Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hà Nội:Bậc học mầm non, nỗi khổ ai hay?


Mỗi khi nói đến những khó khăn, bất cập của các trường mầm non, người ta thường nghĩ ngay đến các trường tư thục, dân lập vì điều kiện phòng ốc chật chội, thiếu sân chơi....
Ít ai biết rằng, cũng có không ít trường công lập phải chịu cảnh khổ mà không biết bao giờ mới hết

Nỗi khổ... đặc biệt
Trường Mầm non Sao Mai (quận Đống Đa) nằm trên 2 tầng của khu tập thể 14 Hồ Đắc Di. Những năm 70 của thế kỷ trước, đây là trường mầm non của khu tập thể quân đội Nam Đồng, có từ bậc nhà trẻ đến mẫu giáo lớn, chỉ dành riêng cho con em trong quân đội. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, trường được chuyển thành trường mầm non công lập, địa điểm, cơ sở vật chất trên danh nghĩa vẫn là "mượn" của khu tập thể quân đội cũ.

Lối vào trường mầm non Sao Mai
Bởi vậy, 6 lớp của trường nằm lọt giữa các nhà dân. Lối vào trường cũng chính là lối lên cầu thang của khu tập thể. Các cô giáo trong trường đã cố gắng tận dụng từng khoảng không như lối lên cầu thang, hành lang để trang trí những bức tranh đầy màu sắc để ngôi trường trông sinh động và bắt mắt hơn. Mỗi tầng có 3 lớp học, hành lang ở giữa được tận dụng làm sân chơi, sân tập thể dục và phòng ăn cho các cháu.

Chính vì nằm lẫn với nhà dân nên có những nỗi khổ mà không nói ra thì không ai biết. Đó là những va chạm không thể tránh được, như khi các cháu tập thể dục bị người dân kêu ca là gây ồn, thậm chí rút cả phích cắm của loa đài. Đó là việc nhà trường rất khó quản lý được người lạ ra vào vì không biết là khách của nhà dân hay khách của trường. Và khổ hơn cả là việc dùng chung nhà vệ sinh.

Đây là khu tập thể được xây từ thời bao cấp, mỗi tầng chỉ có một nhà vệ sinh dùng chung, nên các cháu đi vệ sinh cùng người lớn. Trong khi điều lệ trường mầm non của Bộ GDĐT quy định phải đảm bảo 0,4 - 0,6m2 cho mỗi trẻ, phòng vệ sinh phải có chỗ đi tiểu và bệ xí cho trẻ em trai và trẻ em gái, có vòi tắm..., thì ở đây, các cháu vẫn phải đi vệ sinh như... người lớn. Bởi vậy mà có một chuyện thật nghe như đùa, là khi phụ huynh xin cho con trẻ nhập học đều được hỏi: "Con có biết ngồi xí xổm loại to của người lớn không?". Nếu con không biết ngồi hoặc gia đình không tập được cho ngồi vệ sinh bằng xí xổm thì nhà trường không dám nhận.

Phải leo lên cao mới có lớp học
Trường Mầm non Sơn Ca (quận Ba Đình) chỉ có diện tích chưa đến 100m2. Sân chơi đương nhiên là không có. Theo đúng yêu cầu, lớp học của các cháu chỉ được ở trên tầng 2, các tầng trên chỉ dành cho phòng hiệu bộ, ban giám hiệu, nhưng với trường Sơn Ca, lớp học nằm cả trên những tầng cao. Bởi nếu không làm như vậy, sẽ không có đủ lớp cho các cháu học. Vì thế nên mới có cảnh: Khi đoàn kiểm tra đến, các cháu được di dời xuống tầng dưới. Đoàn kiểm tra đi, các cháu lại leo lên học tiếp. Lãnh đạo Phòng GDĐT quận phân trần: Biết như thế là không đúng, nhưng buộc phải thông cảm với trường vì không còn biết làm cách nào khác.

Chuyện một trường có 2-3 điểm lớp, trường hình ống, không có sân chơi, không đủ ánh sáng... cũng không phải là "chuyện hiếm", như trường Hoa Phượng (quận Hai Bà Trưng), Tây Sơn (quận Đống Đa)... Những người hay đi qua ngã ba Hồ Đắc Di - Tây Sơn đều không lạ với cơ sở 2 của Trường Mầm non Tây Sơn nằm ở ngay góc ngã ba. Gọi là "cơ sở" nhưng đây chỉ có một lớp nhà trẻ, một lớp mẫu giáo nhỏ xíu, lúc nào cũng phải bật đèn và đóng cửa sắt kín mít để đảm bảo an toàn cho các cháu, vì mở cửa là ra đến đường.

Còn Trường Mầm non Hoa Mai (quận Ba Đình) đã xin được địa điểm để xây trường mới, nhưng 3 năm nay các cháu vẫn chưa có trường học. Lý do chính vì giá cả leo thang quá nhanh. Cứ có đơn vị trúng thầu xong thì giá vật liệu xây dựng lại tăng, đơn vị thầu lại rút đi. Cứ như vậy 3 năm nay, học sinh, cô giáo của trường phải đi "gửi" ở trường khác, không biết đến bao giờ mới được học ở trường mới.

Theo báo Lao Động