Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phần năm : Hướng dẫn đánh giá


PHẦN NĂM
HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ

Đánh giá là hoạt động thu thập thông tin, phân tích và so sánh với mục tiêu chương trình nhằm định hướng, điều chỉnh chương trình Chăm sóc – Giáo dục trẻ. Hoạt động đánh giá có thể do giáo viên tiến hành để tổ chức và điều chỉnh hoạt động chăm sóc – giáo dục cho phù hợp với trẻ. Hoạt động đánh giá có thể do các cấp quản lý giáo dục (Bộ, Sở, Các phòng giáo dục – đào tạo và Ban giám hiệu nhà trường) tiến hành để giám sát, thanh tra việc thực hiện chương trình Chăm sóc – giáo dục trẻ ở các nhà trẻ. Vì vậy, căn cứ vào đối tượng tham gia đánh giá (giáo viên hay cán bộ quản lý giáo dục), việc đánh giá ở nhà trẻ có thể chia ra làm hai giai đoạn:

- Đánh giá trẻ trong quá trình chăm sóc - giáo dục.
- Đánh giá việc thực hiện chương trình Chăm sóc – Giáo dục trẻ.


A – ĐÁNH GIÁ TRẺ TRONG QUÁ TRÌNH CHĂM SÓC – GIÁO DỤC
I – MỤC ĐÍCH
Hoạt động đánh giá ở nhà trẻ di giáo viên tiến hành nhằm mục đích:
- Xác định nhu cầu, hứng thú và khả năng của từng trẻ để giáo viên có thể lựa chọn những tác động chăm sóc – giáo dục thích hợp.
- Tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu trong quá trình chăm sóc – giáo dục của mình để từ đó điểu chỉnh việc tổ chức, việc chăm sóc – giáo dục sao cho phù hợp với trẻ. Đồng thời xem xét để cải thiện tốt hơn những yếu tố có tác động đến sự phát triển của trẻ (Ví dụ: môi trường giáo dục…)
II – NỘI DUNG
Giáo viên đánh giá trẻ trong quá trình chăm sóc – giáo dục có thể chia thành hai loại:


1. Đánh giá trong các hoạt động hàng ngày
Giáo viên tiến hành đánh giá trẻ hang ngày trong quá trình chăm sóc – giáo dục. Những hoạt động trong ngày của trẻ nhà trẻ bao gồm: hoạt động giao lưu cảm xúc, hoạt động với đồ vật, hoạt động chơi, hoạt động chơi – tập, hoạt động chăm sóc vệ sinh.
Khi đánh giá trẻ, giáo viên đối chiếu kết quả trẻ đạt được với mục đích, yêu cầu đặt ra, lưu ý những vấn đề trẻ chưa đạt được để điều chỉnh khi lập kế hoạch cho những hoạt động tiếp theo.
a) Các nội dung cần đánh giá
- Những biểu hiện về tình trạng sức khỏe của trẻ (khi mới đến lớp và trong ngày).
- Cảm xúc, hành vi và thái độ của trẻ trong các hoạt động.
- Những kiến thức và kỹ năng của trẻ
Dựa trên kết quả đánh giá, giáo viên xác định:
- Mức độ đạt được của trẻ so với mục đích, yêu cầu đặt ra.
- Những vấn đề cần lưu ý trong việc tổ chức hoạt động giáo dục tiếp theo.
- Mỗi nhóm, lớp nên có một quyển nhật ký nhóm, lớp ghi lại những điều đặc biệt hay cần quan tâm (hoặc có thể ghi vào ngay sau phần soạn/ kế hoạch hang ngày) và hồ sơ cá nhân của trẻ (nếu trẻ đã làm được những sản phẩm riêng).
b) Nhật ký nhóm/ lớp
Nhật ký nhóm/ lớp là một ký liệu quan trọng giúp:
- Giáo viên ghi nhớ những vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong việc chăm sóc – giáo dục trẻ, từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động cho các hoạt động tiếp theo phù hợp với trẻ. Đồng thời, đây cũng là một tài liệu theo dõi thường xuyên về sự phát triển của các trẻ trong nhóm/ lớp.
- Các cán bộ quản lý trường có thể theo dõi, đánh giá việc chăm sóc – giáo dục trẻ trong các nhóm/ lớp, để có những tư vấn hoặc hỗ trợ cần thiết cho giáo viên.
- Phụ huynh nếu được xem xét nhật ký sẽ hiểu thêm về sự phát triển của con em mình và tin tưởng vào sự chăm sóc, theo dõi thường xuyên của giáo viên vớicon em họ.
Trong nhật ký nhóm/ lớp hàng ngày, giáo viên nên ghi lại những vấn đề sau:
+ Sĩ số lớp, lý do các cháu nghỉ.
+ Tình hình tổ chức chăm sóc – giáo dục trẻ, những lưu ý và thay đổi tiếp theo. Ví dụ: những vấn đề cô đã dạy cho nhóm, lớp trong ngày, những trẻ nào tỏ ra nắm tốt hay chưa nắm được vấn đề đó. Cần thay đổi gì về nội dung, phương pháp để giúp trẻ nắm tốt vấn đề hơn.
+ Tình hình trẻ trong ngày (những sự kiện đặc biệt, phân tích, kế hoạch, biện pháp giáo dục tiếp theo).
Tuy nhiên hiện nay, do điều kiện nhóm/ lớp còn rất đông trẻ và điều kiện nhiều nơi còn khó khăn, nên tùy theo yêu cầu của mỗi địa phương mà các nhóm/ lớp có thể có hình thức ghi chép phù hợp sao cho vẫn đảm bảo yêu cầu về đánh giá trẻ.
c) Hồ sơ cá nhân trẻ
- Hồ sơ cá nhân trẻ là một dạng tư liệu để đánh giá về sự tiến bộ của trẻ một cách có căn cứ.
- Hồ sơ cá nhân trẻ bao gồm các sản phẩm viết, vẽ, xé, dán… cũng như các tài liệu tương tự khác do trẻ tự làm (có thể cả những nhận xét, đánh giá của giáo viên về sản phẩm đó) thể hiện sự tiến bộ của trẻ trong suốt một năm học. Hồ sơ cá nhân của từng trẻ được giáo viên thu thập từ đầu cho đến cuối năm học.
- Mỗi hồ sơ cá nhân có thể được đựng trong một túi riêng (làm bằng bìa hay nilon…) hoặc có thể được kẹp thành từng kẹp riêng để trong một hộp hay cặp tài liệu nhiều ngăn. Hồ sơ cá nhân nên được xếp thành từng loại (loại bài viết, loại bài vẽ, loại bài xé, dán, nếu có điều kiện có thể lưu cả ảnh chụp những hoạt động hoặc sản phẩm của trẻ…) và mỗi loại cũng nên được sắp xếp theo trình tự thời gian để dễ thấy sự tiến bộ của trẻ. Tất cả hồ sơ cá nhân của trẻ trong nhóm, lớp nên để cùng một chỗ và được sắp xếp sao cho dễ quản lý và sử dụng.
- Thỉnh thoảng, giáo viên có thể xem lại những hồ sơ đó để thảo luận với đồng nghiệp hoặc phụ huynh về những khó khăn mà trẻ gặp phải, những ý tưởng, những kế hoạch sẽ làm tiếp theo. Giáo viên có thể đưa cho phụ huynh xem hồ sơ của trẻ để gia đình cùng phối hợp với giáo viên trong việc giáo dục trẻ.


2. Đánh giá theo giai đoạn
- Giáo viên sử dụng các chỉ số đánh giá về sự phát triển của trẻ sau mỗi giai đoạn (6, 12, 24, 36 tháng tuổi) để đánh giá từng trẻ.
- Đối với trẻ nhà trẻ, việc đánh giá trẻ không diễn ra cùng một lúc vào cuối học kỳ hay cuối năm học, mà giáo viên tiến hành đánh giá thường xuyên hàng tháng bằng cách: mỗi tháng giáo viên lập danh sách các trẻ tròn 6, 12, 24, 36 tháng tuổi, rồi dùng các chỉ số đánh giá tương ứng với tháng tuổi của trẻ (xem ở phần IV) để đánh giá xem trẻ nào đã đạt hay chưa đạt được các chỉ số đó. Sau đó giáo viên ghi vào “Bảng kết quả đánh giá trẻ hàng tháng” để theo dõi hay thông báo cho phụ huynh biết. Trong “Bảng kết quả đánh giá trẻ” (đối với trẻ kết thúc một giai đoạn phát triển) với những trẻ chưa đạt ở một số chỉ số thuộc lĩnh vực nào đó (nhận thức, ngôn ngữ…), giáo viên cần đưa ra những biện pháp chăm sóc – giáo dục cụ thể, thích hợp để kích thích sự phát triển của trẻ về lĩnh vực này, đồng thời giáo viên cũng nên trao đổi với phụ huynh các biên pháp cần thiết đẻ phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc chăm sóc – giáo dục trẻ.