Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đừng “mua” cô giáo mầm non


Các cháu cần được dạy dỗ bằng tình yêu thương của người giáo viên. Ảnh: C.H
Thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh có con đi mẫu giáo vẫn có suy nghĩ cần “bồi dưỡng riêng” cho các cô đứng lớp nếu muốn các cô quan tâm đến con mình nhiều hơn. Nhưng các cô nghĩ gì về những món quà này? Liệu quà cáp, biếu xén có thể giải quyết vấn đề?

Ai cũng muốn con mình được “yêu”
- Con thưa cô, bạn Đỗ Bảo đánh con.
- Đỗ Bảo, sao con lại đánh bạn?
- Tại bạn cứ bắt con phải xin lỗi. Con đâu có làm gì bạn...

11 năm trong nghề giáo viên mầm non, cô Hồng đã quá quen với việc giải quyết những vụ “kiện tụng” như thế. Lớp mẫu giáo lớn A2 - Trường mầm non Tuổi Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) mà cô Hồng đang dạy có 67 cháu. Hàng ngày, cô cùng với 2 giáo viên nữa phải đảm đương toàn bộ việc chăm sóc, dạy dỗ các cháu.

Các bậc phụ huynh cũng biết điều này. Họ lo lắng. Một phụ huynh tâm sự: “Đến trường thì chỉ biết nhờ cô, mà từng ấy cháu thì làm sao mà lo xuể. Đi mẫu giáo về thấy con cứ gầy. Nhưng bé lười ăn, không chịu ăn thì các cô cũng đành chịu. Lớp đông như thế làm sao cô có thể bón cơm cho từng cháu được”?.

Ai cũng muốn con mình được các cô quan tâm chăm sóc nhiều hơn. “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, nhiều người đã tìm cách thể hiện cái “yêu” này bằng những khoản tiền bồi dưỡng riêng cho các cô. Nhiều người cho biết, hàng tháng vẫn biếu riêng cô “năm chục, một trăm”. Từ đó, không ít bậc phụ huynh có suy nghĩ: Nếu muốn con mình được các cô quan tâm hơn thì nhất thiết phải biết “bồi dưỡng” cho giáo viên đứng lớp, nếu không “bồi dưỡng riêng” cho cô, con mình sẽ không được các cô quan tâm, thậm chí bị phân biệt đối xử.

Theo chị Võ Thị Thuỷ ở Khâm Thiên, Hà Nội, có con đang học tại một lớp mẫu giáo lớn, việc cô giáo yêu cháu này hơn, quý cháu kia hơn, hoàn toàn là tình cảm tự nhiên của con người, không thể nhờ các món quà cáp của bố mẹ. Một phụ huynh xin được giấu tên cho biết, chị có hai cháu cùng gửi tại một trường mẫu giáo. Đứa lớn, 5 tuổi, trước đây đã từng bồi dưỡng cho cô hàng tháng vì cháu bị chậm nói. Mặc dầu vậy, nhưng sau đó cháu vẫn chẳng tiến bộ gì nhiều. Đến đứa thứ hai, vẫn học lớp cô giáo đó, chị không bồi dưỡng gì cả mà cháu vẫn rất được cô yêu quý.

Cô Tố Quyên, chủ nhiệm lớp mẫu giáo lớn A2, Trường mầm non Tuổi Hoa nói: “Một lớp có hàng chục cháu, mỗi cháu một tính, mỗi cháu một nết. Có thể có chuyện cô quý cháu này hơn, quan tâm đến cháu kia hơn, nhưng đó không thể xuất phát từ những bồi dưỡng riêng của bố mẹ các cháu. Có thể ở chỗ này, chỗ kia xảy ra những tiêu cực, nhưng đó chỉ là trường hợp cá biệt. Chúng tôi cũng muốn có một thu nhập tương xứng với trách nhiệm và lao động của mình, tất nhiên đó không phải là các khoản bồi dưỡng riêng”.

Các cô cũng cần được “yêu”
Chị Hồng, một giáo viên mầm non đã vào biên chế từ năm 1997, nhưng đến nay thu nhập hàng tháng chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng. Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên thì chị vẫn may mắn vì đã được vào biên chế. Nhiều người ở ngoại tỉnh, có dạy đến 5 - 7 năm vẫn chỉ là hợp đồng, lương 800.000 – 900.000 đồng/tháng. Với mức lương như vậy, cộng với trách nhiệm công việc lớn, nhiều người đã bỏ nghề, tìm đến công việc khác.

Cùng làm trong nghề, chị Thuỷ (giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội) rất thấu hiểu và thông cảm cho các cô giáo mầm non. Chị cho rằng: “Gốc của vấn đề là chế độ và trách nhiệm chưa tương xứng. Các cô giáo mầm non có trách nhiệm rất cao, nhưng lương lại thấp. Mầm non là giai đoạn quan trọng cho việc hình thành nhân cách của trẻ. Trẻ học nói, học hát, học ứng xử. Một người mẹ chăm một đứa con đã mệt nhoài ra rồi. Trong khi đó chỉ 2 - 3 cô chăm sóc đến 30 - 40 cháu, có trường đến 60 - 70 cháu mà chế độ lương bổng lại thấp, có cô chỉ được 1 - 2 triệu đồng/tháng. Các cô không ai muốn làm việc bất minh. Vấn đề gốc rễ, Nhà nước cần cải thiện chế độ lương bổng cho các cô”.

Trên diễn đàn Mamnon, một giáo viên tâm sự: “Giáo viên mầm non trong thời buổi hiện nay quả thực là đang bị thiếu tôn trọng. Tôi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm mẫu giáo Trung ương I, là một ngôi trường có tiếng, mang trong mình bao nhiêu niềm say mê, nhiệt huyết. Vậy mà sự thật khi ra nghề thì không thể tưởng tượng nổi. Tôi nhận 500.000 đồng tiền lương mỗi tháng đã 5 năm nay rồi. Vậy chúng tôi sẽ sống ra sao? Phải chăng lựa chọn theo nghề này là sai lầm của chúng tôi?”.

Bà Nguyễn Thị Hà - Phó hiệu trưởng Trường mầm non bán công Việt Bun (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội): Đây là vấn đề khó xử lý
Trường tôi chưa có trường hợp nào liên quan đến vấn đề này nên khó có thể nói trước thế nào. Tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm và rất tế nhị nên rất khó can thiệp. Chẳng hạn, trường hợp gia đình biếu cô giáo ít quà nhân ngày lễ nọ kia vì tấm lòng và yêu quý các cô dưới góc độ cá nhân, trường cũng khó có thể xử lý. Còn trường hợp cô có biểu hiện vòi tiền gia đình học sinh, nếu phát hiện ra, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà nhà trường có cách xử lý.

Bà Ngô Thị Hợp - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non - Bộ GD&ĐT: Nếu bồi dưỡng vì yêu quý thực sự thì không can thiệp được
Việc phụ huynh biếu tiền giáo viên mầm non, theo tôi, nếu hành động đó do họ thực sự yêu quý giáo viên, có tấm lòng chân thành, thông cảm với đời sống giáo viên và đưa tiền dưới góc độ tình cảm thì không thể can thiệp, do đây đã là phạm trù cá nhân. Trừ phi cô giáo có hành động vòi vĩnh, đòi hỏi gia đình và phân biệt đối xử với các cháu theo giàu - nghèo, chúng tôi kiên quyết xử lý. Theo quy định về giáo viên mầm non, trường hợp vi phạm nặng sẽ bị cảnh cáo. Nếu giáo viên vi phạm nghiêm trọng, tuỳ từng trường hợp để đưa ra xử lý trước pháp luật. Việc các hiệu trưởng phản ứng trước tình trạng giáo viên nhận tiền bồi dưỡng cũng có lý, bởi trường đã thu các khoản theo đúng quy định chi tiêu của Nhà nước, nên giáo viên nhận riêng tiền sẽ gây mất uy tín nhà trường.

Bà Trần Thị Minh Hải - Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Minh Hải (quận Đống Đa, Hà Nội): Cô giáo nhận tiền “ngoài” sẽ bị thôi việc
Tôi không tán thành việc phụ huynh bồi dưỡng cho giáo viên ngoài các khoản đóng góp của nhà trường. Điều này vô hình trung tạo cho giáo viên sự trông chờ, đòi hỏi vật chất và không công bằng trong đối xử với trẻ. Nếu lần đầu phụ huynh đưa 50.000 đồng, lần sau giáo viên sẽ có tâm lý chờ đợi được bồi dưỡng nhiều hơn. Vả lại không hẳn gia đình nào cũng có điều kiện để bồi dưỡng thêm cho giáo viên. Phụ huynh nào đưa ít tiền, cô giáo sẽ có so sánh với những phụ huynh đưa nhiều để đối xử với con trẻ của hai gia đình đó.

Nếu nói vì lương giáo viên mầm non thấp, chúng ta cũng nên nhìn lại. Cử nhân mới ra trường cũng chỉ lương bậc 1 với hơn 1 triệu đồng, nếu đó là cơ quan hành chính sự nghiệp, không có khoản thu nhập thêm. Vậy tại sao lại cho rằng vì thu nhập thấp nên phải nhận thêm tiền? Như thế là phi đạo đức trong nhà trường.

Chúng tôi vẫn thường khuyên các chị em ở đây, nhận thêm tiền của phụ huynh, giáo viên được rất ít nhưng lại mất rất nhiều: Mất uy tín, lương tâm nhà giáo. Trường nào để giáo viên lén lút nhận thêm tiền, một phần trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng, bởi người quản lý đã không kiên quyết ngay từ đầu. Vì vậy, ở trường tôi, nếu có phụ huynh nào phản ảnh về tình trạng này, chúng tôi kiên quyết cho thôi việc.

Tranh luận về tiền bồi dưỡng riêng cho giáo viên mầm non

Trên diễn đàn Webtretho – nơi các bà mẹ trao đổi kiến thức, kinh nghiệm dạy dỗ, chăm sóc trẻ nhỏ, chủ đề: “Phí bồi dưỡng cho giáo viên” thu hút hàng trăm ý kiến tham gia.

Một bà mẹ có nickname Live to love kể: “Cứ tháng nào mà chậm một tý là thái độ của cô với con em khác liền. Ví dụ thế này nhé: tháng 1, tháng 2 em bận việc và quên hẳn việc bồi dưỡng. Hai tháng đó em thật sự mệt mỏi vì sáng nào trước khi ra khỏi giường, câu đầu tiên cu Bomb nhà em nói là: “Con không đi học đâu, cho con đến nhà bà ngoại ...”. Tất nhiên là em lại phải “đấu tranh” một lúc để cu cậu đi học dù mắt vẫn rơm rớm nước. Cho đến tháng 3, em lại tiếp tục bồi dưỡng cho cô thì con em trước khi đi học bao giờ cũng rất phấn khởi, huyên thuyên đủ thứ như: “Con sẽ ăn 5 bát cơm, ăn hết phần của các bạn...””.

Còn thành viên hnm phát biểu: “Mình mới xin cho Huệ Anh đi học, được cô giáo “đỡ đầu” chỉ bảo thế này: Ngày đầu đưa con đến trường, đưa phong bì cho cô chủ nhiệm của lớp. Lớp có 3 cô thì đưa 3 phong bì. Ở trường khác không biết, nhưng trường con mình học, tiền đưa ít nhất là 50.000 đồng, nhiều nhất là 100.000 đồng cho 1 phong bì. 1 - 2 tháng đưa một lần”.

Nhưng không phải ai cũng đồng tình với ý kiến trên. Nhiều người tỏ ra thực sự thấu hiểu và cảm thông với những khó khăn, vất vả của các cô giáo mầm non. Thành viên có nickname Xongxenh nói: “Mình thấy phần lớn lương của các cô giáo mầm non rất thấp, nên thỉnh thoảng biếu các cô một chút gọi là lời cảm ơn đến các cô thì cũng hợp lý thôi. Chỉ cần nghĩ mỗi buổi tối về chăm riêng con của mình đã mệt phờ thì các cô khi đứng lớp chăm các cháu cả ngày vất vả như thế nào? Mình từng chứng kiến cảnh sau khi cho các cháu ăn sáng, cô giáo của con mình lấy một loạt thuốc của bố mẹ các cháu gửi, đọc hướng dẫn rồi gọi từng cháu một đứng để cô nhỏ mũi, nhỏ mắt, uống vitamin, ăn đồ ăn của gia đình gửi thêm... Có cháu thì chịu hợp tác, nhưng có cháu thì khóc và giãy giụa, thế là lại một cô nữa phải chạy tới giữ giúp. Mình thực sự khâm phục các cô nên tuy đôi lúc cũng chưa hài lòng lắm về vài vấn đề nhưng mình nghĩ cũng nên thông cảm cho các cô”.

Còn đa số các ý kiến thì cho rằng, vào những ngày lễ tết như: 8/3, 20/11... nên tặng cô những món quà có ý nghĩa. Đó là thể hiện sự quan tâm của mình tới các cô. Nên có sự thấu hiểu và trân trọng thực sự với những khó khăn trong công việc của các cô. Không nên quà cáp để các cô chiều con mình hơn.

Theo Giadinh.net