Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những tai nạn thường gặp trong nhà trẻ, mẫu giáo


Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến minh họa cách cấp cứu cho trẻ bị hóc đường thở - Ảnh: N.Lịch
Ngày 5.7, hội trường B Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM chật kín với khoảng 500 giáo viên các trường mẫu giáo, nhà trẻ công lập và ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình... theo dõi buổi nói chuyện chuyên đề "Phòng ngừa và sơ cứu một số tai nạn thường gặp tại nhà trẻ, mẫu giáo".

Phòng ngừa
Báo cáo viên - bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã trình bày khá sinh động về bốn loại tai nạn trẻ em thường gặp, đó là: hóc đường thở, ngạt nước, phỏng và điện giật. Về tai nạn hóc đường thở, bác sĩ Tiến nhắc lại một trường hợp khá điển hình xảy ra cách đây vài năm. Vào thời điểm đó, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận một ca cấp cứu từ Đà Lạt chuyển xuống. Trẻ thở khọt khẹt, bị nghi ngờ có vấn đề về phổi nên được cho thở oxy và uống kháng sinh... Tuy nhiên, các bác sĩ đã gắp ra được một miếng xương heo nhỏ nằm dọc cuống họng của trẻ! Lúc này, bà mẹ chống chế: "Tôi đã tán nhuyễn thịt khi nấu cháo cho cháu ăn, sao miếng xương này lại lọt vô được vậy ta!". Theo bác sĩ Tiến, để phòng ngừa hóc đường thở cho trẻ, người chăm trẻ nên lấy hạt và xương, cắt hoặc xé thức ăn thành từng miếng nhỏ, luôn để ý lúc trẻ ăn uống; không nên cho trẻ nhỏ ăn hạt đậu phộng, kẹo cứng; không cho trẻ chơi với những vật nhỏ, hạt; không cho trẻ ăn uống, bú hay uống thuốc khi trẻ đang khóc/cười... Trong khi đó, để giúp trẻ tránh bị ngạt nước, nên đậy kín vật chứa nước, dạy trẻ học bơi ngay từ lúc còn bé, nhất thiết không cho trẻ bị động kinh bơi, không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, sông, rạch... Đối với hai loại tai nạn là điện giật và phỏng, bác sĩ Tiến đã kể lại nhiều ca thương tâm mà nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn của người lớn.

Minh họa sơ cấp cứu cho trẻ bị ngạt nước

Khi nào cấp cứu tại chỗ?
"Khi trẻ bị tai nạn, nếu trẻ còn động đậy, hồng hào, có thể ho, khóc, la... được thì nên đưa trẻ đi cấp cứu. Còn khi trẻ đã tím tái, lồng ngực không di động thì phải lập tức cấp cứu ngưng tim ngưng thở ngay tại chỗ trước khi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất" - là những điều cơ bản được bác sĩ nhắc đi nhắc lại trong buổi nói chuyện. Cần lưu ý, với tình huống thứ nhất, nên đặt trẻ nằm nghiêng để các chất nôn ói, dãi nhớt chảy ra (khi trẻ bị ngạt nước, sặc ói...) hoặc giữ yên tư thế ngồi (khi trẻ bị hóc đường thở) trong lúc đưa trẻ đến bệnh viện. Trong khi đó, tình huống thứ hai đòi hỏi phải hành động thật nhanh. Thời gian cấp cứu tại chỗ này được xem là "thời gian vàng" bởi nếu để trẻ ngưng tim ngưng thở trên 4 phút, trẻ sẽ bị tổn thương não và nếu trên 10 phút, trẻ dễ bị di chứng não gây tử vong. Tùy vào từng loại tai nạn trẻ gặp phải mà có những cách cấp cứu tại chỗ khác nhau. Chẳng hạn, đối với trẻ bị ngạt nước, nếu sau khi được thổi ngạt nhưng trẻ vẫn còn tím tái và hôn mê thì phải dùng phương pháp "Ấn tim ngoài lồng ngực" và phối hợp "Ấn tim - Thổi ngạt". Còn với trẻ bị hóc đường thở, phải sử dụng phương pháp "Vỗ lưng ấn ngực" (cho trẻ dưới 2 tuổi)... Theo bác sĩ Tiến, nên tránh một số cách sơ cứu dân gian gây nguy hiểm như: hơ lửa hoặc lăn lu, xốc nước (dốc ngược người bị nạn để nước chảy ra) hay xức nước mắm, nước giấm... lên các vết bỏng.

Ngoài bốn loại tai nạn thường gặp trên, các giáo viên mầm non đã nêu thắc mắc và nhờ bác sĩ giải đáp tại chỗ rất nhiều tình huống hằng ngày họ gặp phải, như: trẻ sờ vào ngăn đá, bị... phỏng lạnh thì làm sao? Làm gì cho nhanh tan vết bầm của trẻ, để phụ huynh bớt nóng ruột? Xử lý khi cát bay vào mắt trẻ hoặc khi trẻ bị bạn... cắn thủng da.

Theo Thanh Niên