Sức khoẻ
   Viêm phổi cộng đồng: Bệnh nguy hiểm ở trẻ
 

Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng là một bệnh hô hấp thường gặp, có thể tiến triển nặng gây nhiều biến chứng; được xác định như một tình trạng nhiễm trùng cấp tính của nhu mô phổi có nguyên nhân do bị nhiễm trùng từ cộng đồng. Đó cũng là tiêu chuẩn để phân biệt với viêm phổi mắc phải từ bệnh viện...

Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng bao gồm các nhiễm khuẩn phổi xảy ra ngoài bệnh viện, biểu hiện bằng viêm phổi thùy, viêm phổi đốm hoặc viêm phổi không điển hình. Đặc điểm chung là có hội chứng đông đặc phổi và bóng mờ phế nang hoặc mô kẽ trên phim Xquang phổi.

Nguyên nhân nào dẫn đến viêm phổi ở trẻ?

Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi trẻ em thường do vi khuẩn như H.influenza, S.pneumonia...; do virut như virut hợp bào hô hấp (RSV), virut cúm A, B...; do ký sinh trùng hay nấm như Candida, Toxoplasma...; viêm phổi do phế cầu; viêm phổi do H. influenza; viêm phổi do tụ cầu.

Các vi khuẩn khác cũng là nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em trong đó phải kể đến M.pneumonia thường gây viêm phổi không điển hình ở trẻ trên 5 tuổi. Liên cầu B và Chlamydia spp. có thể gây viêm phổi ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra các vi khuẩn như K.pneumonia và một số vi khuẩn gram âm khác cũng có thể gây viêm phổi ở trẻ nhỏ và đặc biệt là trẻ sơ sinh.

Cách phát hiện

Nhiều nghiên cứu cho thấy thở nhanh là dấu hiệu sớm có giá trị trong chẩn đoán viêm phổi cộng đồng vì có độ nhạy và độ đặc hiệu cao so với các trường hợp viêm phổi được chẩn đoán, xác định bằng Xquang.

Khi mắc viêm phổi cần đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời.

Trẻ viêm phổi khi có dấu hiệu thở nhanh, nhịp thở nhanh tùy theo từng độ tuổi quy định như sau: Trẻ dưới 2 tháng tuổi, nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên; trẻ 2 - 12 tháng tuổi, nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên; trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi, nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên. Ngoài nhịp thở nhanh, trẻ có dấu hiệu ho và sốt, có ran ẩm nhỏ hạt khi nghe phổi. Nếu không được xử lý kịp thời trẻ sẽ bị viêm phổi nặng hơn có biểu hiện rút lõm lồng ngực, thở rên, tím tái, bú kém, co giật...

Vì sao lại phải dùng kháng sinh cho tất cả các trẻ viêm phổi?

Mọi người đều biết rằng viêm phổi do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó nhiều nhất là vi khuẩn, sau đó đến virus, ký sinh trùng, nấm và một số nguyên nhân hiếm gặp khác...

Về lý thuyết nếu viêm phổi do virus đơn thuần thì kháng sinh sẽ không có tác dụng gì cả. Tuy vậy cho đến nay rất khó có thể biết được chính xác trường hợp nào là do virus đơn thuần hay do vi khuẩn hoặc có sự kết hợp giữa virus với vi khuẩn kể cả việc dựa vào lâm sàng, Xquang và xét nghiệm khác.

Ngay cả khi cấy vi khuẩn âm tính cũng khó có thể loại trừ được trường hợp đó có phải là viêm phổi do vi khuẩn hay không phụ thuộc vào nhiều lý do chẳng hạn như bệnh nhân đã dùng kháng sinh trước đó hoặc bệnh phẩm lấy không đúng vị trí tổn thương. Vì vậy trên thế giới hiện nay kể cả các nước đã phát triển, nơi có tỷ lệ viêm phổi do vi khuẩn thấp hơn so với các nước đang phát triển thì họ cũng dùng kháng sinh trong các trường hợp viêm phổi ở trẻ em.

Sử dụng kháng sinh amoxicillin dạng thuốc uống được chọn ban đầu. Các thuốc thay thế là co-amoxiclav, cefaclor, erythromycin, azithromycin và clarithromycin. Ngoài ra, có thể thêm macrolid nếu không đáp ứng với điều trị ban đầu hoặc nghi viêm phổi do mycoplasma/chlamydia hoặc bệnh rất nặng. Việc sử dụng kháng sinh uống an toàn và hiệu quả ngay cả với một số trường hợp nặng. Cần sử dụng kháng sinh tiêm cho các trường hợp viêm phổi nặng có biến chứng hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng huyết hoặc không dung nạp (ví dụ nôn) hoặc có vấn đề giảm hấp thu thuốc qua đường uống.

Trẻ dưới 2 tháng tuổi: Khi mắc viêm phổi cần điều trị ngay tại cơ sở y tế bằng cách sử dụng benzyl penicillin hoặc ampicillin kết hợp với gentamicin (tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch) dùng 1 lần trong ngày. Một đợt dùng từ 5-10 ngày. Trường hợp bệnh nhi viêm phổi rất nặng dùng cefotaxime 100-150mg/kg/ngày tiêm tĩnh mạch chia 3 - 4 lần.

Trẻ mắc viêm phổi ở 2 tháng đến 5 tuổi: Trường hợp viêm phổi nhẹ nên điều trị ngoại trú có thể sử dụng cotrimoxazole hoặc amoxycillin. Theo dõi sau 2-3 ngày. Nếu đỡ thì tiếp tục điều trị cho đủ từ 5-7 ngày. Nếu không đỡ hoặc nặng thêm sẽ chuyển điều trị  như viêm phổi nặng.

Trường hợp viêm phổi nặng (co rút lồng ngực) sẽ được điều trị tại bệnh viện bằng benzyl penicillin hoặc ampicillin. Theo dõi sau 2-3 ngày, nếu đỡ thì tiếp tục điều trị cho đủ 5-10 ngày. Nếu bệnh nhân không đỡ hoặc nặng thêm cần điều trị như viêm phổi rất nặng.

Viêm phổi rất nặng (co rút lồng ngực, tím tái, li bì...), điều trị tại bệnh viện bằng sử dụng benzyl penicillin, phối hợp với gentamicin (tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch) hoặc chloramphenicol. Một đợt dùng 5-10 ngày. Theo dõi sau 2-3 ngày. Nếu đỡ thì tiếp tục điều trị cho đủ 7-10 ngày hoặc ampicillin kết hợp với gentamicin (tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch). Nếu bệnh nhân không đỡ đổi phác đồ điều trị khác hoặc đổi sang thuốc khác (cefuroxime).

Viêm phổi ở trẻ 2 tháng đến 5 tuổi nếu nghi ngờ viêm phổi do tụ cầu: Điều trị bằng oxacillin (tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch) kết hợp với gentamicin. Nếu không có oxacillin có thể thay bằng cephalothin (tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch) + gentamicin hoặc vancomycin.

Viêm phổi ở trẻ trên 5 tuổi: Điều trị bằng benzyl penicillin, cephalothin hoặc cefuroxime, hoặc ceftriaxone, amoxy/clavulanic hoặc ampicillin/sulbactam; (H. influenzae sinh beta-lactamase  cao).

Lời khuyên thầy thuốc

Sau khi điều trị nếu trẻ vẫn sốt và tình trạng chung không tốt lên sau 48 giờ điều trị cần phải khám, đánh giá lại và chụp Xquang ngực để phát hiện các biến chứng. Nếu tràn dịch và tràn khí màng phổi ở mức độ ít thì không cần điều trị ngoại khoa mà chỉ cần tiếp tục điều trị kháng sinh. Nếu tràn dịch nhiều và có suy hô hấp cần phải dẫn lưu màng phổi.

Viêm phổi ở trẻ em là một bệnh viêm đường hô hấp dưới nặng cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đồng thời, cần có các biện pháp phòng ngừa cơ bản không để bệnh xảy ra như thường xuyên giữ vệ sinh vùng mũi họng. Ngoài ra, có thể dùng các biện pháp phòng bệnh chung làm giảm nguy cơ mắc bệnh như tiêm phòng vaccin: H.influenzae type b (Hib), ho gà (Bordatella pertusis), phế cầu (S.pneumonia), cúm...

BS. Nguyễn Tiến

Nguồn https://suckhoedoisong.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Xử trí viêm mũi ở trẻ nhỏ khi trời lạnh (18/12)
 Chăm sóc bảo vệ trẻ khi trời rét (17/12)
 Kawasaki: Căn bệnh nguy hiểm với trẻ em (14/12)
 Các chỉ số sức khỏe bạn cần biết (11/12)
 Các biện pháp giúp giảm bớt nghẹt mũi ở trẻ nhỏ tại nhà (10/12)
 Dầu cá với sức khỏe bà mẹ và trẻ em (5/12)
 Mùa đông khô hanh, cảnh giác với chàm sữa tái phát (24/11)
 Bác sĩ cảnh báo: Trời lạnh hay mắc viêm họng và cách phòng (22/11)
 Mùa lạnh, đề phòng bệnh cúm cho trẻ em (15/11)
 Trời trở lạnh, trẻ dễ viêm đường hô hấp trên (9/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i