Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

"Lẽo đẽo" chạy theo lương tối thiểu


Tại một trường mầm non trên địa bàn quận Hải Châu TP. Đà Nẵng.
Đà Nẵng hiện có 113 trường mầm non (MN) công lập và ngoài công lập đang hoạt động. Trong khi Chính phủ đã 4 lần điều chỉnh lương, thế nhưng, nhiều giáo viên hợp đồng ở các trường MN công lập trên địa bàn TP mỗi tháng vẫn nhận lương chưa bằng mức tối thiểu (540.000 đồng)...
Biên chế "con đẻ", hợp đồng "con ghẻ"!

Từ năm 1990, bậc học MN trên địa bàn Đà Nẵng không áp dụng hình thức thi tuyển giáo viên biên chế mà thay vào đó là tuyển dụng giáo viên theo hình thức hợp đồng. Trong năm học 2007-2008, toàn TP có gần 1.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hợp đồng ngoài ngân sách. Lương của các đối tượng này được trả dựa trên mức thu học phí theo 5 nhóm trường mà UBND TP ban hành từ năm 1998 theo các mức: 60.000, 40.000, 30.000, 15.000 và 5.000 đồng/1 học sinh/tháng.

Thống kê mới nhất của ngành giáo dục Đà Nẵng, nhiều trường MN công lập trên địa bàn TP, lương của giáo viên hợp đồng chưa bằng mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Tuy nhiên, đến nay đã qua 4 lần Nhà nước tăng lương tối thiểu hằng tháng lên mức 540.000 đồng, thế nhưng, các trường vẫn áp dụng mức thu học phí cũ. Tại các trường MN công lập trên địa bàn quận Sơn Trà, các khoản thu của học sinh cũng chỉ đủ trả mức lương tối thiểu hằng tháng là 350.000 đồng (nhân với hệ số lương).

Trong khi đó, cùng dạy một lớp học với giáo viên biên chế, nhưng giáo viên hợp đồng không được hưởng phụ cấp đứng lớp là 35% lương. Ngặt nỗi, vào dịp hè, giáo viên hợp đồng muốn có thu nhập phải tham gia dạy hè, nếu không thì không được trả lương như giáo viên biên chế. Theo ông Huỳnh Văn Hoa- Giám đốc Sở GDĐT thì, do mức thu học phí không thay đổi trong 10 năm qua, đồng thời nguồn thu học phí hạn chế do miễn, giảm các đối tượng chính sách, hộ nghèo, diện thu hồi đất sản xuất nên các trường MN công lập, bán công nông thôn không trả đủ tiền lương cho giáo viên, nhân viên hợp đồng theo quy định.

Theo đó, phần lớn các trường MN chỉ xếp lương theo hệ số tối đa bậc 2, trả lương với mức tối thiểu chung là 290.000 hoặc 350.000 đồng theo nguồn thu học phí thực tế, không trả đủ theo mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng theo quy định. Nhiều trường không trả được phụ cấp ưu đãi 35% cho giáo viên đứng lớp theo quy định mà chỉ trả được một phần theo tỉ lệ từ 10-25% mức lương hiện hưởng (các trường mầm non công lập quận Hải Châu mới chi 20% chế độ đứng lớp).

Giải pháp ngắn!
Trước thực trạng trên, ngày 1.7.2008, Ban pháp chế HĐND TP đã tiến hành báo cáo thẩm tra và khẳng định: Nguyên nhân của tình trạng trên là do phòng giáo dục và các trường căn cứ vào hướng dẫn liên ngành số 1308/HD-LN, ngày 9.10.1998, của Sở GDĐT và Sở Tài chính - Vật giá TP, trong đó quy định lương cho giáo viên MN hợp đồng chỉ chi từ nguồn thu học phí. Do đó, khi mức lương tối thiểu ngày càng tăng lên thì khoản thu trên không đủ chi.

Hướng dẫn này không phù hợp với Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg, ngày 31.3.1998 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 54/1998/TTLT của Bộ GDĐT và TC ngày 31.8.1998 về hướng dẫn thu chi, quản lý học phí các cơ sở giáo dục công lập; Chỉ thị số 18 ngày 27.8.2001 về một số biện pháp xây dựng đội ngũ nhà giáo của hệ thống giáo dục quốc dân và Quyết định 161 của Thủ tướng Chính phủ ngày 15.11.2002 về một số chính sách phát triển giáo dục MN. Trong các văn bản trên đều quy định lương và chế độ của giáo viên MN hợp đồng các trường công lập như giáo viên biên chế, UBND cấp tỉnh dành ngân sách để bảo đảm chi lương và các chế độ cho giáo viên hợp đồng này theo quy định của pháp luật.

Một giáo viên Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ (quận Liên Chiểu) cho biết: "Tôi dạy hợp đồng được 16 năm nay, mỗi tháng, tôi nhận được 649.000 đồng. Với mức trượt giá như hiện nay, đời sống giáo viên MN hợp đồng như chúng tôi rất chật vật. Do khu vực tôi dạy được TP quy định mức thu học phí thuộc nhóm 3, nên học phí của trường thu được từ học sinh chỉ đủ trả lương (theo hệ số) theo mức 310.000 đồng. Giải pháp hỗ trợ cho chúng tôi hiện nay vẫn là sự động viên của BGH và chúng tôi cũng tự động viên nhau yêu nghề mà đến lớp".

Được biết, tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP khoá 7 ngày 3.7, TP đã nhất trí chi 5,2 tỉ đồng bù chênh lệch lương tối thiểu và phụ cấp cho giáo viên MN công lập diện hợp đồng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là kinh phí "tình thế" mà chưa tính đến phụ cấp ưu đãi giáo viên đứng lớp theo quy định hiện hành của Nhà nước. Một điều cần lưu ý thêm, năm học 2008-2009, TP sẽ chuyển 15 trường MN bán công sang công lập, vì thế số lượng giáo viên hợp đồng sẽ tăng lên và nghịch lý thu nhập thấp sẽ tiếp tục tái diễn.

Theo Lao động