Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dự thảo giáo dục trẻ 5-6 tuổi: 'Chuẩn' có hợp chương trình?


Khi đưa ra kế hoạch chi tiết về việc giáo dục lễ giáo cho trẻ trong các trường mầm non bắt đầu từ năm học này, lãnh đạo Sở GD&ĐT nhận định: Việc giáo dục lễ giáo trong các trường mầm non ở Hà Nội không phải bây giờ mới được bàn tới mà các trường đã triển khai trong nhiều năm qua theo các chuyên đề của Bộ GD&ĐT.

Hơn nữa, trong các cuộc vận động như "Xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch"... giáo dục đạo đức, xây dựng nếp sống văn minh cũng đã đan xen ở đó. Nhưng mọi chuyện mới chỉ dừng lại ở nhắc nhở trẻ phải làm theo yêu cầu của bài dạy, kết quả không được như mong muốn. Thế nên chương trình lần này được triển khai mạnh và cụ thể, mong giúp trẻ hiểu và thấm nhuần hơn lễ giáo và đạo đức thuở ban đầu. Đây cũng là một hoạt động của ngành giáo dục hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thực tế từ các trường cho thấy, giáo dục lễ giáo cho trẻ thường được thực hiện bằng cách cho trẻ xem tranh tuyên truyền, tổ chức hội thi "Ngôi nhà tuổi thơ" có giáo viên, cha mẹ và trẻ cùng tham gia thi. Trường nào linh hoạt hơn thì tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống để khơi dậy lòng nhân ái trong trẻ. Tuy nhiên, do tác động ngoại cảnh nên đạo đức của một số giáo viên, học sinh cũng bị sa sút. Và hình như do trẻ ở thành phố được nuông chiều và đáp ứng mọi thứ theo nhu cầu nên có những biểu hiện không đúng trong lễ giáo với mọi người trong gia đình và bạn bè.

Theo nhận định của nhiều giáo viên, do lớp có số lượng trẻ quá đông, số giáo viên trong một lớp cũng chưa đủ theo quy định nên việc uốn nắn hành vi, cử chỉ cho từng trẻ cũng là vấn đề khó khăn. Điều kiện cơ sở vật chất để dạy trẻ thực hành hành vi lễ giáo, liên hệ thực tế cũng còn nhiều khiếm khuyết nên việc giáo dục chỉ dừng ở cung cấp kiến thức. Nội dung giáo dục lễ giáo trong chương trình chăm sóc,giáo dục trẻ mầm non cũng nặng về lý thuyết, thiếu thực hành kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống. Việc đánh giá trẻ về hành vi lễ giáo cũng thường dựa vào kiến thức của trẻ, chưa chú ý đến hành vi của trẻ trong các tình huống.

Dựa trên những kiểm chứng thực tế, Sở GD&ĐT Hà Nội kỳ vọng kế hoạch đẩy mạnh giáo dục lễ giáo cho trẻ mầm non lần này sẽ tạo ra được bước đột phá. Hành trình giáo dục lễ giáo sẽ bắt đầu từ "động tác" cung cấp kiến thức và hình thành những cảm xúc, những rung động tình cảm để trên cơ sở đó hình thành những hành vi lễ giáo của trẻ. Ví như với bản thân, trẻ biết tên mình, vị trí của mình ở trường, ở nhà, biết cách đi, đứng, ngồi lịch sự, yêu thương, quý mến những người thân. Rồi biết thưa gửi, vâng dạ, không nói trống không, không nói leo, xưng hô thân mật... Giáo viên sẽ dùng lời giải thích, trò chuyện với trẻ, dùng câu chuyện kể, cho trẻ xem tranh và nhận xét nội dung tranh, giáo dục lễ giáo cho trẻ thông qua các trò chơi... Ở đó, trẻ là chủ thể tích cực hoạt động, trò chuyện, giao tiếp, thể hiện tự lực, tự tin, tự nguyện, thể hiện cảm xúc, tình cảm, nhận thức và các mối quan hệ và như vậy thông qua hoạt động chơi, trẻ được rèn tính cách, hành vi ứng xử... Trong trường mầm non không có giờ dạy đạo đức riêng, mà thông qua sử dụng hình thức tích hợp với nội dung bài dạy của các lĩnh vực để hướng trẻ tới cảm xúc, tình cảm, hành vi lễ giáo.

Sở sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục lễ giáo cho trẻ mầm non. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động trong nhà trường về nâng cao chất lượng và đạo đức nhà giáo, học sinh, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, văn minh, thanh lịch trong các trường mầm non. Ấy cũng là một góc quan trọng để có một Hà Nội thực sự văn minh, thanh lịch.

Theo NVM