Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo dục mầm non: Giáo viên không nên áp đặt, làm mẫu...


Tại hội thảo “Đổi mới giáo dục mầm non” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức vào sáng 22/5, có nhiều ý kiến phê bình hiện tượng giáo viên dạy áp đặt, làm mẫu quá nhiều.

Theo đó, nên để trẻ phát triển tự nhiên, không gượng ép, môi trường học tập chủ yếu là vui chơi, gắn kết với thiên nhiên, môi trường xung quanh. Giáo viên phải biết kích thích tính tò mò hay thắc mắc ở trẻ bởi “môi trường vật chất là thầy giáo thứ hai” của trẻ.

Thạc sĩ Lê Thị Liên Hoan, Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Sở GD&ĐT TP.HCM, chỉ ra những rào cản trong đổi mới giáo dục mầm non của TP cho biết: “Giáo viên bậc mầm non thường có khuynh hướng “nhào nặn” trẻ từ cách nghĩ, học, chơi, ăn, ngủ... bất chấp nhu cầu, đặc điểm phát triển cá nhân. Từ đó khiến trẻ thiếu hồn nhiên, phát triển không đúng với bản chất của trẻ.
Mặt khác, giáo viên còn “làm mẫu” quá nhiều cho trẻ làm theo, thậm chí còn cầm tay trẻ vẽ, thực hiện các thao tác... cách học này làm trẻ mệt mỏi, thụ động. Đó là rào cản trẻ phát triển khả năng tự giáo dục, tính độc lập để hình thành và phát triển nhân cách có trách nhiệm với bản thân”.

Thạc sĩ Phan Thị Thu Hiền, giảng viên khoa Sư phạm mầm non - ĐH Sư phạm TP.HCM, góp ý: Chương trình đổi mới từ năm 1998 đến năm 2005 bị thay đổi liên tục, làm bối rối một số giáo viên mầm non. Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy chương trình giáo dục mầm non “rót” từ trên xuống là không phù hợp, bởi mỗi địa phương có hoàn cảnh khác nhau. Xu hướng chung là chương trình ngắn gọn, mỗi trường, mỗi lớp sẽ bổ sung thêm vào chương trình. Từ đó có nhiều chương trình giáo dục mầm non cho phụ huynh và nhà trường lựa chọn.

( Theo PL TP.HCM )