Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo dục mầm non tư thục khu vực ngoại thành: Mạnh ai nấy làm!


Việc ra đời hàng loạt các trường, nhóm lớp mầm non tư thục đã có một vai trò rất quan trọng trong việc xã hội hoá giáo dục, tạo điều kiện cho trẻ đến trường. Tuy nhiên, trong công tác quản lý hiện nay giáo dục mầm non tư thục khu vực ngoại thành Hà Nội chưa bắt kịp với tốc độ ra đời của các trường tư thục nên đang lâm vào tình cảnh: Mạnh ai nấy làm!

Theo thống kê mới nhất, hiện nay khu vực Hà Tây (cũ) có 4 trường mầm non và 473 nhóm, lớp tư thục với 8841 cháu được gửi.

Trăm bề thiếu thốn
Trong vai phụ huynh đi tìm chỗ học cho con, chúng tôi đã có dịp "mục sở thị" một số cơ sở MN ngoài công lập ngoại thành. Đặc điểm chung của các cơ sở này là thiếu thốn về cơ sở vật chất, giáo viên vừa yếu lẫn vừa thiếu. Qua khảo sát thực tế cho thấy, hệ thống giáo dục mầm non tư thục ngoại thành đều hoạt động dưới hình thức là nhóm trẻ gia đình và lớp mẫu giáo tư nhân. Loại hình này phát triển mạnh, ở đâu có nhu cầu, ở đó có nhóm trẻ. Sở dĩ loại hình này phát triển mạnh là do có cơ chế hoạt động “linh hoạt”, có thể hình thành, hoạt động theo thời vụ. Chính vì vậy công tác quản lý đối với mầm non tư thục khu vực ngoại thành đang gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như việc quản lý dân cư trên địa bàn hành chính và cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình là do Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm, nhưng trong thực tế ở nhiều địa phương các cở sở mầm non tư thục đều đang hoạt động dưới cơ chế “thả nổi”. Trong khi đó, Phòng GD-ĐT các huyện, thành phố chỉ chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo chuyên môn đối với các cơ sở mầm non tư thục khi đã đủ điều kiện tối thiểu và được cấp giấy phép hoạt động. Thế nên mới nảy sinh hiện tượng các cơ sở lớn thì được quản lý, còn cơ sở nhỏ, nhóm trẻ gia đình “đông như kiến” thì mạnh ai lấy làm, xã không quản lý và Phòng GD-ĐT không với tới…

Một nghịch lý đang tồn tại ngay từ quan niệm của đa số người dân đối với việc chăm sóc trẻ lứa tuổi mầm non, đó là công việc này ai cũng làm được vì phụ nữ nào cũng từng chăm sóc con cái mình. Điều này khiến cho các điểm trông trẻ tư nhân mọc lên như nấm, hiện loại hình này giúp trông, giữ hơn 8.000 trẻ. Nhưng trong thực tế đội ngũ giáo viên mầm non tư thục hiện rất thiếu và không đáp ứng được chất lượng. Cơ sở MN tư thục HS nằm ngay giữa trung tâm khu đô thị Văn Quán (Hà Đông) nhận nuôi giữ hơn 70 cháu. Cũng như hầu hết các cơ sở MN ngoài công lập, cơ sở này luôn trong tình trạng bị động về đội ngũ giáo viên. Có nhiều cô ký hợp đồng được 1-2 tháng là nghỉ thế là cơ sở lại phải tuyển giáo viên mới. Mặc dù nuôi giữ gần 100 trẻ nhưng Trường MN nằm trong khu Ao Sen, Hà Đông diện tích của mỗi phòng học chỉ khoảng 14 - 16m2, trung bình mỗi bé được 0,5m2 để chơi, ăn và ngủ. Phòng chật, sân chơi mi ni nên các bé chỉ biết đứng, ngồi hoặc nằm, quẩn quanh trong khuôn viên học tập, vui chơi chỉ rộng hơn nhà ở tý chút. Các cơ sở MN ở trung tâm thành phố Hà Đông đã vậy, nhưng khi đến thăm các cơ sở khu vực nông thôn mới thấy hết cảnh thiếu thốn đủ bề. Ở cơ sở trông, giữ trẻ xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ là một “điển hình”. Cô và trò ở đây được “thừa hưởng” cơ ngơi làm việc của HTX cũ - ngôi nhà cấp bốn được xây dựng từ những năm 1960, chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng. Khi chúng tối đến, một màn khói đặc quánh bao quanh khắp phòng học của trẻ. Hỏi ra mới biết, cô nuôi đang nấu cơm cho các cháu bằng thứ lá vụn, chưa kịp khô mới thu lượm được. Chỗ vui chơi, học tập đã khó khăn là vậy thì lấy đâu ra đồ chơi cho trẻ. Tất cả những thứ được gọi là đồ chơi của bé các cô đem cất cả vào lưng bao tải dứa để trên kệ cao, chỉ khi chúng tôi có nhu cầu chụp ảnh trẻ các cô mới “đổ ra” thứ đồ chơi nhìn giống hệt phế liệu mà các chị buôn đồng nát mua được... Chính những yếu tố này đã khiến cho nhóm trẻ em mầm non tư thục phải chịu nhiều thiệt thòi khi phải đối mặt trước nguy cơ tổn hại về thể chất cũng như tâm lý do chăm sóc không đúng cách. Những nguyên nhân trên cũng do cả chủ quan và khách quan, nhưng trong đó không ít các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý giáo dục chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của giáo dục mầm non, chưa thấy rõ quyền của trẻ em nên tỷ lệ đầu tư cho giáo dục mầm non ở nhiều địa phương rất thấp.

Khó khăn đến đâu - đổ lên đầu trẻ đến đó!
Qua tìm hiểu của chúng tôi, lương giáo viên ở các cơ sở MN ngoài công lập tương đối thấp, nhiều nơi giáo viên làm việc 12 giờ/ngày nhưng chỉ nhận lương 600.000 đồng/tháng. Ở khu vực gần trung tâm thành phố thì các cô cũng đang hưởng mức lương từ 800.000 đến 1,3 triệu đồng/tháng. Lương thấp là một nguyên nhân khiến giáo viên không chú tâm đến việc chăm sóc cháu và cũng sẽ thường xuyên bỏ việc. Thiếu người bắt buộc chủ trường, cơ sở phải tuyển giáo viên, nên tất yếu sẽ có những người chưa qua đào tạo được nhận vào làm. Không qua đào tạo thì sẽ không biết cách chăm sóc, khi cháu gặp sự cố sẽ không biết xử lý... Như vậy, những khó khăn của các cơ sở MN tư thục sẽ không phải do chủ cơ sở, trường "gánh" mà tất cả đều đổ lên đầu các cháu", bà Trần Thị Dung - Phó Trưởng phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT Hà Nội phân tích. Còn cứ theo cách lý giải của bà N.Hạnh, chủ một cơ sở MN tư thục trên địa bàn Hà Đông thừa nhận thì... thật khó lý giải: "Dù gì thì MN tư thục cũng là một loại hình kinh doanh, vấn đề đầu tiên nghĩ đến là lợi nhuận. Trong khi các tường công lập được Nhà nước hỗ trợ về cơ sở vật chất, tiền lương cho giáo viên thì chúng tôi phải tự túc tất cả. Nên việc cắt giảm tiền ăn hay việc chưa thể đầu tư cơ sở vật chất cho các cháu cũng là điều dễ hiểu thôi mà...”.

Để thoát ra khỏi vòng tròn luẩn quẩn này cần phải có sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành. Đó là chỉ khi các cấp chính quyền (chứ không phải chỉ riêng ngành Giáo dục) thay đổi chủ trương, hỗ trợ mạnh mẽ và thiết thực cho hệ thống giáo dục mầm non. Trước mắt để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân khu vực ngoại thành, Sở GD-ĐT đã tham mưu với UBND thành phố chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường đầu tư, mở rộng thêm nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ở các trường mầm non bán công. Đồng thời yêu cầu các trường mầm non công lập hoặc bán công nằm trên địa bàn nơi có lớp mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình hoạt động phải thường xuyên hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện của các cơ sở mầm non về chăm sóc, nuôi dạy trẻ theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT ban hành. Ngoài ra, Phòng GD-ĐT và chính quyền địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền đối với các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non để họ có những hiểu biết đầy đủ về việc nuôi dạy trẻ đúng cách và cần phải tìm hiểu kỹ các cơ sở mầm non khi có quyết định gửi con…

Theo Hà Nội Mới