vụ từ bé.

 

Vào dịp lễ, bố mẹ Đậu muốn tặng quà mà còn đang băn khoăn mãi là có nên tặng các cô của con một...tấm bưu thiếp không, vì sợ, việc tặng bất cứ cái gì cho các cô cũng trở thành một hành động vô cùng khiếm nhã. Ở Úc họ không có văn hóa "phong bì". Nhưng không phải thế mà các giáo viên "hậm hực" với trẻ. Bất cứ hành động xâm phạm trẻ nào cũng bị pháp luật xử lý nghiêm.


Tại các trường mầm non ở Úc, tùy vào nhiều yếu tố để quy định mỗi lớp có bao nhiêu bé như diện tích của lớp học, diện tích sân chơi, đồ dùng học cụ... Từ những tiêu chuẩn cơ bản đó mới có bao nhiêu bé/ lớp học. Từ số lượng bé/lớp mới quy định ra số lượng giáo viên cần có. Với độ tuổi 0-2 tuổi thì cơ bản là 1 cô không chăm sóc quá 4 trẻ.


Cơ mà, cũng phải nói ngược lại, các bố mẹ Việt bớt kỳ vọng các con đi trường phải tăng cân, phải ngoan, phải ăn nhiều thì tốt biết mấy. Rồi các con ở nhà 3, 4 tuổi vẫn phải được xúc cho ăn như vậy thì các giáo viên cũng rất vất vả.


Giống như ba vị phụ huynh trên, hầu hết cả bà mẹ Việt đang sinh sống ở nước ngoài đều tỏ ra bức xúc và đặt câu hỏi: Tại sao vẫn có những trường mầm non chui và những nhân viên không đủ trình độ đứng ra tổ chức nuôi dạy trẻ? Liệu sau những trường hợp như thế này, các vị phụ huynh có nên cẩn thận hơn khi chọn trường có giấy phép hoạt động cho con? Đồng thời về phía các vị phụ huynh Việt, họ có cần thay đổi lại phương pháp giáo dục sao cho con cái tự lập hơn, tránh ỷ lại vào giáo viên hơn?


Theo afamily

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Kom Tum đẩy mạnh chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em (20/12)
 Trẻ chết ngạt vì dây đèn, IKEA thu hồi sản phẩm (20/12)
 Công nhân “đỏ mắt” tìm nhà trẻ (19/12)
 Đọc sách cùng trẻ em vùng cao Hòa Bình (19/12)
 Quần áo trẻ em Trung Quốc chứa chất độc gây vô sinh (19/12)
 Phó Chủ tịch nước thăm trường mầm non của con em công nhân (17/12)
 Thực phẩm chế biến trong bếp ăn trường học bị ô nhiễm (17/12)
 Lại “phát sốt” vì sữa tăng giá (16/12)
 Chế độ dinh dưỡng chống béo phì ở trẻ (16/12)
 Nhật thay đổi độ tuổi học tiếng Anh của trẻ (16/12)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i