Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những hoạt động với chủ đề bản thân.


Trong tập hợp một số trò chơi đơn giản của nước ngoài về dạy trẻ hiểu biết về bản thân, các giáo viên sẽ thấy: Dù ở bất cứ nước nào, giáo dục mầm non cũng có những trò chơi đơn giản, nhưng cuốn hút và sôi nổi nhằm mục đích giúp các bé học mà chơi - chơi mà học, hình thành hiểu biết về bản thân mình một cách tương tự nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Đây là bài tham khảo cho giáo viên, mang tính chất mô hình tham khảo, các trò chơi mới trên Thế giới (một số tương đồng các trò chơi được khuyến khích sử dụng đã có trong trường Mầm non Việt Nam). Hy vọng trong bài mở rộng này, các giáo viên sẽ tìm cho mình được 1 số trò chơi thú vị của đồng nghiệp nước ngoài, ứng dụng cho hoạt động vui chơi của bé thêm phong phú và sinh động.

Mỗi đứa trẻ là duy nhất:

• Giúp trẻ nhận thức giá trị của bản thân trong một thể toàn diện. Nói chuyện với trẻ từ dáng vẻ bề ngoài cho đến tính cách, cho trẻ biết rằng trẻ giống các bạn khác, và không giống các bạn khác ở điểm gì. Ngoài ra, hãy giúp trẻ nhận ra rằng trong cuộc sống, không ai giống nhau hoàn toàn cả về hình dáng và tính cách.
• Chơi trò bịt mắt: 2 trẻ đứng đối diện nhau, 1 trẻ bịt mắt. Để trẻ cảm nhận bằng tay khuôn mặt và mái tóc bạn đối diện. Cho 2-3 trẻ bịt mắt cùng tìm hiểu 1 bạn. Mỗi trẻ sẽ cảm thấy khuôn mặt và mái tóc của cùng một người khác nhau. Từ đó trẻ hiểu rằng: Mọi người có cảm giác khác nhau với cùng một thứ.
• Ghi lại giọng nói của các trẻ trong sinh hoạt hàng ngày bình thường tại lớp. Phát cho trẻ nghe và đoán xem đó là giọng nói của ai.
• Viết tên của trẻ vào một dải giấy. So sánh các chữ cái trong những cái tên.
• Chơi trò chơi "Đoán xem đây là ai": Đưa 1 trẻ ra khỏi lớp. Nói về 3 đặc điểm của trẻ với những trẻ khác, để các trẻ đoán xem bạn đó là ai.
• Khuyến khích trẻ mang những đồ vật trẻ thích từ nhà đến lớp cho các bạn xem, thảo luận tại sao đó lại là đồ chơi mà trẻ thích.
• Tạo ra những dấu in bàn tay và bàn chân, so sánh dấu chân và dấu tay của mình với các bạn khác cùng lớp.
• Trẻ có thể bắt đầu tìm hiểu sự khác biệt giữa các chủng tộc, dân tộc, hay giữa cá nhân bằng cách so sánh sự khác biệt về: màu da, mái tóc và kiểu mắt... Tạo những hình vẽ minh họa sự khác nhau giữa các bạn trong lớp về mắt, tóc...
• Để trẻ vẽ bức chân dung tự họa lên 1 trang giấy. Cho trẻ tự tưởng tượng ra kiểu tóc, và cho phép chúng bổ sung những đặc điểm mong muốn trong bản vẽ.
• Cung cấp cho mỗi trẻ một hộp giấy lớn vừa đủ và 1 tập giấy. Để mỗi trẻ trang trí vào tờ giấy và dán lên hộp để tạo ký hiệu đánh dấu hộp của mình riêng. Khuyến khích trẻ bỏ đầy vào hộp với những đồ vật cá nhân, như các bức ảnh của trẻ, bài vẽ, bài điền số... Kiểm tra lại hộp của mình sau một thời gian nhất định. Có thể thay lại hình vẽ đánh dấu nếu cần.
• Sử dụng một kính hiển vi để phóng đại, nhìn xem tóc, da và móng tay.
• Dán một số tờ giấy lên tường. Đặt một nguồn sáng hoặc máy chiếu, đèn pha ở trước tờ giấy, để cho ánh sáng chiếu nhẹ lên nó. Để 1 số trẻ ngồi nghiêng trong khu vực nguồn sáng. Theo dõi bóng của trẻ trên giấy. Yêu cầu 1 số trẻ khác lấy bút vẽ bóng và cắt ra.
• Cho trẻ nhìn vào những cuốn tạp chí và cắt tranh của các đồ vật trẻ thích. Chúng có thể vẽ những cái bóng của đồ vật, và tạo ra tranh nghệ thuật cắt dán.
• Thu thập tài liệu liên quan tới bạn bè: Cắt những tờ giấy vuông, sáng màu, nhiều màu sắc. Đưa cho mỗi trẻ 1 hình vuông. Để bạn trang trí hình vuông và thậm chí dán ảnh của trẻ lên, dán hạt vòng... Ghim các hình vuông sát cạnh nhau lên bảng thông báo. Giáo viên có thể trực tiếp tham gia bằng cách cũng trang trí hình vuông và viết tên mình, treo lên bên cạnh các hình vuông của trẻ.

Sự phát triển của trẻ:
• Hỏi trẻ lớn lên muốn làm gì, và tại sao.
• Trao đổi, để trẻ nghĩ đến một số điều trẻ không thể làm bây giờ nhưng có thể làm khi trẻ lớn hơn. (Giống như có những điều trẻ có thể làm bây giờ, mà khi bé hơn trẻ không làm được)
• Đóng vai theo chủ đề, chủ đề cuộc sống trong gia đình, với sự tham gia của trẻ trong các vai chơi: Ông, bà, bố, mẹ, em bé, anh chị... giống như trẻ quan sát thấy trong hằng ngày. Trẻ cũng có thể đóng kịch những hoạt động khác diễn ra quanh gia đình: Đi chợ, đi cắt tóc, đến cửa hàng ăn...
• Giáo viên có thể giúp trẻ đánh giá những kỹ năng phát triển và khả năng vận động bằng cách hướng dẫn trẻ: chạy, nhảy, ném bóng, đi trên đầu ngón chân, tô màu, chia sẻ đồ dùng đồ chơi...

Mỗi đứa trẻ là một phần của một gia đình:

• Có những đứa trẻ được đặt tên theo quy tắc riêng của gia đình, hãy thảo luận với trẻ tại sao cách đặt tên này lại là quan trọng.
• Thảo luận về những công việc cần phải được hoàn thành ở nhà. Dạy trẻ hiểu rằng: Trong gia đình, mọi thành viên cùng sống và làm việc với nhau.
• Phát cho trẻ hồ dán, giấy màu, vải vụn, màu, sáp... yêu cầu trẻ vẽ hoặc cắt dán về gia đình mình: ông bà, cha mẹ, anh chị em, cô dì chú bác
• Trẻ kể về gia đình mình theo sản phẩm đã làm được. Trẻ có thể giải thích mỗi quan hệ của trẻ với từng thành viên trong gia đình - qua tranh vẽ, cắt dán. Trẻ cũng có thể tự nghĩ ra một đoạn kịch ngắn nói về gia đình mình.
• Phát cho trẻ 2 tờ giấy A4 hoặc A3 lớn, cho trẻ in tay mình vào chậu màu nhẹ (các màu ưa thích) rồi in lên giấy. Phơi khô. Cuối ngày phát cho trẻ 1 bản mang về, 1 bản giữ lại ở lớp, đóng thành quyển, để tại góc bản thân - gia đình.

Có nhiều cách thể hiện cảm xúc khác nhau:
• Yêu cầu trẻ vẽ những khuôn mặt thể hiện cảm xúc: Buồn phiền, lo lắng, tức giận, vui mừng, đau đớn, hạnh phúc...
• Cung cấp một số kịch bản và yêu cầu trẻ xác định cảm xúc trong các tình huống: Ngã xe - Đau đớn. Được bố mẹ khen - Hạnh phúc...
• Để trẻ cắt những bức tranh có khuôn mặt thể hiện những cảm xúc khác nhau từ các tạp chí, sách báo, lịch cũ.

Ngọc Mai mamnon.com