Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hướng mở cho quy định trường mầm non phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi


Hướng mở cho quy định trường mầm non phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi: Các doanh nghiệp nên vào cuộc!

Hiện nay, nhu cầu gửi trẻ từ 3 tháng tuổi rất lớn nhưng phần lớn chưa được đáp ứng. (Ảnh: Chí Cường)
Trong lúc Bộ chủ quản khá lúng túng trước quy định trường mầm non phải nhận trong trẻ từ 3 tháng tuổi vừa ban hành thì có rất nhiều ý kiến bạn đọc của Báo GĐ&XH lại mang tính "mở đường".

Lương thấp + tiền trông trẻ cao = nghỉ việc
Khảo sát của PV GĐ&XH trong khi thực hiện loạt bài về quy định trường mầm non phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi cho thấy, tại các gia đình có điều kiện về kinh tế thường không có nhu cầu gửi trẻ khi “cục cưng” của họ mới được 3 tháng tuổi.

Biện pháp thường được áp dụng là đón người thân trong gia đình lên chăm cháu, thuê người giúp việc hoặc gửi trẻ tư nhân với yêu cầu chỉ trông riêng con mình và chấp nhận giá cao. Nhu cầu gửi trẻ từ 3 tháng tuổi chỉ thực sự cấp bách với các gia đình có thu nhập thấp hoặc công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, khu chế xuất.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Thu Nhạn, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cũng cho biết: Khi còn là Viện trưởng Viện Nhi Trung ương, GS Nhạn có làm một đề tài khoa học đề nghị tăng chế độ nghỉ thai sản của phụ nữ lên 6 tháng để bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Trong lúc đi điều tra, lấy số liệu để nghiên cứu, GS Nhạn cũng nhận thấy rằng nhu cầu gửi trẻ ở lứa tuổi nhũ nhi đặc biệt cao trong giới chị em công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp.

Cụ thể hơn, bà Mai Thị Bích Vân, Trưởng ban nữ công Liên đoàn Lao động TP HCM cho biết nhu cầu gửi con của các công nhân tại TP HCM rất lớn. Vì doanh nghiệp không có nhà trẻ nên nhiều công nhân đành chọn giải pháp gửi trẻ tư nhân hoặc gửi con về quê.

Theo bà Vân, tiền gửi cho một đứa trẻ hiện nay ở TP HCM thường dao động ở mức từ 600.000 - 700.000 đồng/tháng, nếu gửi thêm thứ bảy, chủ nhật hay đón muộn có thể đội lên cả triệu đồng. Số tiền này bằng cả một tháng lương của công nhân dệt may. Vì vậy, nhiều công nhân đã chọn giải pháp nghỉ làm để ở nhà trông con.

Giảm thuế, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ
Về vấn đề xây dựng nhà trẻ trong doanh nghiệp, bà Mai Thị Bích Vân cho biết, nhiều lần Liên đoàn Lao động Thành phố đã kiến nghị mỗi khu công nghiệp, chế xuất nên có một nhà trẻ cho con em công nhân nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì. Nguyên nhân đều xuất phát từ việc không có kinh phí xây dựng, không đủ lương trả cho giáo viên, khó khăn cho doanh nghiệp nếu xây dựng nhà trẻ...

Tuy nhiên, xét về góc độ kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế-Xã Hội Hà Nội lại cho rằng: Nếu doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ cho con em cán bộ, công nhân sẽ giúp cho doanh nghiệp tăng năng suất lao động từ 10-20% và con số này đặc biệt cao ở những khu công nghiệp có nhiều công nhân nữ.

TS Phong lý giải: Nếu người mẹ gửi con trong nhà trẻ công ty sẽ khiến họ yên tâm lao động đỡ tốn thời gian thay vì phải đi gửi trẻ xong mới đi làm, người mẹ chỉ cần bế con và đi một lượt đến công ty, đỡ tắc nghẽn giao thông, đỡ tốn kém chi phí xăng đi lại. Nếu chỉ tính riêng một bà mẹ thì con số này không đáng kể. Nhưng với n bà mẹ nhân với n ngày thì con số này cũng rất lớn. Điều này không chỉ giúp công ty tăng năng suất mà còn giúp người lao động đảm bảo mức độ an toàn trong lao động.

Song cũng theo TS Phong, điều quan trọng nhất là qua việc gửi trẻ trong công ty sẽ khiến cho người lao động gắn bó với doanh nghiệp hơn. Vì vậy, doanh nghiệp giảm được chi phí đào tạo lại và chi phí đào tạo tay nghề cao.

Tuy nhiên, để khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ cho công nhân, TS Phong cũng cho rằng Nhà nước cần phải có những cơ chế cho doanh nghiệp và cũng phải có thể chế để gắn trách nhiệm xây dựng nhà trẻ trong doanh nghiệp như một điều bắt buộc.

Chẳng hạn như: khi địa phương cấp đất cho doanh nghiệp, phải yêu cầu doanh nghiệp dành một phần đất cho nhà trẻ của con em công nhân. Đồng thời, miễn trừ thuế cho doanh nghiệp (vì địa phương không phải tốn kinh phí xây xựng nhà trẻ). Thậm chí cần phải tôn vinh những doanh nghiệp làm tốt công tác xã hội trong đó có việc xây dựng nhà trẻ; bớt phần kinh phí xây dựng nhà trẻ bằng cách giảm trừ vào thuế của các doanh nghiệp.

( Theo GiaDinh.Net )

Ông Phùng Mạnh Hải, Phó Giám đốc Công ty V’star Hoà Bình: Nếu địa phương yêu cầu, Công ty sẽ xây dựng nhà trẻ
Tôi cho rằng nếu chúng ta quay trở lại mô hình xây dựng nhà trẻ trong doanh nghiệp như ngày xưa cũng rất hay vì như vậy, công nhân sẽ yên tâm làm việc.

Tuy nhiên, nhà trẻ trong doanh nghiệp ngày trước được Nhà nước bao cấp hoàn toàn. Còn hiện nay nếu muốn xây dựng nhà trẻ lại hoàn toàn là vốn của doanh nghiệp. Vì vậy, tôi nghĩ Nhà nước cần phải có chế độ khuyến khích doanh nghiệp như giao đất, hỗ trợ kinh phí… Hoặc phải có yêu cầu bắt buộc: Số lượng tối thiểu công nhân trong một công ty (100 hoặc 200 hoặc nhiều hơn) sẽ phải xây dựng nhà trẻ. Nếu địa phương có quy định bắt buộc như vậy, chúng tôi cũng sẽ xây dựng nhà trẻ ngay.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, TP Thanh Hoá: Nên kéo dài thời gian nghỉ sinh của bà mẹ
Mỗi khi họp tổ hưu trí, chúng tôi lại thường hay trò chuyện với nhau về việc tại sao ngày nay trẻ em mắc nhiều bệnh thế? Tại sao Bệnh viện Nhi Trung ương luôn luôn bị quá tải. Tôi đọc nhiều tài liệu khuyên rằng trẻ em nên bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu mới tốt, mới có sức đề kháng.

Nhưng hiện nay, các bà mẹ được nghỉ thai sản có 4 tháng. Vậy làm sao trẻ bú hoàn toàn được trong 6 tháng đầu? Con gái tôi ngày mới đi làm sau khi nghỉ đẻ đã bị gầy rạc cả người vì nửa buổi đi làm lại tất tả đi mười mấy cây số từ cơ quan về nhà cho con bú. Vì vậy lúc nào cũng người trong tình trạng mệt mỏi, cáu gắt. Như vậy thì làm sao làm việc có chất lượng.

Tôi nghĩ thay vì quy định trường mầm non nhận trẻ 3 tháng tuổi, Nhà nước nên kéo dài thời gian nghỉ sinh cho bà mẹ.

Chị Nguyễn Thuý Hà, Công ty Khảo sát thiết kế Xây dựng (Bộ Xây dựng): Chờ đến bao giờ?
Tôi thấy quy định các trường mầm non phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi là một quy định rất tốt của Bộ GD&ĐT. Lâu nay, tôi cứ suy nghĩ không biết sau này đẻ con sẽ phải gửi cho ai, vì ông bà nội ngoại ở xa, gửi trẻ tư thục thì không yên tâm, đặc biệt là sau mấy vụ báo chí đưa tin về các vụ: Trẻ bị suy hô hấp vì bị bảo mẫu dán băng dính vào miệng, trẻ bị bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa ở Đồng Nai vả chảy máu mồm… Tuy nhiên, nếu theo như trả lời của bà Phó Vụ trưởng Vụ Mầm non Bộ GD&ĐT thì lâu quá. Tôi không nghĩ một quy định hợp với lòng dân như vậy lại phải để dân chờ quá lâu.

Phương Lan (ghi)