Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cơ sở mầm non tư thục:Thiếu đủ thứ


Lần đầu tiên, các cơ sở giáo dục mầm non được ngành giáo dục đưa ra "cân đong đo đếm" sau một thời gian dài phát triển. Cũng tại đây, người ta nhận thấy rằng, không chỉ ở vùng khó khăn, mà ngay cả những vùng thuận lợi, cơ sở giáo dục mầm non thư thục cái gì cũng thiếu.

Giáo viên không yên tâm dạy
Trong 58/63 tỉnh thành có báo cáo về Bộ GD&ĐT, toàn quốc có 822 trường mầm non tư thục (MNTT) chiếm 7% tổng số trường mầm non, mẫu giáo và nhà trẻ độc lập. Số trường này trông giữ khoảng 13.61% tổng số trẻ mầm non ra lớp. Tổng số giáo viên MNTT là 24.518 người. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên MNTT thiếu ổn định (hợp đồng ngắn hạn 3 - 6 tháng, công nhật), thu nhập rất khác nhau. Nơi cao nhất là 3.5 triệu đồng/tháng/ người như Bình Dương, TPHCM... nơi thấp chỉ 600.000 - 800.000 đ/tháng/người như Bắc Giang, Hà Nội. Do vậy, giáo viên không an tâm công tác, rất ít khi tham dự các hoạt động hội họp, sinh hoạt chuyên môn, tham quan học tập do ngành tổ chức.

Cơ sở giáo dục mầm non thư thục cái gì cũng thiếu (Ảnh: T.Xuân)

Vụ GD Mầm non, Bộ GD&ĐT cũng cho rắng chế độ chính sách đối với người lao động tại các cơ sở MNTT chưa được các chủ trường, lớp quan tâm, đặc biệt là chế độ nghỉ hè, nghỉ lễ, thai sản. Nhiều trường lớp MNTT chưa quan tâm đến việc đóng bảo hiểm cho người lao động. Hiện Đà Nẵng chỉ có 35% số giáo viên tại các cơ sở MNTT được hưởng chế độ BHXH và BHYT theo quy định hiện hành của nhà nước.

Trẻ không yên tâm học
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện chỉ có 426/822 trường MNTT được cấp phép hoạt động, chiếm 51.8%. Và số nhóm, lớp MNTT (chưa đủ điều kiện để thành lập trường) được cấp phép chỉ chiếm 43%. Như vậy, gần một nửa, hoặc hơn một nửa số trường MNTT và số nhóm, lớp MNTT chưa được cấp phép vẫn đang hoạt động. Cũng theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, đa số các trường MNTT đã cấp phép về cơ bản, cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng, đồ chơi của các trường này đều khá tốt, đạt yêu cầu theo quy chế. Tư nhiên, cơ sở vật chất của các nhóm, lớp MNTT quy mô nhỏ phòng học chật hẹp, không đảm bảo ánh sáng cho trẻ sinh hoạt; bàn ghế bếp ăn, nhà vệ sinh không đúng quy cách.

Bên cạnh đó, trình độ của giáo viên ở các trường MNTT cũng chưa hẳn đã yên tâm. số giáo viên có trình độ trung cấp sư phạm trở lên chiếm 72,5%. Một số địa phương có số giáo viên đạt tỷ lệ chuẩn cao là Lạng Sơn (91,7%), Vĩnh Phúc (89%), Hà Nội (86%)...Phần lớn số giáo viên ở các nhóm lớp trẻ chưa được cấp phép, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy còn hạn chế, việc tổ chức cho trẻ hoạt động, vui chơi theo chương trình quy định chưa bảo đảm chất lượng, một số nhóm lớp nhỏ lẻ chỉ lo cho trẻ ăn ngủ và giữ an toàn là chính. Nguyên nhân bởi cơ sở có mức thu học phí thấp, trả lương giáo viên chưa thỏa đáng nên không tuyển được giáo viên có trình độ chuyên môn, chỉ có bảo mẫu đào tạo 3 tháng, không bảo đảm yêu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ như ở Đồng Nai, TPHCM, Hà Nội.

Để các cơ sở giáo dục MNTT phát triển, tạo điều kiện cho người dân đưa trẻ đến trường, cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Giáo dục mầm non nói chung đã bắt đầu được ngành giáo dục quan tâm, đầu tư. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn cũng như còn nhiều vấn đề của ngành cần đầu tư nên sự quan tâm đó vẫn chưa thoả đáng. Làm thể nào để giáo viên tại các cơ sở này yên tâm công tác, phụ huynh yên tâm gửi con em mình? Câu hỏi này không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được.

Theo Tổ Quốc