Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo viên mầm non: Thêm một đồng cũng quý


Giáo viên mầm non vừa là cô, là mẹ, là chị, nhưng có khi lại là bạn, là nghệ sĩ, bác sĩ... Ảnh: Chí Cường
Trong những đối tượng được hưởng trợ cấp 270.000 đồng/quý theo Quyết định 127 của Chính phủ có cả giáo viên mầm non, những người lao động 9-10 tiếng/ngày nhưng lương thấp.

Cùng với việc tăng lương hưu, ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 127 về việc trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có mức lương thấp, đời sống khó khăn. Trong những đối tượng được hưởng 270.000 đồng/quý này có cả giáo viên mầm non, những người lao động 9-10 tiếng/ngày nhưng lương thấp.

Áp lực lớn
Cái tin được trợ cấp thêm 270.000 đồng/quý đến với chị Lê Thanh Nga (Phố Đại Từ, Linh Đàm, Hà Nội) vào sáng 21/9. Chị hoàn toàn bất ngờ, xen lẫn niềm vui, bởi lâu lắm rồi, chị mới thấy nghề mình có hi vọng tăng thêm thu nhập.

Ra trường được hai tháng, hiện chị đang là giáo viên mầm non một trường công lập tại Hà Nội với mức lương 1,6 triệu đồng/tháng. Theo quy chế, mỗi lớp chỉ khoảng 20 cháu nhưng do nhu cầu quá cao nên lớp chị có đến 50 cháu mà chỉ có hai cô trông. Mỗi ngày, hai cô phải quản lớp đến 9 tiếng.

Nhiều người bảo trông trẻ con thì đơn giản nhưng theo chị Nga, với khoảng 6-7 môn học/tuần, các cô phải soạn giáo án kì công để Ban giám hiệu duyệt, sau đó chuẩn bị đồ dùng dạy học, lo cơm nước cho các cháu. Với 50 trẻ con, mỗi cô phải trông đến 25 cháu cùng lúc. Tiếng khóc, tiếng hò hét của bọn trẻ khiến tai chị nhiều lúc ù đi. Tuy nhiên, vì công việc các cô cũng phải căng sức để trông coi, dỗ dành, thậm chí hò hét theo trẻ trong mỗi buổi dạy.

Trường quy định nhà vệ sinh, nền lớp học phải luôn trong tình trạng khô ráo để các cháu khỏi trơn trượt nên hễ trẻ nghịch nước, tè dầm, hai cô lại “lăn lưng” ra lau nhà. Chỉ khi các cháu ngủ trưa, các cô mới tranh thủ ăn cơm. Mỗi bữa trưa trị giá 6.000 đồng/người với giáo viên mầm non trong thời giá hiện nay thì chỉ có rau, cà, đậu và vài miếng thịt. Vừa lao động đầu óc, vừa phải hoạt động chân tay liên hồi trong khi chế độ dinh dưỡng cho cô giáo thấp nên chỉ sau 2 tháng đi làm, chị Nga sút hơn 2kg.

Trông coi ít cháu hơn chị Nga nhưng chị Nguyễn Lan (giáo viên một trường mầm non tư thục ở Hà Nội) lại là dân ngoại tỉnh, phải thuê nhà. Chị cho biết lương tháng của mình hiện là 1,6 triệu đồng, chia cho cả tiền ăn, tiền thuê nhà, tiền điện nước, xăng xe và hàng trăm khoản chi lặt vặt khác... dè dặt lắm cũng không đủ trang trải hàng tháng.

May mắn hơn chị Lan, Bùi Thị Tuyến (quê Ninh Bình) được ở trong khu tập thể của trường. Do mới công tác được 6 tháng nên lương chị chỉ có 1,4 triệu đồng. Trong thời giá hiện nay, với đồng lương đó, chị phải tiêu pha dè xẻn lắm mới đủ sống.

Bỏ việc nhiều do thu nhập thấp
Theo chị Thanh Nga, giáo viên mầm non phải đóng rất nhiều vai trò trong lớp. Có khi là cô, là mẹ, là chị, nhưng lắm lúc phải là bạn, là nghệ sĩ, bác sĩ... Không những lương thấp mà áp lực trách nhiệm đổ lên đầu các cô rất lớn nếu để xảy ra một sơ suất nhỏ với cháu bé.

Chị Nga tâm sự: Đã có trường hợp cô giáo đang lau nhà, trẻ lao đến nên cô phát nhẹ vào chân. Trẻ khóc và mách mẹ bị cô giáo đánh. Gia đình đã đến tận trường, mắng nhiếc cô giáo bằng những lời lẽ không mấy hay ho: “Cô chỉ là ôsin cho con tôi. Nhận tiền để trông trẻ thì phải trông cho tử tế”. Công việc nặng nề nhưng thu nhập chỉ 1,4- 1,6 triệu đồng/tháng, làm sao đủ sống? Vì thế đã có nhiều bạn bè cô Nga bỏ nghề, học lại ngành khác.

Trên đây không chỉ là tâm sự của cô giáo Thanh Nga mà còn của rất nhiều giáo viên mầm non, nhất là những người mới vào nghề. Trả lời báo chí trước đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, riêng ở TP này, hiện đã có gần 300 giáo viên mầm non nghỉ việc hoặc chuyển qua môi trường làm việc mới. Trong khi đó, số lượng trẻ đến trường tại TP Hồ Chí Minh tăng bình quân khoảng 4.000 trẻ/năm. Điều này chứng tỏ nhu cầu giáo viên mầm non rất lớn. Vậy mà đội ngũ giáo viên bỏ việc lại rất nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập thấp trong khi họ phải làm việc vất vả có khi từ 10- 12 tiếng/ngày.

Chính vì vậy, ngày 15/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã kí quyết định 127 về việc trợ cấp 270.000 đồng/người/quý đối với cán bộ công chức lương thấp, trong đó có giáo viên mầm non biên chế và hợp đồng theo quyết định 161/2002. Cách trả trợ cấp này sẽ theo kì lương 3 tháng và có hiệu lực từ 1/10. Trợ cấp khó khăn được trả cùng kì lương hàng tháng và không dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp khó khăn được đảm bảo từ ngân sách nhà nước và nguồn thu hợp pháp của cơ quan.

Ngày 21/9, trao đổi qua điện thoại với bà Ngô Thị Hợp, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT), hiện bà vẫn chưa được biết về quyết định 127. Tuy nhiên, nếu các đối tượng giáo viên mầm non theo quyết định 161/2002 đều được hưởng trợ cấp thì đời sống của họ, đặc biệt đối tượng hợp đồng, có bậc, ngạch lương thấp sẽ được cải thiện một phần.

Đối tượng lương thấp, có đời sống khó khăn được hưởng trợ cấp khó khăn theo quyết định 127 là những người có hệ số lương (lương chức vụ hoặc lương theo ngạch, bậc hiện hưởng) từ 3,0 trở xuống, gồm:

- Công chức viên chức biên chế hưởng lương ngân sách và nguồn thu sự nghiệp;
- Cán bộ chuyên trách và công chức xã phường;
- Giáo viên mầm non biên chế và hợp đồng theo quyết định 161/2002;
- Quân nhân, công nhân viên chức hưởng lương ngân sách thuộc Quân đội nhân dân VN;
- Hạ sĩ quan, công nhân viên hưởng lương ngân sách thuộc Công an nhân dân VN...

Theo Giadinh.net