Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sớm triển khai chương trình giáo dục mầm non mới


Sau "Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi", mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra thêm Dự thảo Chương trình giáo dục mầm non mới, có khả năng sẽ áp dụng ngay trong năm học 2009-2010.

Đây là căn cứ để triển khai và chỉ đạo công tác chăm sóc giáo dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, đồng thời là căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non, tăng cường cơ sở vật chất và đảm bảo các điều kiện khác để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Chương trình giáo dục mầm non nhằm hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những kỹ năng tiềm ẩn, chuẩn bị tốt cho trẻ vào học ở tiểu học và cho sự phát triển của trẻ trong các giai đoạn sau.

Theo dự thảo, nội dung chương trình giáo dục mầm mon mới sẽ có nhiều đổi mới, cả về chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy hướng đến phát triển toàn diện, liên tục của trẻ và đảm bảo sự đáp ứng đa dạng vùng miền và đối tượng trẻ.

Việc xây dựng và triển khai chương trình giáo dục mầm non mới theo hướng tích hợp các nội dung chăm sóc, giáo dục theo chủ điểm, tổ chức các hoạt động cho trẻ, đặc biệt các hoạt động vui chơi, phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.

Nội dung giáo dục được xây dựng theo theo độ tuổi: nhà trẻ (3 tháng tuổi đến 3 tuổi) và mẫu giáo (3-6 tuổi); và theo các lĩnh vực khác nhau như: giáo dục phát triển thể chất; giáo dục phát triển nhận thức; giáo dục phát triển ngôn ngữ; giáo dục phát triển tình cảm, xã hội; giáo dục phát triển thẩm mỹ, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.

Dự thảo mà Bộ đưa ra, bao gồm các phần rõ rệt: Mục tiêu, Kế hoạch thực hiện, Nội dung, Kết quả mong đợi, Các hoạt động giáo dục, hình thức và phương pháp giáo dục. Theo đó, dự thảo đưa ra những kết quả mong đợi rất cụ thể cho từng giai đoạn phát triển của trẻ, trong đó, kết quả mong đợi ở trẻ 5-6 tuổi đa phần trùng với Bộ chuẩn phát triển của trẻ 5 tuổi.

Đánh giá sự phát triển của trẻ là một nội dung đổi mới quan trọng, trong đó, trẻ được đánh giá qua nhiều phương pháp, với các tiêu chí hết sức cụ thể về tình trạng sức khỏe, thái độ, trạng thái cảm xúc và hành vi, khiến thức kỹ năng của trẻ.

Việc đánh giá có thể do giáo viên tiến hành để tổ chức và điểu chỉnh hoạt động chăm sóc - giáo dục phù hợp với trẻ; cũng có thể do các cấp quản lý giáo dục (Bộ, Sở, Phòng Giáo dục & Đào tạo và Ban giám hiệu nhà trường) tiến hành để giám sát, thanh tra việc thực hiện chương trình chăm sóc - giáo dục trẻ ở các nhà trẻ.

Chương trình Giáo dục mầm non bắt đầu được tiến hành xây dựng từ năm 2006, đã được thử nghiệm ở 20 tỉnh, thành phố trên cả nước với 40 trường mầm non. Bà Trần Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục mầm non (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), đơn vị tham gia soạn thảo Chương trình cho biết:

Qua 2 năm thí điểm cho thấy chương trình đã giúp phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của cả trẻ và giáo viên, được các địa phương hưởng ứng, mặc dù ban đầu còn nhiều lúng túng nhưng đến nay cơ bản đã xây dựng được kế hoạch thực hiện. Một trong các vấn đề quan trọng để thực hiện tốt chương trình là vấn đề chính sách với giáo viên mầm non, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, vốn là những vấn đề hiện còn nhiều hạn chế.

Bà Trâm cũng cho biết, trong quá trình xây dựng, trung tâm đã có sự phối hợp nghiên cứu vấn đề đào tạo giáo viên để đáp ứng chương trình. Các trường tham gia đào tạo giáo viên mầm non cũng đã có sự tiếp cận để đón đầu trong việc đào tạo, và đương nhiên trong những năm tới sẽ phải đẩy mạnh hơn nữa.

Theo bà Ngô Thị Hợp, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT chương trình đang trong quá trình thẩm định và sẽ cố gắng ban hành sớm để có thể áp dụng ngay trong năm học 2009-2010. Đây sẽ là một tín hiệu vui trong lĩnh vực giáo dục mầm non, bởi chưa bao giờ ngành học này được quan tâm như hiện nay.

Theo ANDT