Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

'Khát' giáo viên mầm non


Tin từ Vụ GD Mầm non của Bộ GD-ĐT, trẻ mầm non (MN) đến trường ngày một tăng cao, nhưng chỉ tiêu đào tạo giáo viên cấp này lúc nào cũng thiếu.

Ông Tạ Quang Lâm, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho biết, mỗi năm trường chỉ có khả năng đào tạo khoảng 100 SV, dù có tới trên dưới 2.000 thí sinh (TS) đăng ký thi; ĐH Sài Gòn, tuyển đào tạo 300 SV bậc ĐH, CĐ; CĐ Sư phạm mẫu giáo Trung ương TP HCM khoảng 380 chỉ tiêu.

Không lo thất nghiệp
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng MN Sở GD-ĐT TP HCM, với chừng ấy chỉ tiêu đào tạo, không thể làm dịu "cơn khát" giáo viên MN trên địa bàn hiện nay.

Nhu cầu lớn lớn nhưng giáo viên mầm non hiện rất thiếu.

Tại Bình Dương, ngành MN đang thiếu gần 600 giáo viên, nhưng mỗi năm CĐ Sư phạm tỉnh chỉ dành 150 - 300 chỉ tiêu đào tạo. Bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng phòng MN, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh có nhiều khu công nghiệp và người nhập cư đông, dân số tăng cơ học đã tăng từ 800.000 lên mức 1.500.000 người nên tỉnh luôn rộng cửa chờ đón giáo viên MN đến đây làm việc. Các địa phương khác như Kon Tum, Kiên Giang, Cao Bằng, Gia Lai, Đồng Nai... đều đang "khát" SV tốt nghiệp ngành MN sư phạm.

Chỉ tiêu đào tạo tại các trường sư phạm của những tỉnh này luôn ở mức 100 - 500 người, nhưng nhu cầu tuyển dụng lại gấp đôi, thập chí gấp 5 lần. Theo lãnh đạo các phòng giáo dục MN địa phương, dù kinh tế biến động, các ngành khác giảm nhân lực, nhưng giáo viên MN không bao giờ sợ thất nghiệp.

Điểm tựa cho giáo sinh
Theo ông Nguyễn Hữu Long, giảng viên trường CĐ Sư Phạm TƯ2, giáo viên MN là người nghệ sĩ đa năng vì vừa làm cô giáo, vừa kiêm bảo mẫu, vừa làm người bạn nghe hiểu trẻ, thậm chí trở thành một nghệ sĩ hát, múa, hay một y tá chăm sóc trẻ khi cần. Tuy nhiên, trên thực tế không phải thí sinh nào cũng hiểu hết ý nghĩa của nghề này, nên phải có đủ ý chí, niềm tin, đam mê và yêu trẻ mới có thể đến với nghề.

Ông Long cho rằng, đối với thí sinh đang có ý định thi vào ngành MN, việc giúp cho các em có cái nhìn đúng, chọn đúng nghề là điều hết sức quan trọng. Mặt khác, theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, các trường, khoa đào tạo ngành MN nên lắng nghe từ phía "nhà tuyển dụng" (Sở GD-ĐT, phòng giáo dục, các trường MN) để có phương pháp đào tạo phù hợp. Bà Thanh cho biết thêm, nên tăng đơn vị học trình cho các học phần, khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm, giảm bớt phần lý thuyết đại cương, để giáo sinh kiến tập từ năm nhất, tiếp xúc trường lớp, với trẻ sớm.

Theo các chuyên gia giáo dục, để thu hút thí sinh dự thi ngành sư phạm MN, yên tâm đeo đuổi nghề dạy trẻ, nhà nước cần duy trì chính sách miễn giảm học phí, cho vay. Ngành cần có những chính sách hỗ trợ như nâng phụ cấp, thường xuyên quan tâm, cải tiến điều kiện làm việc cho giáo viên để bức tranh u ám về đời sống giáo viên thôi không còn ám ảnh thí sinh muốn thi ngành sư phạm MN nữa.

Còn theo bà Lê Minh Hà, Vụ Trưởng Vụ giáo dục MN, để giải quyết nhu cầu giáo viên mầm non, các địa phương cần chủ động đề xuất tăng chỉ tiêu đào tạo hoặc phối hợp đào tạo chuyên tu, ngắn hạn.

TP HCM đang thiếu từ 5.000 - 7.000 giáo viên mầm non. Tại Cao Bằng, năm 2008 kế hoạch ngành cần tuyển 339 giáo viên, nhưng biên chế chỉ có 94 giáo viên nên không thể tổ chức cho trẻ học 2 buổi/ngày. Tính trên cả nước, tổng cộng có gần 234.000 giáo viên, cán bộ MN, nhưng nhiều tỉnh còn thiếu GV đạt chuẩn và trên chuẩn, như: Trà Vinh thiếu 22.4%, Hưng Yên 31.9%, Bình Phước 42.8%.

Theo Báo Đất Việt