Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phần ba : Hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục


PHẦN BA
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NỘI DUNG GIÁO DỤ
C

Chương I
PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT

NỘI DUNG 1 : GIÁO DỤC DINH DƯỠNG – SỨC KHỎE

I – HƯỚNG DẪN CHUNG
1. Nội dung
a) Nhận biết, làm quen với các nhóm thực phẩm và dạng chế biến
 Làm quen với một số thực phẩm thông thường, sẵn có ở địa phương
- Gọi tên, nhận biết thực phấm sẵn có tại địa phương.
- Nhận biết và phân biệt thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực phẩm có nguồn gốc thực vật :
+ Thực phẩm có nguồn gốc động vật : Thịt, cá, trứng gia cầm, sữa và các chế phẩm tôm, cua, trai, ốc, hến, mỡ ăn…
+ Thực phẩm có nguồn gốc thực vật : gạo, mía, đậu đỗ, lạc, vừng, dầu ăn, rau, củ, quả các loại…
- Các thực phẩm khác nhau về màu sắc, kích thước, hình dạng, mùi vị, tính chất.
 Các dạng chế biến của thực phẩm : xào, nấu, rán, luộc, kho, muối dưa…và cách ăn : ăn sống, ăn chín, muối dưa, đóng hộp.
b) Lợi ích của ăn uống đối với sức khỏe, con người cần ăn uống đầy đủ, hợp lí, sạch sẽ, có thái độ tích cực trong ăn uống
 Lợi ích của thực phẩm đối với sức khỏe con người
- Thực phẩm cung cấp nhiều chất bổ, giúp cơ thể khỏe mạnh. Mỗi loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng riêng, vì vậy cần ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau.
- Cần ăn, uống đầy đủ, hợp lí và sạch sẽ để cơ thể sẽ : mau lớn, ít ốm đau, da dẻ hồng hào, mắt sáng, nhanh nhẹn và để “lớn lên”, làm việc, vui chơi và học tập. Không nên ăn quá nhiều để luôn khỏe mạnh.
 Dạy trẻ biết cách chọn thức ăn sạch sẽ và bảo quản thực phẩm một cách đơn giản : không nên ăn rau quả, dập nát, thức ăn ôi thiu. Thức ăn không ăn hết phải được cất đậy cẩn thận, không để ruồi đậu, kiến bâu…
 Các bữa ăn hàng ngày
- Dạy trẻ biết các bữa ăn trong ngày, thức ăn trong các bữa ăn đó là gì, các bữa ăn trong ngày khác nhau thế nào (số lượng, dạng chế biến…). Kể tên thức ăn ngày lễ, tết.
Ví dụ 1 : Hằng ngày, trẻ ăn 3 – 5 bữa, ở trường trẻ ăn 1 bữa chính và bữa phụ, bữa chính ăn 2 bát, bữa phụ ăn 1 bát.
Ví dụ 2 : Thức ăn đặc trưng trong ngày sinh nhật là bánh sinh nhật (gatô), ngày tết là bánh chưng, trung thu là bưởi, mam ngũ quả…
- Dạy trẻ biết mỗi bữa cần ăn đủ các loại thức ăn khác nhau, cần ăn hết suất.
- Dạy trẻ biết ăn uống sạch sẽ (thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm) : ăn thức ăn đã nấu chín, uống nước đã được đun sôi, ăn chậm, nhai kĩ, không làm rơi vãi thức ăn…
- Tập cho trẻ có thái độ vui lòng chấp nhận, thử các thức ăn mới và ăn các loại thức ăn khác nhau, có hứng thú trong ăn uống, hình thành ở trẻ sở thích, thói quen ăn uống tốt. Không kén chọn thức ăn.