Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Về một truyện trong chương trình dạy trẻ ở trường mẫu giáo.


Tôi là một họa sĩ, các cô giáo thỉnh thoảng vẫn hay nhờ vẽ minh họa, làm con rối, hay mô hình cho các câu chuyện, bài thơ trong chương trình học mẫu giáo. Một hôm nọ, tôi đọc câu chuyện mà cô giáo đưa để chuẩn bị vẽ. Câu chuyện nguyên văn như sau:

CÔ BÉ HOA HỒNG
Ngày xưa, có hai mẹ con Hoa Hồng. Mẹ yêu Hoa Hồng lắm. Hoa Hồng có mái tóc dài, đôi tay trắng hồng và cặp mắt đen lay láy. Hoa Hồng rất lười, chỉ ngắm vuốt suốt ngày, chẳng giúp mẹ việc gì. Mẹ buồn lắm, khuyên thế nào cũng không được, đến nỗi phát ốm. Thấy mẹ mệt, phải nằm một chỗ, Hoa Hồng hối hận lắm, vội đi tìm thuốc cho mẹ.
Đến ngã ba đường, không biết đi ngả nào. Hoa Hồng hỏi một cây liễu nhỏ ven đường:
- Liễu ơi, mẹ chị ốm, em biết nơi đâu có thuốc không?
- Chị hãy cho em mái tóc, em sẽ chỉ đường cho!
- Em lấy đi!
- Chị hãy đi đến dãy núi kia!
Hoa hồng thấy đau nhói. Mái tóc dài của cô bé đã biến mất. Còn cây liễu lớn vụt, cành lá xanh mướt.
Hoa Hồng đến chân núi thấy một cây táo cành lá cụt ngủn. Hoa Hồng hỏi:
- Táo ơi, mẹ chị ốm, em có biết nơi đâu có thuốc không?
- Chị cho em đôi tay, em chỉ cho!
- Em lấy đi!
- Chị hãy trèo lên núi kia!
Hoa Hồng thấy đau buốt, đôi tay đã biến mất. Còn cây táo vụt lớn, cành lá xum xuê , trĩu quả.
Lên đến đỉnh núi, Hoa Hồng chỉ thấy một cái giếng cạn. Hoa Hồng hỏi:
- Giếng ơi, mẹ chị ốm, em biết nơi nào có thuốc không?
- Chị cho em đôi mắt, em sẽ chỉ cho!
- Em lấy đi!
- Chị hãy đến cái giếng kia!
Hoa Hồng thấy đau thót tim, đôi mắt của em biến mất, em không nhìn thấy gì nữa. Nước giếng dâng lên, hương thơm ngào ngạt. Một tiếng nói cất lên:
- Con hãy lấy thuốc đi, thuốc chữa bệnh cho mẹ con đây!
Hoa Hồng lúng túng cúi xuống giếng. Nước giếng dâng lên, tràn vào miệng Hoa Hồng. Hoa Hồng vội vã ngậm lấy một ngụm nước rồi vội vã lần đường trở về.
Mẹ vẫn nằm thiêm thiếp trên giường. Hoa Hồng chạy ào tới bên mẹ:
- Mẹ ơi!
Nước trong miệng Hoa Hồng rơi xuống ngực mẹ. Bà ngồi bật dậy, khoẻ mạnh bình thường. Bà ôm chặt lấy Hoa Hồng, kinh ngạc:
- Sao con lại thế này?
Bà khóc, những giọt nước mắt rơi xuống Hoa Hồng. Kì lạ thay, hai mắt Hoa Hồng bừng sáng. Bà xoa đầu Hoa Hồng, tóc Hoa Hồng bỗng mọc dài, óng mượt. Bà lại xoa khắp người Hoa Hông, tay Hoa Hồng mọc lại như cũ.
Và Hoa Hồng xinh đẹp hơn xưa.


Lan Phương
Đây là một truyện in trên sách:Tuyển chọn Trò chơi, bài hát, thơ ca, truyện, câu đố

Trẻ 5 – 6 tuổi
Chủ đề: Bản thân
Do Viện Giáo dục và Chương trình giáo dục

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển chương trình giáo dục mầm non ấn hành.

Tôi đọc mà không hình dung nổi sẽ phải vẽ gì đây? Vẽ một cô bé cụt tay, đầu trọc, không có mắt đang lần mò đi trên đường chăng? Khó quá! Đọc đi đọc lại câu chuyện Cô bé Hoa Hồng tôi vô cùng cảm thấy bức xúc bởi những câu hỏi được đặt ra: Người viết và người lựa chọn bài này muốn giáo viên dạy trẻ điều gì thông qua câu chuyện? Sẽ đạt được gì nếu ta dạy trẻ câu chuyện này?
Có một người cho ta tất cả những gì người đó có , thậm chí cả sự sống của mình để ta được bình yên - Đó là Mẹ ! Ý nghĩa của truyện là ở góc độ giáo dục sự hiếu thuận , cho trẻ thấy cái nhìn về sự hy sinh cho người yêu thương chúng nhất - Mẹ !

Truyện theo Mô tuýp truyện cổ tích hướng đến một kết thúc có hậu . Một sự đánh đổi , chịu sự đau đớn về thể xác để đi được tới nơi có phương thuốc kỳ diệu về cứu sống mẹ , và sự hi sinh ấy cuối cùng đã được đền đáp , Mẹ khỏe mạnh , cô bé lành lặn trở lại và còn xinh đẹp hơn xưa trong vòng tay của mẹ ...

Nếu như câu truyện này được đặt trong một thời kỳ của khoảng 20 năm về trước , thì có lẽ màu sắc Bạo lực của truyện sẽ bị mờ nhạt rất nhiều . Nhưng đặt trong hoàn cảnh hiện tại khi trẻ của chúng ta đang ngày ngày tiếp xúc với quá nhiều những cảnh bạo lực trong tranh , trong phim ảnh , trong đời sống ... cho nên cảm giác ngột ngạt với những câu hỏi của trẻ là không thể tránh khỏi ! Sự lựa chọn tác phẩm đưa vào sách nên chăng có sự cẩn trọng sao cho thật đảm bảo cả trong tính giáo dục và thẩm mỹ , phù hợp với lứa tuổi và hoàn cảnh ? Trong kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam và thế giới, có vô vàn những câu chuyện hay, ý nghĩa để dạy cho trẻ đạo đức mà không bị khiên cưỡng. Những truyện ấy đủ để cho tâm hồn trong sáng của các em nhỏ thấy xúc động mạnh trước sự hiếu thuận của người con đối với Mẹ .

Tuy nhiên chúng ta không thể làm thay công việc của người chỉnh lý , biên soạn , không thể thay đổi được chương trình đã được phiên chế một cách rất cụ thể. Vậy phải làm thế nào? Tôi nghĩ rằng , trong cái khó này lại phải cần đến cái khéo léo , khả năng sư phạm , trách nhiệm và tấm lòng của một cô giáo Mầm non! Khi gặp những bài dạy như thế này giáo viên nên biết hướng lời kể , sự minh họa , phân tích của mình như thế nào, tới đâu ... để trẻ cảm nhận được cái trong sáng của truyện , giảm tối đa màu sắc bạo lực ám ảnh các em.

Bài và ảnh của Tường Vi
mamnon.com