Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhức nhối lương giáo viên


Được giao nhiệm vụ trồng người, nhưng lương giáo viên không đủ sống. Giá cả tăng ào ào nhưng 20 năm qua, lương của giáo viên vẫn giữ nguyên, đời sống các thầy cô giáo, đặc biệt là đội ngũ bảo mẫu, vô cùng khó khăn.

“Với mức lương 500.000 - 600.000 đồng một tháng, thật khó để họ yên tâm công tác”, bà Trần Thị Trí, Trưởng phòng Giáo dục quận 2, TP HCM nói.

20 năm không đổi lương
Mức lương này hầu như không đổi trong 20 năm qua, kể từ khi Ủy ban nhân dân (UBND) TP HCM ban hành khung lương cho các đối tượng bảo mẫu, cấp dưỡng (năm 1988). Theo văn bản này, một bảo mẫu được trả từ 500.000 đến 600.000 đồng một tháng. Thời gian làm việc của họ bắt đầu lúc 6h 30 đến 17h 30.

Ông Ninh Văn Bình, Trưởng Phòng Giáo dục Phú Nhuận, cho biết lương giáo viên (GV) ở các bậc học khác rất thấp và hầu như không thêm bao nhiêu trong một thời gian dài. Cô giáo Trần Mỹ Dung, dạy hơn 10 năm ở một trường tiểu học quận Phú Nhuận, cho biết cô có bằng đại học sư phạm ngành giáo dục tiểu học nhưng mức thu nhập tổng cộng chỉ 1,8 triệu đồng một tháng.

Đồng lương của giáo viên mầm non lại càng eo hẹp. Ảnh: Gia Nguyên

Anh Phạm Chánh Trung, GV Toán - Tin , THCS Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, nói: “Tôi tốt nghiệp cao đẳng, lương bậc 1, hưởng 30% phụ cấp đứng lớp, mỗi tháng sau khi trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn lại 1.474.000 đồng. Để có được số tiền này, mỗi tuần tôi phải dạy ít nhất là 16 tiết. Vào thời điểm trường thiếu GV thì tăng lên 19, 20 tiết một tuần”.

Đối với giáo viên mới vào nghề, thu nhập còn thấp hơn nhiều. Khảo sát tại một số trường ở TP HCM cho thấy một GV trung học (đã tốt nghiệp đại học) thu nhập chỉ từ 1,2 triệu đồng (mới ra trường, đã tính 30% phụ cấp đứng lớp) đến 2,5 triệu đồng một tháng (thâm niên trên 20 năm công tác); GV mầm non, tiểu học (có bằng cao đẳng sư phạm) cũng chỉ từ 900.000 đến 1,5 triệu đồng một tháng.

Một số trường có điều kiện thì phụ cấp thêm cho GV từ nguồn thu dạy thêm, cho thuê mặt bằng, giữ xe, căn-tin... nhưng cũng không đáng bao nhiêu. Ở các tỉnh, lương GV còn thấp hơn. Đây cũng là bức tranh chung về lương GV cả nước.

Trước thúc bách của đời sống GV, một đề án tăng lương cho đội ngũ nhà giáo đã được đưa ra bàn thảo tại Quốc hội từ cuối năm 2006. Tại diễn đàn này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân nói mức thu nhập GV phải tăng 1,5 - 2 lần mới gọi là tạm đủ sống. Đến nay, giới nhà giáo vẫn đặt nhiều kỳ vọng về đề án này và mong không nó bị “chìm xuồng”.

Lương GV chỉ đủ thoát nghèo
Bà Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng phòng giáo dục quận Tân Phú tâm tư: “TP HCM đã nâng chuẩn nghèo lên 12 triệu đồng một người một năm. Còn lương của GV chỉ một triệu đồng một tháng, thậm chí đội ngũ cấp dưỡng, bảo mẫu còn chưa tới một triệu đồng. Như vậy, với chuẩn nghèo mới này thì thành phố có rất nhiều GV, cấp dưỡng, bảo mẫu thuộc hộ nghèo, cận nghèo”…
Không yên tâm với nghề
Lương không đủ sống khiến một bộ phận GV không yên tâm với nghề và tình trạng nghỉ việc đang có chiều hướng gia tăng. Số GV còn ở lại với nghề thì phải dành quá nhiều thời gian cho mưu sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Vân Phương, huyện Bình Chánh, nói: “Chúng tôi đều không muốn phải dạy thêm nhưng cuộc sống thúc ép, không dạy thêm chẳng biết tăng nguồn thu bằng cách nào cả”. Không chỉ dạy thêm trong 9 tháng học, nhiều giáo viên còn phải mưu sinh cả trong những tháng hè.

Giáo viên Trần Thanh Dũng, quận 6 thừa nhận, việc dạy thêm và mưu sinh tác động trực tiếp lên chất lượng dạy học vì: “Nếu cuộc sống của mình còn chưa lo nổi thì khó chú tâm vào bồi dưỡng nghề được”. Tình trạng dạy thêm, tăng tiết tràn lan trong nhà trường như một căn bệnh trầm kha, dư luận lên tiếng nhiều nhưng không giảm.

Thực trạng dạy thêm, học thêm dẫn đến hệ quả không mong đợi của ngành giáo dục và toàn xã hội: học sinh hấp thụ một lối học thụ động, học vẹt, tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”, hiện tượng học sinh bỏ học hàng loạt khắp cả nước. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm học 2007 - 2008 cả nước có 147.000 học sinh phổ thông bỏ học, trong đó, bậc tiểu học có 19.217 học sinh, THCS có 66.205 học sinh, THPT có 61.583 học sinh.

Hy vọng được chăm lo, đầu tư
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại diễn đàn Quốc hội cuối năm 2006: “Điều kiện tiên quyết để phát triển chất lượng giáo dục trong điều kiện kinh phí có hạn là đầu tư phát triển giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục”. Chỉ thị về nhiệm vụ năm học mới 2008 - 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại một lần nữa nhấn mạnh: “Chăm lo và đầu tư cho phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”… Thế nhưng, đến nay nghề giáo vẫn là nghề có thu nhập thấp trong xã hội!

Trong hơn 10 năm qua, một số chính sách của Trung ương và các địa phương liên quan đến đời sống GV đã được thực hiện. Chẳng hạn, chế độ phụ cấp 70% lương đối với GV về làm việc ở các trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tại TP HCM, từ 1/1/2007, GV về công tác tại 41 trong số 322 phường xã khó khăn của thành phố, mỗi tháng được trợ cấp 500.000 đồng một người… Song nhìn chung, các chính sách, biện pháp trên chỉ là tạm thời. Đời sống của thầy cô giáo về cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM, phát biểu tại cuộc họp chuẩn bị năm học mới 2008 - 2009 tổ chức ngày 6/8: “Nâng lương cho nhà giáo trong tình hình giá cả hiện nay, tôi nghĩ xã hội sẽ đồng tình. Phải bảo đảm làm sao cho nhà giáo có đồng lương đủ sống để họ hết lòng vì tương lai con em chúng ta. Đó cũng là đạo lý ở đời”.

Đến năm 2010, lương GV sẽ tăng 1,7 - 1,8 lần
Theo đề án tăng lương mà Bộ GD-ĐT đang xây dựng, lương sẽ tăng từ từ và từ cấp mầm non, tiểu học đến đại học. Tính bình quân đến năm 2010, lương sẽ tăng 1,7 - 1,8 lần hiện nay. Hiện tiền lương chi cho GV chiếm hơn 1/3 ngân sách giáo dục (khoảng 34%), nếu thực hiện tăng lương đến năm 2010 thì lúc đó tiền lương chi cho GV sẽ vào khoảng 41.000 tỷ đồng, chiếm 36,8% ngân sách giáo dục. Như vậy mức tăng chi cho lương từ ngân sách cũng không lớn lắm, nên việc tăng lương là có cơ sở khả thi.

Theo Báo DaiViet.vn