Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo viên mầm non dân nuôi : Cần được đãi ngộ thỏa đáng


Huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) là địa bàn có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Tày, Dao, Mông, Cao Lan... Để các em nhỏ bước đầu làm quen với tiếng Việt và nói được tiếng Việt trước khi vào học tiểu học thì vai trò của giáo dục mầm non là rất quan trọng. Thế nhưng, giáo dục mầm non hiện nay ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện này đang gặp rất nhiều khó khăn bởi tình trạng cô giáo mầm non dân nuôi bỏ dạy đến mức đáng báo động.

Chờ vào biên chế: Xa vời quá!
Xã Thượng Lâm nằm cách trung tâm thị trấn Na Hang khoảng 30km đường núi. Đây là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào dân tộc Tày, Dao. Gặp chúng tôi khi vừa mới đi vận động các cô giáo trở lại lớp, cô Chẩu Thị Ngay, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Thượng Lâm kể: “Chúng tôi thường xuyên phải tổ chức đi vận động như thế này. Trước đây mỗi lần vận động đều phải vin cớ là các cô giáo mầm non dân nuôi cũng sẽ được vào biên chế, hưởng lương như các cô giáo mầm non chính quy khác. Nhưng xem ra cơ hội vào biên chế xa vời lắm, các cô đều nản cả rồi. Có cô dạy trẻ 8 năm nay mà vẫn chưa được vào biên chế...”.

Một lớp học ở xã Thượng Lâm (Na Hang, Tuyên Quang). Ảnh internet

Những huyện vùng sâu, vùng xa như Na Hang thì các cô giáo mầm non dân nuôi chỉ được hưởng mức trợ cấp tăng theo số năm công tác từ 40.000 đến 50.000 đồng. Mỗi tháng thu nhập cao nhất cũng chỉ được 450.000 đồng (bao gồm cả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế). Trong đó có cả tiền phụ huynh đóng góp cho mỗi cháu là 10.000 đồng. Đối với thôn bản nghèo như Nà Ta, Đà Vị... mức đóng góp tự nguyện là 5000 đến 6000 đồng/cháu, thậm chí có nhà không muốn đóng góp và sẵn sàng cho các cháu bỏ học với lý do: không có tiền, nhà xa, đi lại khó khăn... Nhưng, các cô đều phải đảm nhiệm số giờ đứng lớp và số trẻ trong một lớp như các cô giáo trong biên chế (giáo viên mầm non trong biên chế được hưởng mức lương theo quy định cộng với 140% lương). Gọi là mầm non dân nuôi nhưng thực tế, thu nhập của các cô có được chủ yếu từ trợ cấp của Nhà nước và phải thường xuyên đến nhà vận động các phụ huynh cho các em đến trường.

Với tình hình giá cả đang leo thang chóng mặt như hiện nay, mức trợ cấp và đóng góp từ quỹ “dân nuôi” không đủ để các cô trang trải cho cuộc sống. Có lẽ vì thế mà khoảng 20 cô giáo mầm non dân nuôi ở xã Thượng Lâm đã nộp đơn kiến nghị lên phòng giáo dục huyện yêu cầu tăng lương hoặc đưa vào biên chế trước khi làm đơn nghỉ dạy. Trao đổi với chúng tôi, cô Chẩu Thị Dư - 8 năm dạy trẻ ở trường mầm non dân nuôi chia sẻ: “Với mức lương hiện tại thực sự không bảo đảm cho cuộc sống gia đình tôi. Tôi cùng các đồng nghiệp xin nghỉ tạm thời để lo cuộc sống gia đình”. Cũng như cô Dư, rất nhiều cô giáo mầm non khác cũng trông mong cấp trên có những kế hoạch cụ thể giúp các cô bảo đảm mức sống tối thiểu.

Hiện nay toàn xã Thượng Lâm có 198 trẻ dưới 5 tuổi với 23 cô giáo. Trong đó 7 cô giáo đã được vào biên chế kể cả cô hiệu trưởng và 2 cô hiệu phó không đứng lớp, 3 cô giáo đã chuyển về Hà Giang để được ký hợp đồng với mức lương là 2.600.000 đồng/tháng. Còn lại là các cô giáo chưa được vào biên chế. Nếu các cô giáo này đồng loạt bỏ dạy thì nguy cơ thiếu giáo viên trầm trọng sẽ xảy ra với xã Thượng Lâm. Sắp tới, 50 trẻ dưới 5 tuổi trong xã sẽ phải đưa vào một lớp do cô hiệu phó dạy để khắc phục tình trạng các cô đã bỏ dạy, còn lại hơn 100 trẻ có thể bị lâm vào cảnh không được học mầm non...

Cơ hội nào cho cô giáo mầm non dân nuôi?
Không chỉ các cô giáo ở xã Thượng Lâm muốn bỏ dạy mà nhiều cô giáo mầm non dân nuôi ở xã Khuôn Hà cũng đã chính thức nộp đơn ngừng dạy và nhiều xã khác thì đang “rục rịch” hành động. Theo bà Phạm Bích Luận-Trưởng phòng giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang) thì hiện nay toàn tỉnh có hơn 2000 cô giáo mầm non dân nuôi. Đây là lực lượng chính trong công tác giáo dục mầm non của tỉnh. Nhưng vừa qua đã có 50 cô giáo bỏ dạy. Với tình trạng này thì xem ra để đạt được chỉ tiêu 67% trẻ em từ 3 đến 5 tuổi đi học mẫu giáo, 95% trẻ 5 tuổi đến trường vào trước năm 2010 là quá xa đối với tỉnh Tuyên Quang.

Thực tế cho thấy, với mức trợ cấp eo hẹp và mức đóng góp từ “quỹ dân nuôi” như hiện nay thì dù có tâm huyết với nghề đến mấy thì các cô giáo dạy trẻ cũng sẽ bị quá sức. Dường như cánh cửa biên chế của các cô vẫn còn khép kín. Giáo dục vùng sâu vùng xa vốn đã rất vất vả với tình trạng học sinh ngồi “nhầm” lớp, do không theo kịp chương trình vì vốn tiếng Việt quá yếu, thiếu kiến thức cơ bản. Nếu không có các cô giáo mầm non dân nuôi đứng lớp thì nhất định gánh nặng giáo dục và những khó khăn tiếp theo sẽ đè lên bậc tiểu học. Khó khăn nối tiếp chồng chất như vậy liệu đến bao giờ huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang sẽ khắc phục được hiện tượng học sinh ngồi “nhầm” lớp đây? Từ thực trạng này, chúng tôi nghĩ rằng, tỉnh Tuyên Quang cần có những chính sách phù hợp để vận động thuyết phục các cô giáo dân nuôi trở lại lớp. Bởi tạo điều kiện cho giáo dục mầm non cũng chính là tạo điều kiện cho ngành giáo dục Tuyên Quang từng bước thoát khỏi khó khăn.

( Theo QĐND )