Cảm xúc mầm non
   Gập ghềnh đường đến với nghề giáo của cô gái người Mông
 

Chuyến công tác ở vùng cao, biên giới xứ Thanh hồi cuối tháng 8 vừa qua, tôi tình cờ gặp cô giáo Lầu Y Xài (29 tuổi).

 

Cô giáo Lầu Y Xài chăm sóc các bé.

Cô Lầu Y Xài là giáo viên Trường Mầm non Nhi Sơn (Mường Lát, Thanh Hóa)Nghe cô Xài kể về con đường đến với nghề giáo, tôi cảm phục về ý chí, nghị lực của nữ giáo viên người Mông này.

Chông gai đường đến trường

Cô giáo Lầu Y Xài (29 tuổi) sinh ra, lớn lên ở bản Phà Xắc, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, (Nghệ An), trong một gia đình người Mông có 4 anh, chị em.

Gia đình nghèo, nên những năm học phổ thông, cô bé Y Xài phải cõng gạo đi học cách nhà cả chục cây số. Không ít lần Y Xài mệt quá, ngồi ngủ giữa đường, rồi đợi người đi qua cõng giúp gạo. Nhiều lần gặp trời mưa, đường trơn trượt, bị ngã, ướt hết đồ, gạo đổ ra đường nên phải quay về nhà...

Khi học phổ thông, cuộc sống ngày càng khó khăn nên bố muốn cô nghỉ học để làm rẫy phụ giúp mẹ. Sau khi học xong lớp 12, bố không cho Y Xài đi thi đại học, mà bắt ở nhà làm rẫy, lấy chồng...

 

Cô giáo Lầu Y Xài dạy học sinh tập múa hát tại trường.

Nhớ lại quãng thời gian ấy, cô Y Xài không cầm nổi nước mắt, kể: “Ngày ấy, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên bố bảo: Con nghỉ ở nhà làm rẫy 1 năm. Nếu năm sau con thi đỗ đại học, bố không cấm nữa, thích học ở đâu cũng được. Buộc lòng, tôi phải chấp nhận yêu cầu của bố. Nhưng trong lòng vẫn nung nấu ý định sẽ phải đi học, để thoát khỏi cảnh nghèo khó, có điều kiện giúp đỡ cha mẹ và tương lai của mình. Tôi luôn ước mơ được làm cô giáo, dạy chữ cho các em nhỏ”.

Từ câu nói của bố, Y Xài tự nhủ lòng, phải lấy đó làm động lực mà ôn tập, để năm sau thi vào đại học. “Hàng ngày, đi rẫy cùng mẹ, tôi mang theo sách để tự ôn thi những lúc rảnh rỗi. Buổi tối về nhà, sau khi lo cơm nước cho gia đình, tôi lại thắp đèn dầu để ôn bài. Lúc bấy giờ, quê tôi nghèo lắm, gia đình nghèo đến mức không đủ sách để học. Các loại tài liệu để ôn thi đại học lại càng hiếm. Vì thế, tôi phải đi mượn của bạn bè, nhưng cũng không đủ”, cô Xài tâm sự.

Sau một năm tự mày mò ôn tập, nữ sinh Lầu Y Xài đã xin bố, mẹ đi thi. Từ huyện Kỳ Sơn xa xôi, một mình Lầu Y Xài đã về thành phố Vinh (Nghệ An) làm hồ sơ đăng ký thi tuyển vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. May mắn đã mỉm cười với Y Xài, khi cô đỗ vào Khoa Giáo dục Mầm non. Khi biết kết quả, Y Xài xin bố, mẹ cho đi học để cô tiếp tục thực hiện ước mơ của mình.

 

Cô Y Xài và học trò của mình ở Trường Mầm non Nhi Sơn (Mường Lát, Thanh Hóa).

Vượt khó trở thành cô giáo mầm non

Ngồi tâm sự với chúng tôi, cô giáo Lầu Y Xài bảo rằng, có lẽ, khoảng thời gian học tập ở Trường Cao đẳng Sư phạm Vinh, là khó khăn, vất vả hơn cả lúc ở nhà với bố mẹ.

“Đã nhiều lần tôi không đủ tiền để trả cho chủ nhà trọ. Tôi cũng không có quạt cá nhân để dùng trong những đêm trời oi bức. Không có máy tính, thiếu thốn các loại tài liệu để học như các bạn cùng trường. Tiền sinh hoạt hàng tháng luôn thiếu thốn. Không biết bao nhiêu ngày tôi chỉ ăn cơm trắng với nước mắm và 1 quả trứng luộc. Nhiều hôm, tôi đành phải đi hái rau muống bên sông về luộc ăn cho qua bữa, vì chẳng còn cái gì để ăn”, cô Y Xài ngậm ngùi nhớ lại.

Cũng do quá khó khăn, không có đủ tiền sinh hoạt hàng tháng, không có xe đạp, nên nữ sinh Lầu Y Xài cũng chẳng dám đi chơi với các bạn cùng lớp. Mỗi năm, Y Xài chỉ dám về thăm nhà 2 lần vào hè và ngày Tết.

“Trong những năm học tập ở thành phố Vinh, tôi luôn được thầy cô, các bạn trong lớp quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ nên có thêm nghị lực để vượt khó. Mặc dù lúc ấy, tiếng phổ thông của một nữ sinh nghèo miền núi vẫn chưa thành thạo.

May mắn khi học tập trường, tôi gặp được bạn trai cũng là người Mông, ở xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Rồi chúng tôi nảy nở tình cảm với nhau. Tôi được bạn trai động viên hãy cố gắng cùng nhau vượt qua khó khăn, để sau này cùng nhau xây dựng cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp, năm 2015, được sự chấp thuận của hai bên, tôi xây dựng gia đình, rồi theo chồng về sinh sống ở xã Nhi Sơn (Mường Lát). Giờ đây, chồng tôi công tác ở Công an huyện Mường Lát. Chúng tôi cũng đã có một con gái lên 4 tuổi”, cô giáo Xài chia sẻ.

Thế nhưng, khi theo chồng về làm dâu ở huyện Mường Lát, cô Lầu Y Xài lại gặp khó khăn khác. Đó là, giọng nói của người Mông, giọng nói tiếng Kinh đều phát âm khác nhiều so với ở Kỳ Sơn (Nghệ An). Vậy nên, cô Xài phải bắt đầu tập nói, phát âm lại trong khoảng thời gian dài, mới hoà nhập với người dân nơi đây.

Tháng 10/2015, cô Xài được UBND huyện Mường Lát ký hợp đồng về giảng dạy tại Trường Mầm non Nhi Sơn. Đến tháng 3/2021, cô tham gia thi tuyển viên chức và được tuyển dụng vào ngành Giáo dục, phân công dạy ở trường cũ .

“Là người ở địa phương khác, lại phát âm tiếng Nghệ An, nên khi được phân công về dạy ở trường, tôi gặp rất nhiều khó khăn, vì nhiều lúc HS không hiểu cô nói gì. Tuy nhiên, bản thân luôn được nhà trường quan tâm, hướng dẫn tận tình. Các đồng nghiệp giúp đỡ rất nhiều nên tôi đã hòa nhập được”, cô Xài bộc bạch.

Nhận xét về giáo viên Lầu Y Xài, cô Tống Thị Ninh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhi Sơn (Mường Lát) cho biết: Cô Xài yêu nghề, mến trẻ, tâm huyết và có ý thức cầu tiến. Tính cách chân thật, hòa đồng luôn được học sinh, đồng nghiệp và phụ huynh học sinh cũng như người dân địa phương yêu mến, tin tưởng.

“Thời gian qua, cô Lầu Y Xài cũng đã có sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại cấp huyện; được công nhận là GV dạy giỏi cấp trường. Năm học 2021 – 2022, cô được Chủ tịch UBND huyện Mường Lát tặng Giấy khen. Chi bộ nhà trường cũng dự kiến để cô ấy tham gia lớp cảm tình Đảng”, cô Ninh thông tin.

Thế Lượng

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/gap-ghenh-duong-den-voi-nghe-giao-cua-co-gai-nguoi-mong-post606861.html

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Thầy giáo mầm non luôn ‘say nghề, mến trẻ’ (4/8)
 'Thầy nuôi dạy trẻ' tìm tòi phương pháp giáo dục mầm non mới (1/8)
 Người thương binh nặng lòng với trẻ em (26/7)
 Những cô hiệu trưởng góp sức đổi thay diện mạo giáo dục mầm non vùng khó (20/7)
 Tôi tự hào là cô giáo mầm non! (19/7)
 Cô giáo trẻ 'gieo mầm xanh trên đá' (8/7)
 Cô giáo trẻ hy sinh cả tuổi xuân để mang con chữ đến học trò vùng cao (21/6)
 Giáo viên miệt vườn mang tấm lòng "Từ Tâm" (17/6)
 Người đi “khai hoang, mở lối” cho giáo dục mầm non (17/5)
 Thầy giáo vùng cao 7 năm đi “xin” quần áo, sách vở cho học trò nghèo (14/5)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: [email protected]
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i