Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cơ sở mầm non ngoài công lập: Còn lắm khó khăn


Bên cạnh các trường mầm non (MN) công lập do Nhà nước quản lý, các cơ sở MN ngoài công lập đã đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của người dân tại các địa bàn đông dân cư, đồng thời góp phần tích cực vào phong trào xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên hiện nay trong tình hình chung các cơ sở ngoài công lập đang đứng trước những khó khăn cần có sự quan tâm của xã hội.

Trường MN tư thục Văn Thánh Bắc nằm ở đường D2 phường 25 quận Bình Thạnh chỉ có một dãy lầu với tổng diện tích 1.200m2. Nếu so với một trường MN công lập bất kỳ nào thì diện tích như vậy là quá hẹp. Không chỉ có Trường Văn Thánh Bắc, các cơ sở MN ngoài công lập hiện nay tại Bình Thạnh và 23 quận huyện còn lại của TP.HCM đều có mặt bằng khiêm tốn.

 

Trẻ vui chơi tại cơ sở mầm non ngoài công lập

Lý do cũng rất đơn giản. Vì không được Nhà nước cấp đất nên các chủ cơ sở phải tìm chỗ thuê mướn để mở trường. Những nơi có mặt bằng rộng thì khó tìm và điều quan trọng là tiền thuê mướn cao. Trong hoàn cảnh chật chội như vậy nếu cơ sở nào thu nhận trẻ nhiều thì rõ ràng ảnh hưởng đến sĩ số lớp học và chất lượng giảng dạy. Một số trường tư thục ở ngay trung tâm nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh rất lớn nhưng trường không thể thu nhận vì quỹ đất đã hết, không thể cơi nới hoặc xây thêm phòng thêm lớp được. Đây chính là khó khăn đã cản trở các dự án quy hoạch trường lớp của nhiều cơ sở MN ngoài công lập. Bởi thế nhiều lớp MN tư thục và nhóm trẻ gia đình đã vi phạm quy định của ngành về chất lượng nuôi dạy trẻ. Qua thực tế cho thấy nhiều cơ sở lớp học rất chật chội và tối tăm. Một phòng học chỉ khoảng 20m2 nhưng sĩ số lớp luôn từ 20-30 cháu. Diện tích nhỏ hẹp nên chỗ vui chơi, mảng xanh, ánh sáng và độ thông thoáng của các cơ sở đều không đạt yêu cầu.

Nhưng khó khăn đáng quan tâm nhất của các cơ sở MN ngoài công lập hiện nay là đội ngũ giáo viên. Do tính chất công việc nên giáo viên tại các trường MN tư thục hiện thiếu trầm trọng và rất khó tuyển dụng. Những người có bằng cấp và nghiệp vụ sư phạm ít khi chấp nhận mức lương tháng khoảng 1 triệu để gắn bó với các trường MN ngoài công lập. Bà Lê Thị Điệp - Phó trưởng phòng GD quận 4 cho biết: “Chỉ có một số giáo viên có bằng cấp từ dưới tỉnh lên, có hoàn cảnh riêng nên họ toàn tâm toàn ý với công việc nhưng số giáo viên này cũng không nhiều”. Ngoài ra những giáo viên không đủ điều kiện tuyển công chức nhà nước và không muốn bỏ nghề đã tìm đến các cơ sở MN ngoài công lập để đi dạy. Một nguồn nhân lực khác mà các trường thường làm là lấy anh em trong gia đình với cách tuyển dụng rất đơn giản. Ban đầu nhận họ vào làm việc sau đó cho đi học vài khóa ngắn ngày về nghiệp vụ nuôi dạy trẻ. Do số lượng trẻ ít, nguồn học phí hạn chế nên các chủ trường tính toán rất chặt chẽ trong việc chi trả lương và các chế độ khác cho giáo viên. Ngoài tiền lương hàng tháng, giáo viên không có một khoản thu nhập nào khác như phụ cấp, tiền thưởng các đợt nghỉ lễ, tiền bồi dưỡng làm thêm giờ và cả chế độ bảo hiểm. Sau vụ bé Bảo Trân ở Lớp MN Thiên Thơ quận Phú Nhuận bị cô giáo dán băng keo vào miệng, phòng giáo dục các quận huyện đã có đợt tổng kiểm tra và đã phát hiện nhiều cơ sở không có hợp đồng lao động theo quy định hoặc nếu có ký hợp đồng thì cũng không có chế độ bảo hiểm lao động cho giáo viên. Đây chính là sai phạm của chủ cơ sở trường và là thiệt thòi lớn nhất về mặt quyền lợi vật chất lẫn tinh thần của những giáo viên MN trong trường tư thục.

Gần đây khi ngành thuế đưa ra chủ trương thu thuế các trường ngoài công lập thì các cơ sở MN dân lập tư thục lại đứng trước một khó khăn mới. Ông Nguyễn Danh Dự - chủ Trường MN tư thục Thanh Thảo quận Thủ Đức bức xúc: “Chúng tôi mở trường phải tự lo tất cả từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên, làm lợi cho xã hội biết bao nhiêu thế mà nay phải chịu thêm một khoản thuế nữa thì thật vô lý”. Ông Dự cho biết, hiện nay nhiều trường tư thục đang phải vay tiền của ngân hàng để hoạt động và có trường đứng trước nguy cơ mất khả năng chi trả do thu không đủ chi. Ngoài khoản tiền lương cho giáo viên, bảo mẫu, nhân viên... hàng tháng các trường phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn để sửa chữa, mua sắm thêm trang thiết bị, đồ dùng dạy học nên rất tốn kém. Cũng theo bà Điệp, đội ngũ giáo viên tại các cơ sở MN ngoài công lập thường không ổn định. Qua thăm dò và giới thiệu của người khác, họ đi tìm những nơi trường lớp khang trang hơn, đồng lương dễ thở hơn để ký hợp đồng mới. Chính vì thế hầu hết tại các nhóm trẻ gia đình, các trường MN tư thục đội ngũ giáo viên khó ổn định, thường biến động từng năm và cả từng học kỳ. Ông Dự phân trần: “Để có người gắn bó với trường, tôi đã về quê tuyển con cháu mình vào làm việc, ai chưa có trình độ thì cho đi học các khóa đào tạo ngắn ngày. Thế nhưng sau một thời gian họ lại bỏ mình đi đến một chỗ khác mà họ cho rằng tốt hơn chỗ cũ”. Đây là một khó khăn lớn của những người quản lý các lớp học MN ngoài công lập hiện nay và cả sau này.

( Theo Báo Giáo Dục )