Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục 2009 – 2020”:Cần làm lại lương cho giáo viên mầm non


Một đại biểu tại điểm cầu Cần Thơ cho rằng, đời sống của giáo viên mầm non hiện còn rất khổ, chưa được quan tâm nhiều, thời gian làm việc lớn nhưng lương thấp.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long, những ý kiến đóng góp của các nhà giáo trong buổi lấy ý kiến của các trường ĐH, CĐ về Dự thảo "Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2009- 2020" lần thứ 14 (do Bộ GD&ĐT tổ chức qua cầu truyền hình ngày 27/2) phần lớn đều xác đáng. Bộ GD&ĐT sẽ có điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.

Thiếu giải pháp thực hiện
Theo PGS.TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Kỹ thuật TPHCM, bản dự thảo chiến lược thiếu so sánh với các nền giáo dục khác để thấy chúng ta đang ở đâu, từ đó xây dựng từng mục tiêu cụ thể. "Chiến lược" là mục quan trọng nhất của dự thảo, tuy nhiên, ở đây chưa chỉ ra mục đích cụ thể rõ ràng. Dự thảo đã đưa ra 3 mục tiêu nhưng thực tế mục tiêu thứ ba chỉ là phương tiện, còn hai mục tiêu trước chỉ là nhóm chỉ số về số lượng và chất lượng giáo dục.

Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Hải Phòng cho rằng, một số chỉ tiêu đặt ra với giáo dục nghề nghiệp như: đến năm 2020, có trên 95% số học sinh tốt nghiệp (các trường dạy nghề - PV) được các doanh nghiệp và cơ quan sử dụng lao động đánh giá đáp ứng được các yêu cầu của công việc.

Trong khi đó, ở mục giáo dục ĐH, tỷ lệ sinh viên đáp ứng được nhu cầu trên phấn đấu đến năm 2020 là khoảng 80%. Như thế, học nghề hơn ĐH là chưa phù hợp. Một số chỉ tiêu dự thảo đưa ra như: đến năm 2020, 80% số thanh niên tốt nghiệp THPT; năm 2010, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống 10%; thu hút khoảng 15.000 sinh viên nước ngoài tới học tại Việt Nam... nhưng trong mục giải pháp lại không đề cập tới sẽ lấy cơ sở vật chất, con người nào để thực hiện. Theo ý kiến của đại biểu này, để thực hiện được điều đó, cần một loạt các giải pháp như mở rộng, giao lưu...Vì thế, riêng trong đầu mục này, dự thảo đã không đáp ứng được yêu cầu.

Về giải pháp thực hiện, nhiều đại biểu cho biết bản dự thảo chỉ mới đưa ra các giải pháp chung chung, chưa cụ thể. Về điều này, PGS.TS Thái Bá Cần chỉ ra, ngay trong giải pháp đột phá đầu tiên là đổi mới phương pháp quản lý không thấy liên kết với mục tiêu. Điều này chứng tỏ mục tiêu của chiến lược chưa đủ.



Hiện đời sống của giáo viên mầm non còn khó khăn, thời gian làm việc lớn nhưng lương thấp (Ảnh: C.H)

Đời sống giáo viên mầm non còn rất khổ
Ông Nguyễn Văn Lê, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm mẫu giáo Trung ương cho rằng, đội ngũ giáo viên hiện còn hụt hẫng, trong khi đội ngũ kế cận không có. Việc cải tiến chương trình, sách giáo khoa, phân ban, đổi mới thi cử... chưa đâu vào đâu. Điều kiện cơ sở vật chất ở nhiều trường còn chậm hàng thập kỉ so với nước ngoài. Các trường chưa chuẩn bị đủ điều kiện thực thi chiến lược nên trước hết cần tăng cường củng cố cơ sở vật chất cho các trường.

Cũng phản ánh về cơ sở vật chất, bà Nguyễn Thị Tĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội có ý kiến, trước mắt, Bộ GD&ĐT cần có mô hình chuẩn cho giáo dục các cấp. Hiện, chỗ chơi, chỗ ăn, chỗ học ở các trường phổ thông vẫn nguyên như cũ. Nên chăng, cần tính đến việc tổ chức bán trú tại trường cho khối lớp này để quản lý việc học của các em. Chúng ta đang quá chú trọng bàn bạc các giải pháp đến học tập văn hóa nhưng chưa quan tâm đến việc phát triển bộ môn khác, chưa có các dụng cụ cho các môn nhạc, họa... để đào tạo toàn diện.

Theo bà Tĩnh, đời sống giáo viên hiện còn khó khăn. Do chưa có chỗ ở, chỗ làm việc tại trường nên hết giờ, giáo viên lại về nhà, do đó rất phân tâm, chưa chú trọng vào công việc. Ngoài ra, việc bồi dưỡng giáo viên hàng năm hiện vẫn chưa đáp ứng đủ. Chưa có bồi dưỡng phương pháp giảng dạy mới thường xuyên nên nhiều giáo viên còn rất mơ hồ. Vì vậy, giải pháp đưa ra, nên chăng cần có các lớp học trực tuyến cho đội ngũ nhà giáo.

PGS.TS Nguyễn Mộng Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến (TPHCM) cũng chia sẻ, chất lượng giáo viên là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay. Nhiều vị mang danh tiến sĩ, thạc sĩ nhưng không có kiến thức sư phạm. Trong khi nhiều cử nhân, chưa có học hàm học vị nhưng kiến thức sư phạm tốt, vì thế, cần có nhiều lớp bồi dưỡng hơn nữa cho giáo viên.

Cùng với ý kiến cần nâng cao đời sống giáo viên, một đại biểu tại điểm cầu Cần Thơ cho rằng, đời sống của giáo viên mầm non hiện còn rất khổ, chưa được quan tâm nhiều, thời gian làm việc lớn nhưng lương thấp. Chúng ta không nên đổ lỗi cho họ mà ngược lại, cần tôn vinh và cần nghiên cứu để làm lại lương cho đội ngũ giáo viên mầm non.

Theo Thứ trưởng Bành Tiến Long, đóng góp của các đại biểu phần lớn đều xác đáng. Chiến lược chưa làm rõ được những chủ trương, những tư tưởng lớn và chưa có sức nặng. Cách viết phù hợp với một nghị quyết hơn là 1 chiến lược quốc gia... Vì thế, Bộ GD&ĐT sẽ có điều chỉnh phù hợp.

Theo Giadinh.net

Trên 24 tỷ chi trả phụ trội cho giáo viên mầm non

Sau một loạt bài về phụ trội cho giáo viên mầm non (GVMN) của Báo Giáo Dục TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà vừa có công văn 550 gửi Sở GD-ĐT, các quận huyện. Theo đó, chấp thuận cho GVMN công lập và công lập tự chủ tài chính được hưởng chế độ trả lương làm thêm giờ do phải đi sớm về trễ để đón trả cháu với số giờ làm thêm là 200 giờ/người/năm. Kinh phí chi trả lương làm thêm giờ cho GVMN hằng năm sẽ được cơ cấu vào trong định mức chi sự nghiệp giáo dục khối mầm non. Riêng năm 2009, ngân sách thành phố cấp bổ sung kinh phí ngoài định mức đã phân bổ cho khối giáo dục với số tiền hơn 24,422 tỷ đồng.

Cũng tại công văn này, UBND TP đã chấp thuận mức chi cho 1 học sinh (HS) chuyên là 8.134.000đ/HS/năm và được áp dụng trong năm 2009. Ngoài định mức chi trên, Sở GD-ĐT phối hợp Sở Tài chính hướng dẫn các trường có HS lớp chuyên căn cứ vào chính sách quy định hiện hành lập dự toán hàng năm gồm các chế độ như phụ cấp bồi dưỡng HS giỏi đội tuyển quốc gia, TP; chế độ khen thưởng giáo viên và HS giỏi; chế độ tham quan học tập nước ngoài đối với giáo viên...

Theo Báo Giáo Dục TP.HCM