Giáo dục mầm non
   Bài cuối: Nên chuẩn hóa bếp ăn bán trú
 

Bữa ăn bán trú đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của phụ huynh học sinh bởi vấn đề cải thiện dinh dưỡng, nâng cao thể lực cho học sinh đang là một chiến lược quốc gia. Nếu không kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, chế độ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm thì không những gây ra ngộ độc tập thể mà nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thể trạng cả một thế hệ tương lai của đất nước. Chuẩn hóa bếp ăn bán trú đang được nhiều địa phương thực hiện, đặc biệt mô hình này rất thành công ở TP HCM và Đà Nẵng. Tuy nhiên, tại Hà Nội, theo lãnh đạo Sở GD& ĐT thì không thể thực hiện được việc chuẩn hóa bếp ăn bán trú?!


Kiểm tra nhiều, phát hiện ít vi phạm
Hàng loạt sự kiện tại bếp ăn bán trú bị phanh phui thời gian qua chủ yếu lại là do phụ huynh phát hiện và đứng lên tố cáo. Đặc biệt là sự kiện học sinh của 3 trường tiểu học ở quận Hoàng Mai, Hà Nội phải uống sữa, ăn mì tôm thay bữa trưa cũng do phụ huynh có ý kiến. Còn theo kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng như Sở GD&ĐT, Sở Y tế Hà Nội thì hầu hết đều "không có vi phạm". Hà Nội hiện có 1.125 trường học có bếp ăn bán trú, trong đó có 955 trường tự tổ chức nấu ăn, 170 đơn vị trường học hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng suất ăn sẵn cho học sinh. Với một khối lượng bếp ăn bán trú lớn như vậy thì việc quản lý, kiểm tra giám sát chất lượng bữa ăn bán trú và vấn đề an toàn thực phẩm tại các nhà trường như thế nào?


Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thì hằng năm Phòng Công tác học sinh, sinh viên của Sở đều tổ chức kiểm tra việc tổ chức bán trú tại trường học, trong đó có việc ăn nghỉ của học sinh. Tuy nhiên việc kiểm tra này không nhiều mà chủ yếu là do Phòng GD&ĐT các quận, huyện kiểm tra thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất. Ông Tiến cũng cho biết, qua kiểm tra thì hầu hết các trường đều thực hiện tốt, chưa phát hiện vi phạm lớn. Hà Nội hiện còn 2 trường tiểu học là Chu Văn An và Lê Ngọc Hân do diện tích quá chật chội chỉ tổ chức học 1 buổi, 1 buổi trông giữ ngoài trường nên Sở GD&ĐT yêu cầu các trường này dù trông giữ, ăn nghỉ ngoài trường nhưng phải đảm bảo đúng quy định. "Sở GD&ĐT không nhận được đơn thư tố giác việc cắt xén khẩu phần ăn của học sinh ở cấp tiểu học"- ông Tiến cho biết.


Lãnh đạo Chi cục VSATTP Hà Nội cũng khẳng định, 100% các trường có bếp ăn bán trú ở Hà Nội được kiểm tra và các bếp ăn đều có hợp đồng nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm: "Kết quả kiểm tra năm học 2013-2014 chỉ có 2 trường hợp vi phạm ATTP bị xử lý về việc chưa khám sức khỏe định kỳ, vệ sinh dụng cụ trang thiết bị không đảm bảo ATTP.


Bữa ăn bán trú của học sinh Trường mầm non Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội.


Học sinh Hà Nội đã bước vào năm học mới, ngay ngày đầu tiên của năm học đã xảy ra sự cố ở 3 trường tiểu học của quận Hoàng Mai. Chất lượng bữa ăn bán trú cũng như vấn đề ATTP tại các trường học là vấn đề nóng. Theo lãnh đạo Chi cục VSATTP thì hiện Phòng GD&ĐT đang phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành các quận, huyện kiểm tra ATTP tại các bếp ăn tập thể trường học, các điều kiện ATTP bếp ăn tập thể theo Điều 4, Thông tư 30/2012 của Bộ Y tế.


Khó khăn việc chuẩn hóa
Chuẩn hóa bếp ăn bán trú đã được một số địa phương thực hiện, đặc biệt là mô hình mẫu "bếp ăn đạt chuẩn" do Công ty Ajinomoto Việt Nam tài trợ thí điểm thuộc dự án bữa ăn học đường cho nhiều trường học ở TP Hồ Chí Minh về cơ sở vật chất (xây dựng bếp ăn bán trú trên 1 tỷ đồng) và xây dựng chế độ dinh dưỡng đạt chuẩn cho học sinh được đánh giá là rất hiệu quả. Hiện tại, mô hình này đang triển khai tại TP Đà Nẵng đã nhận được sự đón đợi của đông đảo phụ huynh, học sinh và nhà trường. Công ty Ajinomoto Việt Nam cũng đã đặt vấn đề tài trợ thí điểm cho một số trường ở Hà Nội, nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay không thực hiện được!


Theo ông Phạm Xuân Tiến thì có khoảng 30% học sinh Hà Nội ăn bán trú tại nhà trường, chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành. Riêng khối trường mầm non nằm trong chương trình chăm sóc nuôi dưỡng riêng nên các trường đều có bếp ăn, chế độ dinh dưỡng đạt tiêu chuẩn theo quy định. Hiện tại, hình thức phục vụ ăn bán trú và trông bán trú cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày ở Hà Nội phân thành 4 loại hình: nhà trường tự nấu, tự mua thực phẩm; nhà trường đặt cơm của các công ty nấu suất ăn; nhà trường hợp đồng với Công ty cung cấp thực phẩm, nhà trường tự nấu và nhà trường hợp đồng với Công ty vừa cung cấp thực phẩm, vừa sơ chế bữa ăn, nhà trường chỉ giám sát. Sở GD&ĐT Hà Nội đã quán triệt nguyên tắc những trường nào nấu ăn tại trường thì bếp phải thiết kế theo quy định 1 chiều (nhập nguyên liệu - sơ chế- chế biến- chia cơm). Nhân viên phải có bằng nấu ăn, phải khám sức khỏe định kỳ, thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo VSATTP, không mua rong, không rõ nguồn gốc. Định lượng bữa ăn phải có sự thỏa thuận với cha mẹ học sinh...Với nhiều loại hình bếp ăn bán trú như vậy, vấn đề kiểm tra, kiểm soát chất lượng, định lượng và VSATTP không hề đơn giản.


Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội nên quy định thống nhất chuẩn hóa bếp ăn theo một loại hình đạt chuẩn để dễ quản lý, dễ thanh kiểm tra, không nên để "đa dạng" như hiện nay. Ông Phạm Xuân Tiến khẳng định: "Hà Nội không thể làm được điều đó bởi mỗi nhà trường có một cơ sở vật chất khác nhau. Trường có cơ sở vật chất tốt, điều kiện diện tích rộng thì tự nấu ăn bán trú, nhưng nhiều trường không có đủ cơ sở vật chất thì phải đặt suất ăn từ các công ty. Do vậy không thể chuẩn hóa bếp ăn tập thể theo một loại hình chung được".


Đó là với các trường công lập, còn hệ thống trường ngoài công lập, tư thục thì như thế nào? Đây là vấn đề đang rất nóng bởi theo sự phân cấp thì UBND xã, phường, thị trấn quản lý, giám sát các lớp mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình, tuy nhiên sự quản lý còn lỏng lẻo, kiểm tra còn mang tính hình thức nên đã để xảy ra nhiều vụ rút ruột bữa cơm của trẻ. Nhiều quận, huyện cũng thừa nhận là chưa quản lý được bếp ăn bán trú ở khối tư thục, ngoài công lập. "Siết" bếp ăn bán trú công lập, nhưng còn một lượng rất lớn bếp ăn tư thục, dân lập đang cần những cuộc kiểm tra đột xuất để chấn chỉnh sai phạm, đảm bảo khẩu phần ăn đúng với số tiền đã thu cũng như đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh là việc phải làm ngay.


Thiết nghĩ, ngoài việc giáo dục thì việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh bán trú cũng là vô cùng cần thiết tại các trường học hiện nay. Việc cắt xén khẩu phần ăn của trẻ, hay vì lợi nhuận mà mua nguyên liệu rẻ, không nguồn gốc, không đảm bảo an toàn để chế biến cho học sinh đều là điều không thể chấp nhận được. Để thực hiện chiến lược quốc gia về chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh thì ngành Giáo dục và ngành Y tế cần phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, tiến tới thực hiện chuẩn hóa bếp ăn bán trú để đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe cho cả một thế hệ tương lai.


Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Quan điểm của Sở là các trường hoàn toàn có quyền thống nhất cùng Ban đại diện CMHS chọn lựa đơn vị cung cấp thực phẩm và suất ăn bán trú. Với các đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn phải có giấy phép, đảm bảo các thỏa thuận, cam kết theo quy định chung. Việc quận Hoàng Mai chọn ra 3 công ty để cung cấp thực phẩm phải làm sớm và có đại diện cha mẹ học sinh chọn lựa. Cũng như thế, các nhà trường đăng ký đơn vị cung cấp thực phẩm và các suất ăn bán trú phải thực hiện trong dịp hè. UBND thành phố đang yêu cầu quận Hoàng Mai báo cáo sự việc này.


Bà Vũ Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Chu Văn An, Tây Hồ, Hà Nội: Bếp ăn bán trú trong hệ thống trường mầm non đều theo tiêu chuẩn chăm sóc đặc biệt cho các cháu như đảm bảo kalo, dinh dưỡng theo quy định, bếp ăn trang thiết bị hiện đại. Trường mầm non Chu Văn An thu 20.000 đ/ngày ăn bán trú (gồm có 3 bữa) cho trẻ và năm học 2014-2015 nhà trường không tăng tiền ăn vì tôi thấy mức thu như thế là hợp lý. Nhà trường chưa bao giờ nhận được kiến nghị của phụ huynh về bữa ăn bán trú của trẻ. Vì trường mầm non có định biên của Nhà nước (tuyển dụng các cô nuôi dưỡng riêng, riêng nhà trường đã có 14 nhân viên bếp ăn) nên không thể thực hiện được việc ký hợp đồng với một đơn vị để họ cung cấp thực phẩm và nấu ăn cho học sinh được. Vì như thế không đảm bảo được việc kiểm soát VSATTP, xây dựng khẩu phần ăn chuẩn cho trẻ và các cô nuôi dưỡng sẽ làm gì?


Theo CAND Online

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Khi trường thành chợ - ​Kỳ 1: Mua bán trên sân trường (21/10)
 Việt Nam tham gia Đại hội thế giới về giáo dục mầm non (20/10)
 Mức chi kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục mầm non (17/10)
 Y tế học đường, tại sao không? (16/10)
 Tôn vinh các tập thể, cá nhân các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non (15/10)
 Biên Hòa (Đồng Nai): Nguy cơ “trắng” trường chuẩn Quốc gia bậc mầm non (14/10)
 Rà soát tổ chức hoạt động ngoại khóa cơ sở giáo dục mầm non (13/10)
 Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi còn xa vời (10/10)
 Giáo viên mầm non hợp đồng cũng được hưởng phụ cấp đứng lớp (8/10)
 Động lực cho giáo dục vùng khó vươn lên (7/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i