Cảm xúc mầm non
   Người mẹ của A kay trên miền biên giới
 

Bám buôn làng, gần gũi với bà con, vượt qua nhiều khó khăn để vận động người dân cho con trẻ (A kay) đến lớp; ham học hỏi, cầu tiến bộ, yêu con trẻ, có nhiều sáng kiến được vận dụng trong giảng dạy... là những phẩm chất của cô Nguyễn Thị Hoàn, giáo viên Trường Mầm non Sao Mai (Công ty 75, Binh đoàn 15).

Cô Hoàn được đồng bào địa phương gọi với cái tên rất thân mật: “Người mẹ của A kay”. Cô Nguyễn Thị Hoàn hiện là Nhà giáo Ưu tú duy nhất trên địa bàn huyện Đức Cơ (Gia Lai).

Năm 1996, sau khi tốt nghiệp lớp sơ cấp mầm non, Nguyễn Thị Hoàn về nhận công tác tại Trường Mầm non Sao Mai. Vùng đất biên giới chủ yếu là bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, các buôn làng cách xa nhau, đi lại khó khăn… Tận mắt nhìn thấy những người mẹ hằng ngày cõng con lên nương, lên rẫy, cô Hoàn có rất nhiều suy nghĩ, trăn trở. Và chính ánh mắt to tròn, ngơ ngác của những đứa trẻ lấm lem bùn đất, thơ thẩn quanh bếp, quanh nhà đã thôi thúc cô Hoàn tích cực vận động bà con, người lao động đưa con em đến lớp.

Chỉ sau một thời gian, các cháu đến trường ngày một nhiều hơn, lớp học được mở thêm khang trang, sạch đẹp, trang thiết bị dạy học và đồ chơi cho bé cũng được đơn vị quan tâm mua sắm nhiều hơn. Rồi tiếng bi bô tập nói, tập hát của các cháu, nụ cười mãn nguyện của phụ huynh vì thấy con mình sạch sẽ, gọn gàng mỗi lần đưa đón... chính là niềm vui, niềm hạnh phúc với nghề, giúp cô giáo trẻ cùng nhiều đồng nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn buổi ban đầu.

Giờ dạy múa, hát của cô giáo Nguyễn Thị Hoàn

Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Hoàn chia sẻ: "23 năm bám thôn làng vùng biên giới cũng là khoảng thời gian tôi đón nhận, chăm sóc, dạy bảo không biết bao nhiêu “A kay đến từ lưng mẹ”. Giáo viên công tác trên vùng biên giới thì chuyện vui buồn không thiếu, những kỷ niệm thì nhiều vô kể, mỗi phụ huynh, một cháu trẻ đến trường là cả một câu chuyện dài mà khởi đầu thường là nước mắt. Do đặc thù của đơn vị làm kinh tế nên con trẻ đến trường từ 3 đến 4 giờ sáng, lúc các cháu còn say sưa ngủ. Đường làng trơn trượt, mưa ướt dầm dề, đón các cháu đến trường là một việc khó, nhưng điều khó hơn là làm sao cho các cháu quen với môi trường mới, hòa nhập với bạn bè. Ngoài việc dạy dỗ, chúng tôi còn phải tắm rửa, chăm sóc, bón từng thìa cháo, muỗng cơm cho các cháu. Thời gian trôi qua, tình cảm cô trò càng gần gũi, thương yêu như mẹ hiền dành cho con".

Đến nay, học sinh của cô nhiều cháu đã trưởng thành. Có cháu đang vững tin trong các trường đại học, cao đẳng và cũng có nhiều cháu hiện là công nhân, người lao động của đơn vị. Các cháu ngày đêm bám thôn làng, bám vườn cây, thực sự là những mắt xích quan trọng, kết nối với bà con thôn làng, đem các chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào, thắt chặt tình đoàn kết quân dân, phát huy nội lực, cùng nhau chung sức xây dựng vùng biên giới bình yên, phát triển về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh.

Để lớp học có thêm một cháu, hai cháu, rồi ba cháu, con đường “vận động A kay đến trường” của cô giáo Hoàn ngày một dài ra. Mưa dầm dề không quản, nắng nóng, gió bụi không sờn lòng, ngày đêm cô giáo trẻ tranh thủ đến từng thôn làng để vận động người dân cho con em đến lớp. Với đồng bào DTTS, nói với họ chưa đủ, họ chưa nghe, chưa tin, cái quan trọng là họ biết cụ thể-mắt thấy, tai nghe. Thế là mỗi chiều đón bé, cô giáo mời bà con đi tham quan trường, lớp. Tận mắt thấy trường đẹp, lớp học khang trang, nơi ăn uống sạch sẽ, các cháu ngoan ngoãn, sạch đẹp, cô giáo gần gũi, tình cảm… bà con ưng cái bụng, truyền nhau đưa con em đến trường. Câu chuyện cổ tích vùng biên “cháu lên ba cháu đi mẫu giáo, xa lưng mẹ cõng, vắng bóng cây rừng” cũng bắt đầu và thành công từ đó.

Gặp chúng tôi sau buổi chiều muộn, chị Rơ Lan H’Leng (34 tuổi, dân tộc Giơ Rai) ở làng Ngo Rong, xã Ia Krêl (Đức Cơ) bộc bạch: "Thằng Phúc con trai mình giờ đã lên lớp 8 rồi. Cả mình và cháu không bao giờ quên những năm tháng theo học mầm non, dưới sự chăm sóc, dạy bảo của cô giáo Hoàn. Từ nhỏ, Phúc rất nghịch ngợm, cứ lên lớp một hai buổi lại tìm cớ “đau ốm” để ở nhà chơi. Cha mẹ nói không nghe, rất may cô giáo tìm đến nhà gặp bé, ngoài gần gũi, nói chuyện tình cảm, cô giáo còn thay quần áo, tắm giặt… Bằng những cử chỉ thân mật, tình cảm của mình, cô giáo Hoàn đã thuyết phục được Phúc đến lớp thường xuyên".

Năm 2002, với khát vọng cống hiến lâu dài trên vùng biên giới, gắn với cuộc sống, nụ cười của các em, quyết tâm không dừng lại ở cấp học ban đầu, cô Hoàn đã tham gia lớp học trung cấp mầm non, rồi vươn tiếp lên đại học sư phạm mầm non. Có được kiến thức đã học cùng với sự giúp đỡ của đồng nghiệp, cô Hoàn chuyên tâm nghiên cứu tìm ra nhiều phương pháp giảng dạy mới phù hợp với tâm lý lứa tuổi và sự phát triển về nhận thức, đồng thời khơi gợi sự sáng tạo, tìm tòi, khám phá của trẻ. Từ năm 2004 đến nay, ngoài 5 sáng kiến về phát huy tính sáng tạo cho trẻ 5-6 tuổi trong học tập, vui chơi, được xếp loại A cấp cơ sở, cô giáo Nguyễn Thị Hoàn liên tục đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi; đoạt giải nhất Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện (5 lần), giải nhì cấp binh đoàn và giải ba giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và giáo viên dạy giỏi cấp Quân khu 5. Năm 2014, cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là “Giáo viên dạy giỏi tiêu biểu” cấp học mầm non toàn quốc. Cô Hoàn được Tổng cục Chính trị tặng 12 bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, năm 2017, cô vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. 

Nói về cô giáo Nguyễn Thị Hoàn, Đại tá Trịnh Hà Tâm, Giám đốc Công ty 75 khẳng định: “Cô Hoàn không chỉ tận tụy với nghề, yêu con trẻ, dạy giỏi, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng vào dạy học mà còn là tấm gương sáng trong thực hiện các phong trào thi đua, nhất là Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Thành tích đạt được của cô góp phần cùng công ty hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ giáo dục, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là con em đồng bào các DTTS trên địa bàn vùng biên giới”.

Nguồn https://www.qdnd.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Cô giáo mầm non mê sáng kiến (17/9)
 Mơ ước của 2 cô giáo mầm non ở điểm trường Huổi Lụ 1 (16/9)
 Lớp học của hai cô giáo và 34 học sinh giữa đỉnh trời (13/9)
 Chuyện thầy giáo Lý A Phông (6/9)
 Cô giáo ‘siêu nhân’ ở Nộc Cốc (4/9)
 Thấy vui khi con trẻ đến trường (19/8)
 Cô giáo mầm non vừa điều trị ung thư vừa chăm sóc trẻ thơ (3/8)
 Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ (31/7)
 Niềm vui nơi biên giới (10/6)
 Chuyện về thầy giáo mầm non "cõng chữ" lên cao nguyên đá (23/5)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i