Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trường mầm non nhận trẻ từ 8 giờ: Không khả thi


Đến bao giờ công sức của giáo viên mầm non được tính đúng, tính đủ?
Xung quanh vấn đề chi trả phụ trội cho giáo viên mầm non, Giáo Dục TP.HCM đã có bài phản ánh: "150 ngàn trẻ mầm non sẽ phải đi học muộn" (số 627, ngày 11-2). Sau khi báo phản ánh không chỉ phụ huynh kêu trời mà nhiều hiệu trưởng trường mầm non cũng cho rằng việc nhận trẻ lúc 8 giờ sẽ không khả thi...

Hãy đứng vào vị trí của phụ huynh
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn thành phố có nhiều trường nhận trẻ rất sớm. Thậm chí Trường Mầm non Tuổi Ngọc, Q.8 còn nhận trẻ từ lúc 6 giờ 30 phút. Bà Hoàng Thị Lan - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Khoảng 6 giờ 30, các giáo viên đã có mặt ở trường để làm vệ sinh phòng học. Thấy bảo vệ mở cổng là phụ huynh, phần lớn là những phụ huynh đi làm xa đưa trẻ vào lớp. Mặc dù chưa đến giờ nhận trẻ nhưng giáo viên vẫn phải đón các bé. Tôi nghĩ không chỉ Trường Tuổi Ngọc mà các trường mầm non khác cũng sẽ làm như vậy, không giáo viên nào đành lòng để phụ huynh và trẻ đứng ngoài cổng...".

"Nếu 8 giờ mới nhận trẻ thì trước 8 giờ, các trường tổ chức ăn sáng, trẻ nào ăn thì tới sớm. Vì vậy ngoài tiền ăn, nhà trường có thể thỏa thuận với phụ huynh thu thêm tiền phục vụ", bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Phó phòng GD-ĐT Q.3 đề xuất.

Về vấn đề tổ chức ăn sáng, từ nhiều năm nay các trường mầm non đã thực hiện. Vì đây là dịch vụ nên ngoài tiền ăn, nhà trường còn thu thêm tiền phục vụ. Chẳng hạn như Trường Mầm non 12 (Q.Tân Bình) thu tiền ăn sáng là 6 ngàn đồng/cháu, trong đó tiền ăn 4 ngàn đồng, tiền phục vụ 2 ngàn đồng. Còn ở Trường Mầm non Bến Thành, Q.1 thu 5 ngàn đồng, 50% chi cho tiền ăn và 50% tiền công phục vụ...

"Nếu 8 giờ mới nhận trẻ thì những trẻ tới trước phải đóng thêm một khoản tiền nữa ư? Hiện nay chúng tôi nhận giữ trẻ từ 5 giờ 30 đến 6 giờ 30 chiều, những phụ huynh kẹt công việc có thể đăng ký gửi con. Tiền giữ là 10 ngàn đồng/lần, tiền ăn: 12 ngàn đồng, tiền tắm rửa: 12 ngàn đồng. Phụ huynh có thể đăng ký 1, 2 hoặc cả 3 dịch vụ. Mở dịch vụ buổi chiều thì dễ rồi vì lúc đó các cơ quan nhà nước đã hết giờ làm nhưng nếu là buổi sáng (từ 7 giờ đến 8 giờ) thì rất kẹt cho phụ huynh, dù sao đó cũng là giờ làm hành chính. Trong khi lương của các cán bộ, công chức nhà nước không tăng, nếu bây giờ nhà trường lại thu thêm 10 ngàn đồng/ngày nữa (khoảng 250 ngàn đồng/tháng) thì không phải phụ huynh nào cũng có tiền để đóng. Chúng ta hãy đứng vào vị trí của phụ huynh để thấy rằng việc nhận trẻ từ 8 giờ là không khả thi", bà Tôn Nữ Thị Kim Anh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bến Thành có ý kiến.

Nhà nước lo thì tốt hơn!
"Khi nghe thông tin giáo viên mầm non sẽ được hỗ trợ tiền phụ trội, các cô rất vui mừng. Dẫu rằng số tiền đó là không nhiều, chỉ khoảng 2 triệu đồng/năm (nếu tính 200 giờ) hoặc gần 4 triệu đồng/năm (nếu tính 396 giờ)", bà Trần Thị Hoàng Mai - Phó phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ cho biết.

Đúng, đó là số tiền không nhiều, nếu không muốn nói là quá ít ỏi. Tính ra mỗi tháng mỗi giáo viên chỉ được nhận hơn 180 ngàn đồng (nếu tính 200 giờ) hoặc 360 ngàn đồng (nếu tính 396 giờ). "Giáo viên mầm non có sức chịu đựng cao, bao nhiêu năm qua chúng tôi vẫn dạy không ăn lương 396 giờ/năm mà không đòi hỏi gì. Nay có thêm được gần 2 trăm ngàn đồng/tháng (tương đương 200 giờ/năm) cũng cảm thấy vui rồi. Tiền cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là chúng tôi nhận được sự quan tâm của xã hội, xã hội đã thừa nhận sự hy sinh của giáo viên mầm non. Nhưng dù sao tính đủ 396 giờ/năm thì vẫn tốt hơn...", bà Lan - Trường Tuổi Ngọc tâm sự.

"Có những phụ huynh không có nghề nghiệp ổn định mà chạy xe ôm hay sửa vá xe, chỉ những khoản thu theo quy định mà họ đã kêu trời. Giờ phải đóng thêm chắc họ cho con ở nhà. Theo tôi tốt nhất là để ngân sách nhà nước lo, dù sao tiền của nhà nước cũng là tiền do dân đóng góp", bà Kim Anh - Trường Bến Thành đề xuất.

Tính đủ thì không khó nhưng tính theo kiểu ngân sách trả một phần (200 giờ), phụ huynh trả một (196 giờ) thì thật là khó cho phụ huynh và cũng khó cho các trường. "Không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện để đóng góp, có nhiều phụ huynh nghèo không có tiền đóng học phí, nhà trường còn phải miễn giảm. Nhiều phụ huynh nợ tiền ăn của trẻ, cho cháu ăn ở trường cả tháng rồi mà vẫn chưa đóng đồng nào. Bây giờ kêu phụ huynh đóng thêm thì rất khó khăn", bà Ngô Ánh Thơm - Hiệu trưởng Trường Mầm non 12, Q.Tân Bình phân tích.

Không chỉ các trường ở ngoại thành, quận ven mà ngay cả những trường ở trung tâm như Q.1 cũng khó khăn trong việc thu thêm tiền.

Từ thực tế trên cho thấy, giáo viên mầm non đã không đòi hỏi gì dẫu rằng đó là số tiền mà các cô đáng được hưởng. Lẽ nào chỉ vì "cái" Thông tư 50 của Liên Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT (mỗi giáo viên không được dạy thêm quá 200 giờ/năm) mà UBND TP.HCM và các ban ngành liên quan không thể chi trả đúng với công sức mà giáo viên mầm non đã bỏ ra?

Theo Báo Giáo Dục