Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

"Bèo" như... lương giáo viên mầm non!


Năm học 2007-2008, TP.HCM có khoảng 300 giáo viên mầm non bỏ việc. Riêng tại quận 4, năm học vừa rồi có 26 giáo viên mầm non tại các trường công lập xin nghỉ việc, trong đó có 23 người do hoàn cảnh, điều kiện kinh tế khó khăn.

Đi dạy mà vẫn phải ngửa tay xin tiền gia đình!
Cô Linh Phương, giáo viên lớp chồi thuộc Trường Mầm non tư thục 1 cho biết: "Năm đầu tiên đi làm, lương em được 1,3-1,4 triệu/tháng. Tháng 8 học trò nghỉ hè, cô giáo không có lương. Mỗi năm được thưởng một lần duy nhất vào dịp Tết và tiền thưởng là 200.000 đồng. Nghe đâu năm nay em được tăng lương, chắc được 1,5-1,6 triệu/tháng".

Với mức lương trên, Phương chỉ đủ trang trải tiền nhà, ăn sáng, ăn tối và tiền xăng xe một cách tằn tiện. Các khoản chi tiêu khác thì vẫn phải trông chờ vào gia đình. Riêng tháng hè, gia đình phải chu cấp toàn bộ. Phương chia sẻ: "Tháng 8 vừa rồi em phải xin mẹ gần 2 triệu đồng để chi tiêu và trả nợ. Ra trường, có việc làm mà vẫn phải ngửa tay xin tiền gia đình, không biết sau này thế nào".

Nhiều trẻ mầm non phải có cô giáo dỗ dành thì mới chịu ăn. (Ảnh: Đ.T)

Cô giáo D.A, cùng trường với Phương thì khá hơn vì đã có thâm niên trên 9 năm. Cô D.A khoe: "Hiện tại lương mình cao nhất trường, được khoảng 2,2-2,3 triệu/tháng. Lương của mình thật sự không đủ tiền mua sữa cho con. Đi làm nhưng không trông mong là đồng lương sẽ đủ chi tiêu cho riêng mình".

Nói rồi, cô A. ngậm ngùi: "Nhiều phụ huynh không tin là lương chúng tôi như thế. Nhiều người cho rằng lương giáo viên thấp nhưng có thêm những khoản khác. Khoản “khác” mà phụ huynh nghĩ tới là tiền bồi dưỡng của cha mẹ học sinh. Nhưng trường chúng tôi có quy định giáo viên không được nhận phong bì, quà cáp từ phụ huynh. Ai vi phạm sẽ bị kỷ luật".

Cô Ngọc Hân, giáo viên một trường mầm non ở Gò Vấp cho rằng đồng nghiệp của mình đã gộp hết các khoản vào thì mới ra được 1,3-1,4 triệu đồng/tháng. Nếu chỉ tính lương không thì khoảng 800.000 đồng/tháng. Cô Hân nhẩm tính, lương vài trăm cộng thêm tiền ăn và làm ngoài giờ thì mới được bằng đó. Chưa kể, tháng nào học trò vắng nhiều là tháng đó... đói. Cô Hân cho biết: "Nếu tháng nào học trò đi học đầy đủ thì cô giáo có được 100.000-150.000 đồng tiền thưởng, nếu học trò vắng nhiều là bị cắt khoản này".

Th.S Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng GD mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, đã từng so sánh: "Hiện nay giáo viên mầm non trình độ cao đẳng mới ra trường có mức lương 1-1,5 triệu đồng/tháng. Tết chỉ được vài trăm ngàn đồng tiền thưởng. Giáo viên trình độ trung cấp mới ra trường thu nhập còn thấp hơn. Trong khi đó một người giúp việc (chỉ học qua lớp đào tạo hai tháng) có mức lương 1,5 triệu đồng/tháng cộng với chi phí ăn, ở tại gia đình chủ nhà, có lương tháng 13 trong dịp Tết, được may quần áo mới trong dịp lễ, thuốc men khi ốm đau... Tính ra, thu nhập của giáo viên mầm non còn thua cả người giúp việc".

Còn cô Linh Phương thì so sánh: "Bạn mình, học trung cấp ra, làm kế toán ở một siêu thị, lương cũng được 2 triệu đồng mà ngày làm có 8 tiếng. Còn tụi mình thì tối về có khi chưa được nghỉ ngơi. Thứ 7, CN thường phải vô trường để làm đồ dùng dạy học".

Áp lực nhiều còn bị "bắt đền" oan!
Cô Thùy Trinh, giáo viên mầm non Sao Mai 13 kể về một trong nhiều lần mất ngủ của mình: “12h khuya, phụ huynh gọi điện tới mắng giáo viên vì nhóc con không chịu ngủ và kêu là cánh tay bị đau. Cả ông bà nội ngoại đều có mặt để xem bệnh tình của cháu, nhưng cu cậu vẫn một mực kêu bị đau vì... té ngã ở trường”.

Chuẩn bị cho cháu ra sân chơi trò chơi. (Ảnh: Đ.T)

Nghe con kêu la như vậy, phụ huynh không chịu được đành phải bắt đền cô giáo. 12h khuya nhưng phụ huynh một mực yêu cầu cô giáo đến để giải quyết. Cô Trinh cũng không nghĩ ra cách nào khác hơn là đến nhà. Sau khi xoa dịu phụ huynh và ông bà nội ngoại, cô Trinh xin phép được chơi trò chơi với cháu. Hát hò, nhảy múa cùng cô một lúc, cu cậu quên là tay mình đang bị “đau” và làm những động tác múa y như cô giáo. Lúc này, cả nhà mới biết con mình… nhõng nhẽo! Cô Thuỳ Trinh nói: “Đây là một trong những áp lực của cô giáo mầm non. Học sinh nóng, lạnh, khóc nhè, không chịu ăn… phụ huynh đều “bắt đền” cô giáo”.

Bà N.T.N, nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục 5 chia sẻ: “Giao trẻ cho phụ huynh xong là chúng tôi hồi hộp. Chỉ cần nghe chuông điện thoại hoặc chuông cửa là giật bắn người. Chuyện phụ huynh đến mắng vốn vì còn mình không khoẻ, nóng sốt, không vui cười… là chuyện bình thường. Có những phụ huynh tin lời con trẻ, kéo cả dòng họ đến bắt đền cô giáo”.

Còn cô Linh Phương thì cho rằng, không một giáo viên mầm non nào làm việc dưới 10 tiếng đồng hồ một ngày. Và tình trạng thiếu giáo viên là tình trạng chung nên hầu hết các trường đều phải dồn lớp. Vì thế, mỗi lớp có 2 cô giáo phải chăm sóc khoảng 50 cháu. Cô Phương nói: “Một ngày làm việc bắt đầu từ 6h30 và kết thúc khi đã hết học sinh. Không ít lần phải ở lại đến 8-9 giờ vì phụ huynh bận chưa đến đón con”.

Cô Phương kể về một ngày làm việc của mình: 6h30 sáng có mặt tại trường để làm vệ sinh phòng học và đón cháu. 7h tập thể dục cùng cháu. 7h30 vừa trông cháu vừa dọn bàn ăn chuẩn bị ăn sáng. 8h30–9h15 bắt đầu tiết học với các môn: tô màu, hát, vẽ, nặn đất sét… 9h15–10g dạy cháu chơi trò chơi hoặc ra sân hoạt động. 10h–11h: dọn bàn ăn, hướng dẫn cháu rửa tay lau mặt, dọn dẹp lớp học. 11h–14h: dọn dẹp phòng, sắp xếp chiếu gối, cho cháu ngủ. 14h-15h hướng dẫn cháu học năng khiếu. 15h chuẩn bị ăn xế. 15h30: vệ sinh cháu, thay quần áo, quản cháu chơi trong lớp. 16h15–16h30 trả cháu. Buổi tối, các cô giáo phải soạn giáo án, viết lại sổ quan sát, báo cáo…

Phương còn nói thêm: “Lau nhà, giặt khăn, dọn vệ sinh… hai cô giáo thay nhau làm trong khi người kia quản cháu. Người mẹ chỉ phải chăm sóc một đứa con, còn chúng tôi thì mỗi người chăm sóc ít nhất là 20 cháu”.

Theo Tin Tức